Hình ảnh người cha trên màn ảnh nhỏ

Sau nhiều bộ phim về tình phụ tử thu hút được sự chú ý của khán giả, màn ảnh nhỏ lại có thêm một bộ phim lấy người cha làm trung tâm. Đó là Món quà của cha với nhân vật chính là ông Nhân, đánh dấu sự trở lại của diễn viên kỳ cựu Võ Hoài Nam sau vai diễn được nhiều cảm tình của khán giả trong phim truyền hình Hương vị tình thân.

Gia đình chính là nơi chốn bình yên nhất để những đứa con trở về

Khi nhân vật phim là những ông bố

 Trong số những bộ phim về đề tài tình cảm gia đình, tình mẫu tử và tình phụ tử luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà làm phim ở mọi thời điểm. Hình ảnh những người cha, người mẹ khi được phác họa trên màn ảnh cũng dễ dàng lấy được nhiều nước mắt và khiến người xem rung động. Không giống như tình mẫu tử luôn được nói thành lời, như hình ảnh bà Nga béo dang tay bảo vệ đàn con trong Thương ngày nắng về, tình phụ tử lại thường lắng sâu, trầm lặng và thâm trầm hơn. 

Màn ảnh nhỏ Việt Nam từng có những bộ phim hay về tình phụ tử, từ Chuyện nhà Mộc cách đây hơn 20 năm đến Khi người đàn ông góa vợ bật khóc, Về nhà đi con… Cả trong những bộ phim lấy đề tài rộng hơn như hình sự, chính luân, hình ảnh người cha cũng được khắc họa ở nhiều góc cạnh, gieo nhiều cảm xúc.

Chuyện nhà Mộc là hình ảnh người cha vùng nông thôn Bắc Bộ với tạo hình hiền hậu mà gần gũi, thân thương, dồn hết sức để giúp con lên thành phố thực hiện ước mơ đổi đời bằng chữ nghĩa. Hình ảnh người cha trong Khi đàn ông góa vợ bật khóc cũng tỏa sáng trên màn ảnh nhỏ qua diễn xuất của NSND Công Lý trong vai ông Lâm. Đặc biệt hình ảnh người cha do NSND Trung Anh đóng trong bộ phim “gây sốt” màn ảnh Về nhà đi con đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. 

 Sau nhiều va vấp, Thảo đã hiểu ra tình cảm của cha dành cho mình

 Cố NSND Hoàng Dũng cũng tạo được ấn tượng sâu đậm đối với khán giả Việt Nam qua hình ảnh những ông bố trên màn ảnh nhỏ. Đó là ông Luật - người cha độ lượng, nhân ái mà nghiêm khắc trong Về nhà đi con, ông Phương dung dị mà ấm áp, lặng lẽ đứng phía sau cuộc sống của các con, tuy có những lúc cảm thấy cô độc vì bất lực trước những xô đẩy của cuộc đời nhưng vẫn dang rộng vòng tay che chở cho con trong Trở về giữa yêu thương. Đó còn là ông Phan Quân trong Người phán xử với câu nói để đời: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không, không quan trọng!” hay Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa trong phim Sinh tử - một người mạnh mẽ, quyết đoán, mưu mô nhưng cũng hết mực yêu và nuông chiều con…

 Món quà của cha - Tình cha lặng lẽ

 Ông Sinh trong Hương vị tình thân là vai diễn đánh dấu sự trở lại của NSƯT Võ Hoài Nam sau nhiều năm tạm rời xa màn ảnh. Mặc cảm do thân phận tù tội, phải gửi con làm con nuôi người khác, khi ra tù ông Sinh chỉ dám đứng từ xa dõi theo cuộc sống của con gái, Ông muốn bỏ đi nơi khác sinh sống để khỏi liên lụy đến con mình, luôn nhận phần thua thiệt về mình khiến cô con gái khi biết được sự thật đã quỳ xuống cầu xin ông Sinh ở lại bên cô, hai bố con ôm nhau, khóc nức nở. Tình cha con giữa nghịch cảnh này đã lấy được nước mắt khán giả và nhân vật ông Sinh cũng được rất nhiều người yêu quý. 

Trở lại màn ảnh trong bộ phim truyền hình Món quà của cha, NSƯT Võ Hoài Nam một lần nữa tái ngộ khán giả trong câu chuyện về tình phụ tử. Đó là chuyện nhà của ông Nhân - người đàn ông gà trống nuôi con khôn lớn. Cả đời quanh quẩn nơi xóm nghèo làm nghề đóng quan tài kiêm vớt xác, ông Nhân là người đơn thuần chất phác. Một mình xoay xở với ba đứa con, người đàn ông vụng về ấy không biết cách làm sao để sẻ chia đồng đều tình cảm cho những đứa con thiếu hơi ấm tình mẹ. Có đôi khi những tình cảm thiên vị mà ông dành cho hai cậu con trai đã khiến cô con gái tủi thân, cũng có lúc những sẻ chia gần gũi của ông với cậu út vốn là con nuôi lại khiến cho hai đứa con ruột chạnh lòng. Những hiểu lầm, trách móc có lúc đã khiến những đứa con nghĩ rằng mình không được yêu thương đủ đầy, khiến chúng chông chênh trên hành trình lập nghiệp.

