Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Những vấn đề đặt ra

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023 - Ảnh: baoquangnam.vn

Miền núi tỉnh Quảng Nam bao gồm 9 huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số: Cơ Tu, Gié Triêng, Xê Đăng, Cor, Ca Dong… với những nét văn hóa mang đậm bản sắc của những tộc người sinh tụ trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên. Bên cạnh đó, địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam là nơi giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam luôn là căn cứ vững chắc, là nơi đứng chân của Khu ủy và các cơ quan Khu ủy 5. Những di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh hiện có ở các huyện như: Phước Trà, Nước Là, Nước Oa… là minh chứng cho tinh thần cách mạng của đồng báo các dân tộc tỉnh Quảng Nam.

Trong lịch sử hình thành và phát triển, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam đã tạo dựng những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc, đặc trưng văn hóa của các dân tộc, góp phần làm đa dạng và phong phú bề dày truyền thống văn hóa của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển kinh tế, xã hội, thực trạng đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vẫn còn khó khăn, hạn chế nhất định; một số hình thái văn hóa bị tác động, ảnh hưởng của môi trường xã hội hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

1. Thực trạng và những nguy cơ mai một giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam

Hệ thống di tích: Đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi - vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và Hiệp Đức có 33 di tích được xếp hạng; trong đó có 26 di tích cấp tỉnh, 6 di tích cấp quốc gia và 3 điểm di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (1). Nhiều di tích đã và đang trở thành điểm đến của du khách khi đến với tỉnh Quảng Nam, như: hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; các di tích quốc gia Nước Oa, Phước Trà… Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn các huyện đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm, nhưng hiện mới chỉ tiến hành lập hồ sơ, khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ trình UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết kinh phí hỗ trợ tu bổ một số di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng ở miền núi.

 Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số: Ngôn ngữ được coi là một trong những thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc, là linh hồn của mỗi dân tộc; là dấu hiệu để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác; là phương tiện để trao truyền và lưu giữ văn hóa. Tuy nhiên, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị thu hẹp, khi một bộ phận thanh thiếu niên không biết hoặc ít sử dụng tiếng nói của dân tộc mình. Thực trạng đó làm cho sợi dây kết nối văn hóa truyền thống của các dân tộc có nguy cơ đứt gãy. Trước thực trạng đó, những năm gần đây, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng bộ chữ viết dân tộc Ca Dong, Bhnong, Cơ Tu... Một số huyện như Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn… đã triển khai việc dạy và học tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số trong cán bộ, công chức tại địa phương, hoặc sử dụng chữ viết trong một số lĩnh vực của đời sống. Tỉnh cũng nghiên cứu và xuất bản nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu liên quan đến văn hóa của các dân tộc như: Tiếng thông dụng C’tu-Kinh và văn hóa Làng C’tu, Văn hóa người C’tu, Từ điển C’tu-Việt, Việt C’tu...

Mặc dù đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn các bộ chữ viết, tuy nhiên việc dạy và học chữ đối với học sinh là người dân tộc thiểu số chưa thực sự có kết quả; việc ứng dụng nghiên cứu về chữ viết chưa được triển khai thực hiện. Thực trạng đó dẫn đến nguy cơ con em và bản thân cộng đồng các dân tộc thiểu số không sử dụng chữ viết của dân tộc mình.

 Trang phục truyền thống: Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng dân tộc. Tuy nhiên, trang phục truyền thống chỉ còn được các thế hệ người cao tuổi sử dụng; lớp trẻ rất ít, thậm chí không sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Chưa kể, hoàn thành một bộ trang phục truyền thống thường tốn khá nhiều công sức và thời gian, dẫn đến giá thành rất cao, trong khi ngoài thị trường, vải và quần áo may sẵn rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã, giá rẻ. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho đồng bào các dân tộc không còn quan tâm đến việc tự sản xuất, tự may trang phục truyền thống. Như vậy, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc đã và đang bị biến dạng, mất gốc và thay thế bằng các trang phục đã được cách tân mà nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục sẽ mất đi, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc do đó khó có thể phục hồi lại được.

Trong thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc được các huyện miền núi khôi phục và phát triển. Ở một số huyện như: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang… một số làng nghề/ tổ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc được phục hồi, gắn với phát triển du lịch cộng đồng để vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa tạo ra các sản phẩm du lịch. Các huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn… vận động cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, Tết, các kỳ họp quan trọng, ngày đầu tuần ở cơ quan, trường học.

 Kiến trúc truyền thống: Nhà làng truyền thống là thiết chế văn hóa truyền thống quan trọng và tiêu biểu nhất, là linh hồn của cộng đồng làng; nơi tiến hành các cuộc họp của Hội đồng già làng và cộng đồng để quyết định các vấn đề liên quan đến sản xuất, di chuyển làng, lập làng mới, xử lý vi phạm luật tục, đồng thời cũng là nơi tiếp khách quý của làng. Nhà làng là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt, lễ hội chung của làng; nơi lưu giữ những hiện vật thiêng và quý của cộng đồng. Nhận thức rõ về giá trị của nhà làng truyền thống trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc, trong những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Quảng Nam đã triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng nhà làng truyền thống. Đến năm 2020, trên 70% số thôn trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhà làng truyền thống.

