HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG TRANH SƠN DẦU GIAI ĐOẠN 1986 - 2016

Công cuộc đổi mới ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa nghệ thuật trong đó có mỹ thuật. Một thế hệ họa sĩ thời kỳ đổi mới đã hình thành, tạo nên diện mạo mỹ thuật đương đại Việt Nam đa dạng và có dấu ấn cá nhân của tác giả. Lĩnh vực hội họa có thể nói chiếm ưu thế lớn trên mọi diễn đàn về mỹ thuật Việt Nam thời kỳ này. Các tác phẩm hội họa thể hiện sự phản ánh trung thực cuộc sống ở tất cả các góc độ, thực tại bên trong của sự vật, người xem cảm nhận phần nào những cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ luôn gắn liền với đời sống, với thời đại.

Đời sống nông thôn, thành thị với những đổi thay mạnh mẽ theo sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam tác động mạnh đến khuynh hướng sáng tác hội họa. Nhiều họa sĩ, có thể phong cách và ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, mang nét hiện thực hoặc ẩn dụ, nhưng đều chung ý hướng đến tâm trạng, sự suy tưởng của người lao động trong xã hội đương thời.

Hình tượng là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, nhận thức trực tiếp bằng cảm tính (1). Theo từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, “hình tượng là phản ảnh của hiện thực bằng nghệ thuật, bằng những hình dáng, đường nét cụ thể, sinh động” (2).

Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, người nghệ sĩ dùng hình tượng nghệ thuật để nhận thức và cắt nghĩa đời sống, thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình. Nhờ những hình tượng đó mà sự vật, hiện tượng được tái hiện một cách sinh động nhưng đồng thời cũng nhờ qua nó mà cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ được thể hiện rõ nhất.

Giai đoạn 1986 - 2016, hội họa Việt Nam có những đặc điểm phong phú và mới lạ hơn so với những giai đoạn trước. Các khuynh hướng ngôn ngữ nghệ thuật thị giác được mở rộng ngày càng nhiều, cụ thể như xu hướng trang trí hoặc nhào nặn lại lối pop art Trung Quốc, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại. Có khi lại mạnh mẽ với khuynh hướng phi hình thể hay trừu tượng, sử dụng nhiều trạng thái tương ứng như đồng điệu, tương phản, hài hòa, biến dạng hóa hình thể, mô tả lại những khoảnh khắc mà con người không còn ở trong trạng thái bình thường, khuôn mặt người bị bóp méo, biến dạng, dị hóa và thú hóa đến cực độ. Hình thể nhân vật trong tác phẩm được họa sĩ thể hiện căng ra, vặn lại, phóng to… hay nói cách khác là bóp méo hình dạng, dáng dấp, cơ thể bình thường của con người nói chung, người lao động nói riêng. Đây là thủ pháp tạo hình mà trong những giai đoạn trước, các họa sĩ chưa mạnh dạn sử dụng.

 Hình tượng người lao động trong tranh sơn dầu hiện nay đã được thể hiện dưới nhiều hình thức như đơn giản hóa, cách điệu hóa, ước lệ hóa, trừu tượng hóa, thậm xưng, châm biếm, hoạt kê, cường điệu, bóp méo một cách mạnh mẽ và sáng tạo. Đơn giản hóa là họa sĩ giữ lấy nét đặc trưng lớn chứ không câu nệ chi tiết nhỏ, chú trọng hình thức ý tưởng mà không câu nệ bộ mặt tự nhiên. Có thể kể đến Chợ của Nguyễn Đình Hải, Một ngày mới của Viết Lục hay Kéo lưới của Đỗ Thúy Hằng được giản lược trong các mảng hình lớn, nhỏ, đường nét hình khối và cả màu sắc. Dù đơn giản về chi tiết nhưng qua các mảng hình được sắp xếp nhộn nhịp trong không khí của buổi chợ, người xem vẫn thấy không khí lao động tấp nập. Bên cạnh đó, những người dân chài kéo lưới, dù hình thể được cách điệu, giản lược nhưng vẫn bộc lộ rõ không khí lao động và tinh thần, bản chất thực tại của khung cảnh, tạo cho người thưởng thức những ấn tượng lạ, có thể gợi mở nhiều suy tưởng cá nhân.

