Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh: Thực trạng tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật

Nền điện ảnh Việt Nam với bề dày hơn 65 năm lịch sử là một trong số ít các ngành nghệ thuật có hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và toàn diện nhất, từ Luật Điện ảnh năm 2006; Luật sửa đổi và bổ sung Luật Điện ảnh năm 2009; Nghị định số 54 của Chính phủ năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Luật Sửa đổi, bổ sung; cho đến Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành năm 2013; Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 ban hành năm 2014... và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành năm 2016, theo đó xác định điện ảnh là một trong những ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm, có thế mạnh của Việt Nam.

Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, ngành Điện ảnh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu tăng liên tục hằng năm: năm 2017 đạt 3.228 tỷ đồng (tương đương khoảng 140 triệu USD); năm 2018 đạt 3.353 tỷ đồng (tương đương khoảng 145 triệu USD) và năm 2019 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 170 triệu USD) về đích trước mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, đòi hỏi phải sửa đổi Luật Điện ảnh sau 15 năm thực hiện nhằm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành Điện ảnh có những bước phát triển mới trong kỷ nguyên số, vừa đạt các mục tiêu giáo dục thẩm mỹ, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, phát huy giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế sáng tạo mũi nhọn, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và sức mạnh mềm của Việt Nam ra thế giới. Việc sửa đổi Luật Điện ảnh lần này là một bước quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, cần thiết phải tháo gỡ và giải quyết một số thách thức đối với điện ảnh Việt Nam, trong đó có sự cạnh tranh với các nền điện ảnh trong khu vực về việc thu hút hợp tác sản xuất với nhiều đoàn làm phim nước ngoài; nâng cao chất lượng phim, kỹ năng làm phim hiện đại, các biện pháp hỗ trợ các nhà làm phim trẻ; các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và phát hành phim trên thị trường quốc tế; quảng bá thương hiệu điện ảnh Việt ra nước ngoài thông qua các liên hoan phim, giải thưởng phim quốc tế; cập nhật ứng dụng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất, phát hành, lưu trữ phim; bảo vệ bản quyền trong môi trường số…

1. Thực trạng hợp tác quốc tế về điện ảnh của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế

Chủ động hội nhập quốc tế, tham gia các tổ chức quốc tế về điện ảnh, ký kết thỏa thuận quốc tế, đối thoại chính sách

Có thể nói, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh thời gian qua có nhiều khởi sắc. Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam ngày càng thể hiện là thành viên tích cực và trách nhiệm trong các hoạt động thường kỳ, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về điện ảnh… Theo đó, Viện Phim Việt Nam tham gia đầy đủ và trách nhiệm tại Liên đoàn các Viện Lưu trữ Phim quốc tế (FIAF). Viện cũng là một thành viên tích cực của Hiệp hội các Viện Lưu trữ và Nghe nhìn Đông Nam Á (SEAPAVAA), gần đây đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 25 của SEAPAVAA với chủ đề “Lưu trữ Nghe nhìn trong thời đại thay đổi”. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, dự án về điện ảnh, nghe nhìn, lữu trữ trong khuôn khổ ASEAN, UNESCO, ủng hộ các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thành lập Tổ chức Điện ảnh ASEAN - Hàn Quốc…

Trong khuôn khổ các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác văn hóa giữa Việt Nam với các nước, lĩnh vực điện ảnh luôn được quan tâm, đưa vào nội dung hợp tác. Cục Điện ảnh cũng chủ động ký kết các bản hợp tác với Hiệp hội Điện ảnh Ba Lan, hợp tác song phương với Hàn Quốc, Pháp…

Về đối thoại chính sách, trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 (2015), Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo quốc tế Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam thuộc Chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch, quy tụ các diễn giả là nhiều nhà sản xuất, những người hoạt động trong ngành điện ảnh ở các nền điện ảnh lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Canada, Hàn Quốc… Hội thảo đã chia sẻ và đúc rút được nhiều kinh nghiệm về các chính sách, biện pháp hỗ trợ sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh như: việc ban hành các biện pháp ưu đãi về thuế, tín dụng, mô hình những quỹ phát triển điện ảnh, đàm phán, ký kết các hiệp định đồng sản xuất giữa các Chính phủ… Quá trình tổng kết Luật Điện ảnh và soạn thảo văn bản sửa đổi bổ sung, Bộ VHTTDL cũng chủ trì nhiều hội thảo, có sự tham gia góp ý của các chuyên gia quốc tế, đại diện nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Tham dự các liên hoan phim quốc tế, giải thưởng điện ảnh uy tín và tổ chức những tuần phim Việt Nam tại nước ngoài

