Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Sẽ thông qua 7 dự án luật

Chiều ngày 17-10 tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Bùi Văn Cường – Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì buổi họp.

Cùng dự và trao đổi với báo chí còn có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà.

Các đại biểu chủ trì cuộc họp báo

Thông tin với báo chí về kỳ họp Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20-10 đến ngày 15-11-2022. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Đây là kỳ họp diễn ra vào cuối năm, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, bên cạnh đó Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động giám sát tối cao xem xét quyết định các vấn đề kinh tế xã hội cùng một số vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà thông tin về nội dung kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Sẽ thông qua nhiều dự luật quan trọng

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét 14 luật trong đó thông qua 7 dự án luật, cho ý kiến đối với 7 dự án luật và thông qua 3 dự thảo nghị quyết.

Cụ thể về các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Các dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Về các vấn đề kinh tế, xã hội, và các vấn đề quan trọng khác, tại kỳ họp lần này Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về những vấn đề sau: xem xét các báo cáo, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Ủy ban Ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư, cơ cấu ngân sách nhà nước năm 2022, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tình hình thực hiện tài chính ngân sách năm 2022 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023…

Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh những nội dung theo thông lệ, Quốc hội sẽ xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân về kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện, giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và xem xét, quyết định công tác nhân sự…

Cuộc họp đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các phóng viên báo chí trong và ngoài nước

Thông tin nhiều vấn đề được dư luận quan tâm

Trao đổi với báo chí về công tác nhân sự, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ, đối với đồng chí Nguyễn Văn Thể tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Thể giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, từ đầu nhiệm kỳ cho tới nay, đồng chí Nguyễn Văn Thể cùng tập thể lãnh đạo Bộ GTVT triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội giao cho Bộ GTVT, theo nguyện vọng cá nhân và theo sự phân công của các cấp thẩm quyền, dự kiến kỳ họp thứ 4 này Chính phủ sẽ đề xuất để miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng bộ GTVT theo nguyện vọng cá nhân và theo sự phân công của cấp có thẩm quyền. Về vấn đề này, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã có kết luận của các cấp có thẩm quyền theo nguyện vọng cá nhân và bố trí cán bộ, khi đưa ra Quốc hội sẽ thực hiện đúng quy trình theo đúng quy định pháp luật.

Tổng thư ký Quốc Hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp

Về vấn đề giá xăng dầu thu hút được sự quan tâm của xã hội, trong đó có tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa bán cầm chừng, chỉ bán từ 30 đến 50 nghìn đồng, xác định nguyên nhân do vấn đề chiết khấu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, đây là vấn đề thuộc việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, trong đó ghi nhận giá xăng dầu thế giới biến động với biên độ lớn trong khi quy trình điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới, do đó Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn, vừa đảm bảo lợi ích của người dân, trách nhiệm cũng như lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xuất nhập khẩu và nguồn cung bán lẻ xăng dầu. Cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… hiện nay Chính phủ chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội về nội dung này, khi Chính phủ có tờ trình thì các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét thẩm tra, báo cáo Quốc hội trong thời gian gần nhất. Ngoài ra báo cáo thẩm tra kinh tế, xã hội cũng đã có đề cập đến vấn đề diễn biến giá xăng dầu trong thời gian vừa qua.

Trao đổi về vấn đề thẩm tra báo cáo tổng kết Nghị quyết (NQ) 30 về các biện pháp đặc thù, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai chia sẻ, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo về kết quả thực hiện NQ 30, Ủy ban Xã hội cũng đã có báo cáo thẩm tra, trong đó có nội dung liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm dùng các quy định thị trường xử lý trong tình huống chống dịch, đây là việc xuất phát từ thực tiễn, khi Ủy ban Xã hội đi giám sát trách nhiệm phòng chống dịch ở các địa phương, và tâm tư nguyện vọng của những người tham gia chống dịch, cho thấy trong hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc”, tình huống cấp bách thì những việc phải xử lý tình thế mà không cho phép chờ đợi về thời gian, do đó một số việc trong quá trình thực hiện không theo đúng như quy định của pháp luật, ví dụ như những việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men… cần thiết có ngay, để đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu phòng chống dịch…

