Sự thích ứng của điện ảnh

Những năm qua, nhiều nhà làm phim và nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đã có kinh nghiệm thích ứng với sự phát triển của cơ chế thị trường, khi nó tạo ra sự năng động của mỗi cá nhân và xã hội.

1. Sự thích ứng như một truyền thống tốt đẹp, bản sắc riêng

Trong lịch sử, đa phần các dân tộc trên thế giới đều cho thấy sự phát sinh, phát triển và thoái trào của những truyền thống, trong đó có truyền thống tốt đẹp và truyền thống xấu. Sự thay đổi của truyền thống như là một quy luật mà nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc cho rằng: “tất cả mọi truyền thống đều là thay đổi. Đây quả là một nhận định sâu sắc và đúng đắn rất biện chứng” (1). Thừa nhận truyền thống tốt và truyền thống xấu luôn song hành trong xã hội, văn hóa, lối sống… của các dân tộc, trong đó có Việt Nam, cố GS Trần Quốc Vượng từng xác định; “tổng thể văn hóa Việt Nam, đều có cả truyền thống tốt, tiến bộ và truyền thống xấu, lạc hậu” (2). Nhưng bên cạnh sự phát huy truyền thống tốt đẹp như một phẩm chất, điều đáng nói là người Việt luôn cho thấy bản sắc riêng của mình, đúng như có cơ sở để xác định phẩm chất như một hằng số bất biến và cũng là nét tích cực chủ yếu của người Việt là: “thích nghi để tồn tại” (3), không phải ngẫu nhiên khi có thể khẳng định: “sự thích ứng với mọi hoàn cảnh là bản sắc riêng của người Việt” (4).

Về sự thích ứng, trước hết là cách xử lý khó khăn, liên quan đến nghệ sĩ và người lao động trong lĩnh vực điện ảnh. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cùng với điện ảnh thế giới, điện ảnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc bảo đảm hoạt động ổn định và bền vững cho cả sản xuất, phân phối và chiếu phim của điện ảnh trong nước là bài toán nan giải đòi hỏi các cấp, ngành quản lý, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất loại hình nghệ thuật thứ bảy có lời giải hữu hiệu. Bởi chỉ tính việc sử dụng nguồn nhân lực, điện ảnh và các dịch vụ đi kèm đang cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Việc mở rộng hoạt động sản xuất phim ở Việt Nam đã tạo ra việc làm mới, bao gồm nhân viên chính thức và phần lớn có thể là lao động tự do. Hầu hết việc làm phim được tạo ra bởi sản xuất đòi hỏi một lực lượng lao động có tay nghề cao và được đào tạo tốt, điều này cũng khuyến khích một lực lượng lao động di động và linh hoạt với các kỹ năng, khả năng có thể chuyển sang những ngành công nghiệp khác ở trong và ngoài nước. Với ý nghĩa đó, việc đóng cửa hệ thống các rạp chiếu phim và ngừng phát hành phim trong một thời gian dài đồng nghĩa với việc nhiều nghệ sĩ và người lao động trong lĩnh vực điện ảnh phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Chưa kể, nhiều ngành nghề khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với điện ảnh như du lịch, thời trang, quảng cáo,... cũng chịu những thiệt hại không hề nhỏ.

Sự thích ứng thứ hai là sự điều chỉnh trong sáng tác. Do đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi bởi tình hình dịch bệnh COVID-19, nên những kịch bản phim đã viết trước khi dịch bệnh xuất hiện đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Vì vậy, việc thay đổi kịch bản cần được nhà biên kịch và đạo diễn thống nhất, điều chỉnh kịp thời trong bối cảnh bình thường mới. Trong các điều chỉnh đó, cách sáng tác tập thể hiệu quả là cùng làm việc online.

Sự thích ứng thứ ba là các nghệ sĩ phải làm quen với bình thường mới trong làm phim. Bên cạnh việc thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh và các quy định về phòng chống dịch của nhà nước, các nhà làm phim vẫn phải hoàn thành công việc và tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm mới phục vụ nhu cầu của khán giả điện ảnh.