. Sự thiên vị của ông Nhân dành cho Hiếu đã trở thành khởi nguồn của những bi kịch trong gia đình

Đặt người cha ở vị trí trung tâm trong mối quan hệ gia đình, phim xoáy sâu vào thời điểm khi những đứa con dần khôn lớn. Trong một gia đình từ lâu vắng bóng người mẹ, một mình người cha đã không đủ sức để chia sẻ tình cảm cho các con mình. Bi kịch bắt đầu cũng từ đó, khi người cha trụ cột gia đình vừa là điểm tựa, nơi chở che nhưng cũng chính là nơi bắt nguồn những vấn đề khúc mắc khiến cha con mâu thuẫn, anh chị em bất hòa.

Nghĩ mình không được cha yêu thương bằng anh và em trai, Thảo - cô con gái cảm thấy mình luôn cô đơn khi bước vào cuộc đời rộng lớn, bơ vơ mỗi khi gặp những biến cố trong đời. Nghĩa - cậu con trai cả học giỏi, hiểu chuyện trở thành niềm an ủi lớn của ông Nhân nhưng cuộc sống của Nghĩa cũng không được như ý. Với mặc cảm “sống nhờ nhà vợ” đẩy anh tới quyết định nỗ lực làm giàu để khẳng định bản thân và giúp đỡ gia đình để rồi gặp tai họa. Hiếu - Cậu con út hiền lành, chăm chỉ, thật thà gần gũi bố nhất nhà và cũng được bố yêu thương nhất. Nhưng chính điều này vô hình chung đã trở thành khởi nguồn của những bi kịch trong quan hệ cha con, anh em, khi người cha quá thân thiết và dành tình cảm cho một đứa con sẽ khiến những đứa khác cảm thấy thiếu thốn, hẫng hụt, từ đó tạo nên những hiểu lầm và khoảng cách.

NSƯT Võ Hoài Nam một lần nữa khẳng định tài năng diễn xuất đầy cảm xúc của mình. Anh cho rằng làm phim là để chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống của mình với khán giả. Người cha ngoài đời có 4 đứa con này đã diễn tả tình yêu thương dành cho ba đứa con trên phim với những cảm xúc rất chân thành. Những góc khuất trong tâm hồn, với tình phụ tử ấm áp luôn giấu kín đằng sau vẻ ngoài khô khan được Võ Hoài Nam diễn tả thật tinh tế. Hành trình tháo gỡ những hiểu lầm và phiền muộn trong lòng mỗi người con đã cho thấy sức diễn dồi dào và chiều sâu trong biểu đạt cảm xúc của diễn viên kỳ cựu này. Trên nền bức tranh gia đình đầy những bi kịch được ẩn giấu ấy, tình cảm chân thực của người cha đã dần khiến những đứa con hiểu được tình cha có thể không ngọt ngào như họ mong muốn nhưng luôn vững chắc và trở thành nơi chốn bình yên cho các con trở về. Sau những vấp ngã, những sóng gió ngoài đời và cả những khúc mắc hiểu lầm trong gia đình, tình cha chính là món quà cuối cùng mà những đứa con nhận được mỗi khi trở về nhà. Sau bao biến cố của cuộc sống, mỗi thành viên trong gia đình đều nhìn lại và hiểu rằng mình chính là một mảnh ghép không thể thiếu của gia đình, thấu hiểu tấm lòng của người cha luôn nỗ lực để mang đến cho các con những điều tốt đẹp nhất...

Sau những vấp ngã, những sóng gió ngoài đời và cả những khúc mắc hiểu lầm trong gia đình, tình cha chính là món quà cuối cùng mà những đứa con nhận được mỗi khi trở về nhà

Chia sẻ về nhân vật người cha lần này, NSƯT Võ Hoài Nam cho biết ông Nhân có nhiều điểm chung nhưng cũng có những điểm khác so với ông Sinh trong Hương vị tình thân. Cả hai người cha đều có tình yêu thương vô bờ bến và hy sinh mọi thứ cho con nhưng ông Nhân phải gánh trách nhiệm dạy dỗ, bảo ban và chăm sóc cho ba đứa con, còn ông Sinh lại phải để đứa con duy nhất làm con nuôi người khác để rồi trở thành người bên lề cuộc sống của con mình. 

Với thế mạnh là xây dựng những câu chuyện giản dị, tươi sáng, giàu tình yêu thương, với Món quà của cha, đạo diễn Vũ Minh Trí đã kể một câu chuyện thật giản dị mà nhiều nỗi niềm. Món quà của cha không chỉ là tình phụ tử mà còn là bức tranh gia đình với câu chuyện tình thân, những yêu thương không phải lúc nào cũng trọn vẹn nhưng khơi gợi sự đồng cảm với khán giả bởi sự gần gũi, chân thật.

PHẠM KHÁNH HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

;