Hè đến, xem gì?

Vào mỗi kỳ nghỉ hè, điệp khúc thiếu các chương trình giải trí hay, hấp dẫn cho thiếu nhi lại được nhắc đến. Nó như một thách đố mà các nghệ sĩ thuộc mọi ngành nghệ thuật đều thấy mình có trách nhiệm nhưng lại không dễ thực hiện.

Phim Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác

Chương trình cho thiếu nhi: Thiếu những tác phẩm hay 

Đã qua gần chục năm nhưng mỗi khi nhắc đến phim cho thiếu nhi mọi người vẫn hay kể đến bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Bộ phim không chỉ hấp dẫn về mặt hình ảnh (với nhiều cảnh đẹp của Phú Yên) mà còn thu hút bởi tính cách các nhân vật và cả câu chuyện phim. 

Gần đây nhất, bộ phim Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác cũng được xem như phim cho thiếu nhi dù về mặt thu hút, kết quả doanh thu bộ phim không bằng được với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Một bộ phim chiếu rạp nữa cũng dành cho lứa tuổi này là Trạng tí. Hàng chục năm mới có khoảng 3 - 5 bộ phim thiếu nhi ra rạp, chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số các phim ra rạp mỗi năm. Thực trạng vừa ít vừa không có nhiều phim hay dẫn đến tình trạng thiếu nhi luôn phải xem ké các bộ phim của người lớn hay tìm chọn các bộ phim nước ngoài có trên mạng, trên truyền hình để khoả lấp sự thiếu vắng của phim Việt dành cho lứa tuổi mình. 

Nói về sự thưa vắng phim thiếu nhi ở các mảng phim điện ảnh, phim truyền hình, phim trên mạng có rất nhiều lý do. Trong đó phải kể đến sự thiếu hụt một nền văn học phong phú, đa dạng, nhiều mầu sắc dành riêng cho thiếu nhi. Trong số ba bộ phim kể trên thì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhTrạng Tí đều có gốc từ văn học chuyển thể sang phim. Maika: cô bé đến từ hành tinh khác thì phóng tác theo cốt truyện phim truyền hình khá nổi tiếng của Tiệp Khắc là Maika: cô bé từ trên trời rơi xuống.

Phim Đất phương Nam

Ngoài mảng phim truyện, phim hoạt hình Việt Nam dù có nhiều nỗ lực tiếp cận thiếu nhi trong các dịp hè như phối hợp cùng Trung tâm chiếu phim quốc gia chiếu miễn phí một số bộ phim do hãng sản xuất. Phát sóng một số phim trên nền tảng trực tuyến hay tổ chức các buổi chiếu cho học sinh các trường tại rạp Thánh Gióng của hãng phim Hoạt hình Việt Nam… Tuy nhiên, ngoài bộ phim Người con của rồng có độ dài 60 phút, một vài phim lịch sử, truyền thuyết có độ dài 20 - 30 phút thì phần lớn phim hoạt hình Việt Nam vẫn bó hẹp trong khung thời gian 10 phút với câu chuyện xoay quanh các loài vật với những bài học giáo dục, triết lý… Trong khi hoạt hình thế giới đã vươn rất xa với những bộ phim dài 2 - 3 tiếng (không khác gì độ dài một phim truyện) với những cốt truyện hay, hấp dẫn cộng kỹ thuật, kỹ xảo đặc sắc thu hút không chỉ trẻ em mà cả khán giả nhiều lứa tuổi.

Với Việt Nam, việc thiếu hụt ngay từ nền tảng văn học, các ngành nghệ thuật khác như sân khấu, âm nhạc cũng rất ít các bài hát, vở kịch hay được dàn dựng dành riêng cho thiếu nhi. Trước đây, Nhà hát Tuổi trẻ cũng thường xuyên có các chương trình kịch hè dành cho thiếu nhi nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân” khi còn khá ít chương trình kịch hay dành cho thiếu nhi ở các đoàn kịch khác hay các loại hình sân khấu, nghệ thuật khác. 

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Ngoài thiếu vắng các tác phẩm văn học, những bài hát, kịch bản hay, nỗi ngại làm phim thiếu nhi còn có nhiều lý do. Một trong số đó là việc khó tìm chọn được dàn diễn viên hợp vai, khó trong chỉ đạo diễn xuất, khó thu xếp thời gian cũng như tìm được sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình các em… Thêm vào đó, áp lực, mối lo khi đề tài trẻ em luôn bị định kiến khó thu hồi vốn, khó hút khách cũng là một trong những nguyên nhân để các hãng, các nghệ sĩ ngại bắt tay vào mảng đề tài này. 

