Hòa Bình: Ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030

Ngày 24/11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 2742/QĐ-UBND, về ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 513,211 tỷ đồng bao gồm: Nguồn vốn đầu tư công ngân sách địa phương và ngân sách T.Ư hỗ trợ: 500 tỷ đồng; Nguồn vốn chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa: 13,211tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030.

Ngày vui của đồng bào Mường - Ảnh: Doãn Khánh
 

Cụ thể, Đề án đề ra mục tiêu: Về di sản văn hóa vật thể, đầu tư xây dựng khu Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc, trong đó bao gồm: Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường, khu vực sân khấu trình diễn văn hóa Mường, ẩm thực của người Mường, khu vực tổ chức lễ hội Khai hạ, khu vực làng người Mường cổ, các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng tại huyện Tân Lạc; Quy hoạch đối với khu vực Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; Phục chế 20 trống đồng có giá trị tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình để bảo quản và trưng bày, giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình; Tổ chức nghiên cứu, công bố mẫu kiến trúc nhà sàn cổ (bằng gỗ) và mẫu nhà sàn bằng vật liệu thay thế phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt hiện đại, vệ sinh môi trường; Lựa chọn 5 điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mường, đầu tư hỗ trợ khôi phục nhà sàn Mường truyền thống để bảo tồn không gian văn hoá của người Mường phục vụ khách tham quan du lịch; Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh đối với Quần thể hang động Chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy.

Về di sản văn hóa phi vật thể: - Hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường để Thủ tướng Chính phủ trình tổ chức UNESCO ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, khôi phục, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường (về tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian). Trong đó, lựa chọn lập hồ sơ 5 di sản văn hóa phi vật thể của người Mường đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Bảo tồn 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn, phát huy; Khôi phục, bảo tồn 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường Hòa Bình gắn với xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; Nghiên cứu, khôi phục một số trò chơi dân gian tiêu biểu của dân tộc Mường và phát triển trở thành môn thể thao đại chúng đưa vào trong hệ thống các giải thi đấu của tỉnh, khu vực và toàn quốc; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa về ngữ văn dân gian, tiếng nói, chữ viết của người Mường tỉnh Hòa Bình; Nghiên cứu, sưu tầm và khai thác các loại hình nghệ thuật trình diễn độc đáo của dân tộc Mường, dàn dựng một số chương trình nghệ thuật quy mô lớn để giới thiệu, quảng bá đến công chúng và du khách.

Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình 

 

Về bảo tồn và phát huy “Văn hóa Hòa Bình”: Tiến hành tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích quốc gia Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn - di tích tiêu biểu của “Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình để xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trình UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa của nhân loại; Quy hoạch các di tích tiêu biểu của “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; Lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn phục vụ du khách; Tăng cường công tác quản lý đối với các di tích khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiến hành thám sát, khai quật và nghiên cứu xác định giá trị đối với các di tích khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh; Tổ chức quảng bá, giới thiệu giá trị các di tích khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình” trên hệ thống truyền thông, mạng Internet; Biên soạn phát hành 1 cuốn sách giới thiệu về nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đề án được triển khai sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Hòa Bình mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường đại đoàn kết các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng Nông thôn mới; hạn chế sự mai một các di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong nhân dân, tạo cơ sở để xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước làm nền tảng tinh thần và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, góp phần khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” để phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề ở nông thôn nhất là đối với đồng bào dân tộc Mường vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững; giải phóng sức lao động, tạo nguồn lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.

 

ĐOÀN CẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

 

;