“Bình Minh đỏ” - tôn vinh những hy sinh thầm lặng trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử

Tối 23-4, tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, ê-kip làm phim “Bình minh đỏ” đã có buổi ra mắt phim. Cùng với hơn 400 khán giả, hơn 20 các bà, các cô là cựu thanh niên xung phong thuộc trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa - những nguyên mẫu của bộ phim cũng có mặt.

Lấy nguyên mẫu từ các cựu thanh niên xung phong thuộc trung đội nữ lái xe Trường Sơn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã viết lên một kịch bản cảm động. Bình minh đỏ do hai đạo diễn là NSND Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành chỉ đạo. Đây cũng là phim về đề tài chiến tranh cách mạng do Nhà nước đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất năm 2021 giữa lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp. Phim đã kịp tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 tổ chức tại Huế và giành được giải thưởng Ban giám khảo.

Một số cựu thanh niên xung phong - nguyên mẫu của phim góp mặt tại buổi ra mắt phim

Với độ dài 95 phút, Bình minh đỏ tái hiện bối cảnh Tết Mậu Thân 1968 khi chiến sự ngày càng ác liệt. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 đào tạo gấp một số nữ thanh niên xung phong để lái xe vận tải. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Giải phóng quân miền Nam Nguyễn Thị Hạnh đã ra đời. Lấy cảm hứng từ những chiến công và các tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, bộ phim tôn vinh những chiến sĩ nữ lái xe anh hùng và những người lính đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Chuyện phim xoay quanh 4 nhân vật Châu, Hân, Sa, Thương là những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương. Bốn cô gái tuổi đôi mươi đến chiến trường từ những hoàn cảnh riêng nhưng đều chung một quyết tâm không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho thắng lợi cuối cùng. Trên suốt chặng đường đi về ấy, họ đã chứng kiến tình đồng chí cao cả, tinh thần quả cảm của đồng đội cả những tấm gương hy sinh cao cả để hoàn thành nhiệm vụ. Trong những chuyến xe ngày đêm xuyên qua mưa bom, bão đạn các cô gái đã dần trưởng thành, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để cùng sát cánh bên nhau trên những cung đường ác liệt.

Trung đội nữ lái xe đầu tiên của Trường Sơn nhận hoa tại buổi ra mắt phim

Đi vào mảng đề tài truyền thống, tái hiện lại bối cảnh chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, phần bối cảnh của phim (NSƯT Nguyễn Nguyên Vũ) đã rất sáng tạo khi tái hiện lại những cánh rừng Trường Sơn nơi vẫn còn giữ được màu xanh, nơi đã trơ trụi, cháy xém vì bom đạn. Những con đường ngoằn nghèo nơi là vách núi, nơi là vực sâu, đoạn vượt đèo, đoạn qua suối với bao hiểm nguy cũng được tái hiện khá chân thực. Trên các cung đường tử thần của rừng Trường Sơn, các nữ chiến sĩ lái xe đã phải đi dưới bom rơi, đạn nổ, pháo sáng, vượt qua cả thổ phỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Các góc máy dưới bàn tay của quay phim Đoàn Anh Phương khiến phim hiện lên khá chân thực với những cung đường lồi lõm vì bom đạn cày xới. Nhiều trường đoạn thực sự gây ám ảnh như cảnh Hân - một nữ thanh niên xung phong mới 22 tuổi xin được lái xe cảm tử, phóng qua bãi mìn nổ chậm để thông đường cho đồng đội đi tiếp. Cảnh nữ thanh niên xung phong Châu chở tử sĩ bị tung chắn hậu, làm rớt hàng loạt thi thể xuống suối hay cảnh Sa bị chết cháy cùng chiếc xe trúng bom. Trường đoạn Châu gặp lại anh trai trên chiến trường rồi trực tiếp chứng kiến cảnh anh mình phá bom thông đường và hy sinh thật sự ám ảnh. Phần âm nhạc cũng là điểm cộng khi nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã sử dụng nhiều giai điệu, tiết tấu bi hùng phù hợp với chủ đề phim.

Bảo Hân - vai Sa, cô thanh niên xung phong trong phim

Để lên được chất của các cô gái thanh niên xung phong năm xưa, các nữ diễn viên trẻ như Phạm Quỳnh Anh, Hà Phương Anh, Hoàng Bích Phương, Phạm Bảo Hân và các bạn diễn khác đã được ê-kip đoàn phim cho xem những bộ phim tài liệu chiến tranh để mường tượng về bối cảnh, không khí và cả con người ở giai đoạn đó. Đồng thời, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng tổ chức nhiều buổi giao lưu để mọi người được gặp nhau trao đổi, đóng góp cho từng vai diễn.

Trong quá trình chuẩn bị, các cô gái phải đi tập lái xe gaz ở bãi đá sông Hồng, vườn nhãn Long Biên… Với vóc dáng mảnh mai thì quả là khó khi những chiếc xe gaz rất nặng và mọi người phải tập lái thành thạo ở những cung đường khó, đầy đá, sỏi, gập ghềnh... Hình ảnh các cô gái mảnh mai, thậm chí là hơi thấp như Bảo Hân lái những chiếc xe tải lớn được ngụy trang bằng cây rừng chở đầy lương thực, tử sĩ thật đáng kinh ngạc.

Cảnh phim Bình minh đỏ

Chia sẻ tại buổi ra mắt, các diễn viên cho biết: Làm phim chiến tranh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè nắng nóng trên những mỏm đá không một bóng cây quả là một kỷ niệm đáng nhớ. Ngoài sự vất vả, mồ hôi ướt sũng, cả ê-kip với hàng trăm con người luôn động viên, cùng cố gắng để hoàn thành cảnh quay một cách tốt nhất và nhanh nhất.

Ra mắt vào đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 30-4, Bình minh đỏ như một sự tri ân của những nghệ sĩ điện ảnh đối với cuộc chiến của dân tộc, với những tấm gương anh hùng, đặc biệt là các nữ thanh niên xung phong đóng góp vào nền độc lập chung của đất nước.  

NGUYÊN AN

;