Ngày 21-6-2023, tại Quyết định số 1595/QĐ-BVHTTDL, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ giai đoạn 2023-2026 triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20-2-2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Theo đó, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ VHTTDL đối với công tác ngoại giao kinh tế, trong đó cần quán triệt ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xúc tiến, huy động các nguồn lực, đóng góp cho sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của ngành VHTTDL trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
Cụ thể, Kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế: Các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ VHTTDL tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ, thực chất nội dung Chỉ thị số 15-CT/TW, Nghị quyết số 21/NQ-CP và Kế hoạch hành động; đẩy mạnh nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về yêu cầu, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ của công tác ngoại giao kinh tế gắn với ngành VHTTDL... Tăng cường truyền thông, thông tin về chủ trương, ý nghĩa, hiệu quả kinh tế của các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, đặc biệt các chuyến thăm và hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, các sự kiện quốc tế nói chung và sự kiện về văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng mà nước ta đăng cai tổ chức…
Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế trong các hoạt động hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch với các đối tác song phương và đa phương: Tận dụng, tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế phục vụ phát triển. Xây dựng và triển khai hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm Chương trình đối ngoại hằng năm của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Kế hoạch đoàn ra hàng năm, các chương trình, kế hoạch của Bộ…; Chú trọng các nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế trong xây dựng và triển khai các đề án phát triển quan hệ hợp tác về văn hóa, thể thao và du lịch với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, lấy chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai ngoại giao kinh tế…; Tập trung tạo chuyển biến thực chất, chú trọng tính hiệu quả về kinh tế trong quan hệ hợp tác về văn hóa, thể thao và du lịch với một số đối tác truyền thống tương xứng với mức độ quan hệ chính trị - ngoại giao…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế: Thực hiện có hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các FTA “thế hệ mới”, các điều ước quốc tế về kinh tế, thỏa thuận kinh tế song phương và đa phương. Nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các cam kết FTA. Gắn việc triển khai hiệu quả và tận dụng tốt các cơ hội trong các FTA và các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế với việc thiết lập vị trí cao hơn của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi sản xuất, giá trị toàn cầu, phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển giao và ứng dụng công nghệ hiện đại; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết kinh tế quốc tế theo lộ trình và phù hợp với lợi ích đất nước. Đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhằm củng cố các động lực tăng trưởng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành VHTTDL: Đẩy mạnh thực hiện Quy chế vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn tài trợ của Bộ VHTTDL, Quy chế hoạt động đối ngoại của Bộ; Triển khai ngoại giao kinh tế phục vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học - công nghệ, thể hiện ở các lĩnh vực: đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng… nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, trong đó ưu tiên các dự án chuyển giao công nghệ, từng bước tiến tới sớm tự chủ công nghệ tiên tiến…; Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành VHTTDL. Thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa, thể thao và du lịch với các đối tác; đàm phán, ký kết các thỏa thuận với các đối tác tiềm năng khác…; Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế biển, du lịch biển…; Tăng cường triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đẩy mạnh và đổi mới mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tiếp tục đề xuất xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật để phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam…; Đẩy mạnh huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là về tri thức, các lĩnh vực khoa học công nghệ mới…; Đào tạo, tập huấn nâng cao nguồn nhân lực phục vụ công tác hội nhập quốc tế, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế thông qua các chương trình, lớp đào tạo, hội nghị tập huấn.
Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm: Tăng cường sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách cũng như các hoạt động đối ngoại để thúc đẩy các kết quả, dự án cụ thể, trên cơ sở lấy hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu và lấy phục vụ người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; Hỗ trợ các địa phương tiếp cận, khai thác hiệu quả các thị trường quốc tế, thu hút đầu tư, thu hút các nguồn tài chính mới; tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, sản xuất khu vực và toàn cầu…; Hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương. Tạo điều kiện để các địa phương đăng cai các hoạt động ngoại giao kinh tế và các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp; Tăng cường các cơ chế trao đổi, tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế, phục vụ các lợi ích chính trị, an ninh - phát triển, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành, phát triển các ngành VH, TT, DL: Tăng cường nghiên cứu, theo dõi, phân tích về tình hình kinh tế thế giới và khu vực nói chung và ngành VHTTDL nói riêng, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, tham mưu chiến lược về các xu hướng phát triển của kinh tế thế giới và khu vực, của ngành VHTTDL, cạnh tranh chiến lược nước lớn và tác động đối với Việt Nam…; Đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm của các nước về các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, ngành VHTTDL, luật pháp và tập quán kinh tế quốc tế, nhạy bén phát hiện các xu hướng, mô hình phát triển mới trên thế giới như kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển công nghiệp văn hóa, trí thức, nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và năng lực doanh nghiệp...; Tăng cường đối thoại chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và ngành VHTTDL với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, học giả có uy tín, bảo đảm thực chất, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu trong nước…
Bố trí nguồn lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế: Nâng cao hiệu quả tham dự, đóng góp cho hoạt động của các cơ chế Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư... song phương với các đối tác, nhất là trong đôn đốc triển khai các cam kết, thỏa thuận hợp tác; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, hướng tới chuẩn hóa tiêu chí bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế về đạo đức, bản lĩnh chính trị, kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về đối ngoại, ngoại giao kinh tế, kinh tế quốc tế, pháp luật quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế...; Bố trí nguồn lực phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho công tác ngoại giao kinh tế phù hợp với quy định pháp luật và chú trọng tính hiệu quả, thiết thực. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong ngành VHTTDL.
Theo Kế hoạch, Cục Hợp tác quốc tế được giao chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch hành động và định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
THANH DANH