DIỄN VIÊN KỊCH NÓI TRÊN SÂN KHẤU TP.HCM TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY

Từ năm 2000 đến nay, số lượng đêm diễn tại các nhà hát kịch: Idecaf, Sân khấu nhỏ, sân khấu kịch Phú Nhuận, Thế giới trẻ, Nụ cười mới, Nhà hát Kịch TP.HCM… luôn đứng đầu cả nước. Nổi bật nhất trên sân khấu TP.HCM chính là sự lớn mạnh của đội ngũ diễn viên với nhiều gương mặt nghệ sĩ tài năng. Thành công này một phần nhờ sự đào tạo, dìu dắt, động viên tận tình của lực lượng văn nghệ sĩ kịch nói miền Bắc sau năm 1975, một phần nhờ tiếp thu phương pháp biểu diễn hiện thực tâm lý của thể hệ Stanislavski, dung nạp phương pháp tự sự biện chứng B.Brech cho tới các trào lưu, phong cách diễn xuất của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, sân khấu kịch nói TP.HCM còn tiếp nhận tinh hoa biểu diễn từ sân khấu tự sự, ước lệ của kịch hát dân tộc. Tất cả đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp cho đội ngũ diễn viên kịch nói TP.HCM tiến lên ngày một vững mạnh từ năm 2000 đến nay.

Sân khấu kịch nói TP.HCM có khá nhiều diễn viên với nét diễn xuất độc đáo cùng một số nhân vật ấn tượng khiến người xem phải trầm trồ thán phục. Nhiều diễn viên có năng lực, yêu nghề đã gây dựng nên những vai diễn gần gũi, dí dỏm, đáp ứng được nhu cầu giải trí của đại đa số khán giả TP.HCM. Với hạt giống chính là thể hệ Stanislavski, qua quá trình phấn đấu, từ 2000 đến nay đội ngũ diễn viên đã từng bước bừng nở tài năng như những đóa sen thơm ngát, tỏa hương khắp trong và ngoài nước.

 Diễn viên kịch nói TP.HCM tiếp cận khá nhanh các phong cách biểu diễn trên thế giới. Ngoài thể hệ Stanislavski và phương pháp thể hiện của B.Brecht, sân khấu kịch nói còn kết hợp các phong cách biểu diễn châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Trong diễn xuất, diễn viên kịch nói đã biết cách tận dụng tối đa các loại hình nghệ thuật khác như: điện ảnh, nghệ thuật sắp đặt, múa đương đại… Đặc biệt, khai thác thành tựu khoa học kỹ thuật, tìm tòi thử nghiệm trong diễn xuất, cập nhật kịp thời các trường phái diễn xuất là nét đặc sắc của đội ngũ diễn viên TP.HCM.

 
 
 
 
Cảnh trong vở 49 ngày yêu của nhóm nghệ sĩ Ngọc Trinh với
Nhà hát kịch TP.HCM. Ảnh TL 
 

Khán giả TP.HCM có nhu cầu thưởng thức khá đa dạng. Vì vậy, sân khấu kịch nói TP.HCM luôn thu hút đội ngũ nghệ sĩ từ nhiều nơi trên cả nước, không ngừng bổ sung, trẻ hóa đội ngũ theo thời gian. Mỗi sân khấu kịch có một đội ngũ nghệ sĩ chủ chốt với phong cách diễn xuất riêng. Nhưng từ đó cũng nảy sinh trình độ diễn xuất có sự chênh lệch, nhiều cấp bậc. Có nghệ sĩ, thợ diễn, diễn viên không chuyên hoặc có diễn viên đa năng nhiều thể tài nhưng cũng có diễn viên chỉ tập trung vào hài kịch hay chính kịch.

