Hội thảo Trao đổi về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và châu Âu

Ngày 16-9-2022 tại Viện Goethe Hà Nội, đã diễn ra hội thảo: Trao đổi về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và châu Âu.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ hoạt động của Mạng lưới các cơ quan văn hóa châu Âu (EUNIC) với sự hợp tác của Đại sứ quán các nước Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển và sự hỗ trợ của phái đoàn Liên minh châu Âu. Hội thảo tạo nên không gian mở cho việc trao đổi về những sự phát triển và các xu hướng toàn cầu của văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo bắt nguồn từ những nỗ lực tăng cường của Bộ VHTTDL Việt Nam kể từ năm 2021 nhằm quảng bá sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu  niên Việt Nam. Sáng kiến ​​này nằm trong chiến lược phát triển văn hóa quốc gia 2030. Sự quan tâm về văn học  thanh thiếu niên đã nâng tầm quan trọng của phân khúc này trên thị trường sách. Ở Việt Nam, văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên liên tục thay đổi, với khoảng 8.000 ấn phẩm mới mỗi năm. Ở châu Âu, văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đề cập đến các chủ đề mới và thích ứng với các cuộc tranh luận chính trị và xã hội hiện tại mà không làm mất đi các tiêu chí văn học và thẩm mỹ.

GS Björn Sundmark tại Đại học Malmö (Thụy Điển) chia sẻ trực tuyến

Chủ đề cốt lõi của buổi hội thảo được các khách mời Việt Nam và châu Âu đưa ra thảo luận là thúc đẩy văn hóa đọc cho lứa tuổi thiếu nhi và thanh niên. Trong khuôn khổ nội dung hội thảo, GS Björn Sundmark tại Đại học Malmö (Thụy Điển) - tác giả của nhiều ấn phẩm về văn học thiếu nhi, cho biết, văn học  thiếu nhi, thanh thiếu niên châu Âu đề cập đến tính độc lập của trẻ em và những thay đổi trong gia đình.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam phát biểu tham luận

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam chia sẻ: “Ở Việt Nam, trẻ em luôn được quý trọng và chăm sóc chu đáo tận tình. Riêng lĩnh vực văn học nghệ thuật và đời sống tinh thần, chúng tôi có những tờ báo, những nhà xuất bản riêng chỉ in những tác phẩm về các em và viết cho các em như Nxb Trẻ, đặc biệt là Nxb Kim Đồng. Mỗi năm có hàng triệu ấn phẩm của các nhà văn trong nước và thế giới. Rồi các báo Thiếu niên Tiền phong, Nhi Đồng, Mực tím, Hoa học trò…”.

Bà Trần Lê Thùy Linh, Trưởng phòng Thiếu nhi - CTCP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam chia sẻ ý kiến

Bà Nguyễn Thụy Anh, nhà văn, chuyên gia giảng dạy về phương pháp giáo giục chia sẻ những thành công của câu lạc bộ Đọc sách cùng con trong việc khuyến khích văn hóa đọc ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhân được chia sẻ của các chuyên gia, các nhà quản lý của các nhà xuất bản về các xu hướng phát triển văn học thiếu nhi và thanh  niên từ năm 2010 đến nay ở Việt Nam. Theo bà Trần Lê Thùy Linh, Trưởng phòng Thiếu nhi - CTCP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, chỉ riêng  Nhã Nam, tổng số đầu sách thiếu nhi đã tăng từ 124 năm 2010 lên 924 năm 2020. Số đầu sách đang lưu hành là 776 đầu sách, chiếm 36% tổng số đầu sách đang có mặt trên thị trường của Nhã Nam.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nxb Kim Đồng phát biểu tham luận

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nxb Kim Đồng chia sẻ về đội ngũ tác giả sáng tác các tác phẩm cho thiếu nhi và thanh niên, phổ tuổi tương đối rộng từ thế hệ 5X đến thế hệ Gen Z, thiếu vắng tác giả chuyên nghiệp trong nước; về tác phẩm, tiểu thuyết, bộ truyện ngày càng vắng bóng, chủ yếu là thể loại truyện ngắn, tản văn, du ký; đề tài tập trung về thời thơ ấu, gia đình, trường học, bạn bè, ít đề tài về chiến tranh, lịch sử, viễn tưởng kỳ ảo…; hình thức sách ngày càng được nâng cao và đổi mới với xu hướng làm mới tác phẩm hay, kinh điển có minh họa đẹp. Các bạn thanh thiếu niên hiện thích các đầu sách về phiêu lưu, giả tưởng, trinh thám nhiều hơn. Đồng thời, sách mảng văn học thiếu nhi trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác cũng như sách dịch.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nxb Trẻ chia sẻ các xu hướng sách cho thiếu nhi và thanh thiếu niên hiện nay

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nxb Trẻ cũng cho biết mảng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên chiếm 40% doanh số của Nxb Trẻ, trong đó sách văn học chiếm 80%. Theo ông Thành Nam, ở mảng sách này, Nxb Trẻ hiện tập trung vào các đầu sách sáng tác mới của các tác giả tên tuổi như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Thiều…; làm mới các tác phẩm cũ bán chạy; chú ý đến mảng sáng tác văn học kỳ ảo, giả tưởng…  

Hội thảo cũng được nghe bà Cinzia Grieco, Giảng viên tại Đại học Quốc gia TP.HCM, Tổng lãnh sự Ý tại TP.HCM chia sẻ các xu hướng phát triển văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên từ năm 2010 đến nay tại Ý; bà Georgina Segarra Ros, Nxb Gemser, Barcelona chỉ ra các xu hướng phát triển loại hình văn học này ở Tây Ban Nha; các chủ đề trong văn học  thanh thiếu niên hiện nay tại Đức, được bà Linda Wiechert, trường Dự án Giải thưởng Văn học Đức chia sẻ.

Ths Trần Thị Phương Lan, Trưởng phòng Dịch vụ Bạn đọc của Thư viện Quốc gia Việt Nam chia sẻ về cách xây dựng dần dần thói quen đọc sách

Các xu hướng phát triển văn học cho thiếu nhi và thanh thiếu niên ở châu Âu và Việt Nam được tổng hợp, và từ đó đưa ra các cách tiếp cận định hướng khác nhau. Ths Trần Thị Phương Lan, Trưởng phòng Dịch vụ Bạn đọc của Thư viện Quốc gia Việt Nam chia sẻ về cách xây dựng dần dần thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường, chính quyền, tổ chức và cộng đồng thông qua thiết chế của thư viện. Các em nhỏ khi tới thư viện Quốc gia Việt Nam được khuyến khích đọc các cuốn sách mang tính giáo dục, từ đó các em không chỉ được tiếp cận việc đọc, mà còn hình thành nhân cách lành mạnh. Thư viện thường xuyên giới thiệu các đầu sách xuất bản, chọn lựa sách hàng tháng, trưng bày để các em nhìn thấy, cầm đọc và ghi lại cảm nhận sau khi đọc xong cuốn sách, từ đó có thể lan tỏa tới bạn đọc khác… Vào dịp đặc biệt, Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng mời các diễn giả, nhà xuất bản đến giới thiệu các cuốn sách cho những bạn đọc nhỏ tuổi.

Hội thảo Trao đổi về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và châu Âu thực sự là cơ hội quý giá để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước trao đổi những vấn đề xoay quanh xu hướng vận động và phát triển của văn học thiêu nhi và thanh thiếu niên ở Việt Nam và châu Âu. Đồng thời, các học giả chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy, phát triển mảng văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên, thu hút các em ngày càng đến gần với văn hóa đọc.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;