Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực, kiến trúc sư tài năng sáng tạo

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 - 15/2/2023), là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một sự nghiệp hoạt động cách mạng sôi nổi

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Được gia đình cho ăn học, với tư chất thông minh, Huỳnh Tấn Phát lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường Trung học Mỹ Tho, Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn) (1). Năm 1933, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào Khoa Kiến trúc khóa 8, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc năm 1938.

Ngay từ khi còn trẻ, Huỳnh Tấn Phát đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Huỳnh Tấn Phát hành nghề kiến trúc sư và sớm nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng không quan tâm đến việc làm giàu mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư tại số nhà 68-70 đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu). Trước tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản, của Nhân dân trong và sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Huỳnh Tấn Phát đã chuyển hướng sang hoạt động cách mạng, làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên, tích cực hoạt động trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ. Là một trong những người tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam, Phong trào “Thanh niên tiền phong”, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân vào cuộc đấu tranh yêu nước do Đảng lãnh đạo. Là người cổ động, tuyên truyền, thuyết phục không mệt mỏi các tầng lớp Nhân dân, đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ cốt cán cho phong trào yêu nước.

Tháng 3-1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó, tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong (do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo) chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và Nam Bộ; tham gia lãnh đạo và có đóng góp vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Sài Gòn. Lực lượng “Thanh niên tiền phong” do Đồng chí tham gia tổ chức và lãnh đạo đã đóng vai trò xung kích quan trọng trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân tại Sài Gòn và Nam Bộ, ngày 25-8-1945.

Ngày 23-9-1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, Đồng chí bị địch bắt. Nhưng nhờ là một kiến trúc sư tên tuổi nên địch trả tự do sau ba ngày giam giữ ở bốt Catinat. Tháng 10-1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Thanh niên Nam Bộ ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên toàn quốc. Trở về Nam Bộ, Đồng chí được giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử tỉnh Mỹ Tho và đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đầu năm 1946, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt và bị địch kết án hai năm tù. Trong Khám Lớn Sài Gòn, đồng chí đóng vai trò quan trọng trong thành lập “Liên đoàn tù nhân Khám Lớn Sài Gòn” và được bầu làm Trưởng ban đại diện. Tháng 11-1947, sau khi ra tù, đồng chí liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí ở Sài Gòn, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh tư liệu

Đầu năm 1949, Đồng chí thoát ly gia đình vào chiến khu Đồng Tháp hoạt động; được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam.

Năm 1950, Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn thành lập, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Đặc khu, Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn – Chợ lớn tự do.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được phân công hoạt động ở Sài Gòn. Cuối năm 1956, Đồng chí được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận.

Năm 1959, Đồng chí ra hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi – Trảng Bàng – Bến Cát, địa bàn đứng chân của Khu ủy miền Đông, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định) và được phân công làm Khu ủy viên chính thứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Năm 1960, Đồng chí tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận.

Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các đảng phái yêu nước và các tầng lớp Nhân dân đã tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam và tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương. Với trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Khu ủy viên trực tiếp phụ trách công tác Trí vận khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tìm mọi cách vào Sài Gòn, móc nối, tập hợp lại lực lượng, hình thành tổ chức chiến đấu của lực lượng Trí vận mặt trận đô thành Sài Gòn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, bộ phận Trí vận đã lập được Ban Cán sự Trí vận nội thành; hàng loạt cán bộ trẻ được bồi dưỡng về đường lối cách mạng miền Nam và phương pháp hoạt động bí mật, nên trụ vững giữa mạng lưới công an, cảnh sát dày đặc của Mỹ và ngụy quyền.

Năm 1961, Đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định. Năm 1962, được Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bầu làm một trong năm Phó Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận.

Đứng trước những diễn biến mang tính bước ngoặt của tình hình trong và ngoài nước sau thắng lợi của chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã đặt ra yêu cầu phải đoàn kết hơn nữa mọi lực lượng cho cuộc kháng chiến, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam Việt Nam bằng thế tấn công toàn diện. Yêu cầu của cách mạng lúc này là cần có một Chính phủ đại diện hợp pháp cho quyền lợi của Nhân dân miền Nam Việt Nam. Với công tác chuẩn bị kỹ và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, từ ngày 6 đến 8-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam khai mạc trọng thể tại vùng Tà Nốt (Tây Ninh) đã bầu chọn những nhà trí thức tiêu biểu thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Chính phủ (đồng chí Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất). Tôn chỉ hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xác định là thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thực hiện nhiệm vụ tối cao là đoàn kết Nhân dân miền Nam chiến đấu đánh bại đế quốc Mỹ, lật đổ ngụy quyền tay sai phản động, “hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo điều kiện cơ bản để xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, tiến đến hòa bình thống nhất Tổ quốc”(2).

