“Khát vọng phát triển” - Dự án phim tài liệu lớn nhất của VTV

“Khát vọng phát triển” là dự án phim tài liệu lớn nhất, kéo dài nhất của Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự từ trước tới nay. Đây cũng là dự án được Trung tâm huy động mọi nguồn lực từ con người, thiết bị và thời gian. Mục đích của Dự án là tạo ra một vệt tuyên truyền đậm nét trên kênh VTV1 về việc thực hiện Khát vọng phát triển của toàn Đảng, toàn dân trên 63 tỉnh thành và tất cả các lĩnh vực, ngành quan trọng của đất nước. Khát vọng ấy được hiện thực hóa qua những câu chuyện cụ thể, con người cụ thể.

Dự kiến sẽ có khoảng 180 tập phim, thời lượng của mỗi tập phim từ 26 - 28 phút, sản xuất kéo dài từ 2022 tới 2025. Các tập phim trong dự án được phát sóng định kỳ vào 20 giờ 10 phút thứ sáu hằng tuần trên VTV1, bắt đầu từ 29-4-2022, sau đó được phát lại trên các kênh vào khung giờ phù hợp. Mỗi tháng lịch phát sóng đều được cơ cấu để có nhiều vùng xuất hiện được phản ánh trên cả diện rộng, với sự bố trí đều khắp của các địa phương thuộc các vùng miền; Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên…

Dự án được chia thành những mảng nội dung chính sau: Nhóm đề tài sẽ có độ dài khoảng 70 tập phim về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nhóm đề tài về các ngành, lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế; Nhóm đề tài về các vấn đề lớn của đất nước với khoảng 40 tập phim; Nhóm đề tài về người dân, doanh nghiệp - khoảng 20 tập phim; Nhóm đề tài tổng kết, đánh giá sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 với khoảng 10 tập phim.

Cảnh làm phim "Khát vọng phát triển" được quay tại Lam Kinh - Thanh Hóa

Điểm khác biệt ở dự án này là vấn đề thể hiện. Mặc dù các tập phim đề cập đến những vấn đề lớn thể hiện khát vọng phát triển của nhiều tầng lớp, nhiều con người, nhiều thế hệ, song lại được kể một cách mộc mạc, dễ hiểu, gẫn gũi với cuộc sống, chứ không cứng nhắc, giáo điều và đặc biệt là minh họa cho các Nghị quyết của Trung ương, của các địa phương, Bộ, Ban, ngành. Vì thế sẽ dễ đến với đông đảo người xem thuộc nhiều lứa tuổi, vùng miền và đối tượng.

Hiện tại, ê-kip sản xuất đang tập trung sản xuất về một số địa phương lớn, có tầm ảnh hưởng trong từng vùng kinh tế trọng điểm, cụ thể là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Vũng Tàu, TP.HCM, Kiên Giang. Sau đó ê-kip sản xuất sẽ tiếp tục thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố từ nay đến hết năm 2022. Bên cạnh đó, những người thực hiện sẽ sản xuất phim về một số ngành, lĩnh vực quan trọng để phát vào hai tháng cuối năm là: ngành năng lượng, ngành du lịch, kinh tế tư nhân…

Điều hết sức thuận lợi khi triển khai dự án này là được Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ rất ủng hộ. Bởi đây là dự án chưa từng có từ trước đến nay trên sóng VTV1. Mặt khác, tính thời điểm để phát sóng từ 2022 tới 2025 là rất phù hợp khi thế giới có nhiều thay đổi, Việt Nam chúng ta cũng đứng trước nhiều thách thức. Vì vậy, chưa bao giờ Khát vọng phát triển lại được nhắc đến nhiều như lúc này.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam (bên phải) đang thực hiện bộ phim

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện dự án dài hơi này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Khó khăn khi triển khai dự án là nó quá lớn cả về nội dung và số lượng, đặc biệt là phát sóng đều đặn và kéo dài. Vì vậy, để hấp dẫn khán giả là một bài toán khó đối với đơn vị sản xuất. Đặc biệt, làm sao để các tập phim có sự khác biệt với nhau nhưng vẫn phải theo một cái đích đến. Đó là thể hiện được khát vọng phát triển bằng câu chuyện, chứ không phải bằng lời bình hay Nghị quyết. Trong suốt dự án là sự kết nối chặt chẽ của từng tập phim trong tổng thể dự án dài 180 tập chính là khát vọng phát triển phải được nối  tiếp từ tập này sang tập khác, cho dù nội dung của mỗi tập khác nhau. Đó chính là sợi dây kết nối, là chìa khóa để dự án phim này đạt được mục tiêu đề ra”.