Tuy nhiên, việc khôi phục, sửa chữa nhà làng truyền thống của các dân tộc hiện nay gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm (gỗ, tre/ nứa để dựng nhà, tranh/ lá để lợp mái); nhiều nhà văn hóa/ nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng với mục đích làm nơi hội họp, bảo tồn văn hóa các dân tộc nhưng trong nhiều trường hợp, việc xây dựng không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về không gian cảnh quan, kiến trúc, bài trí bên trong phù hợp với truyền thống văn hóa, tập quán xã hội của mỗi dân tộc, khiến không ít nhà văn hóa/ nhà sinh hoạt cộng đồng không được cộng đồng nhân dân hưởng ứng. Nhiều thôn hiện không có nhà làng truyền thống, hoặc nhà làng truyền thống đã xuống cấp, hư hỏng nhưng do khó khăn về kinh phí hoặc nguyên liệu nên chưa được xây dựng, sửa chữa.

Như vậy, nhà làng truyền thống của các dân tộc thiểu số là thiết chế văn hóa quan trọng để chuyển tải, trao truyền các giá trị văn hóa - nghệ thuật, là trung tâm đoàn kết, kết nối cộng đồng làng thì việc không có nhà làng truyền thống làm nơi sinh hoạt chung, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng sẽ dẫn đến những nguy cơ mai một về văn hóa truyền thống, làm phai nhạt, đứt gãy tính cố kết của cộng đồng.

 Nghệ thuật và lễ hội truyền thống: Tính đa dạng, phong phú của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam thể hiện rõ nét ở các lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian, đặc biệt là kho tàng văn học dân gian, âm nhạc truyền thống với nghệ thuật cồng/ trống chiêng đặc trưng nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Trường Sơn - Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp liên quan đến mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, như các luật tục liên quan về bảo vệ rừng già, sông, suối, nguồn nước... nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực của con người đối với môi trường sinh thái. Tuy nhiên, các loại hình nghệ thuật và lễ hội truyền thống của các dân tộc đang đứng trước thực trạng có nhiều biến đổi: nhiều thôn làng không còn lưu giữ các bộ trống, chiêng do bị hư hỏng, mất mát bởi thời gian và chiến tranh; các điệu múa trống, chiêng do đó ít được thực hành trong cộng đồng dân cư mà chủ yếu tập trung vào những người lớn tuổi; các lễ hội truyền thống ít được tổ chức thường xuyên tại các thôn, thậm chí ở nhiều cộng đồng từ lâu không còn tổ chức lễ hội; một số lễ thức liên quan đến sản xuất nông nghiệp ít được cộng đồng các dân tộc quan tâm thực hành, tái hiện hoặc đã phai nhạt; các loại hình dân ca, dân vũ ít được sử dụng, lưu truyền và phổ biến, đặc biệt trong lớp trẻ. Chưa có các cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên các nghệ nhân - người nắm giữ các tri thức về di sản để thực hiện trao truyền di sản trong cộng đồng.

Những năm gần đây, việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản phi vật thể được quan tâm; trong đó bao gồm việc kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia theo Thông tư 04/2010 ngày 30-12-2010 của Bộ VHTTDL. Hơn 10 năm triển khai công tác kiểm kê đã giúp nhận diện sức sống cũng như giá trị của mỗi loại hình di sản đang tồn tại và được cộng đồng thực hành; đồng thời xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 14 di sản; trong đó có 4 di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh gồm: múa tâng tung da dá, nghề dệt thổ cẩm, nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu, trang trí cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor.

Như vậy, trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các loại hình văn hóa như ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, nghệ thuật và lễ hội truyền thống… đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo đó của các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam được trao truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó trong đời sống của từng gia đình, dòng họ và cộng đồng dân tộc... và đang tiếp tục phát huy giá trị trong việc cố kết cộng đồng, lòng tự tôn dân tộc, khích lệ tình yêu quê hương, đất nước; nhiều giá trị đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh... Những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam đã trở thành nhân tố cơ bản cho sự phát triển bền vững xã hội vùng miền núi phía Tây của tỉnh, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và quốc phòng vùng biên giới của đất nước.

2. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam

Từ thực tế công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số thời gian qua nói chung, công tác triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025” nói riêng, có thể nhận thấy nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, hoặc có thể biến mất trong đời sống của nhiều cộng đồng nếu không có các biện pháp hỗ trợ bảo tồn. Nhiều cộng đồng, văn hóa truyền thống không còn được coi là cốt lõi, là linh hồn của dân tộc. Tiếng nói, chữ viết, trang phục không còn hoặc ít được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Nhà ở của người dân tại nhiều nơi, nhất là tại các khu tái định cư chủ yếu theo kiến trúc người Kinh. Việc khôi phục, sửa chữa nhà làng truyền thống có nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm và đang có nguy cơ hiện đại hóa với các nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn. Một số lễ hội truyền thống hoặc không còn được tổ chức, hoặc tổ chức một cách miễn cưỡng. Các bộ cồng chiêng, cả trong nhân dân và thuộc sở hữu của cộng đồng đã và đang dần bị mất mát, hư hỏng bởi thời gian và chiến tranh… Sự mai một của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số còn thể hiện ở yếu tố suy giảm số nghệ nhân dân gian - những người được coi là “báu vật sống”, lưu giữ một kho tàng văn hóa dân tộc mà nếu không phát huy vai trò của các nghệ nhân, việc triển khai và duy trì các hoạt động bảo tồn, phát huy gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ di sản bị thất truyền.

Trên cơ sở thực trạng đó, trong giai đoạn tới, chúng tôi nhận thấy cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; sự giám sát của Mặt trận, đoàn thể các cấp; coi việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, miền núi gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tham mưu ban hành những chính sách mới để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những di sản đang có nguy cơ mai một như: hỗ trợ bảo tồn nhà làng truyền thống, chữ viết, trang phục, lễ hội, nhạc cụ... Đồng thời tập trung nghiên cứu và triển khai áp dụng các đề tài nghiên cứu về văn hóa, thể thao và du lịch.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1196/QĐ-UBND gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đối với các xã đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã gắn với đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều hành và cộng tác viên của Trung tâm. Thường xuyên đổi mới phương pháp và nội dung hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

 Tuyên truyền để mỗi người dân nhận rõ việc bảo tồn, phát huy văn hóa nói chung, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng chỉ có thể đạt được hiệu quả khi mỗi người dân tự giác tham gia. Do đó, việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy trong họ niềm tự hào đối với văn hóa truyền thống của dân tộc mình là việc làm có ý nghĩa để hướng mỗi người dân chủ động, tự giác trong các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Chỉ khi người dân có ý thức trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống thì việc tổ chức các hoạt động tại cộng đồng mới thực sự có hiệu quả. Việc tuyên truyền, vận động phải làm đồng bộ với nhiều hình thức khác nhau: qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động và sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa tại cơ sở, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống mỗi dân tộc và điều kiện của từng địa phương; nội dung phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân dễ dàng tiếp thu và tự giác chấp hành. Làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống.

 Để đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, chúng tôi nhận thấy cần thiết phải hỗ trợ kinh phí để mua sắm các nhạc cụ truyền thống như trống, chiêng; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, nghệ thuật truyền thống và các di sản thuộc danh mục di sản phi vật thể quốc gia; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, các nghệ nhân, người nắm giữ các bí quyết, kỹ năng thực hành văn hóa truyền thống và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, truyền thống của mỗi dân tộc. Tổ chức các lớp truyền dạy di sản; trong đó quan tâm các nhóm cộng đồng và lớp trẻ để đào tạo đội ngũ kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

 Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ từ cơ sở đến cấp huyện. Qua đó, vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa lựa chọn nghệ nhân, diễn viên để tham gia các liên hoan, hội thi, Ngày hội văn hóa cấp tỉnh.

Kết luận

Có thể nhận thấy, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam trong những năm qua luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra đa dạng và phong phú, từng bước đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số được triển khai từ tỉnh đến các huyện. Qua đó, đã bước đầu nhận diện những giá trị đặc trưng của văn hóa truyền thống các dân tộc, đã xác định các nguy cơ mai một của một số loại hình văn hóa để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, đặc biệt do tác động mạnh mẽ của thời đại công nghệ, kỹ thuật số nên những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đang có nhiều biến đổi và thách thức. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng có xu hướng mai một và có sự pha tạp với các yếu tố văn hóa của các dân tộc khác. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc còn hạn chế. Một số địa phương, nhất là các địa phương miền núi còn thiếu thiết chế văn hóa. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa nhìn chung đang trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, không đảm bảo về diện tích; thiếu công trình phụ trợ cho các hoạt động văn hóa.

Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ xã, huyện, tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã rất nỗ lực, đồng thuận, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi. Có thể thấy, tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai hiệu quả chiến lược công tác dân tộc. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực không ngừng và thành công đã đạt được, chắc chắn sẽ là tiền đề để tỉnh Quảng Nam tiếp tục khắc phục những khó khăn, thực hiện tốt các kế hoạch phát triển công tác dân tộc để từng bước giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong tỉnh trong thời gian tới.

____________________

1. Gồm: Đèo Bù Lạch (huyện Tây Giang), Bến Giằng (huyện Nam Giang) và Khâm Đức - Chỉ huy sở tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn (huyện Phước Sơn).

TRẦN VĂN DŨNG - TS  NGUYỄN LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;