Sự cần thiết xây dựng môi trường văn hóa tại khu du lịch quốc gia

Khu DLQG Tam Đảo là điểm đến du lịch độc đáo và đặc sắc - Ảnh: dulichvinhphuc.gov.vn

Triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 6-9-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ VHTTDL triển khai‘‘Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia’’ với mục tiêu là đề xuất Bộ Tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia (DLQG) nhằm góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, văn hóa ở các khu du lịch quốc gia nói riêng và điểm đến du lịch Việt Nam nói chung thân thiện, hấp dẫn.

Khu DLQG được xác định là những hạt nhân để thu hút đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả, qua đó tạo thành những động lực/ điểm nhấn cho các vùng, các khu vực phát triển du lịch và có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các điểm đến. Vì vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa ở khu DLQG là rất cần thiết.

1. Các tiêu chí để công nhận là khu DLQG

Theo Luật Du lịch (2017), khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu DLQG. Theo đó, để công nhận là khu DLQG thì các địa điểm tiềm năng trên phải đáp ứng các tiêu chí:

 1) Có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào các yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.

2) Có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu DLQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3) Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch, bao gồm: Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên; Có hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước sạch; Có nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về khu du lịch. Có hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan; Cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch.

 4) Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.

 5) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm: Có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường; Có bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn; Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức quản lý khu du lịch; Có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch; Có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch; Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm; Áp dụng biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

2. Vai trò của các khu DLQG với sự phát triển du lịch của địa phương

Tại dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ đã xác định 59 khu vực tiềm năng phát triển thành khu DLQG. Đến nay, có 7/59 khu vực tiềm năng được công nhận là khu DLQG. Các khu DLQG được công nhận có vai trò rất lớn đối với sự phát triển du lịch của địa phương.

Khu DLQG Sa Pa

Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã trở thành khu DLQG và luôn nằm trong Top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước. Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định phát triển du lịch là một trong hai lĩnh vực đột phá, phấn đấu đến năm 2030 du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo, quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó, tập trung vào khu du lịch thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, huyện Bắc Hà và xã Y Tý (huyện Bát Xát). Đối với khu DLQG Sa Pa được định hướng phát triển toàn diện, đồng bộ, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia tầm cỡ quốc tế, với hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phong phú, chất lượng cao, có thương hiệu, hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế; nhân lực du lịch chuyên nghiệp, thân thiện. Xây dựng đô thị trung tâm Sa Pa trở thành thành phố đô thị loại III vào năm 2030, phấn đấu đến năm 2050 phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I, là đô thị thông minh có hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, hiện đại. Trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế, một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất toàn cầu.

Sa Pa không chỉ là trọng điểm du lịch của tỉnh, mà còn là khu du lịch quốc gia thứ 2 được công nhận của Việt Nam, được xác định trở thành khu du lịch mang tầm quốc tế. Vì vậy, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa ở Khu DLQG Sa Pa luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm, chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lấy cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa làm động lực; tính thích ứng và sự năng động làm đột phá để vươn lên và hướng đến phát triển xanh và bền vững. 

 Khu DLQG Đền Hùng

Khu DLQG Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nằm trong vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, thuộc không gian du lịch trung tâm thành phố Việt Trì, bao gồm thành phố Việt Trì và phụ cận. Đây là địa bàn phát triển du lịch trọng điểm và tiếp tục giữ vai trò trung tâm điều hành mọi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; lượng khách du lịch đến tham quan và tham dự lễ hội tại khu DLQG Đền Hùng chiếm khoảng 85-90% tổng lượt khách đến tỉnh Phú Thọ, doanh thu từ dịch vụ du lịch chiếm khoảng 82% doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh. Như vậy, có thể thấy khu DLQG Đền Hùng, thành phố Việt Trì đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội cũng như phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ. 