Hằng năm, Nhà nước đều dành kinh phí để điện ảnh Việt Nam tham dự các liên hoan phim quốc tế có uy tín như: Liên hoan phim Tokyo, Liên hoan phim Busan, Chợ phim Hồng Kông (TQ)… Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 liên hoan phim quốc tế với 330 lượt đầu phim (1); gửi phim tham dự các liên hoan phim như: Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Berlin, Liên hoan phim Thượng Hải... Một số dấu ấn của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua tại các liên hoan phim quốc tế có thể kể tới như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes 2015, đạt giải thưởng Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road 2015, là đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2017; bộ phim Cha cõng con đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như phim châu Á xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Fajr (Iran) lần thứ 36, Phim nước ngoài hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26, giải Phim xuất sắc nhất hạng mục NETPAC của Liên hoan phim châu Á Barcelona là đại diện của Việt Nam tham dự giải Oscars lần thứ 90; gần đây là bộ phim Ròm của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy dành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc), một trong những liên hoan phim quốc tế uy tín của điện ảnh châu Á.

Với mục đích quảng bá mạnh mẽ điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài, bên cạnh việc tham gia các liên quan phim, giải thưởng phim quốc tế, Bộ VHTTDL tổ chức các tuần phim, ngày phim Việt Nam tại nước ngoài. Tính từ năm 2010 đến nay, nước ta đã chủ động tổ chức 48 chương trình giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài với 186 đầu phim (2).

Tổ chức các liên hoan phim, giải thưởng quốc tế tại Việt Nam

Có thể thấy, một trong những biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về điện ảnh là việc tổ chức những liên hoan phim, giải thưởng phim quốc tế được hầu hết các quốc gia lựa chọn nhằm nâng tầm điện ảnh quốc gia. Liên hoan phim quốc tế Busan là liên hoan phim quốc tế đầu tiên của Hàn Quốc được tổ chức hằng năm bắt đầu từ năm 1996. Từ một liên hoan quốc tế với 173 bộ phim từ 31 nước tham dự trong lần đầu tổ chức, đến nay liên hoan đã thu hút 299 phim từ 85 quốc gia vào năm 2019 thu hút gần 190.000 khán giả, trở thành đại hội điện ảnh quan trọng nhất ở châu Á. Bên cạnh đó, nhiều liên hoan phim quốc tế trong khu vực châu Á cũng đang dần tạo dựng tên tuổi vững chắc trong khu vực và trên thế giới như Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông, Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải, Liên hoan phim quốc tế Tokyo…

Tại Việt Nam, chiến lược phát triển điện ảnh đã đề ra giải pháp “xây dựng thương hiệu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội thành một trong những liên hoan phim quốc tế có uy tín trong khu vực và châu Á” nhằm chủ động hội nhập quốc tế về điện ảnh. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2010, đến nay sau 5 kỳ tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã trở thành liên hoan phim quốc tế có quy mô và uy tín nhất tại Việt Nam. Quy mô liên hoan ngày càng được mở rộng và từng bước lớn mạnh. Nếu liên hoan phim lần đầu tiên năm 2010 có 67 bộ phim từ 25 nền điện ảnh, thì sau đó 2 năm liên hoan phim lần thứ 2 đã có tới 116 phim dự thi đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; liên hoan phim lần thứ 3 năm 2014, đã nhận được 411 phim từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau khi tuyển chọn đã có 130 phim từ 32 nền điện ảnh tham gia tất cả các hạng mục của liên hoan phim; liên hoan phim lần thứ 4 và 5 sau hai vòng tuyển chọn đã giới thiệu gần 150 phim từ 43 nền điện ảnh trên thế giới. Chất lượng tác phẩm điện ảnh dự thi và các tác phẩm chiếu trong chương trình giới thiệu phim Việt Nam và phim nước ngoài tại Liên hoan được các nhà chuyên môn, báo giới và công chúng đánh giá cao. Liên hoan từng bước xây dựng được uy tín với sự tham dự của ban giám khảo danh giá gồm các nhà chuyên môn nổi tiếng thế giới, các nghệ sĩ làm phim và khách mời là ngôi sao trong khu vực và quốc tế. Các hoạt động trong khuôn khổ mỗi kỳ liên hoan phim đều thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả, giới chuyên môn như chợ dự án làm phim, trại sáng tác (3), hội thảo chuyên đề, chương trình chiếu phim ngoài trời… Tại các kỳ liên hoan, những phim của điện ảnh Việt Nam có cơ hội cọ sát với các bộ phim đến từ nhiều nền điện ảnh lớn trong khu vực và thế giới, đồng thời quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam năng động, sáng tạo, chủ động và sẵn sàng hợp tác, hội nhập với thế giới. Thành công nhất của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là đã tạo được không khí náo nức cho khán giả trong nước và khách nước ngoài đến với rạp chiếu phim. Sự thành công của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thủ đô, quảng bá hình ảnh quốc gia, xúc tiến du lịch. Thể hiện sự chủ động hội nhập quốc tế và vai trò dẫn dắt trong khu vực, điện ảnh Việt Nam là nước khởi xướng và đăng cai tổ chức Giải thưởng phim ASEAN lần đầu tiên vào năm 2017 trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, nhằm vinh danh các tài năng điện ảnh trong khu vực và phát hiện, khích lệ các tài năng trẻ của ASEAN.

