Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Nghị quyết 08 NQ/TW của Bộ Chính trị Về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, ngày 16-1-2017 đã khẳng định: Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH), tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn các DSVH nói chung và của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói riêng có ý nghĩa thiết thực, cụ thể, vừa là vấn đề mang tính cấp bách trước mắt, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ mang tính chiến lược cơ bản lâu dài để bảo đảm cho sự phát triển bền vững không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn mãi về sau.

Ngày hội cồng chiêng - Ảnh: Hà Hữu Nết

Các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên được hình thành, phát triển với nền văn hóa bản địa không bị “pha trộn”, “hỗn tạp” trước những biến động của xã hội. Các DSVH đã, đang góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Theo đó, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên về thực chất là đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới trong sạch, lành mạnh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động trong và ngoài nước để đồng bào vững niềm tin theo Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Trong những năm vừa qua, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã được các chủ thể quản lý và đồng bào các dân tộc đặc biệt quan tâm với những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, như: thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức trách nhiệm cho đồng bào các dân tộc giữ gìn giá trị văn hóa, tổ chức giao lưu, trao đổi, hội thảo khoa học, hướng dẫn nhân dân tham gia vào hoạt động xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích và làm mới các lễ hội, làng nghề truyền thống cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới; tổ chức triển lãm, trưng bày sản phẩm văn hóa của đồng bào các dân tộc, thông qua các chương trình, hợp tác, ký kết giữa Sở VHTTDL của các tỉnh với địa phương bên ngoài và các nước trong khu vực ASEAN, thế giới; tổ chức quảng cáo, giới thiệu các hoạt động du lịch như: xây dựng được một số sản phẩm du lịch chung như Con đường di sản miền Trung, Hành trình kết nối các di sản, Con đường xanh Tây Nguyên... Nhờ đó, lượng du khách nước ngoài đến tham quan các di tích lịch sử, các điểm văn hóa tăng lên liên tục: năm 2018, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút trên 1,986 triệu lượt khách, tăng 11% so với năm 2017 là 1,287 triệu lượt khách; trong đó, khách du lịch trong nước tăng 7,6%, khách quốc tế tăng 3,4%, đạt doanh thu trên 2.989 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2017. Trong đó, Lâm Đồng vẫn là địa phương có lượng du khách đến nhiều nhất so với các tỉnh trong vùng, chiếm 80,34% so với toàn vùng, tiếp đến là Đắk Lắk (1).

Tuy nhiên, hiện nay trước sự xâm nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau, đã làm cho một số DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên bị mai một, lãng quên, thương mại hóa; một số hộ gia đình đã bán cồng chiêng, nhà cổ… để lấy tiền làm kế sinh nhai, trang trải sinh hoạt; nhà rông, nhà dài dần biến mất thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, lộng lẫy được xây kiên cố bằng các loại vật liệu như gạch, sắt, xi măng…; phát triển du lịch chưa gắn liền với bảo tồn các DSVH, còn nặng về mặt kinh tế, chưa chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động thường xuyên của các DSVH; việc truyền dạy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc cho thế hệ trẻ chưa thường xuyên…

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên hiện nay cần thực hiện một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch và bảo tồn DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để bảo đảm cho việc phát triển du lịch với bảo tồn các DSVH diễn ra thường xuyên, có hệ thống và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, truyền thống đạo lý dân tộc. Năng lực quản lý của Nhà nước được thể hiện ở việc ban hành chiến lược quy hoạch, chỉ thị, hướng dẫn, quy định… về phát triển du lịch với bảo tồn các DSVH nói chung và của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, lực lượng có liên quan về văn hóa, du lịch hoạt động, đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Theo đó, đội ngũ cán bộ các cấp ở đồng bào dân tộc Tây Nguyên cần thường xuyên bám sát cơ sở ở các buôn làng, từ đó, có những tham mưu, đề xuất với cấp trên về cách thức, phương pháp duy trì các lễ hội, quảng bá những DSVH để thu hút khách du lịch, kết hợp với phát triển các mặt hàng, sản phẩm truyền thống của từng buôn làng; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của các khu du lịch sinh thái, các hoạt động lễ hội để chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý nghiêm đối với những hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, chèo kéo khách du lịch; định kỳ hằng năm tổ chức hội nghị sơ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về quá trình phát triển du lịch với bảo tồn DSVH của đồng bào dân tộc.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng bào dân tộc trong bảo tồn DSVH để phát triển du lịch

