Tối ngày 17-5-2025, tại Rạp Hồng Hà (51A Đường Thành, Hà Nội), Nhà hát Tuồng Việt Nam mang đến một đêm diễn đầy cảm xúc và ý nghĩa, làm lay động trái tim khán giả Thủ đô với vở diễn mang tên “Không còn đường nào khác”. Vở diễn không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật tuồng đặc sắc mà còn là lời tri ân sâu sắc nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890–19/5/2025).
Điểm nhấn của vở diễn là sự xuất hiện của hình tượng Bác Hồ trên sân khấu tuồng
Kịch bản Không còn đường nào khác do tác giả Văn Sử chấp bút, dựa trên những tư liệu lịch sử quý giá từ truyện ký cùng tên của Thiếu tướng Quân đội Trần Văn Phác và tác phẩm Chiến sĩ rừng dừa của nhà văn Bích Thuận. Vở diễn tái hiện một cách chân thực và sống động giai đoạn lịch sử hào hùng của cách mạng miền Nam, đặc biệt là phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre và hình ảnh kiên cường của nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Hiệp định Genève vừa ký kết chưa ráo mực, thực dân Pháp đã bội ước, và ngay sau đó là sự can thiệp của đế quốc Mỹ, đẩy đất nước ta vào tình thế chia cắt, chiến tranh trường kỳ. Miền Nam, đặc biệt là Bến Tre - cái nôi của cách mạng - trở thành tâm điểm của sự đàn áp khốc liệt từ Mỹ - Diệm. Máy chém lê khắp nơi, đồng bào bị làm nhục, sát hại. Nhiều gia đình tan nát, nhiều chiến sĩ cách mạng bị giết hại, để lại bao nỗi đau xé lòng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, tình quân dân vẫn luôn bền chặt, đồng lòng đấu tranh bảo vệ dân tộc.
NSƯT Đỗ Quyên thể hiện vai nữ anh hùng Nguyễn Thị Định
Trong bối cảnh Không còn đường nào khác, ngoài việc vùng lên đấu tranh, vở diễn đã khắc họa sâu sắc ý chí quật cường của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và các đảng viên cùng người dân Bến Tre, đứng đầu là nữ anh hùng Nguyễn Thị Định. Chính ý chí sắt đá “thà chết không chịu làm nô lệ” đã thôi thúc họ làm nên cuộc Đồng Khởi lịch sử, vang dội khắp miền Nam.
NSƯT Đỗ Quyên, trong vai chính - nữ anh hùng Nguyễn Thị Định chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: “Được hóa thân vào nữ anh hùng Nguyễn Thị Định là một niềm vinh dự đối với tôi. Khi vào vai nhân vật này, tôi mới thực sự thấu hiểu sâu sắc những gian khổ, hy sinh mà nữ anh hùng Nguyễn Thị Định và bao thế hệ cha ông chúng ta đã trải qua. Nữ tướng Nguyễn Thị Định là một biểu tượng của khí phách kiên cường, và tôi đã dốc hết tâm huyết, vận dụng tất cả những nét đặc trưng của đào võ trong nghệ thuật tuồng - từ giọng nói, vũ đạo đến thần thái để khắc họa chân thực nhất hình tượng của bà”.
NSƯT Đỗ Quyên cũng nhấn mạnh thông điệp mà vở diễn muốn gửi gắm, cũng chính là lời nhắc nhở vang vọng ở cuối vở: “Chúng ta - những người đang sống hôm nay nguyện xứng đáng với những người đã khuất. Để có được cuộc sống hòa bình, cơm no áo ấm như ngày nay, cha ông ta đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu, mất mát và hy sinh. Vậy, mỗi chúng ta sẽ làm gì và sống như thế nào để thật sự xứng đáng với công lao ấy?”.
Vở tuồng tái hiện giai đoạn lịch sử đầy đau thương nhưng vô cùng anh dũng của nhân dân miền Nam sau Hiệp định Genève
Một trong những điểm nhấn đặc biệt, mang lại xúc cảm mạnh mẽ cho khán giả chính là sự xuất hiện của hình tượng Bác Hồ trên sân khấu tuồng. Trong những giây phút gian nguy, tưởng chừng như bế tắc nhất, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã tìm thấy niềm tin và sức mạnh từ hình ảnh của Bác. Phiên bản phục dựng gần đây của vở diễn thậm chí còn táo bạo hơn khi đưa Bác Hồ trực tiếp thoại và hát tuồng trong cảnh gặp gỡ đồng bào miền Nam, tạo nên một khoảnh khắc thiêng liêng, nhân văn và đầy tính biểu tượng. Đây là một sự sáng tạo đầy ấn tượng, cho thấy sự linh hoạt và khả năng đổi mới của nghệ thuật tuồng trong việc truyền tải những thông điệp lịch sử và tư tưởng vĩ đại.
Không còn đường nào khác lần đầu tiên được cố đạo diễn NSƯT Đoàn Anh Thắng dàn dựng vào tháng 11-1986 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Thời điểm đó, việc đưa đề tài hiện đại vào tuồng là một thử nghiệm táo bạo và đầy ý nghĩa. Sau đó, vở được phục dựng vào năm 1994, tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật và lịch sử. Gần đây nhất, vào năm 2022, tác phẩm đã được NSND Lê Tiến Thọ cùng ê-kíp sáng tạo dày công dàn dựng và nâng cao, mang đến một hơi thở mới nhưng vẫn giữ trọn vẹn tinh thần và nội dung cốt lõi của vở diễn.
Vở diễn được đông đảo khán giả Thủ đô đón nhận
Vở diễn là lời tri ân sâu sắc gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại đã soi đường, thắp sáng con đường độc lập - tự do cho tổ quốc. Đặc biệt, vở diễn cũng nhắc nhở chúng ta về tình yêu mà Bác Hồ dành cho nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật tuồng. Bác không chỉ là một khán giả say mê mà còn là người thấu hiểu sâu sắc giá trị của nghệ thuật dân tộc. Từng lời dặn dò của Bác: “Diễn hay, mà còn phải để dân hiểu, dân thương”, “Tuồng tốt đấy, đó là vốn quý của dân tộc nhưng cần phải cải tiến, không nên giẫm chân tại chỗ, chớ có gieo vừng ra ngô” đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ nghệ sĩ tuồng và những người làm nghệ thuật truyền thống.
Vở tuồng Không còn đường nào khác không chỉ đưa người xem trở về với những trang sử hào hùng, khơi gợi lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh cao cả đã làm nên một Việt Nam độc lập, tự do hôm nay, mà còn là một bài học lịch sử sống động, tiếp thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG