Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Ngày 28-7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng quan tâm, chú trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24-11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội và là cơ hội để các cấp, các ngành xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới, với những nội dung chính: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới... và quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành pháp luật là cần thiết để giải quyết được việc hợp hiến, hợp pháp các quy định pháp luật trên cơ sở kế thừa, khắc phục, xây dựng các chính sách mới phù hợp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường về phân cấp, phát huy nguồn lực xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng đa dạng, hiệu quả hơn, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch, tạo thêm "thế và lực" cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tại Hội thảo, hàng loạt ý kiến đã đóng góp sôi nổi cho hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh việc cần hoàn thiện các quy định liên quan về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di tích; di sản văn hóa phi vật thể; di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia; di sản tư liệu; bảo tàng để thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể của di sản nhằm phát huy vai trò và thuận lợi trong thực tiễn triển khai các nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở mảng Bảo vật quốc gia và mảng Bảo tàng.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cũng đề nghị Luật quy định rõ đối tượng và mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang hưởng lương hưu, đang công tác hưởng lương ngân sách và người không có lương trong chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân...

Toàn cảnh Hội thảo

Tham luận của PGS, TS Đỗ Văn Trụ thì nhấn mạnh về mạng lưới bảo tàng, ông cho biết, theo quy định tại Luật Di sản văn hóa, thì bảo tàng Việt Nam được chia thành bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập. Bảo tàng công lập (bảo tàng quốc gia; bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương). Bảo tàng ngoài công lập (bảo tàng thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo tàng tư nhân). Việc phân loại này căn cứ chủ yếu là kinh phí cho hoạt động do ai cấp. Các bảo tàng được Nhà nước lập ra, do Nhà nước cấp kinh phí, biên chế, cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động thì được gọi là “Bảo tàng công lập”. Các bảo tàng do các tổ chức không phải nhà nước hoặc tư nhân lập ra, không được Nhà nước cấp kinh phí, biên chế, cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động, thì được gọi là “bảo tàng ngoài công lập”. Cách phân loại này tuy gọn nhưng có tính phân biệt giữa nhà nước và ngoài nhà nước và không căn cứ vào những tiêu chí khoa học.

Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ nên phân loại Mạng lưới bảo tàng Việt Nam thành các loại hình sau: Loại hình Bảo tàng lịch sử xã hội; Loại hình Bảo tàng lịch sử tự nhiên; Loại hình Bảo tàng khoa học kỹ thuật; Loại hình Bảo tàng tổng hợp (cấp tỉnh, thành phố)…

Tham luận của PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đề cập vấn đề xử lý các di tích, di vật sau khai quật, di dời. Theo ông Tín, ở Việt Nam hiện có 2 cách ứng xử: Một là, sau khi đã xây dựng hồ sơ khoa học, các di vật hầu hết đều được chôn lấp (hoặc vứt bỏ), chỉ giữ mẫu hiện vật và các hiện vật được đánh giá quan trọng để trưng  bày. Thứ hai là, lưu giữ toàn bộ di vật như Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ. Theo ông Tín, việc giữ lại toàn bộ di tích, di vật đã được di dời là hợp lý, vì trong xử lý, nghiên cứu còn có điểm chưa nhận thức hết được, còn phải nghiên cứu đi, nghiên cứu lại nhiều lần. Điều này, nếu không quy định rõ ràng thì sẽ gây lãng phí di sản, sẽ gặp khó khăn khi đặt vấn đề nghiên cứu lại thì không còn di vật nữa và đặc biệt là trong việc trưng bày cũng không còn di vật để trưng bày. Đáng chú ý, nếu chôn lấp hiện vật đi thì cũng không phù hợp với khảo cổ học nhiều nước, cũng như quy định của Công ước Thế giới về Di sản văn hóa. Tại nhiều nước, người ta đều cất trữ toàn bộ di vật của các cuộc khai quật sau khi đã mã hóa tư liệu cẩn thận. Tuy nhiên, hiện nay cũng không có ở trong bất cứ Luật hoặc các văn bản pháp lý nào của nước ta quy định về những vấn đề trên. Tất cả chỉ quy định chung là giao cho các Bảo tàng cất giữ, nhưng không ghi rõ là cất giữ như thế nào, bảo quản ra sao...

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao các tham luận và ý kiến tâm huyết của các đại biểu, địa phương. Thứ trưởng mong muốn sẽ tiếp nhận thêm nhiều ý kiến hơn nữa để Bộ VHTTDL có thể hoàn thiện Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tin: LINH GIANG - Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL

;