HIỆN TƯỢNG TÁI TẠO VÀ PHÓNG TÁC THỦY HỬ THỜI KỲ KHÁNG NHẬT Ở TRUNG QUỐC

Soi chiếu vào thực tại đất nước Trung Quốc thì thấy tình hình chính trị thời kỳ kháng Nhật (1937 - 1945) hết sức phức tạp. Hai phe nội chiến trong nước là Quốc dân Đảng và Cộng sản Đảng đã không cùng hợp tác chống Nhật mà mỗi bên lại mưu tính những kế sách có lợi cho riêng mình. Đất nước tạm chia thành hai chiến khu là Quốc thống (Cộng sản Đảng) và Giải phóng (Quốc dân Đảng). Cũng bởi thế, các tác phẩm kịch cải biên từ tiểu thuyết chương hồi Thủy hử của Thi Nại Am (TK XIV) tất yếu đi theo hai ngã rẽ, đồng thời tạo nên hai xu thế tiếp nhận kịch Thủy hử khác nhau. Bên Quốc thống khu chủ yếu tiếp nhận Thủy hử thông qua các nguồn truyện phóng tác từ Thủy hử hoặc tiểu thuyết tục thư còn bên Giải phóng khu tiếp nhận qua các vở kịch cải biên.


1. Hiện tượng tái tạo và phóng tác Thủy hử ở Quốc thống khu

Việc viết thêm hoặc thay đổi những tình tiết từ tiểu thuyết chương hồi Thủy hử để tạo nên những tiểu thuyết tục thư được xem là hiện tượng tái tạo, phóng tác từ tiểu thuyết Thủy hử. Trên cơ sở đọc, phân tích các tài liệu nghiên cứu, chúng tôi cho rằng tiểu thuyết tục thư phóng tác từ Thủy hử là một trong những hiện tượng nổi trội, đáng bàn luận nhất trong nghiên cứu tiếp nhận Thủy hử ở Quốc thống khu giai đoạn kháng Nhật này.

Có thể hiểu tiểu thuyết tục thư là một loại tiểu thuyết được viết tiếp, kể tiếp, bổ sung những tình tiết mới dựa trên cơ sở nội dung, hình thức của bộ tiểu thuyết gốc. Loại hình tiểu thuyết này từng xuất hiện ở giai đoạn cuối TK XVIII, đầu TK XIX ở Trung Quốc. Cùng với đó, hiện tượng tái tạo, phóng tác tiểu thuyết không chỉ có ở Thủy hử mà còn ở các bộ tiểu thuyết cổ điển khác như: Hồng lâu mộng, Tam Quốc diễn nghĩa… Trong việc nghiên cứu những sáng tác tục thư của tiểu thuyết Thủy hử, chúng tôi chú trọng tới bốn tác phẩm tiêu biểu nhất: Thủy hử trung truyện, Tân Thủy hử, Thủy hử tân truyện, Thủy hử nhân vật luận tán. Trong bốn tiểu thuyết tục thư này, Thủy hử trung truyện của Khương Hồng Phi được viết và xuất bản sớm nhất, năm 1938. Sau đó, năm 1940, Cốc Tư Phạm viết Tân Thủy hử, Trương Hận Thủy viết Thủy hử tân truyện. 8 năm sau, năm 1948, Trương Hận Thủy sáng tạo thêm Thủy hử nhân vật luận tán.

 Các tiểu thuyết tục thư này chủ yếu phản ánh thực trạng đời sống khốn khổ của người dân, ngoài ra còn cổ vũ, vận động, khích lệ, nâng cao tinh thần chiến đấu chống Nhật của nhân dân Trung Quốc. Khi viết Thủy hử trung truyện, Khương Hồng Phi nhấn mạnh yếu tố Hán gian từng xuất hiện trong Thủy hử. Vào thời kháng Nhật, khái niệm Hán gian tiếp tục được dùng để chỉ những kẻ bán nước hại dân. Có thể xem đó như là một trong những giá trị hiện thực của bộ tiểu thuyết tục thư này. Cùng dòng chảy tục thư, tác phẩm Tân Thủy hử của Cốc Tư Phạm ra đời dựa theo chỉ đạo trong sách lược kháng chiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiểu thuyết này có nội dung đề cao tinh thần chủ nghĩa ái quốc, tuyên truyền kháng Nhật. Công việc sáng tác tiểu thuyết tục biên Thủy hử còn được nối dài với những sáng tác của Trương Hận Thủy. Hai tác phẩm Thủy hử tân truyệnThủy hử nhân vật luận tán của họ Trương tuy viết cách nhau 8 năm nhưng cùng hướng tới mục đích chung là dùng nghệ thuật để phục vụ kháng chiến. Sử dụng phương pháp mượn cũ để nói mới, Trương Hận Thủy đã khéo léo hư cấu một số tình tiết trong Thủy hử để lý giải, miêu tả sâu sắc hiện thực kháng chiến của đất nước Trung Quốc giai đoạn kháng Nhật.