Việc thích ứng thứ tư là thủ pháp diễn xuất với khẩu trang, biết rằng người được tiêm 2 mũi vaccine, nếu không tuân thủ quy định 5K, vẫn có thể bị lây bệnh. Ngặt một nỗi, diễn viên thì không thể diễn mà đeo khẩu trang, lại bắt buộc phải tiếp xúc gần.

Việc thích ứng thứ năm là tâm thế sống chung với dịch bệnh. Tại trường quay, các nghệ sĩ “thăng hoa cảm xúc, quên hết lo lắng, nhưng khi trở về nhà phải xông hơi, xịt khuẩn và đi ngủ trong cảm giác không biết khi nào thì virus sẽ ghé thăm” (5).

Chỉ cần đề cập đến cách làm phim trong bối cảnh bình thường mới như một cách ứng biến “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” như vậy, đúng như cách định danh “tôi gọi cái bản lĩnh - bản sắc biết nhu, biết cương, biết công biết thủ, biết “trông trời trông đất trông mây…” rồi tùy thời mà làm ăn theo chuẩn mực “nhất thì nhì thục”…ấy, là khả năng ứng biến của người Việt Nam, của lối sống Việt Nam, của văn hóa Việt Nam” (6), có thể thấy những truyền thống tốt đẹp trong làm phim của điện ảnh Việt Nam vẫn đang được phát huy.

Và có thể thấy, trong sáng tác điện ảnh thời dịch bệnh hoành hành, các nội dung tiến bộ và nhân đạo của dân tộc, tự thân nó có giá trị ổn định bền vững, đồng thời vẫn tiếp tục tiếp nhận những giá trị mới phù hợp. Vì vậy, kế thừa, bảo tồn, phát triển truyền thống và hiện đại là những đặc trưng cơ bản bảo đảm cho tính dân tộc, bản sắc dân tộc của điện ảnh phát triển... cũng là một phương án thích ứng khả thi của điện ảnh hôm nay.

2. Thích ứng qua thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm điện ảnh

Bản sắc dân tộc chính là sự bảo đảm bằng vàng cho sáng tác điện ảnh Việt Nam, không chỉ trong tâm thế thích ứng mà còn trên chặng đường đi tới. Để thích ứng, cần tạo được sự khác biệt trong căn cước dân tộc tính của điện ảnh dân tộc, điều đã được nhà điện ảnh học người Pháp Georges Sadoul từng chia sẻ: “đất nước Việt Nam nằm trên dải đất Đông Dương. Tôi vẫn nghĩ rằng nền văn hóa Việt Nam, giao tiếp nhiều với hai nền văn hóa lớn Ấn Độ và Trung Quốc, tất chịu nhiều tác động. Vậy mà, xem phim Việt Nam, tôi ngạc nhiên và khoan khoái thấy nó chẳng Ấn Độ, mà cũng không Trung Quốc” (7).