Bằng cách cường điệu hóa, có những tác phẩm họa sĩ vẽ người kéo dài ra, hay phóng to thu nhỏ hoặc làm căng tròn những bộ phận cơ thể, như Hạnh phúc - Hạnh phúc của Bùi Thanh Tâm. Cách vẽ vờn khối làm cho đặc điểm khuôn mặt nhân vật căng bóng như bề mặt của những quả bóng, hình dáng cơ thể thì nhỏ bé so với tỉ lệ đầu, họa sĩ không chú tâm tới giải phẫu tạo hình nhưng chính điều đó khiến cho tính châm biếm của bức tranh càng được thể hiện cụ thể. Nhân vật lái xe ba bánh dù là người lao động trong vai lái xe chở khách nhưng cách ăn mặc cũng bảnh bao, khác lạ với lẽ thường. Lối vẽ vờn khối lại ấn lùn và thổi phồng người như bong bóng, cho người xem có cảm giác nhân vật không chỉ sống động mà còn rất giống hình ảnh các chú Tễu trong dân gian, gây cảm giác cười, ẩn ý phê phán thói đời trong xã hội. Kiểu thức này cho thấy rõ nội dung tư tưởng quy định hình thức thể hiện. Hình ảnh mang tính biểu hiện cao qua những nét vẽ đầy châm biếm, giễu cợt, chao chát để làm điểm nhấn cho tác phẩm; lấy thực tại nhốn nháo thường ngày làm không gian đồng hiện cho những tiểu cảnh bi hài.

Từ khi có chính sách đổi mới, nghệ thuật tạo hình nói chung, hội họa sơn dầu nói riêng đã có nhiều đổi thay, chuyển mình khác lạ cả về chủ đề, phong cách tạo hình, chất liệu và quan điểm sáng tác… Điều đó cũng là do tác động của hoàn cảnh xã hội mới. Người lao động xuất hiện với đa dạng công việc hơn, từ những cánh đồng, trong các nhà xưởng ngoài công trường, trong các chợ lao động, bán hàng rong ở góc phố, vỉa hè, cả trên những sàn diễn... Bên cạnh đó, khả năng xây dựng bố cục lớn, tạo hình phức tạp cũng được hình thành ở giai đoạn này.

Thời kỳ đổi mới đã khuấy động lên sự sáng tác mạnh mẽ của người nghệ sĩ, giúp họ có cơ hội trở về với bản ngã của mình. Từ đầu thập niên 80 TK XX đã có những tác phẩm hội họa bộc lộ một thái độ khác về hiện thực. Thời kỳ này, nhiều họa sĩ không còn vẽ trực họa như trước. Sự đổi mới có tính căn bản đó là đổi mới nhận thức và quan niệm nghệ thuật. Nghệ thuật tạo hình không còn rập khuôn một cách nhìn, cách biểu hiện hiện thực mà trở nên đa dạng hơn.

Như vậy, hội họa Việt Nam hiện nay, riêng với chủ đề về người lao động, đã có bước phát triển đáng kể, có sự đổi mới trong nhận thức, trong quan niệm và biểu hiện nghệ thuật, tiếp thu mỹ thuật thế giới, tự do tìm tòi và thể hiện. Qua các quan điểm, nguồn xúc cảm khác nhau về cuộc sống, số phận con người mà họa sĩ đã rung động để phản ánh lên sáng tác. Điển hình như tác phẩm Công nhân lắp máy của họa sĩ Lê Anh Vân, đem lại sự thành công lớn cho tác giả. Cách tạo hình hình thể người công nhân lắp máy là những cấu tạo hình ống được kết hợp với màu sắc nhẹ nhàng mà có tương phản mạnh mẽ. Tác giả muốn vận dụng cách tạo hình của dân gian trên các chạm khắc đình làng để tô đậm giá trị nhân văn, bản sắc dân tộc, cùng với sự chắc khỏe, mạnh mẽ của hình ống biểu hiện tính công nghiệp cao, truyền thông điệp về tinh thần lao động mạnh mẽ của người công nhân. Cách thể hiện của họa sĩ gợi cho người xem nhiều liên tưởng. Đây là một tác phẩm tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Các họa sĩ trẻ thời kỳ này táo bạo hơn về phong cách thể hiện với các chất liệu phong phú và cách nhìn khác lạ. Tuy vậy, sơn dầu vẫn là chất liệu được các họa sĩ sử dụng nhiều và mạnh nhất để thỏa mãn xúc cảm sáng tạo, những nỗ lực say mê tìm tòi của lớp họa sĩ trẻ. Hướng chủ đạo của nghệ thuật là hình tượng, tìm tòi gắn liền với phản ánh hiện thực, có thể hội nhập với các trào lưu và xu hướng nghệ thuật khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Một số họa sĩ vẫn giữ phong cách tạo hình mang tính kế thừa giai đoạn trước, ngợi ca vẻ đẹp của người lao động với tinh thần lạc quan, tươi vui, hồ hởi, diễn tả hiện thực, bộc lộ rõ khí chất của người lao động, với bút pháp mạnh bạo, khỏe khoắn, bớt đi vẻ tự nhiên trong tranh mà thể hiện sự sáng tạo trong cái nhìn mới của người họa sĩ, như Ngày mùa của Nguyễn Hùng, Cho hôm nay và mai sau của Nguyễn Hữu Phương, Chiều muộn của Đỗ Kích, Sau chuyến ra khơi của Hoàng Quang Ánh… Hay Mùa gặt của Nguyễn Văn Cường với hình thức mới, thủ pháp mới, thay đổi bố cục ngang, xéo, đổi mới kỹ thuật xử lý chất liệu, tạo sự chuyển động trong tranh, ít nhiều đã bộc lộ cách thể hiện mới mẻ, lạ mắt.