 Có thể nhận thức rõ ràng mục đích của việc mượn các tình tiết, nhân vật trong Thủy hử để phóng tác, cải biên thành những tác phẩm nghệ thuật không gì khác là cách dùng nghệ thuật để phục vụ chính trị. Đây hẳn là minh chứng điển hình của xu hướng sáng tác mượn cũ để nói mới. Trên cơ sở đó, các tiểu thuyết tục thư Thủy hử của Khương Hồng Phi, Cốc Tư Phạm, Trương Hận Thủy… cũng được viết với ý đồ nghệ thuật tương tự.

2. Hiện tượng kịch chuyển thể và cải biên Thủy hử ở Giải phóng khu

Kịch du nhập vào Trung Quốc từ đầu TK XX rồi từng bước hòa trộn với nghệ thuật hý kịch truyền thống tạo nên nền hý kịch hiện đại Trung Quốc. Thập niên 30, 40 của TK XX có hơn chục tác phẩm kịch cải biên từ truyện Thủy hử như: Phan Kim Liên, Phan Xảo Vân, Lâm Xung dạ bôn, Dã Trư lâm, Tọa lâu sát tích, Đả ngư sát gia… Các vở kịch được cải biên từ truyện Thủy hử có nội dung, cảm hứng nghệ thuật tương đối khác so với bản truyện gốc. Nếu như người đọc cảm thấy không thích nhân vật Phan Kim Liên trong truyện Thủy hử thì trong kịch Thủy hử, tiêu biểu là vở kịch cải biên Phan Kim Liên (1) đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả vì thương nhân vật Kim Liên. Trên cơ sở truyện Thủy hử viết về chi tiết Thạch Tú, Dương Hùng giết Phan Xảo Vân, vở Phan Xảo Vân của nhà viết kịch Hoàng Hạc được xem như một vở bi kịch. Đan xen chuyện tình yêu của Phan Xảo Vân và Hải hòa thượng là những tình tiết tạo hồi hộp, kịch tính. Trong truyền thống luân lý, đạo đức của xã hội phong kiến, đương nhiên chuyện nảy sinh tình cảm giữa một người phàm tục như Phan Xảo Vân với hòa thượng là trái đạo cương thường, không thể chấp nhận. Nhưng trong vở kịch, tác giả lại có thái độ đồng cảm với Phan Xảo Vân. Từ đây, người xem dễ nhận ra sự khác biệt trong cách thể hiện nội dung, sắc thái biểu cảm giữa truyện và kịch Thủy hử. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa những loại hình nghệ thuật khác nhau.

 Bàn về lịch sử kịch Thủy hử, chúng ta nhớ tới vở kịch Phan Kim Liên của Âu Dương Dư Sảnh. Ông là người đầu tiên đưa truyện Thủy hử lên sân khấu kịch. Vở kịch Phan Kim Liên được trình diễn rất sớm, ngay sau năm 1927. Nếu như trong truyện, Phan Kim Liên là người đáng trách thì trên sân khấu kịch cô Phan lại là nhân vật được khán giả cảm thông, chia sẻ. Vở kịch là lời biện hộ cho nhân vật Phan Kim Liên, cũng là tín hiệu gợi mở cho giới nghiên cứu phân tích, lý giải, tiếp nhận vấn đề giải phóng phụ nữ trong kịch Thủy hử nói riêng và tiểu thuyết Thủy hử nói chung. Sau kịch Phan Kim Liên, hàng loạt vở kịch lấy cảm hứng từ Thủy hử nối tiếp nhau ra đời.

