Dương Thùy Dương: Hành trình truy tìm hiện hữu

Họa sĩ Dương Thùy Dương và tác giả, NNCMT Andrea Trần, tại triển lãm Những hành tinh mới của Agnes, Hà Nội, tháng 10/2022. Photo©andrea-tran

Trong cuộc đời của người họa sĩ, mỗi cuộc triển lãm cá nhân có thể coi là một cột mốc, một chặng dừng chân để bản thân người nghệ sĩ nhìn lại con đường mình đã đi qua, suy nghĩ về hiện tại và cân nhắc cho những điều mình sẽ làm ở phía tương lai. Với người xem và công chúng, sự kiện này cũng là cơ hội để họ một lần nữa được tiếp cận các tác phẩm của họa sĩ ở cự ly gần, trong không gian vật lý thực, để chiêm nghiệm và tương tác với các tác phẩm, qua đó có những cảm nhận trực tiếp về những ý niệm, những suy tư và nhiều khi cả bài học cuộc sống mà người nghệ sĩ gửi gắm qua từng nét bút, mảng màu trong mỗi bức tranh cụ thể hay trong loạt tranh theo những chủ đề riêng.

Cuộc triển lãm Những hành tinh mới của Agnes của họa sĩ Dương Thùy Dương vừa mới khai mạc trong không gian nghệ thuật Mơ Art Space, Hà Nội vào ngày 21/9/2022 hẳn là một “cột mốc” theo đúng nghĩa trên con đường nghệ thuật mà nữ họa sĩ đã chọn cho mình và kiên định dấn thân trong hơn 20 năm qua. Đây rõ ràng là một triển lãm cá nhân quy mô nhất của nữ họa sĩ từ trước tới nay, với 62 bức tranh, trong đó có 42 bức chân dung khổ nhỏ được ghép lại thành một ‘bức tường chân dung của những nhân vật thuộc về quá khứ, hiện tại và tương lai’, thật đặc sắc và gây ấn tượng mạnh. Những bức tranh còn lại đều có kích thước khoảng 120 x 160 cm. Tất cả đều được vẽ với chất liệu sơn dầu trên toan, và là những sáng tác tại Đức được tác giả chuyển về Hà Nội chỉ trước ngày khai mạc triển lãm mấy ngày.

Tính đến thời điểm này, Dương Thùy Dương đã có chẵn 20 triển lãm, bao gồm 9 triển lãm hai người hoặc nhóm và 11 triển lãm cá nhân. Xét về địa lý và địa điểm, có 10 triển lãm ở Việt Nam, còn lại là các triển lãm tại Đức, Thái Lan, Anh quốc. Thật là một quãng thời gian làm việc liên tục, bền bỉ và đạt được những kết quả không nhỏ.

Với hơn 20 năm hoạt động hội họa chuyên nghiệp, theo cảm nhận riêng của tôi - có thể tạm coi là một fan ngầm của nữ họa sĩ - thì mỗi cuộc triển lãm của Dương Thùy Dương đều mang đến cho người xem những ấn tượng khó quên, không chỉ bởi lối vẽ thiên về biểu hiện, sử dụng những nét bút mạnh mẽ, phóng khoáng, mà hơn nữa, mỗi tác phẩm đề hàm chứa nhiều ý tưởng riêng tư, độc đáo khó lẫn.

Tuy nhiên, có điều thú vị là cứ đến mỗi chặng mới, hay mỗi cuộc triển lãm mới, người xem đều nhận thấy nữ họa sĩ có những vận động mới trong họa pháp, trong chủ đề, hay nói đúng hơn, trong những cách thức giải quyết những câu hỏi lớn mà bà luôn đặt ra ngay từ ngày đầu bước vào đường trường hội họa: Tôi là ai ? Tôi từ đâu đến? Tôi về đâu? (cũng là tên một bộ tranh ba tấm của họa sĩ sáng tác năm 2007)

