Giấc mơ ngày bão

Mấy hôm trời trước thời tiết thật dễ chịu, những cơn gió se se lạnh ùa về trong buổi sớm mai khiến cho ai nấy đều thích thú. Ấy vậy mà hôm nay, nắng đã về từ rất sớm, hơi nóng phả lên nóng ran, trời cũng lặng im không lấy một hơi gió phe phẩy. “Hình như là sắp có bão”, cô bạn ngồi trong nhà nói vọng ra khi đoán được cảm xúc của tôi đang ngạc nhiên với đất trời. Đêm qua, tôi đã quên coi dự báo thời tiết nên không hề biết đến bão. Tự dưng ký ức trong tôi lại khơi gợi về những ngày đang còn thơ ấu với bao nhiêu mớ cảm xúc hỗn độn, ngổn ngang.

Đó là những mùa bão của thập niên 90 của thế kỷ trước. Ngày ấy, quê tôi chưa có điện sáng, người dân vẫn dùng đèn thắp bằng dầu hỏa. Bà con cũng chưa biết tới công nghệ là gì. Nhà nào giàu lắm mới có một chiếc đài cát sét chạy bằng pin. Người dân chủ yếu đoán thời tiết qua những hiện tượng thay đổi của đất trời. Trước bão, trời thường im hơi lặng gió và nắng có thể rất to. Bố tôi sau khi đi làm ruộng về hóng được tin sắp tới bão sẽ về, liền nói với cả nhà để cùng nhau chuẩn bị chống bão.

Nhà tôi lúc bấy giờ vẫn lợp bằng rạ ọp ẹp. Đến mùa mưa bão, bố tôi thường phải che chắn, neo chỗ nọ, chằng chỗ kia để hạn chế gió thổi tốc mái. Trong nhà mùa mưa bão lúc nào cũng có sẵn những phên rạ được làm sẵn, thêm các mảnh ni lông, bao bì lớn cỡ lớn để chắp vá những chỗ nước hay nhỏ xuống. Ngoài gian nhà chính là gian nhà nhỏ cho lũ gà, lợn. Còn mấy mẹ con chúng tôi loay hoay chuẩn bị lương thực ngày bão. Thực phẩm ngày bão cũng rất đơn giản: lọ muối vừng hay những túi cá khô dành để kho mặn. Thêm quả cà, quả bí, mấy ngọn rau dại nữa là xong.

Chuẩn bị trong nhà xong xuôi thì ra vườn, ra cái ao nhỏ. Vườn cây ăn quả lá sum suê bố đốn bớt, ao cá bố lấy lưới găng chung quanh cho cao lên phòng khi nước lớn cá bơi thất thoát. Nhìn vườn cây bị đốn ngọn, cành lá xót vô cùng. Vì sau bao nhiêu năm chăm sóc cây mới tốt được chừng đó, giờ lại phải đốn đi. Tôi ngước mắt nhìn hỏi bố, liệu có cách nào tốt hơn không? Bố lắc đầu với tiếng thở dài. Bố bảo rồi cây lại sẽ mọc chồi, lá và đâm hoa kết trái vào những năm sau. Có lẽ đớn đau nhất vẫn là mảnh rau sắp đến ngày thu hoạch của mẹ. Vì lúc bấy giờ không thể cắt bán ngay được. Và chắc chắn nếu bão vào thì số rau đó sẽ bị mưa bão nhấn chìm, hư hại hết.

Buổi tối bão về, dẫu cấp độ to hay cấp độ nhỏ thì bố mẹ đều thức trắng đêm không ngủ. Cả nhà trước đó ăn cơm thật sớm, mẹ chuẩn bị sẵn hai cái đèn dầu, ngồi chụm vào nhau nói chuyện mong thời gian bão chóng qua. Ngoài trời gió hung dữ rít từng cơn. Rồi gió thêm dồn dập, mưa đến ào ạt xối xả. Đài dự báo cơn bão chỉ cấp độ 9 song thực tế bão lại mạnh hơn nhiều. Dù gia đình đã phòng chống hết sức nhưng vẫn chịu thua trước độ hung dữ của bão. Mái tranh phía trên bị tốc lên bay tứ tung, mưa rớt xuống ướt nhẹp, cả nhà tôi phải co ro dắt nhau vào chỗ sâu trong gian buồng. Ngồi bên bố mẹ, tim tôi đập thình thịch lo sợ, cầu nguyện bão chóng qua đi.

 Buổi sáng sau bão, mưa chỉ còn lác đác vài hạt. Mọi thứ trước mắt ngổn ngang, hỗn độn. Sân nhà bùn sình lầy lội, cây cối đổ xiêu vẹo. Của nả, vườn tược bố mẹ bỏ công chăm sóc bao nhiêu ngày giờ thành công cốc. Sách vở của hai anh em tôi ướt sũng, chỉ mong nắng chóng lên còn hong khô để có cái đến trường. Trong giấc mơ ngày bão năm xưa, tôi vẫn thường ước gia đình mình có một ngôi nhà kiên cố, mọi người không phải nơm nớp lo sợ khi mưa to gió lớn đến.

Đến bây giờ, tôi vẫn giữ giấc mơ từ thuở xa xưa để không ngừng cố gắng, vươn lên trong cuộc sống!

 

NGỌC LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

;