Hội họa Trần Hà - Tâm tưởng của những ngọn sóng biển

Nói đến đội ngũ họa sĩ tiêu của thành phố biển Nha Trang - Khánh Hòa, chúng ta không thể không nhắc đến một tên tuổi tài hoa, đó là họa sĩ Trần Hà. Anh là một họa sĩ dễ mến, đầy nhiệt huyết với hội họa. Tâm tưởng anh luôn đau đáu, trăn trở vươn đến những khát vọng cao đẹp trong đời sống hiện thực.

Họa sĩ Trần Hà sinh ra tại miền quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh, một vùng đất giàu bản sắc văn hóa và có truyền thống hiếu học. Anh lập nghiệp ở Nha Trang từ năm 1998. Hiện Trần Hà là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt anh đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. 

Trần Hà luôn tìm hiểu, trải nghiệm và tham vọng thể hiện nhiều vấn đề nhân sinh trong xã hội đương đại, bên cạnh đó, anh cũng khao khát thể hiện, tôn vinh bản sắc văn hóa của các vùng miền trong khu vực, như văn hóa Chăm Pa, văn hóa Tây Nguyên… Mỗi tác phẩm của anh là một câu chuyện kể kỳ thú, thi vị. Các tác phẩm của anh cũng chính là những lời tự sự chân thành của người nghệ sĩ, có trách nhiệm với đời, với người. Tâm tưởng anh luôn vượt thoát mơ đến tận cùng của sự nhân văn và những ý niệm hướng về bản ngã chân- thiện- mỹ. Tôi cảm nhận, nghệ thuật tạo hình của họa sĩ Trần Hà là một cuộc hôn phối đẹp đẽ, lãng mạn, giữa đường nét phóng khoáng, cùng với những gam màu nóng mạnh mẽ, rực rỡ, điểm xuyết, xen lẫn đâu đó một số sắc màu nâu sậm, vàng tươi. Mà ở cuộc hôn phối này, Trần Hà chính là vị chủ hôn thật sự tinh tế và hoàn hảo. Hội họa của Trần Hà được anh gắn kết, phối hợp nhuần nhuyễn tạo nên một không gian thẩm mỹ sâu lắng, trầm mặc, tạo cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ lung linh đầy mộng ảo. Trần Hà khai thác kỹ thuật trang trí mặt phẳng hai chiều, phối hợp với sự sắp đặt, vờn chuyển của kỹ thuật sơn dầu dựa trên nền tảng không gian ba chiều. 

Cầu nguyện 2, sơn dầu, 140x140cm

Xuyên suốt trong các tác phẩm của họa sĩ Trần Hà là những bố cục chắc chắn và luôn tuân theo sự sắp xếp rất kinh điển, tuy nhiên, rất sáng tạo, linh hoạt và biến ảo. Như chúng ta thấy ở tác phẩm Cầu nguyện, hình tượng một đoàn nhà sư được anh bố trí theo hàng dọc chạy từ trên đầu tranh đến cuối tranh, với những đôi chân trần in dấu trên nền đất màu vàng nứt nẻ. Không gian xung quanh không bố trí thêm bất cứ một hình tượng nào, tất cả được Trần Hà cố tình đẩy không gian mở rộng ra xa tạo nên một sự trống trải, cô đơn, hoang vắng, lặng im và huyền bí. Và rồi, tất cả chỉ còn lại văng vẳng những lời nguyện cầu sự bình an, sự thanh thản trong cõi nhân gian đầy bản ngã cám dỗ và cay nghiệt. Trần Hà là thế, anh là một nghệ sĩ chân thực. Anh phô diễn kỹ thuật không phải để diễn đạt cái anh thấy, mà anh phô diễn để giải bày những cảm xúc. Giải bày tư duy trừu tượng của tri thức mang sắc thái mỹ cảm thuần khiết, phiêu linh, mộng ảo. Và rồi ở đó, anh đau đáu đắm mình trong một không gian u tịch, tĩnh lặng, ảo diệu, buộc người xem phải suy ngẫm bản ngã trong cõi vô thường. Mọi vấn đề bất thường trong đời sống thực tại luôn được Trần Hà quan tâm, chắt chiu, dồn nén cảm xúc. Và khi đến thời khắc đỉnh điểm, tâm tưởng anh vượt thoát giới hạn. Mỗi tác phẩm của anh là một lời tuyên ngôn đanh thép để cuộc sống được tiếp tục duy trì trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào. Sự sống luôn vĩnh cửu, không dễ dàng bị hủy diệt, chúng ta có thể cảm nhận điều này ở tác phẩm Sự sống và tác phẩm Cầu nguyện của anh.

