Hà Nội: Công nhận điểm du lịch Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Ngày 22-4-2022, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1351/QQĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, tại 19c Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình.

Theo đó, giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội có trách nhiệm tổ chức, quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch này.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được Ủy ban Di sản Thế giới của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới vào Kỳ họp lần thứ 34, ngày 31-7-2010 tại Brasil, dựa trên 3 tiêu chí nổi bật: minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam; minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ TK VII cho đến tận ngày nay; liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa - lịch sử quan trọng.

Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài) được xây dựng năm 1805 là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Tuấn Minh

Với diện tích vùng lõi của di sản 18,395ha, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Hai khu vực thuộc vùng lõi di sản là một hệ thống nhất, nằm trong Cấm thành Thăng Long và cũng chính là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long - Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ TK XI đến TK XVIII.

Khu di tích thành cổ Hà Nội: có diện tích rộng 13,865ha, hiện tại, trong khu vực trung tâm còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc - Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn. Ngoài ra còn có hệ thống tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…

Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu: nằm ở phía Tây điện Kính Thiên và là một phần cấu thành của Cấm Thành từ thời Lý cho đến cuối thời Lê Trung Hưng. Cấm thành là trung tâm đầu não của các vương triều, nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng bậc nhất của đất nước, trung tâm làm việc và nơi ở của Vua và Hoàng gia qua các triều đại Lý - Trần - Lê.

Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta.

Nhiều nét văn hóa và mỹ thuật độc đáo được hình thành tại Thăng Long và chính những giá trị đó đã làm cho khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nổi lên như một trong những di sản văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc quốc tế. Nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và nhiều loại hình di vật độc đáo của Hoàng cung qua các thời kỳ lịch sử được các nhà khảo cổ học tìm thấy dưới lòng đất thuộc khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phản ánh sinh động về lịch sử phát triển lâu dài của Kinh đô Thăng Long.

THANH DANH

;