Khu DLQG Trà Cổ

Trà Cổ, Móng Cái là địa danh quan trọng, có giá trị về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, đồng thời có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt kinh tế, chính trị về du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu, đối ngoại, an ninh quốc phòng. Vị trí khu du lịch Trà Cổ, Móng Cái thuận lợi thu hút hai luồng khách lớn, khách Trung Quốc và các quốc tịch khác vào qua cửa khẩu Móng Cái, luồng khách từ Hà Nội, thành phố Hạ Long và các tỉnh phía Bắc. Việc phát triển khu du lịch Trà Cổ gắn phát triển du lịch biển Trà Cổ với khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển cả hai yếu tố lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng thời hình thành được một khu du lịch lớn mạnh, tạo thế đồng đẳng với các khu du lịch quốc gia phía bên Đông Hưng, Trung Quốc đã hình thành. 

Khu DLQG Tam Đảo

Khu du lịch Tam Đảo thuộc địa phận huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm toàn bộ các khu vực trọng điểm về du lịch của huyện Tam Đảo. Tam Đảo giữ một vị thế quan trọng trong kinh tế toàn tỉnh, cụ thể là kinh tế du lịch: Tam Đảo cùng với khu vực Đại Lải là hai động lực phát triển du lịch chính, thu hút khách nghỉ dưỡng và khám phá của Vĩnh Phúc. Ước tính trung bình 25-30% khách du lịch của Vĩnh Phúc lựa chọn Tam Đảo với khoảng gần 2 triệu lượt khách cho chuyến đi hằng năm; ngoài ra còn có 1 lượng lớn khách vãng lai không được thống kê, chỉ đi du lịch trong ngày và tham quan ngắm cảnh... Vì vậy, lượng khách thực tế đến Tam Đảo, chỉ tính riêng 2 trung tâm là thị trấn Tam Đảo và Tây Thiên có thể lên tới 3-3,5 triệu lượt mỗi năm. Các dịch vụ phục vụ khách mang tới nguồn thu nhập lớn, đóng góp vào du lịch toàn tỉnh; đa số người dân thuộc các điểm du lịch lớn tiêu biểu như thị trấn Tam Đảo có sinh kế chính phụ thuộc vào du khách.

 Khu DLQG Mũi Né

Khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận là một trong những điểm du lịch nổi bật trên bản đồ quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nội địa và quốc tế. Khu DLQG Mũi Né là động lực chính trong phát triển du lịch Bình Thuận. Ước tính 90% khách nội địa và 95% khách quốc tế đến Bình Thuận lựa chọn tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng biển tại khu DLQG Mũi Né; tổng thu từ khách du lịch của khu DLQG Mũi Né chiếm khoảng 80-90% toàn tỉnh. Sự phát triển mạnh mẽ của khu DLQG Mũi Né là một trong những yếu tố mang lại tăng trưởng cho kinh tế Bình Thuận và góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 Khu DLQG hồ Tuyền Lâm

Đây là khu DLQG đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận trong tổng số 47 khu du lịch được quy hoạch là khu DLQG của cả nước theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là khu du lịch mang tính đặc trưng riêng của thành phố Đà Lạt và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2023; đáp ứng định hướng Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2023, hồ Tuyền Lâm được UNESCO ghi danh là Khu du lịch tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương trong Chương trình diễn đàn Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ và Lễ biểu dương các nhà trí thức, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương; thương hiệu bản sắc Việt Nam định vị giá trị toàn cầu.

Khu DLQG Núi Sam

Núi Sam hấp dẫn bởi tài nguyên du lịch phong phú, nổi bật là địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng rộng lớn, liền kề hệ thống kênh rạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo; giá trị tâm linh tín ngưỡng gắn lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, tiêu biểu miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch không chỉ trong vùng mà còn ảnh hưởng đến các vùng khác và các quốc gia lân cận.

Trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại núi Sam không ngừng gia tăng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Lượng khách đến núi Sam rất lớn và tăng hằng năm, năm 2019 là 4,8 triệu lượt khách, năm 2023 là 4,9 triệu lượt. Tỷ trọng của du lịch núi Sam đóng góp cho GRDP thành phố Châu Đốc đạt trên 7%. Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tương đối tốt, đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch. Hệ thống giao thông, điện, nước, dịch vụ viễn thông, môi trường… được ưu tiên đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch.