Để khán giả theo dõi xuyên suốt thì đây là vấn đề đã được ê-kip tính đến ngay từ đầu. Đó là không đi theo thời gian như một series phim về lịch sử, mà là series phim có cùng chủ đề. Nghĩa là không bị format hóa hình thức thể hiện và kết cấu của từng tập phim. Vì thế, mỗi nhóm tác giả sẽ tìm ra cách thể hiện của riêng mình để tạo dấu ấn, thu hút khán giả. Còn khán giả sẽ được xem các tập phim độc lập khác nhau với sự tò mò bởi câu chuyện thực tế được kể. Ví dụ: những người quê ở Thanh Hóa sẽ rất tò mò muốn xem bộ phim về Khát vọng phát triển của tỉnh nhà thế nào qua bộ phim nói về mảnh đất quê hương.

Con người là yếu tố quyết định mọi mục tiêu đặt ra, đối với dự án này cũng vậy. Với quy mô đồ sộ, chất lượng sản phẩm đòi hỏi cao và phải đồng đều, lãnh đạo Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự đã huy động những đạo diễn, biên tập viên, phóng viên, quay phim tốt nhất, nhiệt huyết tham gia. Ngoài ra, còn có thêm một lực lượng nữa hỗ trợ cho nhóm làm nội dung để triển khai rất nhiều công việc, từ xây dựng kế hoạch sản xuất, xây dựng dự toán, tổ chức sản xuất, chủ nhiệm… Bên cạnh đó, mỗi ê-kip đều lựa chọn thêm các cộng tác viên giỏi để tham gia ở một khâu nào đó trong quá trình sản xuất. Mục đích là huy động mọi nhân lực tốt, phù hợp cho từng tập phim.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long – Phó Giám đốc Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự cũng chia sẻ: “Đây là dự án phim về Khát vọng phát triển, vì thế mục tiêu của cả dự án và từng tập phim thể hiện được Khát vọng phát triển của Đảng, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp qua các chủ đề cụ thể. Vì vậy, mọi hình thức thể hiện đều được khai thác để đạt mục tiêu này. Nói cách khác, là không giới hạn hình thức thể hiện. Nhưng có điều cần khẳng định là, phải thấy được sự gần gũi với thực tế cuộc sống, không khiên cưỡng, không giáo điều và “Nghị quyết hóa”. Điều này được xác định từ đầu và xuyên suốt dự án. Vì thế, phim có hơi hướng về triển khai Nghị quyết nhưng rất ít thấy xuất hiện văn bản, giấy tờ, họp hành, khẩu hiệu, pano. Khát vọng phát triển đều ở trong mỗi người, đặc biệt là người trong cuộc. Vì vậy, phải rút khát vọng ấy ra bằng hành động, lời nói trong từng hình ảnh, từng lời tự sự của nhân vật.

Cảnh làm phim tài liệu "Khát vọng phát triển"

Đó là chúng ta, mỗi người, đặc biệt là lãnh đạo từ Trung ương xuống địa phương ở vị trí của mình hãy thắp lên ngọn lửa Khát vọng phát triển bằng tình yêu, trách nhiệm với công việc, với cơ quan, với ngành, với địa phương để Việt Nam phát triển hùng cường trong tương lai. Tương lai ấy đến nhanh hay chậm phụ thuộc vào tất cả chúng ta. Hãy hành động, thay vì chỉ nói. Tâm huyết với mục đích trong sáng, mỗi ngành, địa phương và cả đất nước sẽ đạt được những thành tựu lớn. 5 năm tới, 10 năm tới và xa hơn, Việt Nam sẽ phát triển tới đâu phụ thuộc vào hôm nay chúng ta bắt đầu như thế nào.

Đó là cơ hội để thể hiện nghề nghiệp ở thể loại phim tài liệu. Đó là dịp để làm mới mình thông qua cách thể hiện mới mẻ, hấp dẫn trong bối cảnh, khán giả ngày càng hiểu biết hơn, khó tính hơn”.

Dự án được thực hiện theo mô hình sản xuất theo nhóm, với chuyên môn hóa ở mức độ cao của từng vị trí được phát huy tối đa. Tuy nhiên, những người làm phim cũng gặp một thách thức lớn, đó là đội ngũ làm phim tài liệu của đơn vị phải vượt lên chính mình để thích ứng với xu hướng làm phim tới gần hơn với khán giả. Cho dù, đề tài chính luận có khô, cứng thì việc thể hiện sao cho hấp dẫn chính là chìa khóa để người làm phim thành công trong tương lai.

NGỌC BÍCH

;