Rất khó có thể biết được chính xác vì sao Dương Thùy Dương luôn đau đáu với những câu hỏi này, những câu hỏi cũng từng ám ảnh Paul Gauguin để làm nên kiệt tác D’où venons-nous… Que sommes-nous… Où allons-nous? (Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?) được ông hoàn thành vào năm 1897. Ngay từ những bức vẽ được triển lãm trong thời kỳ đầu, khoảng 2004-2006, nhiều nhân vật của Dương Thùy Dương đã không có nhân dạng xác định, nhiều hình tượng biểu hình được thể hiện với thủ pháp di nét mờ nhòa hoặc cắt cúp góc cạnh, phiến diện, cho thấy một dự cảm về thân phận, về hoàn cảnh con người trong thời hiện đại luôn bấp bênh, bất định - trong đó có cả bản thân người họa sĩ. 

Đến cuộc triển lãm Trong mắt người khác tại Viện Goeth ở Hà Nội năm 2009, Dương Thùy Dương đã vẽ chân dung chính mình chỉ có đường công tua là một chỉ dấu về dung nhan bản thân, còn mọi chi tiết trên gương mặt đều bị xóa hẳn, cho thấy từ thời điểm này, vấn đề về căn cước/bản sắc có lẽ đã không còn ám ảnh họa sĩ bằng việc tìm kiếm bản ngã của mỗi con người hay sự hiện hữu của mỗi cá nhân trong thế giới đương đại - nơi mà đường biên quốc gia luôn biến động, và những trào lưu toàn cầu hóa, đa văn hóa, liên văn hóa đã làm thay đổi cái gọi là "bản sắc" của cá nhân hay bản địa đến tận gốc rễ. 

Cột mốc đáng ghi nhớ nhất cho đến thời điểm này, theo tôi, là hai cuộc triển lãm nối tiếp nhau có tiêu đề My Agnes (“Agnes của tôi”) tại Eight Gallery, TP HCM vào năm 2016 và Post Agnes (Hậu Agnes) tại Hương Ngô Art Space, Hà Nội vào năm 2017, với nhân vật Agnes lần đầu tiên xuất hiện và đã đồng hành cùng Dương Thùy Dương cho đến tận triển lãm mới nhất ở Mơ Art Space trong mùa thu này.

Kể từ đó, dường như Agnes đã trở thành hóa thân của người họa sĩ, hay nói cách khác, Dương Thùy Dương đã thông qua Agnes để biểu đạt những nhu cầu nội tâm của chính mình. Dương Thùy Dương đã đưa nàng Agnes từ tiếu thuyết của Milan Kundera sang thế giới hội họa của mình, đã khoác cho nàng một hình hài mới theo óc tưởng tượng của mình, đã phủ lên nàng một đời sống nội tâm mới, như thể thay mặt cho nữ họa sĩ, cất tiếng nói về phận người, về con đường tiếp tục truy tìm cái tôi (đã mất hay chưa bao giờ có?), truy tìm cái hiện hữu (có thực sự tồn tại hay chỉ là những khả hữu mà con người mơ tưởng, suy niệm, mong ước?)

Nếu Agnes và những nhân vật trong tiểu thuyết của Kundera luôn mắc kẹt trong những tiến trình tan rã của những giá trị, thì nàng Agnes và những nhân vật mới của Dương Thùy Dương, kể từ 2016 - 2017, cũng luôn bị "nhốt" trong những "đám rối" (một thủ pháp điển hình của Dương Thùy Dương), một "trật tự bện xoắn" như David Bohm từng đề cập trong luận văn về sự liên kết của vạn vật trong vũ trụ vào năm 1980, hay Leonardo da Vinci trước đó 500 năm cũng đã ghi chú: “Mọi vật đều sinh ra từ vạn vật và mọi vật đều trở lại thành vạn vật”.