Theo ông Mai, trong vấn đề xử lý vi phạm cần đánh giá đúng bản chất, đánh giá đúng hoàn cảnh mà những người thực thi nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn đó, trong đó quan trong nhất là chúng ta đánh giá được họ không có mục đích cá nhân trong vấn đề này, chúng ta cũng động viên được những người tham gia công tác phòng chống dịch, đồng thời có giải pháp để sau này nếu có đợt dịch tiếp theo thì những người đó vẫn mạnh dạn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc tổng kết NQ 30 cần sâu sắc hơn nữa, và còn nhiều thông tin, nhiều sự kiện liên quan và trong đó cần có các kiến nghị, giải trình chặt chẽ chính vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, trình ra kỳ họp tiếp theo của Quốc hội.

Cũng theo ông Mai, NQ 30 đã tạo ra những chính sách đặc thù, về cơ bản nhiều chính sách đã thực hiện xong, tuy nhiên có một số chính sách tiếp tục cần phải kéo dài thời gian thực hiện. Chính vì vậy Quốc hội đề nghị tiếp tục tổng kết và báo cáo vào kỳ họp bất thường dự kiến vào cuối năm để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại buổi họp

Trao đổi về 6 nhóm vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội  chuẩn bị, đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ, để ra được 6 nhóm vấn đề này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào: thứ nhất là ý kiến của đại biểu, của các đoàn; thứ hai là thống kê của hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay như thế nào; thứ ba là kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; và thứ tư là vấn đề nổi lên qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và cả báo cáo của Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra 6 nhóm vấn đề liên quan đến 6 lĩnh vực về xây dựng, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, thanh tra và lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

Theo ông Bùi Văn Cường sở dĩ phải chuẩn bị sớm vì khi bắt đầu vào kỳ họp một vài ngày sẽ xin ý kiến để chọn vấn đề, chọn xong rồi đề nghị lại với Bộ trưởng, trưởng ngành chuẩn bị nội dung, sau khi chuẩn bị xong nội dung Quốc hội chuyển cho các đại biểu xem xét kỹ để khi hỏi mới sâu được. Thứ nhất nếu chuẩn bị không kỹ thì trả lời không được chất lượng; thứ hai là đại biểu nghiên cứu không kỹ thì hỏi sẽ không sâu, làm như vậy sẽ sâu hơn; thứ ba là ra Nghị quyết sẽ sáng tạo hơn, vì chúng ta có thời gian chuẩn bị, nhất là những vấn đề mà đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm. Khi đó, Nghị quyết sẽ được xem đi xem lại kỹ lưỡng nhất có thể, thì Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn sẽ xác đáng hơn, có định lượng, có thời gian, có tiến độ và yêu cầu cam kết thực hiện, khi đó chất lượng kỳ họp sẽ tốt hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2023 và việc giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp. Kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến khởi sắc, qua 9 tháng GDP đạt được 8,88%, dự kiến cả năm đạt 8%. Nhìn chung 9 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn thách thức so với các dự báo, điều đó khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao kịp thời của Đảng, Nhà nước, ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời của Quốc hội và sự giám sát vào cuộc của các đại biểu Quốc hội, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành đã đạt được kết quả như vậy.

Về vấn đề hạ lãi xuất, theo ông Nguyễn Minh Sơn, việc nghiên cứu siết giảm các chi phí quản lý để hạ lãi suất cho vay để cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Hiện nay qua tiếp xúc cử tri, các ngân hàng cũng đã thực hiện siết giảm tối đa các chi phí quản lý để cố gắng làm sao giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết việc này, hiện nay các ngân hàng thương mại trên tinh thần hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, để kinh doanh đạt hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo

Liên quan đến đất đai, công tác chuẩn bị dự án Luật đất đai sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn chia sẻ, nhìn chung đã được tiến hành từ sớm, trên tinh thần kỹ lưỡng, thận trọng, Dự thảo luật đã được đăng trên công thông tin Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường để lấy ý kiến, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức thẩm định dự án Luật Đất đai, Chính phủ cũng đã tổ chức lấy ý kiến và báo cáo UBTVQH xem xét cho ý kiến. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã họp, trên cơ sở đó báo cáo UBTVQH và Chính phủ cũng đã hoàn thiện dự án luật. Trong quá trình triển khai, Chủ tịch Quốc hội cũng đã không dưới 3 lần làm việc trực tiếp về nội dung này để lắng nghe và chỉ đạo liên quan đến vấn đề xây dựng dự án Luật Đất đai. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đã ban hành các kế hoạch về lấy ý kiến nhân dân và triển khai vào tháng 1-2023. Cơ quan dự thảo, cơ quan chủ trì, các cơ quan chỉ đạo cũng đã nhiều lần tổ chức hội thảo tọa đàm, triển khai từng địa phương một. Các đại biểu Quốc hội cũng đã chủ động về lấy ý kiến đối với dự án Luật đất đai này.