Sự ra đời và hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi. Những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Huỳnh Tấn Phát ngay trong những ngày đầu mới thành lập đã góp phần tăng đáng kể uy tín quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đồng thời, giúp cho các nước thừa nhận đây là đại diện hợp pháp cho Nhân dân miền Nam Việt Nam và sự ủng hộ của quốc tế đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã khiến cho phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn lo sợ.

Đầu năm 1969, Hội nghị Paris bước vào giai đoạn đàm phán bốn bên. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Ta phải đánh cho quân Mỹ bị thua đau hơn nữa, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền phải sụp đổ” (3), nhằm tạo ra sự thay đổi trong cán cân lực lượng trên chiến trường có lợi cho chúng ta, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh ngoại giao. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, đồng chí Huỳnh Tấn Phát với vai trò là người đứng đầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tập trung đẩy mạnh ngoại giao nhà nước, kết hợp chặt chẽ với ngoại giao Nhân dân, phối hợp với ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh tại các diễn đàn đòi thực hiện ngừng bắn, đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự; đấu tranh đòi trao trả hết nhân viên dân sự bị bắt và bị giam giữ, thực hiện tự do, dân chủ cho Nhân dân miền Nam...

Song song với các hoạt động nêu trên, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện mũi tiến công ngoại giao trên bình diện rộng bằng việc tổ chức các chuyến đi thăm hữu nghị nhiều nước, thông báo tình hình Hội nghị Paris. Qua các chuyến thăm và tại nhiều diễn đàn, chính phủ các nước đều ra tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nhiều hiệp định viện trợ không hoàn lại cho miền Nam cũng được ký kết với chính phủ các nước. Sự động viên về tinh thần và ủng hộ về vật chất to lớn đó chính là động lực để quân dân Việt Nam dồn sức thực hiện đấu tranh quân sự, chính trị, đưa cách mạng miền Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, để góp phần ổn định tư tưởng Nhân dân, đồng chí Huỳnh Tấn Phát dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm của các tầng lớp Nhân dân và trình bày rõ lập trường, quan điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong tình hình mới của đất nước. Đồng chí đã tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước và trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, cả về đối nội và đối ngoại bằng những chính sách, kế hoạch hợp lý tạo nền tảng ban đầu nhằm xây dựng miền Nam có được diện mạo như ngày hôm nay.

Năm 1976, Quốc hội khóa VI bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Phó Thủ tướng Chính phủ và năm 1977 được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch đô thị. Trên cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách quy hoạch đô thị, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã giành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế và kiểm tra công tác quy hoạch, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để có cái nhìn tổng thể và có nhiều đóng góp vào công việc chung của Chính phủ, đặc biệt, với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải tạo, khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh. Đồng chí dành nhiều thời gian đi các địa phương để khảo sát thực tế tình hình, trao đổi với chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là với giới trí thức về những vấn đề nóng bỏng của đất nước để phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Chính phủ. 

Năm 1979, đồng chí được phân công kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước và được chỉ định làm Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (SEV).

Năm 1981, đồng chí được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6-1982, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 12 đến 14-5-1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, đồng chí được bầu là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Trên cương vị công tác nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhân dân giao phó và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của Hội đồng Nhà nước cũng như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một kiến trúc sư tài năng và sáng tạo

Sau khi tốt nghiệp, đỗ thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938, Huỳnh Tấn Phát tập sự ở văn phòng kiến trúc sư người Pháp Chauchon ở Sài Gòn, với năng khiếu bẩm sinh và năng lực sáng tạo dồi dào, Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện thành công đồ án thiết kế công trình và được giới kiến trúc sư đánh giá cao.