3. Sự cần thiết của việc xây dựng môi trường văn hóa đối với phát triển du lịch ở các khu DLQG

Môi trường văn hóa (MTVH) của mỗi khu DLQG sẽ tác động tới việc lựa chọn điểm đến của du khách. MTVH ảnh hưởng rất lớn đến quyết định quay lại với khu du lịch của khách. Ngay cả trong trường hợp khách không có dự định quay lại do nhu cầu cần phải khám phá cái mới, thì những tương tác, trải nghiệm với một điểm đến du lịch sẽ góp phần gây dựng một hình ảnh và thương hiệu trong tâm trí của khách du lịch là khu DLQG, nếu một hình ảnh xấu được tạo ra thì hình ảnh này sẽ có khả năng tác động tiêu cực tới những khu du lịch được nhận danh hiệu khu DLQG khác. Mặt khác, ngoài những tích lũy về trải nghiệm thì việc “sửa đổi hình ảnh qua những thông tin thêm” cũng được tiến hành qua việc đọc các nhận xét, bình luận, chia sẻ trải nghiệm của các du khách khác đến với điểm du lịch. Với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Internet, Cách mạng công nghiệp 4.0 và các mạng xã hội, diễn đàn thì những thông tin nhận xét này có thể diễn ra trong thời gian thực (không nhất thiết phải chờ tới khi khách về tới nhà) và có tốc độ lan tỏa chóng mặt. Điều này có ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định lựa chọn khu DLQG là điểm đến của khách du lịch. Như vậy, có thể thấy, mỗi khu DLQG cần xây dựng MTVH tích cực, tạo ra được trải nghiệm và sự quảng bá tích cực với du khách, khiến họ quay lại với khu du lịch hoặc tiếp tục lựa chọn các khu du lịch được “gắn nhãn” khu DLQG khác. 

 MTVH có tác động sâu sắc đến hành vi tiêu dùng của khách du lịch tại khu DLQG. Hình ảnh của điểm đến có ảnh hưởng mạnh đến hành vi tiêu dùng và mua sắm của khách du lịch, tương tự như vậy đối với sự ảnh hưởng của MTVH. Sự thân thiện của người dân địa phương, đội ngũ phục vụ góp phần tạo lòng tin và xóa đi sự lo lắng tiềm ẩn về các rủi ro gặp phải trong giao dịch. Điều này có tác dụng làm gia tăng hoạt động mua sắm và chi tiêu của khách du lịch. Bên cạnh đó, các yếu tố hữu hình như cơ sở vật chất phục vụ khách, các cơ sở vật chất chung tại khu du lịch nếu được làm tốt cũng góp phần thúc đẩy hành vi mua sắm và tiêu dùng của khách du lịch. MTVH tại khu du lịch cũng tác dụng định hướng hành vi mua sắm và tiêu dùng của khách du lịch và cũng có thể xảy ra chiều ngược lại. Một MTVH hướng tới hành vi mua sắm và tiêu dùng có trách nhiệm sẽ giúp định hướng hành vi của khách thông qua các thiết chế, quy định và chính sách. Một khu du lịch hướng tới các hành vi tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm, có các quy chế và áp dụng quy chế rõ ràng sẽ khiến khách du lịch hạn chế xả rác ra môi trường, không tiêu thụ các loại động vật hoang dã hay sản phẩm từ động vật hoang dã cần được bảo vệ, không mua bán các chất cấm hay tham gia vào các tệ nạn xã hội khác... Tuy nhiên, nếu MTVH không đủ mạnh, các hoạt động không thuận theo quy luật cung cầu đơn thuần của thị trường sẽ khiến các hành vi tiêu dùng và mua sắm lệch chuẩn phát triển. Một khi người dân địa phương và những người cung cấp dịch vụ tại khu du lịch tiếp nhận, làm quen và dần chấp nhận các hành vi này, sẽ làm thay đổi MTVH tại khu du lịch một cách tiêu cực.