 Bên cạnh sự ngợi ca hình tượng người lao động vui tươi, yêu đời, hăng say trong lao động, còn có những thể hiện của họa sĩ về người lao động vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống, đôi khi được cường điệu pha chút trào lộng, như Mưu sinh của Nguyễn Chí Cương, Miền đất của Đoàn Hồng… Tác phẩm Vội của Lim Khim Katy với ba nhân vật hai nam một nữ, theo bố cục dàn ngang ở trọng tâm bức tranh trên nền màu sáng trắng là điểm thu hút sự tập trung của mắt người xem. Người xem thấy sự quen thuộc của bối cảnh và nhân vật dù họa sĩ chỉ tạo hình bán thân. Họ ăn trong vội vã, thiếu bình thản, thư thái, chứa đựng những vất vả, nhọc nhằn, mặc dù họa sĩ không vẽ bối cảnh lao động của họ đang cầm cuốc, cầm cày, gánh lúa, xay gạo hay đang bốc vác trên công trường hoặc đang điều khiển những chiếc máy trong các nhà xưởng…

Bộ tranh Hy vọng của Phạm Huy Thông khai thác sự tương phản giữa hình ảnh những đám mây giông tố như tương lai vô định của người nghèo và hình ảnh những đám mây trắng tựa như hy vọng mà họ nuôi dưỡng trong lòng. Họa sĩ muốn tạo ra nguồn động viên, dù giàu nghèo khác nhau, mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình và để vượt qua nó, cần có rất nhiều niềm tin vào tương lai. Huy Thông muốn nhìn sâu và tổng quát hơn những vấn đề xung quanh hình tượng một người nông dân rời làng ra đi. Phân tích các khía cạnh quan sát được, họa sĩ muốn chạm tới được sợi dây kết nối giữa người nông dân và quê hương ở phía sau lưng họ, trong cách tạo hình mới có pha chút trào phúng táo bạo.

Nhìn chung, hội họa giai đoạn 1986 - 2016 phản ánh một cách phong phú về đời sống người lao động trong xã hội. Người họa sĩ được tự do sáng tạo, thể hiện được bản ngã cá nhân, có cái nhìn, quan điểm tạo hình, phong cách mới, góp phần làm thay đổi diện mạo của hội họa sơn dầu Việt Nam.

Hình tượng người lao động trong hội họa được phản ảnh xuyên suốt trong sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Sự thành công về hình tượng này của các họa sĩ đã phản ánh được một số vấn đề quan trọng trong xã hội Việt Nam qua từng thời kỳ. Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, hình tượng người lao động với nhiều phẩm chất đáng ngợi ca, là nguồn cảm hứng được nhiều họa sĩ dành những tình cảm trân trọng và thiêng liêng để thể hiện thành công với nhiều chất liệu.Thông qua việc nghiên cứu tìm hiểu và đánh giá một số tác phẩm về đề tài lao động tiêu biểu trong hội họa Việt Nam hiện đại, chúng tôi thấy sự thay đổi về phong cách, cách nhìn nhận và biểu cảm một cách rõ rệt của họa sĩ trong từng giai đoạn lịch sử. Các kiểu bố cục đồng hiện, lớp lang, tự do, bằng chất liệu thể hiện khác nhau, góp phần chứng minh sự thay đổi của hội họa Việt Nam qua các thời kỳ. Các cách thể hiện màu sắc, hình mảng, tạo hình phù hợp và ăn nhịp với nội dung, mang đậm nét dân gian mà vẫn có tính hiện đại của nghệ thuật phương Tây, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Thực tế này chứng tỏ rằng trong giai đoạn đổi mới, mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển và những thành tựu nhất định, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

_______________

1. Nguyễn Đức Toàn, Xây dựng hình tượng nhân vật trong tranh, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2005, tr.36.

2. GS Nguyễn Lân (tái bản), Từ điển Thành ngữ & Tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010, tr.17.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : TRANG TỐ UYÊN

;