Và họa sĩ Trần Hà, anh luôn tự hào về văn hóa Việt Nam. Tây Nguyên là mảng đề tài được anh quan tâm khai thác. Các tác phẩm của anh về Tây Nguyên đã tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp và thuyết phục người xem. Anh khắc họa tinh tế, sinh động những động tác đánh cồng, đánh chiêng của cộng đồng người dân tộc Tây Nguyên. Trong chuỗi tác phẩm này, những sắc màu đỏ, đen, nâu, vàng được Trần Hà tiếp tục khai thác sử dụng. Tuy nhiên ở mỗi thời khắc khác nhau, anh luôn tạo nên những ngẫu hứng thẩm mỹ khác nhau, từ đó, mỗi tác phẩm đều có sự quyến rũ riêng, có nét đẹp riêng, và mang dấu ấn riêng, như tác phẩm Đất thiêngTây Nguyên… Xem tranh Trần Hà sáng tác về Tây Nguyên, người xem như có cảm nhận anh rất thấu hiểu sâu sắc văn hóa bản địa vùng đất này. Trần Hà như đã chạm được tay vào hơi thở của cao nguyên đại ngàn, hơi thở của buôn làng. Tâm tưởng của anh đang đồng điệu với tinh thần cộng đồng vốn có của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giàu tình người và thấm đẫm tính nhân văn. 

Sự sống, sơn dầu, 130x160cm

 Tôi có cảm nhận, nghệ thuật tạo hình của Trần Hà là một mạch chảy mạnh mẽ, quyết đoán trong dòng sông nghệ thuật mà anh đang cuồng vọng đê mê đắm mình trong dòng sông đó. Các tác phẩm của họa sĩ Trần Hà là những ngọn sóng biển hiền hòa, nhưng cũng không kém phần dữ dội, quyết liệt. Những ngọn sóng biển tuy mang một màu xanh biếc, mơn mởn, nhưng ở đó, qua lối phô diễn tài hoa của anh, những ngọn sóng biển đó luôn ẩn chứa một không gian đa sắc màu, đa chiều, đa nghĩa. Bởi vậy, xem tranh Trần Hà, người xem như bị cuốn hút, trượt dài trong một không gian thẩm mỹ sâu thẳm, vô định. Và rồi bất chợt người xem thoáng giật mình nhận ra những thông điệp quý báu mà tâm tưởng của họa sĩ đã chắt chiu, trân quý gởi đến toàn xã hội. 

Chuỗi tác phẩm của Trần Hà tạo nên một bản giao hưởng đẹp với những giai điệu thẩm mỹ du dương, lãng mạn, trữ tình. Nhà văn hiện thực Pháp Emile Zola đã nói: “Người nghệ sĩ chẳng là gì nếu thiếu tài năng, tài năng chẳng là gì nếu không có lao động”. Có lẽ họa sĩ Trần Hà luôn thực thi theo phương châm tâm đắc ấy. Anh liên tục bền bỉ lao động sáng tạo nhiều tác phẩm ấn tượng hơn nữa để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, thỏa mãn tố chất lãng du cuả một nghệ sĩ, một nhà trí thức trong cõi vô thường. Đồng thời, qua đó, đóng góp một phần nhỏ trong kho tàng văn học nghệ thuật thành phố biển Nha Trang- Khánh Hòa ngày một phong phú và đa dạng.

Giai điệu Chăm Pa, sơn dầu, 120x200cm

Với tâm huyết và tinh thần đam mê sáng tạo của người nghệ sĩ, với ý niệm luôn bền bỉ lao động sáng tạo, với những thành công nhất định trong suốt hơn hai mươi năm cống hiến, tất cả xứng đáng tạo nên tên tuổi ngọn sóng biển Trần Hà.

LÊ HÙNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;