 MTVH tại khu DLQG tác động tới sự hài lòng và trung thành của khách du lịch. Với vị thế là khu DLQG sẽ tạo ra kỳ vọng cao hơn về mọi mặt, trong đó có MTVH, điều này cũng có tác động không nhỏ tới chất lượng dịch vụ của khu dịch bởi chất lượng là sự so sánh giữa kỳ vọng của khách hàng với thực tế nhận được. Sự kỳ vọng càng cao thì thực tế cung cấp cho khách hàng càng phải cao tương ứng. Điều này tạo thêm các áp lực với các khu du lịch quốc gia trong việc duy trì MTVH đáp ứng được kỳ vọng của khách du lịch. 

MTVH tại khu DLQG tác động tới hành vi và văn hóa ứng xử của khách du lịch. Trong MTVH tại khu du lịch nói chung và khu DLQG nói riêng diễn ra các hoạt động tương tác giao tiếp giữa các chủ thể hay các bên hữu quan. Các mối quan hệ này chịu ảnh hưởng của năng lực hay quyền lực được thiết lập giữa các chủ thể với nhau. Các tương tác giữa cộng đồng địa phương với nhau và với khách du lịch có thể định hướng được hành vi và cách ứng xử của khách theo hướng tích cực nếu bản thân cộng đồng địa phương có tiếng nói, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tạo ra được MTVH tốt, thể hiện rõ bản sắc của khu du lịch cũng như thiết lập được các chuẩn mực xã hội. Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và cả cộng đồng địa phương với vai trò tuyên truyền, nhắc nhở và giáo dục cũng có khả năng ngăn ngừa những hành vi lệch chuẩn của khách du lịch. Có thể thấy, nếu MTVH mạnh (có quyền lực) và phản ánh được bản sắc, giá trị của khu du lịch, thì có tác dụng rất lớn trong điều chỉnh hành vi và văn hóa ứng xử của khách du lịch theo chuẩn mực của khu du lịch và ngược lại.

Các tiêu chí để đạt được danh hiệu khu DLQG ở Việt Nam khá cao và khắt khe. Do vậy, các khu DLQG cũng coi như biểu tượng hay đại diện cho điểm đến du lịch Việt Nam. Với vai trò đại diện này khiến các khu du lịch càng phải đảm bảo thương hiệu của mình và gia tăng được sự trung thành của khách du lịch. Việc đảm bảo các tiêu chí MTVH của khu DLQG góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, xây dựng hình ảnh các khu DLQG nói riêng và điểm đến Việt Nam hấp dẫn nói chung.

________________

Tài liệu tham khảo

1. PGS, TS Bùi Hoài Sơn và nhóm nghiên cứu, Luận cứ khoa học về xây dựng môi trường văn hóa, Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, Bộ VHTTDL, 2022.

2. Azeez, Z.A., Tác động của hình ảnh điểm đến đối với hành vi của khách du lịch: Nghiên cứu trường hợp Karbala, Tạp chí Quốc tế về kế hoạch và phát triển bền vững, chương 16, phần 7, 2021, tr.1287-1298.

3. Ageeva, E., & Foroudi, P., Hình ảnh điểm đến trong mắt khách du lịch thông qua du lịch khu vực: Từ cách tiếp cận cung và cầu, Tạp chí Nghiên cứu kinh doanh, 2019.

4. Chon, K., Vai trò của hình ảnh điểm đến trong du lịch: Nghiên cứu và thảo luận, Tạp chí Khách du lịch, 1990.

5. Parasuraman, A, Ziethaml, V. and Berry, L.L., SERVQUAL: Thang đo nhiều hạng mục để đo lường nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ, Tạp chí Bán lẻ, số 1, 1988, tr.12-40.

NGUYỄN QUÝ PHƯƠNG - LÊ THỊ MINH QUẾ - Ths TRẦN QUANG HUY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;