Năm 1940, đồng chí Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc và năm 1941, đoạt giải Nhất Cuộc thi Thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương, dự kiến xây dựng ở vườn Ông Thượng Sài Gòn, do Toàn quyền Pháp Decoux tổ chức. Với tài năng của mình, trong thời gian từ năm 1938 đến năm 1943, đồng chí đã thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt... Các công trình kiến trúc đều thể hiện tư duy sâu sắc về văn hóa Á Đông, về năng lực sáng tạo thể hiện qua những hình khối kiến trúc được bố cục chặt chẽ, hiện đại, nhưng khoáng đạt, cởi mở và hài hòa với cảnh quan nhiệt đới phương Nam, đã gây nên một sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức Nam Kỳ và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp.

Trong suốt những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược gian khổ, với bao nhiệm vụ nặng nề, nhưng đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn dành thời gian hiếm hoi để thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trong chiến khu, mà nổi bật là hội trường Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, hội trường Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I. Tuy các công trình được dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, nứa lá nhưng thiết kế rộng rãi, khang trang, đẹp đẽ nằm ẩn mình kín đáo dưới vòm lá xanh của rừng già chiến khu, đã làm xúc động các đại biểu về dự đại hội. Và nhiều phác thảo kiến trúc, quy hoạch các công trình dự định xây dựng tại Lộc Ninh, Thủ đô Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt đã thể hiện tầm nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai, khả năng sáng tạo tuyệt vời, tư duy thông tuệ của một kiến trúc sư tài năng, một nhà văn hóa lớn.

Sau ngày đất nước thống nhất, trên các trọng trách như: Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Trưởng Ban Quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 1976; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1977, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1981; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước năm 1982; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, năm 1983, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội và nền kiến trúc Việt Nam. Đồng chí đã để lại những công trình, tác phẩm xuất sắc như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.

Ngoài ra, đồng chí còn chỉ đạo và góp ý kiến nhiều dự án thiết kế quy hoạch các đô thị lớn trong cả nước như: Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn. Nhiều công trình kiến trúc để lại như: Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung thiếu nhi Hà Nội... đã góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Không chỉ là một kiến trúc sư tài năng, sáng tạo, để lại nhiều công trình góp phần “làm đẹp cuộc đời”, đồng chí Huỳnh Tấn Phát rất quan tâm tới tương lai của ngành Kiến trúc Việt Nam. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đồng chí là người có công trong việc xuất bản Tạp chí Kiến trúc - cơ quan ngôn luận không chỉ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam mà của cả giới kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng nói chung; luôn chỉ đạo Hội Kiến trúc sư phải gắn kiến trúc với đời sống.

Ý kiến của đồng chí Huỳnh Tấn Phát trên cương vị đứng đầu ban giám khảo các cuộc thi kiến trúc luôn chứa đựng một chiều sâu hiểu biết đáng khâm phục. Dù tuổi cao, dù phải dành hầu hết thời gian cho các hoạt động của Nhà nước, Mặt trận nhưng con mắt am tường nghệ thuật vẫn phát hiện rất nhanh những nét tinh túy, kín đáo nhất của mỗi phương án mà không nhiều người làm nghề có được. Đồng chí thường khuyến khích việc nghiên cứu lý luận nghệ thuật kiến trúc, bởi ở đây không chỉ có những ý nghĩa văn hóa - nghệ thuật đơn thuần, mà nó còn mang lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội có tầm chiến lược.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, cả đời gắn bó với Nhân dân, phấn đấu vì hạnh phúc của Nhân dân với trí tuệ và tình cảm của một trí thức yêu nước, một nhà chính trị lớn - nhà văn hóa lớn - kiến trúc sư có tâm và có tầm. Ở đồng chí, chính trị, văn hóa, đạo đức luôn hòa quyện. Là một kiến trúc sư nổi tiếng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát có rất nhiều điều kiện để sống cuộc sống giàu sang dư giả về vật chất, danh lợi. Vượt lên trên hết, khi quyết định đi theo con đường cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát phải chịu sức ép không nhỏ từ chính quyền thực dân. Tuy nhiên, đồng chí đã thể hiện một nhân cách lớn, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân, quyết tâm đi theo cách mạng, để lại tấm gương sáng cho thế hệ sau.

THANH DANH

(Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)

____________________

1. Nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM.

2. Huỳnh Tấn Phát, Tuyên bố về Chương trình hành động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nxb Giải Phóng, 1969, tr.13.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

 

;