Cũng trong Chiến lược phát triển điện ảnh, “giới thiệu phim xuất sắc, có giá trị của nước ngoài tại Việt Nam” được coi là một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển điện ảnh. Theo đó, hằng năm, Bộ VHTTDL phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu, một số quốc gia châu Âu tại Việt Nam tổ chức thường niên các hoạt động điện ảnh như Liên hoan phim châu Âu, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế tình yêu Mons… Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các nước giao lưu, giới thiệu văn hóa tại Việt Nam, các hoạt động tuần phim, ngày phim của nhiều quốc gia đã diễn ra hằng năm giới thiệu tới khán giả Việt Nam những tác phẩm điện ảnh xuất sắc từ khắp các châu lục.

Các hoạt động hợp tác làm phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim

Việt Nam, đất nước với cảnh quan tươi đẹp, văn hóa đa dạng và có vị trí đặc biệt trong lịch sử thế giới là những điểm thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Trước đây, có không ít bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam và gây tiếng vang trên thế giới như: Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình, Người Mỹ trầm lặng, Đảo đầu lâu... Trong giai đoạn 2015-2020 đã có 179 kịch bản hợp tác, liên doanh sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam (4). Tuy nhiên, việc hợp tác làm phim chưa đạt được những bước phát triển đột phá. Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi dành cho các đoàn làm phim quốc tế, đặc biệt là những chính sách ưu đãi thuế như nhiều nước trên thế giới. Năng lực cung cấp dịch vụ làm phim và hậu cần còn chưa đồng đều, chưa đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khâu vướng nhất trong việc thúc đẩy hợp tác sản xuất làm phim với nước ngoài đó là yêu cầu thẩm định kịch bản làm phim. Các đạo diễn nổi tiếng nước ngoài thường có sự độc lập, toàn quyền sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh, không chấp nhận việc các cơ quan chức năng, kể cả nhà sản xuất can thiệp, yêu cầu chỉnh sửa kịch bản. Bên cạnh đó, có một thực tế là những bộ phim bom tấn, thường được quay ở một vài nước, trong đó, chỉ có một số cảnh mong muốn thực hiện ở Việt Nam. Trong trường hợp đó, việc đòi hỏi thẩm định, chỉnh sửa toàn bộ kịch bản, bao gồm cả các phần không thực hiện tại Việt Nam khó thuyết phục được các đối tác nước ngoài. Hơn nữa, với quy trình sản xuất phim hiện đại, nhiều đạo diễn không có kịch bản chi tiết trước mà sẽ sáng tác ngẫu hứng trên bối cảnh thực địa, nhất là với các bộ phim hành động. Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất từng chia sẻ rằng, việc xin phép sử dụng bối cảnh ở Việt Nam để làm phim phải trải qua nhiều thủ tục và thời gian kéo dài. Thêm vào đó, quy trình thông quan nhập khẩu đạo cụ, trang thiết bị cho các đoàn phim quốc tế thường gặp nhiều khó khăn do khối lượng đạo cụ lên tới hàng trăm tấn, chưa kể số lượng khách nhập cảnh thuộc đoàn phim gồm hàng trăm người đủ các quốc tịch đến Việt Nam bằng máy bay chuyên cơ, máy bay trực thăng… Trên thực tế, thời gian qua, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong việc hợp tác làm phim điện ảnh với nước ngoài. Trong khi đó, ngay cả những nền điện ảnh lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Hàn Quốc… và các nước trong khu vực đều có những