GS, NSND Trần Bảng và những cống hiến cho nghệ thuật Chèo Việt Nam hiện đại

Biết rằng đó là quy luật, nhưng khi tin GS, NSND Trần Bảng rời cõi tạm ở tuổi 97 hôm 19-7, những người hoạt động sân khấu vẫn bàng hoàng vì sân khấu nước nhà lại mất đi một cây đại thụ. Ông là tác giả của nhiều vở chèo mở màn cho thời kỳ Chèo hiện đại, là đạo diễn nhiều vở chèo với những thử nghiệm thận trọng, là một nhà nghiên cứu khoa học tâm huyết… và là vị "Trùm chèo" của nghệ thuật chèo Việt Nam hiện đại. Hơn hết, ông còn là một nghệ sĩ đầy tự trọng, là tấm gương sáng, người thầy tâm huyết, tận tâm với những thế hệ đi sau.

GS, NSND Trần Bảng và NSND Thanh Ngoan

Duyên nợ với Chèo

NSND Trần Bảng sinh năm 1926 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông là con trai nhà văn Trần Tiêu và cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột. Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ nước ngoài. Hai mươi tuổi, ông đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo nhiều thứ tiếng. Mang những kiến thức Tây học đó, ông hào hứng đứng trong đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, tham gia vào đội kịch, sinh hoạt chung với các nghệ nhân sân khấu truyền thống tuồng, chèo. Trong không khí rất hào hứng được phân công nhiệm vụ phục hồi vốn cổ dân tộc từ 1950, lại thêm sự tò mò muốn tìm hiểu, dần dần ông bắt đầu nhập tâm và đắm đuối với những Sa lệch chênh, Sa lệch bằng, Luyện năm cung, Đường trường phải chiều, Lới lơ, Đào liễu, Con gà rừng, Tò vò, Trầm tình… những Lão say, Hề mồi, Hề gậy, Súy Vân, Thị Màu

Và kỷ niệm ông còn nhớ mãi chính là khi bắt tay dàn dựng vở diễn Chị Trầm được viết từ câu chuyện có thật trong chuyến đi thực tế tại Bắc Giang. Khi đó, với những kiến thức hấp thu được từ văn hóa châu Âu, ông đã rất say mê giảng giải cho các nghệ nhân chèo Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam… về kết cấu kịch, tính kịch, tính thống nhất hành động. Ông cười thật tươi khi hồi tưởng, vì hào hứng và “ngựa non háu đá” ông đã giảng rất tận tâm để rồi, các nghệ nhân nghe, sau đó vẫn cứ theo cách cũ mà làm! Thế rồi ông nhận ra những nét khác biệt của sân khấu dân tộc với các lý luận sân khấu châu Âu. Các nghệ nhân với vốn nghề đã thấm vào máu, tự chuyển hóa, kể lại câu chuyện theo cung cách của chèo để vở diễn thành công, được coi là một trong những vở diễn đầu tiên của chèo cách mạng. Đêm công diễn Chị Trầm ở An toàn khu, Bác Hồ đã cùng các lãnh đạo cách mạng lúc đó như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng đến xem. Bác đã thưởng kẹo cho các nghệ sĩ và khen ngợi: Phường chèo này hát hay lắm!

Kỷ niệm được NSND Trần Bảng nhắc tới nhiều nhất là những ngày ông phụ trách Ban Nghiên cứu chèo của Bộ Văn hóa những năm 1957-1960, tập hợp được hầu hết các nghệ sĩ tài danh của những chiếng chèo giàu truyền thống: Đông, Đoài, Nam, Bắc như Trùm Thịnh, Trùm Bông, Cả Tam, Dịu Hương, Năm Ngũ, Minh Lý, Bạch Tuyết… Họ cùng nhau diễn những Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Chu Mãi Thần… đem tới một thế giới chèo đậm màu sắc dân gian, trong sáng, lạc quan, hài hước mà trữ tình, ngây thơ nhưng cũng đầy minh triết với những hình tượng nghệ thuật đẹp vừa kỳ lạ lại vừa thân quen. Từ đó, duyên phận đã gắn kết một nghệ sĩ Trần Bảng đầy tinh thần học hỏi trở thành người toàn tâm toàn ý cống hiến trọn đời cho nghệ thuật chèo. 

NSND Trần Bảng và con trai Trần Lực

Những cống hiến lớn lao cho nghệ thuật Chèo

GS, NSND Trần Bảng là một nghệ sĩ tài ba, ở lĩnh vực nào ông cũng thể hiện tài năng vượt trội của mình. Với tư cách tác giả, ông có những kịch bản được dàn dựng, ghi dấu ấn trong từng thời kỳ chiêm nghiệm về chèo như: Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Chuyện tình 80 năm, Máu chúng ta đã chảy… Ông là đạo diễn góp phần rất lớn phục dựng các vở chèo cổ, giúp những vở chèo này thêm chau chuốt, logic hơn như Quan Âm Thị Kính, Súy Vân (từ vở Kim Nham), Nàng Thiệt Thê (từ vở Chu Mãi Thần)... đồng thời cũng dàn dựng rất nhiều vở chèo mới. Đáng nhớ, ghi đậm dấu ấn trong ông là ba lần phục dựng vở Quan Âm Thị Kính với ba bước phát triển trong nhận thức về tác phẩm nói riêng, về chèo nói chung. Đó là câu chuyện về nàng Thị Kính oan từ trong nhà oan ra ngoài xã hội, “thủa làm vợ, chồng ngờ thất tiết/ Khi giả trai, gái đổ oan tình”. Ban đầu theo cách cảm và cách nghĩ chung, đạo diễn đi theo hướng khai thác sự oan trái, bi kịch, đẫm nước mắt. Nhưng rồi một lần chợt ngộ ra khi được chiêm bái bức tượng Phật Bà nét mặt thanh thản, trên tay là đứa bé ngây thơ… ông đã hiểu, chữ nhẫn phải sau chữ nhân. Nét nhân văn ấy, cũng là những gì văn hóa dân gian luôn gửi gắm. Cứ như vậy, từng chút từng chút, những hiểu biết ngày càng sâu sắc đã giúp người nghệ sĩ có thêm những thành quả lớn. Ở các vở chèo cổ, ông đưa cách hiểu giàu tính logic, giúp gọt giũa những nét còn thô để đưa lại cho công chúng hiện đại những viên ngọc sáng của chèo cổ.