Hiện nay, cơ quan chủ trì thẩm tra đang nhận được rất nhiều ý kiến gửi từ các đoàn đại biểu, các bộ ngành liên quan đến dự án luật đất đai. Trong quá trình xây dựng luật thì cơ quan dự thảo đã nỗ lực thể chế hóa tương đối đầy đủ theo nghị quyết số 18 của BCH TƯ trong đó có liên quan đến 8 cơ chế chính sách và để giải quyết được hầu hết các hạn chế bất cập diễn ra trong Tổng kết Luật Đất đai năm 2013 như liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường tái định cư, liên quan đến vấn đề về giá đất.

Tại buổi họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi về Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, trên cơ sở tiếp thu đa số ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và trong quá trình nghiên cứu, xây dựng lấy ý kiến của rất nhiều đối tượng có liên quan bao gồm các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức công đoàn, Liên đoàn lao động các địa phương thì các ý kiến đều tán thành. Dự thảo luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến sắp tới đó là tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở các loại hình cơ sở, tạo điều kiện cho người dân nói chung, người lao động ở các tổ chức doanh nghiệp thực hiện quyền kiểm tra giám sát của mình tại cơ sở được thực chất và có hiệu quả hơn. Tổ chức Ban Thanh tra nhân dân này sẽ không gây cản trở, hay khó khăn cho các doanh nghiệp, không làm phát sinh chi phí cho các doanh nghiệp mà sẽ giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp được tốt hơn, bởi việc hướng dẫn, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thuộc nhiệm vụ của các tổ chức công đoàn và công đoàn sẽ hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân. Với hoạt động của mình, Ban Thanh tra nhân dân sẽ tạo điều kiện, bảo đảm để người lao động và doanh nghiệp thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình, cụ thể là quyền kiểm tra giám sát mà thông qua đó giúp phát hiện, cảnh báo từ sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mà vai trò của người lao động với tư cách là một công dân tham gia vào quản lý xã hội và quản lý nhà nước. Thông qua hoạt động của mình tại các doanh nghiệp cũng nhằm phát hiện, tham gia và tạo được môi trường làm việc, môi trường lao động cũng như môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh hơn, tiến bộ hơn. Qua đó cũng góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng, phòng chống tiêu cực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi về Luật Thực hiện dân chủ cơ sở

Về điều chỉnh lương cơ sở và cải cách tiền lương, theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở này, điều chỉnh tăng khoảng 20,8% và tăng chi cho các khoản bảo hiểm xã hội… việc điều chỉnh này thực hiện từ ngày 1-7-2023. Sau khi tăng mức lương cơ sở, các cơ quan chức năng phải tính toán và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, đề xuất thời điểm có thể thực hiện được cải cách tiền lương. Tuy nhiên đây là vấn đề rất lớn và cũng có những thách thức rất lớn đó là nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch, nước ta mới bắt đầu phục hồi kinh tế.

Trao đổi thêm về vấn đề điều chỉnh lương cơ sở và cải cách tiền lương, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ Nghị quyết 27 của BCH Trung ương cũng đã xác định lộ trình cải cách tiền lương, như đã biết hơn 2 năm qua chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, do đó cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước chưa có tăng lương, dành nguồn lực đó cho công tác phòng chống dịch để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Do đó mà chúng ta không có điều kiện tăng lương trong thời gian vừa qua, bây giờ kinh tế mới có sự phục hồi, tăng trưởng cũng đã có những dấu hiệu hết sức khả quan và bắt đầu tính lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình. Tuy nhiên cũng sẽ còn phụ thuộc vào thu ngân sách và nguồn lực quốc gia, phải cân đối một cách kỹ lưỡng.

 

Bài, ảnh: THANH DANH

;