Lịch sử điện ảnh thế giới cho thấy kinh nghiệm của điện ảnh nhiều nước trong khai thác thế mạnh của dân tộc mình. Nếu điện ảnh Mỹ với cách sáng tạo riêng và chuyên nghiệp trong xây dựng và tôn vinh người hùng Mỹ, thì điện ảnh Nhật có nhiều thành công trong việc thể hiện hình tượng samurai truyền thống. Nếu điện ảnh Ý chinh phục màn ảnh thế giới với đề tài chống mafia độc đáo, thì điện ảnh Trung Quốc (trong đó có các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông) nổi bật với những phim khai thác lịch sử lâu đời, nhiều nhân vật đã đi vào huyền thoại Trung Hoa, thu hút đông đảo người xem trên thế giới với những bộ phim đi sâu vào nền võ thuật kungfu nổi tiếng… Hoặc vào năm 1912, “Thụy Điển bắt đầu sản xuất một chuỗi những bộ phim có tính chất đổi mới và đặc sắc” (8) và trở thành một trong những nước đầu tiên tạo ra nền điện ảnh bằng cách có ý thức nêu bật nét đặc sắc của văn hóa dân tộc. Gần đây, điện ảnh Trung Quốc nêu ví dụ về sự thích ứng trong sáng tác qua phim Trấn Hồn. Vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ cùng tên của Priest nhưng vì lệnh cấm của Cục Điện ảnh Trung Quốc, nên phim đã phải chuyển mối quan hệ của Triệu Vân Lan và Thẩm Nguy thành tình huynh đệ, đồng thời tập trung nhiều hơn vào hành trình điều tra phá án của Cục Điều tra đặc biệt tại thành phố Long Thành. Với hành trình mới, Triệu Vân Lan và Thẩm Nguy cùng nhau truy tìm thánh khí, ngăn chặn Quỷ Diện. Bên cạnh đó, đường dây câu chuyện cũng thay đổi theo sự chuyển mối quan hệ của các nhân vật chính. Riêng điện ảnh Hàn Quốc chọn thích ứng bằng cách học hỏi triệt để từ các nền điện ảnh phát triển, nhất là Hollywood. Trong khi Trung Quốc hay Ấn Độ có sẵn thị trường nội địa tỷ dân, thì điện ảnh Hàn Quốc nhỏ bé muốn phát triển, sớm muộn cũng phải nghĩ đến việc xuất khẩu phim ra nước ngoài. Đây là chiến lược điện ảnh nếu Việt Nam muốn tham khảo thì cần được xem xét và có lộ trình từng bước thực hiện một cách bài bản. Để làm được điều đó, những bộ phim của Việt Nam phải dung hòa được với thị hiếu của khán giả quốc tế, mà vẫn giữ được bản sắc của quốc gia, dân tộc mình.

Sự thích ứng nói trên trong vận dụng công thức thành công của phim Mỹ một cách sáng tạo, và điều tương tự cũng đã mang lại hiệu quả nhất định cho nhiều phim truyện điện ảnh Việt Nam. Chẳng hạn, phim Hai Phượng mang gợi ý phấn đấu để điện ảnh Việt Nam cũng có những bộ phim bom tấn ít nhiều sánh ngang với phim Hollywood, cũng là một cái đích khả thi có thể hướng tới trong những năm tới đây. Phim Mắt biếc lại cho gợi ý khác về việc tự làm mới khi kể câu chuyện ngôn tình của lớp trẻ người Việt và cho thấy phim Việt có thể chứng tỏ được giá trị của mình với dòng phim nghệ thuật chứ không chỉ thiên về giải trí. Phim Bố già lại cho gợi ý về một cách làm phim thể hiện các nhân vật ít nhiều phù hợp với cách nghĩ, cách cảm, cách ứng xử của người Việt. Phim Ròm cho thấy sự dấn thân của những nhà làm phim trẻ trong tư duy sáng tạo, cũng như việc cố gắng thử nghiệm hướng đi mới, cùng với sự cố gắng tạo đột phá trong thủ pháp làm phim, trong dàn dựng của đạo diễn, trong dựng phim…

Nhưng để thích ứng với điện ảnh thế giới, công nghiệp điện ảnh Việt Nam, cần vừa được xây dựng, vừa từng bước được chuẩn hóa với quy mô quốc tế. Và một hướng đi cần được xác định “cứ đi rồi sẽ thành đường” là những bộ phim bom tấn pha trộn giữa phong cách Hollywood với chất liệu Việt Nam gợi ý cho thực tế những năm tới sẽ tạo nên sức hút riêng, lôi kéo khán giản đến gần hơn với văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam.