chính sách ưu đãi cho những dự án làm phim dưới nhiều hình thức đa dạng như miễn phí bối cảnh quay, hoàn tiền mặt đối với chi phí sản xuất, miễn giảm thuế... Tại Hoa Kỳ, gần 40 bang đã ban hành các biện pháp ưu đãi, cạnh tranh nhằm thu hút các đoàn làm phim đến quay phim tại địa phương. Theo báo cáo của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ, bang North Carolina đã dành một khoản ưu đãi thuế lên tới 20 triệu USD cho ê kip sản xuất bộ phim Iron Man 3, và theo thống kê, với mỗi đô la từ khoản tín dụng đó, bang North Carolina đã thu về gần 9 đô la cho nền kinh tế của bang, và 6,50 USD đóng vào tổng sản phẩm của bang (Gross State Product). Tại Pháp, các chính sách miễn giảm thuế và chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường có thể giúp các đoàn làm phim quốc tế giảm tới 50% chi phí sản xuất tại quốc gia này... Tại châu Á, Hàn Quốc luôn đi đầu trong việc thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài, tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các cảnh quay tại đây, chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút đoàn làm phim. Các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan đều có nhiều chương trình ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài. Malaysia hoàn tiền lên tới 30% chi phí sản xuất thực hiện tại nước này cho các đoàn làm phim nước ngoài, và áp dụng cho các thể loại từ điện ảnh, truyền hình, tài liệu, hoạt hình, cho đến trò chơi điện tử trên nền tảng số… Thái Lan hoàn thuế 15% cho đoàn làm phim nước ngoài chi tiêu trên 50 triệu bath tại Thái, và thêm 5% nữa nếu sử dụng nhân công địa phương và quảng bá hình ảnh tích cực về nước này (5). Rõ ràng, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam ở thế bất lợi hơn trong việc cạnh tranh trở thành điểm đến cho nhiều nhà làm phim quốc tế khi chưa có biện pháp ưu đãi, hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài.

Phát hành phim tại nước ngoài và nền tảng trực tuyến

Thời gian gần đây, một số phim của điện ảnh Việt Nam không chỉ gây ấn tượng ở phòng vé trong nước mà còn tạo kỳ tích vượt qua những tiêu chí khắt khe của thị trường phim nước ngoài để có mặt tại các rạp chiếu phim ở nhiều quốc gia vốn có thị trường điện ảnh lớn mạnh. Bộ phim Bố già của đạo diễn Trấn Thành đã cán mốc doanh thu kỷ lục trên 400 tỷ đồng Việt Nam, tiếp tục chinh phục các phòng vé quốc tế như Hoa Kỳ, Singapore, Malaysia và Australia. Tính đến ngày 15-6, bộ phim đã chính thức vượt mốc 1 triệu USD tại phòng vé Mỹ (cụ thể là 1,08 triệu USD) sau ba tuần công chiếu. Thành tích này đánh dấu cột mốc mới cho phim Việt Nam tại kinh đô điện ảnh thế giới. Khi ra mắt, phim chỉ công chiếu tại 19 rạp sau đó tăng lên 38 rạp trong tuần thứ hai và mở rộng thành 45 rạp trên toàn nước Mỹ. Trước Bố già, bộ phim Hai Phượng (lọt top 25 doanh thu phòng vé tại Mỹ sau hai tuần công chiếu với doanh thu hơn 395.000 USD (9,1 tỷ đồng), tổng thu khoảng 40 tỷ đồng tại thị trường nước ngoài), Lật mặt: Nhà có khách cũng ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng khi công chiếu tại Trung Quốc, Mỹ… Bộ phim Cha cõng con sau khi giành giải thưởng tại liên hoan phim quốc tế cũng đã được mua bản quyền và dễ dàng tiếp cận được khán giả ở nhiều quốc gia Hoa Kỳ, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Anh… (6).