Người ta hay nói, tư duy của nghệ sĩ khác tư duy của nhà nghiên cứu, vì nghệ sĩ tư duy bằng hình tượng, còn nhà nghiên cứu thì dùng tư duy logic của khoa học. Nhưng với NSND Trần Bảng, ông đã đem những chiêm nghiệm trong thực tế sáng tác qua lăng kính khoa học, lại có thêm cơ sở vững chắc từ thực tiễn đó để những kết luận được rút ra từ nghiên cứu càng thêm vững vàng. Thực tiễn và lý luận gắn bó, ông đã trở thành một trong những nhà nghiên cứu chèo đầy uy tín khi nghiên cứu sâu, chắc, nhiều khám phá mang tính khoa học cao về nghệ thuật chèo qua các cuốn sách từng được xuất bản, được coi là sách “gối đầu giường” của nhiều người làm chèo như Khái luận về Chèo, Kỹ thuật biểu diễn Chèo, Chèo - một hiện tượng sân khấu dân tộc, Trần Bảng - đạo diễn chèo... Mỗi cuốn sách là những chắt lọc, kinh nghiệm, khám phá suốt cuộc đời hoạt động cần mẫn, không ngừng nghỉ của một nhà khoa học được trang bị những kiến thức Đông - Tây kim cổ, xây dựng cho chèo một hệ thống lý luận khá hoàn chỉnh từ nguyên tắc mỹ học, cơ sở triết học phương Đông, phương pháp sáng tạo tổng thể đến nghệ thuật diễn viên, nghệ thuật đạo diễn, vừa uyên bác, toàn diện vừa sinh động, cụ thể.

Như nhận xét của TS, Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn thì, GS, NSND Trần Bảng xứng đáng với sự tôn xưng là "Trùm chèo" của nền nghệ thuật chèo hiện đại. Đó là người có khả năng, có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển không chỉ của một đơn vị nghệ thuật mà còn là của cả nền nghệ thuật chèo. Trùm chèo Trần Bảng đã chỉ ra những khuyết thiếu, những điểm chưa được của chèo hiện đại, định hướng phát triển, tạo xu hướng cho tương lai của chèo. Trong các câu chuyện với ông, sự đau đáu về nghiệp chèo vẫn chưa có những tác phẩm xứng đáng như các vở chèo cổ luôn hiện hữu. Ông băn khoăn, day dứt khi có những vở chèo nhân danh hiện đại mà phá vỡ tư duy chèo, làm cho nghệ thuật chèo trở nên biến tướng thành những vở kịch cắm ca. Ông suy tư, khi thấy một số diễn viên trẻ không còn coi trọng nghề mình đeo đuổi, bỏ qua những nhấn nhá vốn là bản chất của chèo, nhân danh cái mới để phá hỏng những nguyên tắc chung của chèo. Ông nhận định, chính người làm nghề còn chưa thật sự trân trọng nghề tổ thì hỏi làm sao thuyết phục được khán giả qua những tác phẩm của mình?

Đặc biệt, những ai từng yêu quý, nghiên cứu và học hỏi về chèo, sau khi gặp được NSND Trần Bảng sẽ có ấn tượng thật khó quên. Ông luôn trân trọng những người trẻ chịu khó tìm hiểu về nghệ thuật dân gian, về chèo. Mỗi khi các bạn trẻ tìm tới, ông đều dành cả buổi để truyền tải những kiến thức mình thu lượm được, nhất là truyền được ngọn lửa yêu nghề chưa bao giờ nguội của mình cho họ. Mọi thắc mắc đều được ông dùng cách nói dễ hiểu, dễ tiếp nhận, hóm hỉnh và hài hước để giải thích. Mang sự cẩn trọng của người nghiên cứu, ông không qua loa với những vấn đề được hỏi mà luôn thận trọng, vì điều đó ảnh hưởng tới nhận thức của người khác. Những học trò của ông luôn nhận được hơi ấm của người thầy mẫu mực, khi tìm tới nhà thầy, như tìm về với người thân, với cội nguồn yêu thương. Những lời động viên, sự trân trọng với thế hệ trẻ khiến ông luôn là chỗ dựa cho các bạn trẻ trong nghiên cứu, sáng tạo.

Không chỉ làm công tác nghiên cứu, sáng tác, đạo diễn, ông còn làm tham gia quản lý, đã từng là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật chèo nói riêng, sân khấu Việt Nam nói chung của GS, NSND Trần Bảng đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh, ghi nhận: học hàm Giáo sư, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (1993); Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (2017).

Dù đã đi xa, nhưng những đóng góp của GS, NSND Trần Bảng vẫn còn sống mãi với nghệ thuật Chèo nước nhà và bao đồng nghiệp, lớp học trò! 

CAO NGỌC

;