Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh”

Sáng ngày 22-11-2023, trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII, tại UBND tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra Hội thảo "Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh”. Hội thảo do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Tham dự  hội thảo có: Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Trần Hoàng; lãnh đạo Cục Điện ảnh; Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú; cùng các đại diện của một số bộ, ban, ngành, Sở VHTTDL, các nghệ sĩ, nhà sản xuất và đông đảo các phóng viên.

Toàn cảnh Hội thảo

Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong lĩnh vực bản quyền

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, việc bảo hộ bản quyền đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các quốc gia. Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, trong đó có công nghiệp điện ảnh, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tại các quốc gia phát triển…  

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh trong giai đoạn từ năm 2018-2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm, cùng với đó, nguồn lực lao động tăng 8,05% và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tăng 8,39%. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ cùng với các phương thức phân phối, các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung, các sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng. Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, nhằm khuyến khích sáng tạo, tăng cường hoạt động thu hút đầu tư; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo; xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền; từng bước ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan, việc tổ chức Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Thứ trưởng cũng bày tỏ, đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền tiếp tục lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi làm động lực phát triển các hoạt động bảo hộ bản quyền, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghiệp điện ảnh nói riêng và các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền nói chung. Đồng thời đây cũng là nơi để các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan trao đổi, thảo luận các nội dung thú vị về bản quyền, phát triển công nghiệp điện ảnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Công tác bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh là một công việc quan trọng để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và được cụ thể hóa trong các quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, 2019, 2022. Hội thảo là một chương trình quan trọng để chúng ta cùng thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp để giải quyết việc bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ VHTTDL nghiên cứu để đề xuất, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo nền công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay, qua đó đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu 

Gửi thông điệp đến Hội thảo, bà Sylvie Forbin - Phó Tổng Giám đốc Lĩnh vực Bản quyền và Sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Thụy Sỹ cho biết: “Để lĩnh vực nghe nhìn (audiovisual) trở thành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc. Thành công của một bộ phim không thể đoán trước được. Tuy nhiên, để làm một bộ phim, luôn cần sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn công và/hoặc tư nhân. Để những khoản đầu tư đó sinh lời, ngoài các phương tiên truyền thống: Rạp chiếu phim và chương trình phát sóng, các loại hình mới như nền tảng video theo yêu cầu và phát trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng. Những kênh truyền thông mới này tạo cơ hội mới dễ dàng hơn cho bộ phim được trình chiếu trong nước cũng như quốc tế.

Nhưng để điều này được bền vững và để điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp thực sự, việc có khung pháp lý thuận lợi là điều tối quan trọng. Để làm được điều đó, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất phim”.

Bà Sylvie Forbin cho rằng, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý và khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn thực thi các điều ước này để nó mang lại lợi ích thực sự cho đất nước. Theo hướng này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hữu ích, Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về Biểu diễn Nghe nhìn (audiovisual), một phần của các hiệp ước Internet của WIPO có thể mang lại cơ chế bảo vệ quyền của người biểu diễn trong các buổi biểu diễn nghe nhìn (audiovisual) của họ và vai trò quan trọng của các điều ước quốc tế đó trong việc thúc đẩy và bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sớm gia nhập Hiệp ước để các tác giả, người biểu diễn và các bên liên quan khác trong ngành điện ảnh Việt Nam có thể được bảo vệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường toàn cầu. Tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ tập trung vào cách quyền tác giả và quyền liên quan mang lại động lực cho người sáng tạo, cơ chế cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ và củng cố hệ thống thị trường để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh lớn mạnh, thịnh vượng".

Quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh

Với tham luận Bảo vệ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đưa ra những đánh giá về vấn đề bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh, từ hành lang pháp lý với các quy định của pháp luật Việt Nam; vấn đề chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là nhà nước; thời hạn bảo hộ tác phẩm điện ảnh đến quy định của điều ước quốc tế về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh. Bà cũng phân tích thực trạng việc bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng khi internet tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập, sử dụng thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm này mà không trả tiền sử dụng, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả. Với hàng triệu triệu người sử dụng Internet và hàng triệu website như hiện nay, việc kiểm soát các nội dung đăng tải trên các website để đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả là điều vô cùng khó khăn.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phát biểu tham luận

Bên cạnh đó, tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh đối với phim chiếu rạp, phim truyền hình vẫn xảy ra phổ biến, đặc biệt là vi phạm trong môi trường Internet, như phim chiếu rạp bị khán giả livestream phát trực tiếp trên mạng, gây thiệt hại nặng nề cho nhà sản xuất hoặc phim chiếu rạp, chiếu trên truyền hình bị khán giả ghi lại và phát tán trên mạng. Cùng với sự phát triển công nghệ, các hành vi xâm phạm cũng ngày càng tinh vi hơn.

Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh cũng đưa ra những nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp, theo đó cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả tác phẩm điện ảnh nói riêng. Các chủ sở hữu quyền tác giả nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền để bảo vệ các quyền của mình; chủ động yêu cầu xử lý xâm phạm khi có hành vi xâm phạm quyền của mình. Tăng cường công tác truyền thông về phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả…

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Trần Thanh Hoài phát biểu 

Ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết, hằng năm Lâm Đồng đã tạo điều kiện cho hàng trăm đoàn làm phim đến thực hiện các tác phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Lâm Đồng thông qua các tác phẩm điện ảnh. Ông cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để xây dựng nền công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp điện ảnh nói riêng và công tác bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh, trong đó có các giải pháp: thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa và thực hiện các quy định về bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh.

Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực

Với tham luận Cơ chế xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình trên môi trường số, ông Quản Văn Minh – Chủ tịch Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam (VAFC) trình bày một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và truyền hình hiện nay. Đặc biệt là những trường hợp phim chiếu rạp bị phát tán hoặc review trên mạng xã hội. Từ đó nêu ra những nguyên nhân và đề xuất giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu…

Tham luận Xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng, khó khăn – nguyên nhân – giải pháp của Văn phòng Luật sư Phanlaw cũng làm rõ những khó khăn, vướng mắc khi chủ thể quyền thực hiện các biện pháp xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh của mình trên không gian mạng. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp, theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ được đặt lên hàng đầu. Các chủ thể quyền đối với tác phẩm điện ảnh cần đăng ký, xác minh chủ sở hữu; khi nhận chuyển giao quyền, chuyển nhượng quyền tác phẩm phải lưu lại gấy chứng nhận, hợp đồng…

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu 

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú thu hút sự chú ý tại hội thảo khi ông đề cập đến những vấn đề nổi cộm về bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh hiện nay, cụ thể là việc sử dụng hình ảnh của các bộ phim tài liệu đã có trên không gian mạng đưa vào tác phẩm nhưng chỉ có một dòng ngắn ghi phim có sử dụng tài liệu đồng nghiệp mà không hề trực tiếp xin phép tác giả.  

Ngoài ra còn có việc sử dụng kịch bản phim, nhất là kịch bản phim truyền hình của những nhóm tác giả trẻ cũng thường xuyên bị xâm phạm bản quyền, cho thấy trong hoạt động điện ảnh, việc xâm phạm bản quyền đang diễn ra với nhiều hình thức tinh vi.

Cũng nói về tác hại nặng nề của tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam, TS Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, một số hãng phim lớn ở Hollywood như Walt Disney rất muốn có đại diện sản xuất ở Việt Nam, nhưng trước tình trạng vi phạm bản quyền  nên ngập ngừng chưa muốn vào. Năm 2021, từng có sự vụ trang web lậu đầu tiên bị khởi tố là phimmoi.com, nhưng đến giờ vẫn chưa được xét xử. Theo bà Ngô Phương Lan, việc bảo hộ bản quyền của tác phẩm điện ảnh cần được làm chặt chẽ trong tất cả các khâu, từ sản xuất, phát hành phổ biến đến công đoạn tái sản xuất như một chuỗi khép kín.

Bà cũng đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện pháo luật về điện ảnh,  sở hữu trí tuệ và cần sự vào cuộc dứt khoát của các cơ quan chức năng phối hợp cùng các hiệp hội nghề nghiệp.

Tại Hội thảo, đại diện đơn vị Thủ Đô Media cũng đưa ra một số biện pháp áp dụng công nghệ như giải pháp mã hóa để bảo vệ quản lý, gắn mã bản quyền để truy vết cho nội dung khi phân phối cho từng đối tác, chỉ cấp quyền xem cho các đơn vị phân phối, không cấp quyền sao chép, tự động trích thụ hưởng với các đơn vị phân phối…

Phát biểu tại Hội thảo, đạo diễn Lương Đình Dũng và đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng đưa ra những kiến nghị thiết thực. Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng đề nghị cần có “đường dây nóng” để hỗ trợ cho các nhà làm phim trong quá trình sáng tạo của mình bởi ngày càng nhiều các bộ phim bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng. Đây cũng là một vấn đề cần được chú trọng giải quyết hơn nữa để tạo ra môi trường phát triển điện ảnh lớn mạnh..

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng chia sẻ thực trạng vi phạm bản quyền, nêu ra những khó khăn về vấn đề bản quyền và đề xuất 4 giải pháp cũng như đưa ra những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tế làm phim để góp phần bảo hộ quyền tác giả.

Đa số các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng các văn bản hành lang pháp lý liên quan cần hoàn thiện hơn, các nhà làm phim ngay từ khi có ý tưởng làm phim phải có biện pháp bảo vệ bản quyền. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân và trình độ công nghệ thông tin của những người làm công tác quản lý. Ngoài ra, còn rất cần sự phối hợp đồng bộ của đơn vị liên quan như Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông, các hội nghề nghiệp…

NGÔ HỒNG VÂN

;