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, mọi mặt của của đời sống xã hội phải chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó lĩnh vực điện ảnh chứng kiến mức suy giảm nghiêm trọng tại các phòng vé, nhiều tác phẩm điện ảnh bị gián đoạn sản xuất, phát hành… Trong bối cảnh đó, chiếu phim trên nền tảng trực tuyến đã trở thành cứu cánh. Tại Việt Nam, Netflix là một trong những nền tảng phim số phổ biến nhất giúp điện ảnh Việt Nam đến với thế giới. Hiện, Netflix đang cung cấp khoảng hơn 70 phim Việt Nam trên nền tảng trực tuyến, có khả năng vươn tới 209 triệu người dùng trên khắp thế giới (7). Tuy nhiên, cơ hội này cũng đặt ra thách thức mới cho điện ảnh Việt Nam cần phải sản xuất được những bộ phim có chất lượng cả về nội dung và kỹ thuật, tạo được sự mới mẻ, đặc sắc nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiều nền tảng phim số cũng như đáp ứng thị hiếu của khán giả ở khắp các châu lục.

Quỹ điện ảnh

Điều 6 Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, với tiêu chí ưu tiên các bộ phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất; hỗ trợ các hoạt động hợp pháp khác của điện ảnh. Với kỳ vọng như vậy, những dự án đầu tay có chất lượng cao, dự án của các tác giả trẻ triển vọng, có những sáng tạo, tìm tòi mới mẻ, có tính khám phá, giá trị nghệ thuật và có khả năng đi dự giải quốc tế sẽ có cơ hội được thực hiện, góp phần thúc đẩy tính sáng tạo trong điện ảnh, tạo cơ hội cho điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Đề án thành lập Quỹ Phát triển Điện ảnh Việt Nam. Theo đó, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ có vốn do Thủ tướng Chính phủ cấp khi thành lập; các nguồn thu tăng thêm: gồm nguồn từ việc trích tỷ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu (đề nghị 3%); nguồn thu từ phát hành và phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách Nhà nước, sau khi đã trừ đi chi phí phát hành và các chi phí khác theo quy định hiện hành; nguồn thu từ các khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho sự phát triển điện ảnh dân tộc; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Đối tượng được Quỹ hỗ trợ gồm các nhà làm phim; tác phẩm điện ảnh; dự án sản xuất phim, bao gồm kịch bản, dự án sản xuất, quảng bá phim; các dự án đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức trại sáng tác, quảng bá phát hành phim Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 một lần nữa đặt yêu cầu “Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện nguồn thu trích tỷ lệ trên doanh thu chiếu phim tại các rạp cho vào Quỹ, 3% đối với phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam và 0,5% đối với phim Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến nay, đề án thành lập Quỹ đã được trình Chính phủ nhiều lần song chưa thể phê duyệt do vướng mắc chủ yếu ở nguồn thu thường xuyên, ổn định để duy trì hoạt động của Quỹ chưa có tính ràng buộc, các nguồn thu đề xuất còn chưa phù hợp với các quy định tại các luật khác dẫn đến việc thành lập Quỹ chưa thực hiện được. Ở nhiều nước trên thế giới, Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy điện ảnh phát triển. Ở Pháp, Quỹ có nguồn thu từ các đài truyền hình. Các đài truyền hình sẽ đầu tư từ 30-35% cho các dự án phim, sau đó các dự án phim này sẽ được trình chiếu trên truyền hình. Ngoài ra, Trung tâm Điện ảnh Quốc gia cũng có hỗ trợ khoảng vài chục % kinh phí cho các dự án phim. Tại Hàn Quốc, Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) xây dựng một quỹ hỗ trợ riêng để giúp đỡ các dự án phim độc lập, còn Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thông qua phát hành và trình chiếu. Quỹ này thành lập từ năm 2005 và Chính phủ quy định trích 3% tiền mỗi vé xem phim được bán ra để đưa vào Quỹ (8). Tại Anh, Viện Phim Anh quốc (BFI) là cơ quan xây dựng và định hình chiến lược và các chính sách phát triển điện ảnh của Anh. BFI duy trì các quỹ hỗ trợ điện ảnh, tài trợ phát triển và sản xuất phim và truyền hình, bao gồm cả các hoạt động hợp tác sản xuất phim quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các quỹ của BFI vẫn hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ các nhà làm phim trong thời kỳ đại dịch và đảm bảo ngành Điện ảnh có thể duy trì phát triển sau khủng hoảng. Quỹ Quốc tế của BFI vừa qua cũng tích cực hỗ trợ nền công nghiệp điện ảnh của Anh vượt qua giai đoạn hậu Brexit, đảm bảo nền điện ảnh của Anh tiếp tục duy trì vị thế quốc tế trong mạng lưới điện ảnh của thế giới. Trong Chiến lược phát triển 5 năm giai đoạn 2017-2022, BFI đặt kế hoạch đầu tư 500 triệu bảng Anh từ nguồn hỗ trợ của chính phủ, nguồn thu của BFI và các khoản tài trợ định kỳ của Cơ quan xổ số quốc gia (National Lottery) tập trung vào phát triển khán giả, hỗ trợ giáo dục và phát triển kỹ năng điện ảnh, đầu tư cho các tác phẩm điện ảnh mới xuất sắc. Tính riêng trong hai năm 2019-2021, nguồn tài trợ từ National Lottery thông qua BFI đạt hơn 6 triệu bảng Anh cho các dự án điện ảnh của Anh (9). Đối với Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu thế giới về điện ảnh, nổi tiếng với thương hiệu Hollywood, các quỹ phát triển điện ảnh hết sức đa dạng và phong phú do nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng lập với những tiêu chí cụ thể hỗ trợ sự phát triển của điện ảnh Hoa Kỳ nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung. Trong khu vực Đông Nam Á, một số Chính phủ hỗ trợ phát triển ngành Điện ảnh thông qua việc thành lập các quỹ về sáng tạo, nghệ thuật như Quỹ Sáng tạo (Creation Grant) (10) do Hội đồng Nghệ thuật Singapore quản lý, Quỹ Truyền thông quốc gia Thái Lan (Thai Media Fund) do Bộ Văn hóa Thái Lan quản lý (11), Quỹ Phát triển Phim nghệ thuật và Truyền thông Đa phương tiện do Tập đoàn Phát triển Điện ảnh Quốc gia Malaysia (FINAS) quản lý (12)…