Mặt khác, nếu Agnes và các nhân vật của Kundera không bao giờ là sự mô phỏng của một hiện hữu, một tồn tại trong đời thực, mà chỉ là những hiện hữu của tưởng tượng, một "bản ngã thử nghiệm", thì các sáng tác của Dương Thùy Dương cũng ngày càng không phải là những mô tả hiện thực. Nữ họa sĩ suy tưởng về tha nhân, về thế giới - một thế giới riêng của mình theo quan niệm riêng, do chính họa sĩ hình dung ra và xây dựng nên bằng các thủ pháp nghệ thuật cá nhân: những đám màu và nét vẽ rối bời (biểu tượng cho sự phiền toái, hoàn cảnh, bủa vây, trói buộc); những bóng khí (biểu tượng của sự xê dịch, bất định); những chân dung bị biến dạng, bị làm mờ hay có bức màn che tạo bởi các vạch, các chấm, các nét gạch xóa (biểu tượng của cõi nhân gian ngày càng phi nhân tính, cơ giới hóa, số hóa); những tĩnh vật úa héo vừa thân quen mà rất kỳ lạ (biểu tượng về một thế giới ngày càng xa lạ với chính bản thân những người đang sống trong đó). 

Những tác phẩm của Dương Thùy Dương với đa số người xem Việt Nam, mà theo tôi, cả với đông đảo công chúng quốc tế, cũng không hề dễ cảm nhận, mặc dù rất ám ảnh và có sức quyến rũ - chưa kể còn có thể khiến người thưởng lãm bị "mất" nhiều năng lượng khi đối diện với những tác phẩm đậm chất tâm linh, ma mị, liêu trai. Phải chăng nữ họa sĩ muốn thách thức trí tưởng tượng và sự trải nghiệm của người xem, buộc họ phải tự động hoàn tất chính trí tưởng tượng của họa sĩ, để tự chọn lấy cho mình một lời giải đáp (hay lại là một nỗi băn khoăn, hoang mang) đậm tính cá nhân nhất. 

Dương Thùy Dương, Nhà tiên tri 1&2, 2018, sơn dầu trên toan. Photo©Duong thuyduong

Sự gần gũi giữa số phận của Milan Kundera - một nhà văn gốc Séc sống lưu vong tại Pháp - và đời sống xa quê hương của Dương Thùy Dương tại Đức trong 20 năm qua có thể là một tham số góp phần giải mã những chủ đề và ý tưởng nghệ thuật của nữ họa sĩ. Phải chăng cùng có những cảnh ngộ tha hương, thường xuyên phải đối diện với những nghịch cảnh, sự cô đơn, nghiệt ngã, những xung đột và giao thoa văn hóa, những bất định do hoàn cảnh tác động không hề báo trước ... nên cũng như Kundera, Dương Thùy Dương mải miết đi tìm sự bình an trong đời sống, trong tâm hồn. Những trải nghiệm ly hương có lẽ cũng rèn nên bản lĩnh vững vàng trước mọi sóng gió cuộc đời, để người nghệ sĩ luôn ý thức được về thân phận những con người luôn thiếu vắng bản thể, thiếu vắng gương mặt thật của mình, của mỗi cá nhân trong thế giới hiện đại đương thời. Những "bản nguyên" mù mờ luôn ẩn hiện trong các nhân vật hội họa cùa Dương Thùy Dương, đầy biến hóa, đầy sắc thái, nhưng cũng thấm đẫm nỗi đơn côi, như thể luôn đắm chìm trong dòng suy tư về cái cô đơn truyền kiếp của loài người trong cõi mênh mang vũ trụ vô thủy vô chung.

Có thể nói cho đến cuộc triển lãm mới mở ở Hà Nội vào tháng Mười năm 2022 này, dựng thêm một cột mốc trên hành trình nghệ thuật của cá nhân, nữ họa sĩ Dương Thùy Dương đã tìm kiếm và du hành tiếp tới một không gian mới cho riêng của mình, cũng là một tiểu vũ trụ có Những hành tinh mới của Agnes, nhưng bà sẽ tiếp tục và vẫn mãi là kẻ độc hành trên hành trình truy tìm hiện hữu, cho dù có thấy hay không, và chọn nghệ thuật làm phương thuốc xoa dịu số phận, dung dưỡng cảm xúc và tưới mát tâm hồn. 

Họa sĩ Dương Thùy Dương sinh năm 1979 tại Hà Nội, hiện đang sống và làm việc tại Berlin, CHLB Đức.

ANDREA TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

 

;