Diễn viên kịch nói TP.HCM chủ yếu tập trung vào việc khai thác các trò diễn, mảng, miếng hài, phần lớn là hài hình thể vì khán giả đa phần thích giải trí. Ngôn ngữ kịch thường khai thác những yếu tố lạ trong phương ngữ của nhiều vùng miền trên cả nước hay vận dụng thơ văn, ca hát theo hướng hài. Tuy vậy, đôi khi khai thác hơi quá đà dẫn đến nét diễn tự nhiên chủ nghĩa, dung tục, thiếu tính thẩm mỹ. Tình trạng bắt chước miếng diễn của nhau cũng khá phổ biến nên việc thể hiện nhân vật na ná nhau khá nhiều. Nghệ thuật ngẫu hứng, ứng tác, ứng diễn rất nổi trội nhưng cũng phát sinh nhiều lối diễn bản năng, diễn cương.

Nghệ thuật diễn xuất của diễn viên kịch nói TP.HCM từ năm 2000 đến nay ít nhiều có sự kết hợp ngẫu nhiên, tự phát giữa biểu diễn hiện thực tâm lý với biểu diễn hiện thực linh cảm trực giác. Một số lượng không nhỏ diễn viên kịch nói TP.HCM xuất thân từ con nhà nòi của sân khấu truyền thống (hát bội, cải lương) sau đó mới đi học tại các trường chính quy như: Thành Lộc, Hữu Châu, Gia Bảo… Một số diễn viên cải lương chuyển qua diễn kịch nói như: Diệp Lang, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Bảo Quốc, Thanh Vy… Vì vậy có sự kết hợp ít nhiều, một cách cố ý hay vô ý hai phương pháp này là điều tất nhiên. Bên cạnh đó, một số đạo diễn, tác giả có thời gian sinh sống, làm việc tại phía Bắc, sau đó chuyển vào TP.HCM hoặc làm việc ở cả hai miền. Ngoài việc hiểu thấu đáo về phương pháp biểu diễn hiện thực tâm lý, các tác giả còn có sự hiểu biết sâu rộng về kịch hát dân tộc như: Thành Trí, Đoàn Bá, Ca Lê Hồng, Bạch Lan, Trần Minh Ngọc… Một số tác giả, đạo diễn viết, dàn dựng song song hai mảng kịch nói và cải lương như: Ngọc Linh, Đoàn Bá, Trần Minh Ngọc, Lê Văn Tĩnh, Trần Ngọc Giàu, Hoa Hạ… Những người này, hầu hết là các thày cô trụ cột của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đã đào tạo rất nhiều lớp đạo diễn, diễn viên nên ít nhiều vận dụng phương pháp của sân khấu tự sự, ước lệ của tuồng, chèo, cải lương. Một số vở kịch nói tại TP.HCM từ năm 2000 đến nay mang khá đậm hơi thở sân khấu dân tộc trong diễn xuất như: Mười hai bà mụ, Đứa con tiền kiếp, Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Quyền lực tình yêu, Vua thánh triều Lê (sân khấu kịch Idecaf); Nỗi đau nhân loại (sân khấu 5B); Huyền thoại cuộc sống, Phiên tòa, Tả quân Lê Văn Duyệt (Nhà hát kịch TP.HCM); Giải oan Thị Màu, Nỏ thần (sân khấu kịch Phú Nhuận)… Một số vai diễn của các diễn viên mang ít nhiều dấu ấn của diễn xuất kịch hát truyền thống đáng lưu ý là: Thành Lộc, Hữu Châu, Đại Nghĩa trong vở Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê; Minh Nhí, Thanh Thủy trong Đứa con tiền kiếp; Đức Hải trong Giải oan Thị Màu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là sự vay mượn ấy không phải lúc nào cũng nhuần nhuyễn, có hiệu quả.

