Từ ngày 27/11 đến ngày 30/11/2024, tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản” với nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp “Đôi bờ Ví, Giặm”
Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” mở đầu chuỗi sự kiện gồm 3 phần. Phần 1: “Trầm tích xứ Nghệ” nói về truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Nghệ - Tĩnh đã làm nên những giá trị di sản đi cùng thời gian; trong đó, có di sản Dân ca Ví, Giặm. Phần 2: “Hành trình di sản” tập trung phản ánh quá trình Dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh đại diện của nhân loại vào năm 2014. Những dấu ấn về công tác bảo tồn, phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm của 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong 10 năm qua; các thế hệ nghệ nhân, những người nắm giữ và trao truyền Dân ca Ví, Giặm cho thế hệ trẻ, làm lan tỏa di sản ông cha trong đời sống. Phần 3: “Để mạch nguồn chảy mãi”, phản ánh những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền 2 tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An trong việc đề ra những chủ trương, giải pháp để Dân ca Ví, Giặm tiếp tục tỏa sáng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ đương đại, tạo động lực phát triển, xây dựng quê hương trong bối cảnh mới.
Ngày 28/11/2024, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ khai mạc trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh kết hợp các sản phẩm du lịch. Các đoàn đã tổ chức trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hiện vật tiêu biểu cho di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc; các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của địa phương; tổ chức các chương trình biểu diễn, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh được tổ chức với các di sản tham dự liên hoan gồm: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng), hát Bài chòi (tỉnh Quảng Nam), hát Xoan (tỉnh Phú Thọ), Dân ca Quan họ (tỉnh Bắc Ninh), Dân ca Ví, Giặm (tỉnh Nghệ An), Dân ca Ví, Giặm và Ca trù (tỉnh Hà Tĩnh).
Sáng ngày 29/11/2024, tại thành phố Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các tác giả khắp mọi miền trên cả nước. Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến: việc khẳng định giá trị mang tầm nhân loại của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; công tác gìn giữ, bảo tồn di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đồng thời, đề xuất nhiều nhóm giải pháp để bảo tồn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như: bảo tồn và phát huy bền vững Dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại; truyền dạy Dân ca Ví, Giặm trong trường học, trên sóng truyền hình; bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch... Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá; tích cực huy động nguồn lực để bảo tồn di sản; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng để duy trì các hoạt động của các câu lạc bộ; đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân có công lưu giữ, truyền dạy di sản…
Tại Lễ tổng kết và bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” nhằm ghi nhận những thành tích và đóng góp cho sự thành công của công tác bảo tồn, phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm, Bộ VHTTDL đã tặng Bằng khen cho Sở VHTTDL Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2019-2024. UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2014 – 2024. Đồng thời, UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen cho các tập thể phối hợp tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” (gồm Lâm Đồng, Quảng Nam, Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ).
Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần lan tỏa, tôn vinh các giá trị tinh hoa của Dân ca Ví, Giặm nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh nói chung; từ đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống; quảng bá, thúc đẩy hợp tác phát triển văn hóa, du lịch.
Toàn cảnh hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”
NGUYỄN NGA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024