Thoại kịch Ba lần đánh Chúc Gia Trang do Nhiệm Quế Lâm, Ngụy Chấn Húc viết kịch bản được cải biên từ câu chuyện Tam đả Chúc Gia Trang trong tiểu thuyết Thủy hử (từ hồi thứ 46 đến hồi 50). Do sách lược chiến đấu không rõ ràng, chưa tranh thủ được quần chúng nhân dân nên quân Lương Sơn bị thất bại trong hai lần đầu đánh Chúc Gia Trang. Lần thứ ba chiến thắng được là nhờ tiếp thu kinh nghiệm từ hai lần trước. Thành công của vở Tam đả Chúc Gia Trang đã thể hiện phần nào tư tưởng sách lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giai đoạn phản công chống Nhật. Việc Đảng Cộng sản tranh thủ được sự ủng hộ của quảng đại quần chúng nhân dân là một lợi thế chống Nhật. Nhiều người dân đã nhiệt tình chào đón vở kịch Tam đả Chúc Gia Trang, xem đó như một đòn đánh nghệ thuật hữu hiệu góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống Nhật.

Năm 1931, một người am hiểu hý khúc là Mã Ngạn Tường đã làm giàu thêm cho sân khấu kịch Thủy hử bằng việc cải biên Đả ngư sát gia thành vở kịch nói Thảo ngư thuế. Soạn giả ít nhiều lược bỏ nội dung cốt truyện, cách tân tính cách, diện mạo nhân vật nhằm tạo nên sự gần gũi giữa kịch với cuộc sống đời thường. Nghệ thuật kể chuyện, xây dựng đối thoại giữa các nhân vật tự nhiên, hấp dẫn người xem. Vở kịch thành công, đã thu hút được hàng vạn khán giả trong và ngoài nước. Năm 1934, đoàn kịch lữ hành Trung Quốc biểu diễn vở Thảo ngư thuế ở Nam Kinh, người đến xem chật cứng. Sau đó, vở kịch được công diễn ở Nhật Bản, chứng tỏ sức lôi cuốn, hấp dẫn mạnh mẽ của nó.

Một vở kịch khác là Lâm Xung dạ bôn của Ngô Tổ Quang, tuy xuất hiện sau nhưng lại được giới học thuật đánh giá cao. Trong đó, màn kịch Rừng Dã Trư được cải biên rất hay. Các phân cảnh kịch tính nhất là Lâm Xung đi nhầm vào Bạch Hổ đường, Lâm Xung bị thích chữ vào mặt, đi đày đến Thương Châu, miếu Sơn Thần trong gió tuyết, Lỗ Trí Thâm đại náo rừng Dã Trư… Sau thành công này, tác giả từng tâm sự với khán giả: “Cõi đời đen bạc khiến tôi càng thêm có cảm tình với những nỗi niềm, sự đầm ấm trong truyện Thủy hử”. Cảm tình ấy thực sự đã được chuyển hóa thành những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, những giá trị văn hóa phi vật thể, làm xúc động bao thế hệ người xem Trung Quốc.

Hai ngã rẽ trong tiếp nhận kịch hoặc cải biên, hoặc chuyển thể từ tiểu thuyết chương hồi Thủy hử trên đây chính là hai hiện tượng, hai xu thế, hai cách thức tiếp nhận Thủy hử trong giai đoạn kháng Nhật ở Trung Quốc. Có thể thấy, thực tế chính trị, xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sáng tác cũng như nghiên cứu tiếp nhận một tác phẩm văn học. Chính thời điểm này, dù vô tình hay hữu ý, Thủy hử đã được Quốc dân Đảng và Cộng sản Đảng Trung Quốc lựa chọn như một công cụ, vũ khí chiến đấu đắc lực cho cuộc chiến chống Nhật. Như vậy, sự xuất hiện của tiểu thuyết tục thư hay kịch cải biên từ tiểu thuyết chương hồi Thủy hử được xem như một hiện tượng tái tạo, phóng tác Thủy hử đặc sắc thời kỳ kháng Nhật ở Trung Quốc.

______________

1. Thoại kịch Phan Kim Liên của Âu Dương Dư Sảnh gồm 5 màn được viết từ năm 1925 - 1927. Thời điểm sau công diễn, thoại kịch này được khán giả đón nhận nhiệt tình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : NGUYỄN PHƯƠNG THẢO

;