3. Thích ứng để phù hợp với một nước có quy mô sản xuất phim nhỏ và thay đổi cách tiếp cận mang tính tổng thể để tồn tại và phát triển

Hiện nay, nhiều nước bắt đầu sản xuất phim truyện với các hoàn cảnh làm phim đa dạng. Trong khoảng thời gian dịch COVID-19, nhiều nhà làm phim tập trung vào những bộ phim nhằm lôi cuốn khán giả trong nước là chính. Nhiều nước sử dụng văn học và lịch sử dân tộc như một nguồn quý báu với sự hấp dẫn mang tính địa phương cho những câu chuyện của họ. Kinh nghiệm cho thấy, chiến lược sử dụng những vấn đề thuộc về dân tộc và khai thác phong cảnh địa phương đẹp tựa tranh vẽ trở nên thông dụng tại các nước có nền sản xuất điện ảnh hạn chế.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa về văn hóa, trong đó có điện ảnh, mỗi quốc gia ngày càng trở nên pha tạp về mặt dân tộc, càng đứng trước yêu cầu thống nhất trong đa dạng. Để phù hợp, các nhà làm phim từ mọi nguồn gốc đều bị cuốn hút bởi khả năng phi thường trong việc đối đầu hay hòa hợp của con người. Để phù hợp với tình hình đó, điện ảnh Việt Nam chọn sự thích ứng để phù hợp với khả năng của một nước sản xuất phim nhỏ hơn, và như ý kiến của Bielinsky: “cuộc sống của bất kỳ một dân tộc nào cũng thể hiện ra dưới những hình thái của bản thân nó và chỉ riêng thuộc về nó mà thôi” (9), nhiều vấn đề của cuộc sống, con người, đất nước Việt Nam thông qua điện ảnh vẫn phản ánh sự quốc tế hóa đang gia tăng của điện ảnh và sự mở rộng phạm vi của bộ phận sản xuất phim độc lập. Điều đó góp phần vào dòng chảy của những nền văn hóa quốc gia tìm cách thể hiện chính mình rõ nhất, bằng cách nhanh chóng trở thành một trong những định danh có thương hiệu trong nền văn hóa điện ảnh thế giới.

Những năm qua, nhiều nhà làm phim và nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đã có kinh nghiệm thích ứng với sự phát triển của cơ chế thị trường, khi nó tạo ra sự năng động của mỗi cá nhân và xã hội. Điều đáng nói, các nhà sản xuất phim Việt Nam đã và đang hướng mục tiêu chính là làm phim giải trí và thị trường chính là phục vụ khán giả trong nước. Nhiều tác phẩm điện ảnh thời gian qua luôn tìm cách tiếp cận thị trường, đáp ứng cho được nhu cầu thưởng thức đa dạng của người xem.

Trong nền kinh tế thị trường, khía cạnh thương mại giải trí của điện ảnh được chú trọng hơn, do đó, bên cạnh việc chú trọng đầu tư về nghệ thuật và công nghệ, không thể bỏ qua các yếu tố thương mại ngay trong quá trình sáng tác, sản xuất và tiêu thụ tác phẩm điện ảnh. Trong bối cảnh này, đã hình thành cách tiếp cận coi điện ảnh là một bộ phận của các ngành công nghiệp văn hóa. Chính cách tiếp cận này đã cho phép nhiều nền điện ảnh các nước vốn có trình độ phát triển thấp, vươn lên trở thành nền điện ảnh có vị trí cao trên thế giới. Đó là cách tiếp cận mang tính tổng thể, bao hàm cả khía cạnh sáng tạo nghệ thuật, công nghệ, thương mại và yếu tố pháp lý trong cả một chu trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ tác phẩm điện ảnh; và dù muốn hay không, với sự thay đổi của khách quan, là tâm thế phù hợp để làm phim trong bối cảnh bình thường mới. Do đó, thách thức từ dịch COVID-19 cũng là cơ hội để người làm điện ảnh Việt Nam nhận diện những khó khăn bất cập, có sự điều chỉnh trong phát triển nỗ lực vượt qua khó khăn, giải quyết các bất cập, tiếp tục sáng tạo và phát triển.

4. Thích ứng từ nhân lực, thay đổi đề tài, thể loại, cách kể chuyện

Trong lịch sử của mình, điện ảnh Hollywood cũng không ít lần thay đổi, điều chỉnh trong sáng tác để thích ứng với sự phát triển và nhu cầu của khán giả. Chẳng hạn, trong thời kỳ đầu, các nhà làm phim như Thomas Ince đã hướng tới tính hiệu quả trong việc làm phim trong trường quay và việc sử dụng những kịch bản phân cảnh để kiểm soát việc sản xuất, cùng với D.W. Griffith với việc sáng tạo ra hầu hết kỹ thuật làm phim chủ yếu, họ đã cho thấy một thế hệ đạo diễn mới qua đặc trưng là khai thác hiệu quả thể loại phim hài kịch vui nhộn và phim miền Tây.