Nỗ lực từ nghệ thuật xiếc 

Đặc điểm loại hình với nhiều tiết mục hấp dẫn từ đu dây, nhào lộn, đu bay, xiếc thú… xiếc vẫn luôn là loại hình có nhiều yếu tố hấp dẫn, thu hút đối với thiếu nhi. Hè đến, cũng là dịp để các đoàn xiếc có thêm những tiết mục kỳ công, hấp dẫn dành riêng cho các em. 

Mới đây, vở kịch xiếc Cha Rồng Mẹ Tiên dựa trên câu truyện truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ với trăm trứng nở trăm con, được các nghệ sĩ xiếc tài năng kể lại thông qua ngôn ngữ xiếc gắn với sự sáng tạo độc đáo trong tạo hình các nhân vật, cảnh trí mang hơi hướng thần thoại. Trong đó, ấn tượng nhất là sự xuất hiện của rồng khổng lồ phun lửa, quái thú miệng rộng và hàng răng sắc nhọn, hồ ly 9 đuôi, không gian biển và rừng sinh động với nhiều màu sắc tươi vui cùng sự góp mặt của đàn sứa lung linh ánh đèn, đám cá ngựa hùng dũng, đàn bướm sặc sỡ…

Hàng loạt các màn trình diễn đa sắc, cuốn hút của nghệ thuật xiếc như tung hứng với lửa, đu cây trên không, lăn vòng, đi cà kheo, nhảy dây tập thể, đu dây lụa, uốn dẻo cùng các màn diễn múa trống liên tục trình diễn tiếp nối, hấp dẫn, cuốn hút cả khán giả trẻ em và người lớn.

Vở kịch xiếc độc đáo và hấp dẫn này đã biểu diễn liên tục 9 suất trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Việc xây dựng tích, trò dựa trên câu chuyện truyền thuyết về Cha Rồng, Mẹ Tiên mở ra nhiều sự kết hợp của loại hình xiếc với các bộ môn khác trong đó có văn học, sân khấu, các loại hình nghệ thuật truyền thống. 

Vở kịch xiếc Cha Rồng mẹ Tiên

Trước đó, tiết mục Thạch Sanh với Chằn tinh cũng được các nghệ sĩ xiếc xây dựng với nhiều chi tiết độc đáo. Hàng loạt chương trình xiếc có nội dung và nghệ thuật xuyên suốt như một vở diễn với sự kết hợp nhuần nhuyễn của âm thanh, ánh sáng, vũ đạo… cũng là loại hình cuốn hút khán giả, trong đó có các em thiếu nhi. 

Gần đây nhất, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt vở Cây gậy thần, một vở diễn vô cùng đặc biệt khi có sự kết hợp giữa xiếc với cải lương. Nhằm tiếp cận khán giả, hướng đi mới của Liên đoàn xiếc sẽ là sự kết hợp giữa xiếc và nhiều loại hình nghệ thuật khác để cho ra đời những vở diễn mới mẻ, nhằm thu hút thêm lượng công chúng đến với loại hình này.

NSND Tống Toàn Thắng cho biết: “Chúng tôi quan tâm đặc biệt nhất tới các loại hình truyền thống như tuồng, chèo và đã có những dự định, những kế hoạch để phối hợp với nhau. Có thể sẽ không phối hợp toàn vở diễn, nhưng lồng ghép vào những tiết mục. Ví dụ với tuồng, chúng tôi tạo ra những sản phẩm, hoạt cảnh mượn hình thức của tuồng, kết hợp ngôn ngữ của xiếc qua đó giới thiệu tới khán giả”.

Thực tế đã cho thấy, nếu biết tìm tòi sáng tạo, khéo léo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, xiếc sẽ trở thành loại hình có nhiều ưu thế trong thu hút khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi. 

Về lâu dài, để có một tập hợp các chương trình giải trí hấp dẫn dành cho thiếu nhi ở các thể loại như văn học (truyện, truyện tranh), phim (phim truyện, hoạt hình), sân khấu (kịch nói, kịch hát, xiếc), âm nhạc… ngoài những nỗ lực tự thân của mỗi ngành nghệ thuật, cá nhân các nghệ sĩ thì cũng cần sự đồng hành và tạo điều kiện của các tổ chức nghề nghiệp, của nhà nước. Cần mở thêm các cuộc vận động, các trại sáng tác để có thêm những tác giả tham gia vào mảng nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Việc sớm bù đắp mảng thiếu hụt này không chỉ tạo ra một môi trường văn hóa nghệ thuật toàn diện, phong phú mà còn góp phần xây dựng và nuôi dưỡng lớp khán giả tiềm năng cho những ngành nghệ thuật giải trí sau này.

PHƯƠNG HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

;