Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đương đại: thách thức và triển vọng”

Ngày 22-4, tại Hòa Lạc, Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đương đại: thách thức và triển vọng” trong khuôn khổ chuỗi hoạt động nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Khoa năm 2022 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, diễn giả, đại biểu quan tâm tới lĩnh vực di sản văn hóa và các sinh viên, cựu sinh viên của khoa CKHLN.

PGS, TS Nguyễn Thị Hiền – Khoa CKHLN trình bày báo cáo đề dẫn

Việt Nam là một quốc gia có số lượng di sản phong phú, loại hình đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Di sản được coi như là tài sản văn hóa, vô giá đối với cộng đồng, dân tộc, quốc gia và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, di sản cũng đang đứng trước nhiều thách thức về sự tồn tại, bảo vệ và phát huy giá trị. Di sản bị mai một, hư hại do tác động của thiên tai cũng như sự can thiệp con người một cách thiếu kiểm soát, sai mục đích, vô nguyên tắc. Nhiều di sản bị xâm hại trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích; khai thác quá mức nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến tính hài hòa và bền vững về mặt môi trường và xã hội; hay hiểu sai về vai trò của cộng đồng trong thực tiễn bảo vệ di sản, đặc biệt là đối với di sản văn hóa phi vật thể.

Di sản Việt Nam được bảo vệ theo thể chế bởi các Công ước UNESCO như Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và những chương trình ký ức thế giới, hệ thống luật pháp và các cơ quan, ban ngành hữu quan. Lĩnh vực di sản đã và đang là một phần của cuộc sống con người, của công tác văn hóa về di sản, cũng  là một chủ đề được các chuyên gia từ các ngành khoa học liên ngành trên toàn thế giới quan tâm. Di sản cũng là một chương trình đào tạo cho các chuyên viên, nhà báo, cho nghiên cứu sinh, học viên thạc sĩ và sinh viên để có kiến thức chuyên sâu về di sản, phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo vệ di sản.

PGS, TS Đặng Văn Bài – Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trình bày tham luận

PGS, TS Phạm Quỳnh Phương, Khoa CKHLN trình bày tham luận

TS Nguyễn Thị Thanh Hoa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày tham luận

Các tham luận tập trung vào các nội dung: Di sản học, lý thuyết và cách tiếp cận; Bảo vệ và phát huy di sản trong phát triển; Những thách thức bảo vệ và phát huy di sản trong bối cảnh đương đại; Nguồn nhân lực và giáo dục di sản… Báo cáo đề dẫn và 22 tham luận tại Hội thảo là những trao đổi về các khía cạnh của công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh đương đại đã mang đến cho đại biểu những khái niệm về di sản, di sản hóa, di sản văn hóa và việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam. Đặc biệt, có tham luận đề cập đến việc đưa giáo dục di sản vào trường học thông qua các hoạt động trải nghiệm, hay vị thế của di sản văn hóa trong xã hội đương đại… Những kiến thức, sự trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tế về di sản từ các đại biểu sẽ góp phần phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo về di sản ở Việt Nam nói chung, Khoa CKHLN, ĐHQG Hà Nội nói riêng.

Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đương đại: Thách thức và triển vọng” là một sự kiện khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với công tác nghiên cứu và đào tạo về di sản.

Tin, ảnh: HỒNG VÂN

 

;