2. Một số kiến nghị hoàn thiện thể chế phát triển ngành công nghiệp điện ảnh

Mục tiêu hoàn thiện thể chế là nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi phát huy sự sáng tạo của con người Việt Nam, huy động mạnh mẽ các nguồn lực, tạo xung lực phát triển công nghiệp điện ảnh xứng tầm khu vực và vươn ra thế giới. Với ý nghĩa đó, Luật Điện ảnh sửa đổi sắp tới cần đạt được các mục tiêu cụ thể về việc ban hành chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp điện ảnh, những nhà làm phim Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh. Xuất phát từ thực tiễn quốc tế và những kết quả mong đợi trong việc hỗ trợ ngành Điện ảnh Việt Nam phát triển, chủ động hội nhập, cần thiết phải tiếp tục khẳng định vị trí của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trong các điều khoản của Luật Điện ảnh sửa đổi, và cần quy định chi tiết về nguồn thu thường xuyên, ổn định của Quỹ. Chỉ có như vậy mới tạo điều kiện cho việc thành lập Quỹ và vận hành thường xuyên, lâu dài, tìm kiếm, nuôi dưỡng các tài năng trẻ, hỗ trợ quá trình sản xuất, phát hành của những doanh nghiệp trong nước, quảng bá phim ra nước ngoài, tạo cú huých cho điện ảnh Việt Nam cất cánh.

Cần tiếp tục đổi mới tư duy, cải cách cơ chế quản lý, coi điện ảnh là một ngành công nghiệp, việc cung cấp dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài, hợp tác sản xuất là ngành dịch vụ. Để tạo điều kiện cho ngành kinh tế phát triển, cần thiết phải ban hành một số biện pháp ưu đãi về thuế, phí nhằm thu hút các đoàn làm phim quốc tế và có thể quy định tại Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện ảnh...

Trên tinh thần tháo gỡ rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển ngành công nghiệp giải trí, đề xuất áp dụng cơ chế “tự phân loại” và “hậu kiểm” cho việc phổ biến phim trong không gian mạng, do trên thực tế ta không thể có nhân lực, vật lực để “tiền kiểm” hết hàng nghìn bộ phim trên không gian mạng. Việc áp dụng cơ chế này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới và tạo điều kiện cho thương mại xuyên biên giới phát triển, giúp công chúng được tiếp cận và lựa chọn các sản phẩm điện ảnh đa dạng từ các nền điện ảnh trên thế giới.