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên chính là chủ nhân sáng tạo ra các DSVH và cũng là người thụ hưởng các giá trị đó. Do vậy, bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch chính là trách nhiệm của đồng bào dân tộc. Về thực chất là phát huy nguồn lực con người vào các hoạt động lưu truyền, quảng bá và giới thiệu các DSVH ra bên ngoài, thông qua vai trò, trách nhiệm của những già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các buôn làng. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên phải thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội, nhất là hoạt động lễ hội chào mừng du khách đến địa phương tham quan với tinh thần, trách nhiệm cao, mến khách. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Tây Nguyên cần tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt để hướng dẫn, giới thiệu cho du khách đến tham quan; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vào các hoạt động xây dựng, làm mới, tu bổ, tôn tạo các DSVH đã xuống cấp, bị mai một, lãng quên; chấp hành nghiêm các quy định, yêu cầu của chính quyền các cấp về hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán các sản vật phục vụ du khách; tham gia có hiệu quả vào hoạt động đấu tranh, tố giác đối với hành vi phản cảm, không đúng với thuần phong mỹ tục của buôn làng, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tạo điều kiện để người dân thực sự phát huy vai trò làm chủ của mình trong hoạt động du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vừa nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa vùng đất đại ngàn tới du khách trong và ngoài nước. Đây được coi là giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Ba là, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, biện pháp về phát triển du lịch với bảo tồn các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Hiện nay, công nghệ thông tin có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, hoặc người dân có thể quảng bá, giới thiệu các loại hình văn hóa của dân tộc và cũng giúp cho cơ quan, ban ngành quản lý được dễ dàng hơn. Mọi thông tin về phát triển du lịch với kế hoạch bảo tồn các DSVH được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, trang web, trang báo điện tử… Nhờ vậy, việc phát triển du dịch với bảo tồn các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên luôn diễn ra thường xuyên, phù hợp với xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế.

Về mặt nội dung: chú trọng đến giáo dục, bồi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống tích cực của dân tộc nói chung và của đồng bảo dân tộc Tây Nguyên nói riêng; tuyên truyền kịp thời những thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như tình hình thế giới, khu vực và trong nước tới đồng bào các dân tộc; vận động đồng bào dân tộc tích cực, chủ động phát triển kinh tế, xã hội, không trông chờ, ỷ lại, tự vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng…

Về hình thức, biện pháp: thực hiện thông qua các hoạt động tổ chức văn hóa ở từng buôn làng, từng dân tộc theo tuần, tháng, năm; thông qua các chương trình văn hóa văn nghệ, hội thi, hội thao, trao đổi, hội thảo khoa học… để tuyên truyền, giáo dục, tìm ra hướng đi mới cho phát triển du lịch với bảo tồn các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Ngoài những nội dung, biện pháp cơ bản trên, thì cần chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm nét Tây Nguyên như du lịch, khám phá, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…; tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch hoạt động có hiệu quả trong thực tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức, am hiểu về phong tục tập quán và biết tiếng dân tộc để phục vụ du khách; tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch.

Các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên là kho tàng vô giá và là một nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn các DSVH của đồng bào dân tộc Tây Nguyên luôn có sự gắn kết biện chứng tác động qua lại với nhau một cách chặt chẽ, không vì phát triển du lịch mà quên đi nhiệm vụ bảo tồn các DSVH, và ngược lại, không vì bảo tồn các DSVH mà không đẩy mạnh phát triển du lịch để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Tạo sinh kế cho đồng bào phải có phương án bảo vệ môi trường, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại đến DSVH, phá vỡ nếp sống của đồng bào.

______________

1. Nguồn: Báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng năm 2018.

Tác giả: Mai Thị Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;