Diễn viên kịch nói TP.HCM là một lực lượng nghệ sĩ đông đảo, hùng hậu từ bốn phương tám hướng hội tụ về. Họ có thể là diễn viên kịch chuyên nghiệp hoặc diễn viên cải lương, điện ảnh, ca sĩ, người mẫu… sang dạo chơi vườn kịch nghệ và ngày càng yêu kịch hơn đến nỗi không dứt ra được. Có người sinh sống tại TP.HCM, có người đến từ khắp các tỉnh thành khác trong cả nước và những diễn viên Việt kiều cũng trở về góp mặt. Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Kim Xuân, Tú Trinh, Hồng Vân, Diệp Lang, Bảo Quốc, Minh Hoàng, Đức Hải, Việt Anh, Công Ninh… đã làm đời sống kịch nói TP.HCM vô cùng phong phú. Nhìn chung, các vai diễn trong giai đoạn này nổi bật với nét hài gần gũi, chân chất. Các diễn viên kịch dựa vào sở thích của đa số khán giả TP.HCM để tạo ra cho mình phong cách chủ yếu là hài bình dân, sinh hoạt, dễ hiểu. Điều này cũng có nét mới, thu hút được nhiều khán giả phổ thông nhưng để duy trì trong một thời gian dài e rằng không phải là mục đích cuối cùng. Kịch nói TP.HCM hiện nay đang đi đúng theo quy luật hàng hóa của cơ chế thị trường, đây cũng là thế mạnh mà miền đất này áp dụng triệt để. Họ không đầu tư vào những vai diễn, vở diễn mà không lôi kéo đông đảo khán giả đến quầy vé, bởi họ rất thấm thía cơm áo không đùa với khách thơ. Những nghệ sĩ đến với vai diễn bằng sự đam mê, thử nghiệm, sáng tạo thuần túy trong giai đoạn này rất ít hoặc do được tài trợ từ nhà nước, từ những mạnh thường quân hảo tâm thì người nghệ sĩ mới an tâm, dành tâm huyết trong những vai diễn nghệ thuật vị nghệ thuật.

Sự phát triển mạnh mẽ của kịch nói TP.HCM trong giai đoạn này cũng tạo điều kiện cho diễn viên trẻ thả sức vẫy vùng trong nhiều vai diễn. Đôi khi có sự vụng về trong nét diễn nhưng bù lại vẻ trẻ đẹp, năng động của các diễn viên được bầu sô cũng như khán giả chấp nhận. Để trở thành người nghệ sĩ kịch nói dù được học qua trường lớp hay không đều phải khổ luyện kiên trì, bền bỉ, trau dồi diễn xuất trong một thời gian dài mới mong trở thành người diễn viên có đẳng cấp. Kịch nói TP.HCM giai đoạn này đã lớn nhưng chưa mạnh, đã gây được tiếng vang nhưng chưa thật sự khẳng định được đẳng cấp cao, rất cần một sự nâng tầm, sàng lọc, tuyển chọn… để đưa mọi mặt vào nề nếp bằng sự gọt dũa, đào luyện nghiêm túc. Phải mang đến cho khán giả những món ăn tinh thần cao cấp, đặc sắc, gạt bỏ những món ăn không mùi vị, vô bổ. Những vai diễn làng nhàng, vô thưởng vô phạt, trùng lặp, lê thê… phải được cải cách mạnh mẽ để trong tương lai, trình làng cho khán giả là những nghệ sĩ, vai diễn thật sự có chất lượng nghệ thuật cao.