Để những doanh nghiệp phổ biến, phát hành phim tại các rạp khỏi thua thiệt so với việc phát hành trên môi trường số, các điều khoản liên quan đến giấy phép phân loại phim nên được quy định chỉ cần xin cấp phép một lần, và được phép phổ biến phim theo lứa tuổi với số lần chiếu không giới hạn trên phạm vi toàn quốc để giảm thủ tục hành chính.

Hoàn thiện thể chế pháp luật đồng bộ, cập nhật các nội dung bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh trong môi trường số vào nội dung Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hình sự… để có các chế tài xử phạt mạnh mang tính răn đe nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của nhà làm phim. Rà soát các bộ luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng... để đề xuất các điều chỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo nói chung, ngành Điện ảnh nói riêng.

Cần có chính sách cụ thể khuyến khích cơ chế hợp tác công - tư trong phát triển điện ảnh, huy động nguồn lực xã hội hóa, Nhà nước bảo trợ, khuyến khích các sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội trong đó có việc tổ chức và tham gia những liên hoan phim, giải thưởng phim quốc tế, tổ chức nhiều tuần phim Việt Nam tại nước ngoài…

Về hợp tác quốc tế, bên cạnh những phương thức đã thực hiện, cần tập trung vào việc đàm phán, ký kết các Hiệp định đồng sản xuất cấp Chính phủ để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, nhà làm phim Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất của nước ngoài, cũng như cơ hội phát hành tại thị trường nước ngoài và tham gia các liên hoan phim quốc tế.

Trước sự phát triển vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần chủ động thông qua hợp tác quốc tế để thúc đẩy việc tiếp cận với các quy trình làm phim hiện đại trên thế giới, chuyển giao công nghệ, trong đó, quan tâm thích đáng đến lĩnh vực lưu trữ, bảo quản phim vì điện ảnh chính là di sản lưu giữ ký ức quý giá của nhân loại.

Hợp tác quốc tế không chỉ để mở rộng, giao lưu, quảng bá, điều quan trọng là cần chủ động đúc rút các kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành Điện ảnh trong nước và tạo lập những khuôn khổ làm cơ sở cho hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực và tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn trong khu vực và trên thế giới. Với hướng tiếp cận đó, hợp tác quốc tế về điện ảnh sẽ thực sự phát huy hiệu quả trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

______________

1, 2, 4. Thống kê của Cục Điện ảnh năm 2020.

3.Một trong những kết quả nổi bật của Trại sáng tác tài năng trẻ của Liên hoan phim lần II là việc phát hiện và trao giải dự án làm phim xuất sắc nhất cho nữ đạo diễn, kiêm nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp với bộ phim Đập cánh giữa không trung. Bộ phim đầu tay sau khi ra mắt đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế như Giải FEDEORA cho phim hay nhất trong Tuần các nhà phê bình phim quốc tế Venice lần thứ 29, Giải Ban giám khảo cho phim hay nhất trong Liên hoan phim 3 lục địa (tại Pháp), các giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Fribourg, Thụy Sĩ, giải thưởng đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Bratislava... và giải thưởng Ban Giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ III.

5. Karnjana Karnjanatawe, Incentives offered to foreign filmmakers (Các ưu đãi được cung cấp dành cho các nhà làm phim nước ngoài), bangkokpost.com, 10-6-2021.

6. Hà Phương, Hạnh Lê, Điện ảnh Việt Nam nỗ lực theo đuổi giấc mơ vươn tầm thế giới, vov.vn.

7. Alex Weprin, Netflix adds 1.5 million total subscribers, but loses ground in US./Canada (Netflix thêm 1,5 triệu người đăng ký, nhưng mất vị trí ở Mỹ/ Canada), hollywoodreporter.com, 20-7-2021.

8. Tuyết Loan, Quỹ hỗ trợ điện ảnh sẽ khuyến khích các tài năng trẻ, nhandan.vn, 18-8-2017.

9.10. nac.gov.sg.

11. thaimediafund.or.th.

12. finas.gov.my.

 NGUYỄN PHƯƠNG HÒA - TRẦN HẢI VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;