Trong vài năm gần đây, nhiều bộ phim như Hai Phượng, Mắt biếc, Bố già, Ròm… cho thấy trong điện ảnh phim truyện Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể về đề tài, thể loại. Nhưng điều quan trọng hơn chính là yêu cầu, tiêu chí khai thác thế mạnh của dân tộc, bởi vì “các nền điện ảnh nước ngoài chỉ đón nhận và đánh giá cao những tác phẩm điện ảnh mà qua đó họ hiểu biết sâu sắc về đất nước ta, nhân dân ta, về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ta” (10).

Xét về nhân lực điện ảnh, điều đó lại càng có ý nghĩa, do một thuộc tính quan trọng của bất kỳ quốc gia hay dân tộc là nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh. Bộ phim thường là một mô hình hiện đại, dễ thích nghi và sống động để thể hiện các quan điểm cá nhân, những câu chuyện và cảm xúc. Các tài năng làm việc trong ngành phim có cơ hội nghề nghiệp linh hoạt và phát triển, ở trong và ngoài nước. Các tài năng được giáo dục tốt, có trình độ hiện đại, dễ thích nghi và điều này có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài các tài năng về viết kịch bản, đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất, nhiều quốc gia ngày càng tập trung về phát triển tài năng kỹ thuật (VFX, hoạt hình và 3D) cũng như nhiều kỹ năng nghề nghiệp khác… Từ ý nghĩa đó, thực tế cho thấy ở Việt Nam, sự góp phần của lớp nhân lực làm phim trẻ, được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, với nhiều ý tưởng sáng tạo… là một lực lượng thích ứng hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Từ khoảng thập niên 80 của TK trước, nhiều nhà làm phim trẻ tài năng đã đầu quân cho những công ty sản xuất điện ảnh, trong số đó có nhiều người được đào tạo bài bản trong nước, hay từng du học ở nước ngoài về hoặc là Việt kiều ít nhiều có kinh nghiệm làm phim. Đây là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trên các phương diện như tìm kiếm nguồn đầu tư ổn định, tổ chức lại khâu phát hành, đề xuất sửa đổi những chính sách liên quan đến điện ảnh theo hướng xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Bộ phim Mắt biếc (Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX, tháng 11-2021) là một trong số ví dụ sinh động từ việc không chỉ thay đổi đề tài, thể loại mà điều quan trọng tiên quyết là từ sự thay đổi cách kể chuyện để tạo nên sự hấp dẫn. Sự hấp dẫn không do sự kiện bên ngoài, mà do diễn biến tâm lý của các nhân vật chính, cũng không cần có cảnh phòng the, bạo lực và sự kiện bên ngoài chỉ là cái cớ, chất xúc tác để tâm lý nhân vật diễn biến…

5. Thích ứng với sự ủng hộ của khán giả và làm phim trong bối cảnh bình thường mới với phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến

Cho đến nay, điện ảnh cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật đã có những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật, công nghệ sản xuất và cách thức tiếp cận khán giả. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, việc chủ động ứng phó với khó khăn, tìm hướng phát triển cho thị trường điện ảnh trong nước, nhất là đáp ứng thị hiếu của khán giả nội địa... là rất cần thiết. Các nhà phát hành, đạo diễn và diễn viên không thể kêu gọi khán giả đến rạp chiếu bóng để thưởng thức và ủng hộ phim Việt Nam vì quy định bảo đảm an toàn trước dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc các bộ phim được phát hành trong thời gian gần đây phải chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, để thích ứng, điện ảnh Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của khán giả. Cùng với hàng loạt chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, tinh thần người Việt ủng hộ phim Việt luôn tạo nên sức mạnh to lớn, chắp cánh cho điện ảnh phát triển. Điều này có sự tác động qua lại lẫn nhau, khán giả ủng hộ giúp điện ảnh phát triển, ngược lại, điện ảnh cũng luôn cần chứng tỏ được chất lượng, để xứng đáng với sự ủng hộ của khán giả.