Số lượng diễn viên kịch TP.HCM hiện nay đứng đầu trong các tỉnh thành cả nước. Xếp về thứ tự, diễn viên kịch chỉ đứng sau ca sĩ nhạc nhẹ về số lượng cũng như thu nhập nhưng nói về tài năng, sự phấn đấu cho nghề nghiệp thì mọi người vẫn công nhận đa số diễn viên kịch nói dựa vào sự khổ luyện để thành công nhiều hơn. Kịch nói dù đã du nhập và hình thành tại TP.HCM gần 100 năm nhưng đến giai đoạn này mới phát triển rực rỡ nhất. Chính đội ngũ diễn viên là bộ phận phát triển mạnh mẽ nhất trong các bộ phận hình thành nên kịch nói TP.HCM. Bởi bộ phận này được đối xử công bằng nhất về quyền lợi, nghĩa vụ, sự cống hiến. Sự mạnh mẽ còn thể hiện ở việc không giấu nghề của những người đi trước, tinh thần chịu khó học nghề của các diễn viên đi sau. Để làm được nghề đối với diễn viên kịch nói không quá khó, đòi hỏi về ngoại hình cũng không quá khắt khe. Hiện nay, các diễn viên lâu năm không bỏ nghề để chuyển sang công việc khác mà sẵn sàng bám nghề, tạo nên một bề dày, sự đa dạng cho diễn xuất của diễn viên kịch nói. Sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ diễn viên đã tạo nên số lượng đêm diễn, vở diễn, vai diễn sân khấu kịch nói TP.HCM nhiều nhất, đứng đầu cả nước từ năm 2000 đến nay.

Thu nhập của diễn viên kịch TP.HCM trong giai đoạn này nhìn chung đã đủ sống, tương đối dư giả so với các loại hình nghệ thuật khác, cũng như các ngành nghề khác trong xã hội. Số lượng diễn viên kịch hiện tại được xem là hùng hậu nhất nhì so với các nghệ sĩ chuyên ngành biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác, chỉ sau ca sĩ nhạc nhẹ. Diễn viên đứng trên sân khấu kịch, ngoài những diễn viên kịch nói còn có sự góp mặt của diễn viên cải lương, diễn viên điện ảnh có tiếng, giỏi nghề… nên lối diễn rất phong phú. Nhìn chung diễn xuất của diễn viên kịch nói bài bản, chuyên sâu, có nhiều điều kiện để nâng cao nghề nghiệp trong lĩnh vực biểu diễn so với các loại hình và thể loại nghệ thuật khác tại TP.HCM hiện nay như: hát bội, cải lương, điện ảnh, truyền hình, ca - múa - nhạc, người mẫu thời trang, MC… Từ diễn viên kịch, khi chuyển sang các loại hình biểu diễn khác, mức độ thành công thường cao hơn so với sự diễn xuất của các loại hình khác chuyển sang kịch. Đồng thời, diễn viên kịch cũng cộng tác và gặt hái nhiều thành công ở nhiều lĩnh vực khác như: điện ảnh, truyền hình, MC…

Những thành công và sự lớn mạnh của nghệ thuật diễn viên đã làm cho sân khấu kịch nói có nhiều khán giả hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhiều người, tăng nguồn ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế. Đồng thời mang lại nhiều món ăn tinh thần cho người dân, đáp ứng một phần nhu cầu giải trí, nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của khán giả, mang lại thành công trong việc giao lưu hợp tác quốc tế về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Người dân TP.HCM thích xem kịch, chủ yếu vì yêu thích diễn viên mình ngưỡng mộ nên không quá khắt khe trong đánh giá về diễn xuất của diễn viên. Khán giả kịch nói TP.HCM thường xuyên hiện nay khoảng 70% là công chúng phổ thông, chỉ khoảng 30% là thành phần trí thức. Chính vì vậy, sự đòi hỏi đối với người diễn viên đa phần là sự tổng thể, gồm: diễn xuất, ngoại hình, phục trang, xuất hiện nhiều trước công chúng, sự đồng cảm mang nhiều tính cảm xúc với một số diễn viên mà không xoáy sâu vào tính điêu luyện, sâu sắc, trí tuệ của diễn xuất. Cũng một phần do tính cách của đa số khán giả TP.HCM khá tách bạch, họ xác định đến xem kịch để giải trí, khóc cười nhẹ nhàng, xả stress. Vì vậy, nghệ thuật biểu diễn của đa số diễn viên kịch nói TP.HCM chỉ diễn xuất ở mức khá, ngoại hình đẹp, cộng thêm sự hỗ trợ của phục trang, hóa trang cũng đủ sức thu hút, làm hài lòng khán giả hiện nay.

Đời sống vật chất của người dân TP.HCM tương đối dễ thở, thu nhập ổn định. Họ thường sống cho hiện tại nhiều hơn, tính tình thoải mái, thoáng đãng, rất thích chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân, trong đó có nhu cầu về tinh thần, giải trí. Họ thích tham gia các hoạt động nghệ thuật mà đặc biệt là loại hình kịch nói vì dễ tiếp thu, gần gũi, tạo hiệu quả tức thì, vui vẻ, trẻ trung, tiết tấu nhanh, mang tính đại chúng cao. Đây là những yếu tố thu hút cư dân TP.HCM đến với các đêm diễn.

Với hơn 8 triệu dân tại TP.HCM, lượng khán giả đến với kịch, quảng bá cho kịch là một lực lượng hùng hậu. Rất đông khán giả cả nước, Việt kiều ở nước ngoài đều yêu thích kịch và diễn viên kịch TP.HCM. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng tại TP.HCM cũng rất đông đảo, vô cùng năng động nên việc đưa nhận định, tin tức, hình ảnh về diễn viên kịch nói đến công chúng cả nước, kiều bào nước ngoài khá dễ dàng, nhanh chóng, tạo nên sự thành công đáng kể cho sân khấu kịch nói cũng như đội ngũ diễn viên.

Tuy nhiên, diễn viên sân khấu kịch nói vẫn còn những hạn chế do dấu vết của tính an phận, có sự thay đổi nhưng không biến thành đột phá, có sự đam mê nhưng lại ngại hy sinh, có tính học hỏi nhưng vẫn còn ngại khó, lười nhác không dám đi đến tận cùng bến bờ của trí tuệ. Tâm lý tiểu nông, cái nhìn hạn hẹp vẫn còn ở khá nhiều diễn viên. Bằng chứng là họ thường dành nhiều tâm, tuệ vào việc vun vén cho bản thân trở thành những ngôi sao được nhiều người ngưỡng vọng hơn là trở thành một nghệ sĩ chân chính, một chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa, đôi khi họ thiếu sòng phẳng, thiếu sự ăn đồng chia đủ, san sẻ với các đối tác trong công việc để cùng đẩy mạnh đồng bộ các bộ phận liên quan đến ngành kịch nghệ.

Có thể nói, 50% sự thành công của sân khấu kịch nói, nghệ thuật diễn viên kịch là nhờ vào sự hỗ trợ, ưu ái của vùng đất, vùng người, vào sự yêu mến của khán giả TP. HCM. Không có những điều này, không thể có được sự thành công rực rỡ của nghệ thuật diễn viên kịch nói như ngày nay. Một vùng đất mưa thuận gió hòa quanh năm, khán giả đến với kịch nói với tâm thức cho nhiều hơn nhận. Như một người bạn tri kỷ, họ không cần một không gian diễn sang trọng, không cần những kịch bản xuất sắc với bàn tay dàn dựng của những đạo diễn quá điêu luyện, không cần những kỹ thuật diễn xuất tuyệt vời của những nghệ sĩ đỉnh cao. Họ đến sân khấu kịch nói với tấm lòng mộc mạc, hồn nhiên, chân tình, rộng mở như người nhà, người thân, không hề chấp nhặt, so đo, tính toán thiệt hơn về thời gian, công sức đến rạp và tiền mua vé có tương xứng với vở diễn hay không. Khán giả đến vì phần lớn họ yêu quý những diễn viên của vở diễn và cần một nhu cầu chia sẻ, cho đi, trao tặng hơn là đòi hỏi một điều gì. Khán giả kịch nói tại TP.HCM, các tỉnh thành trong cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài như báu vật dành tặng các diễn viên cũng như sân khấu kịch nói TP.HCM trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : NGUYỄN HÒA AN

;