Cảnh trong phim Mắt biếc - Ảnh: internet

Có nhiều sự thích ứng trong làm phim năm 2021, và một việc xử lý khó khăn nữa liên quan đến việc quay phim tại địa phương với bối cảnh đã được chọn nhưng phát hiện F0. Theo đó, dù chỉ quay được cảnh phim đơn giản cũng phải chọn phương án tối ưu để vừa hoàn thành tiến độ làm phim vừa tránh được dịch bệnh. Các đoàn phim luôn phải dự phòng phương án hai để xử lý rủi ro rất cao khi phải thay đổi bối cảnh, tiến độ mà không ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm. Đó là chưa kể việc thay đổi lịch quay để phù hợp với tình hình mới là một cách thích ứng khác. Theo đó, tất cả các đoàn phim đều bắt buộc phải test thử COVID-19 tại chỗ, nhất là cảnh quay trong những tòa nhà công ty. Đây là một khoản chi phí phát sinh không hề nhỏ, ảnh hưởng nặng nề tới ngân sách dự toán. Nhiều địa điểm quay ngoại cảnh đã đặt trước, đến giờ chót lại từ chối. Chính vì vậy, “nhiều đoàn phim phải ưu tiên quay trước các cảnh trong trường quay, chọn phông xanh, ghép cảnh, còn ngoại cảnh phải để sau và chờ thời điểm phù hợp về nhiều mặt mới thực hiện được” (11), gợi sự cảm phục về tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi) của các bậc tiền bối xưa trong nhiều nhà làm phim hôm nay, trong phát huy những truyền thống tốt đẹp, đã và đang nỗ lực quên mình cho sự ra đời của các tác phẩm lớn. Với sự nhất quán trong khả năng ứng biến của người Việt Nam, càng thêm trân trọng các tác phẩm lớn của các nhà làm phim Việt Nam trong bối cảnh luôn cần đòi hỏi sự thích ứng. Thực tế cho thấy, các tác phẩm lớn bao giờ cũng là tiếng nói khát vọng và tình cảm cao đẹp của dân tộc. Tâm hồn nghệ sĩ luôn gắn liền với tâm hồn dân tộc. Các phim Việt Nam có mặt ở các liên hoan phim quốc tế, được nhiều nước đón nhận và đánh giá cao, thường là những tác phẩm phản ánh hiện thực sinh động, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giàu tính nhân văn, biểu đạt được bản sắc của dân tộc Việt Nam... Vì thế, có cơ sở để tin rằng, khả năng ứng biến “dĩ bất biến, ứng vạn biến” sẽ là một điểm tựa để điện ảnh Việt Nam vượt qua những thời khắc khó khăn, như đã từng vượt qua trong nhiều giai đoạn của lịch sử điện ảnh dân tộc.

______________

1, 3, 7. Hữu Ngọc, Lãng du trong văn hóa Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2008, tr.766, 70, 1019.

2, 4, 6. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, Nxb Thời đại và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2014, tr.16, 34, 124.

5. Muôn cách thích ứng để làm phim trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, baotintuc.vn, 4-11-2021.

8. Kristin Thompson, David Bordwell, Lịch sử điện ảnh, Nxb Đại học Quốc giaNhã Nam, Hà Nội, 2007, tr.396.

9. A.Xâytlin, (Hoài Lam và Hoài Ly dịch), Lao động nhà văn, Nxb Văn học, 1968, tr.287.

10. Nhiều tác giả, Điện ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Văn hóa Thông tin, 1994, tr.352.

11. Thành Nam, Quang Minh, Vũ Quỳnh, Thích ứng để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, nhandan.vn, 31-3-2020.

PGS, TS VŨ NGỌC THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;