Du lịch trải nghiệm Vườn quốc gia Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở phía Tây Nam huyện Tân Sơn trên vùng giáp ranh của 3 tỉnh; Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La; là một trong 15 vườn quốc gia lớn nhất nước ta. Đây là vườn quốc duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi điển hình của miền Bắc Việt Nam. Trong khu vực đá vôi tới nay đã phát hiện hệ thống hang động tự nhiên thuộc vào hàng những hang động đẹp và hùng vĩ bậc nhất của Việt Nam. Cùng với rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, hệ thống hang động này đã tạo ra một cảnh quan tự nhiên có sức hấp dẫn lôi cuốn du khách. Vườn quốc gia Xuân Sơn có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú với 365 loại động vật, trong số đó có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ Thế giới như voọc xám, vượn chó, cầy bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo, gà lôi, gà tiền, đại bàng đất... Hệ thực vật có 726 loài thực vật bậc cao, trong đó có 52 loài thuộc ngành quyết và ngành hạt trần như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ, chò chỉ, chò vảy, nghiến, dổi , vầu trắng, kim giao... Đặc biệt có  quần thể 20 cây nghiến cổ thụ trong vườn quốc gia Xuân Sơn được Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam vinh danh là cây di sản Việt Nam.

Nhớ ngày đầu đi mở tuyến du lịch

Năm  2009, thực hiện chương trình công tác của Sở VHTTDL  Phú Thọ, một tổ công tác làm nhiệm vụ khảo sát tuyến du lịch vào Vườn quốc gia du lịch Xuân Sơn được thành lập gồm các cán bộ ở Ban quản lý Dự án xây dựng cơ bản, phòng Nghiệp vụ Du lịch. Tổ này có nhiệm vụ tiếp tục nhiệm vụ mà bộ phận chuyên môn của Sở Thương mại Du lịch đã thực hiện trước đó là khảo sát đánh giá toàn tuyến, kết hợp với Vườn quốc gia Xuân Sơn xây dựng các điểm du lịch tại  bản Cỏi, bản Dù, bản Lạng, bản Lấp, các hang động: hang Lạng, hang Thổ thần, hang Na, các thác nước Lưng trời, thác chín tầng, các suối: suối Lấp, suối Thang… đánh giá thực trạng vùng lõi rừng Xuân Sơn để có phương án tổ chức các hình thức du lịch bảo đảm đúng quy định của nhà nước, người dân bản địa cùng tham gia làm du lịch cộng đồng bảo đảm lợi ích cả 2 bên. Biết bao khó khăn đến với những người đi mở tuyến vì lúc đó Xuân Sơn còn hoang sơ, giao thông chủ yếu là  những con đường mòn, hay bị sạt lở vào mùa mưa, dân cư quá thưa thớt, có khi vào trong đó cả tuần không ra được vì kẹt đường… Tôi có may mắn được đi cùng với tổ đi mở tuyến ngày đầu, một kỷ niệm không thể quên: hôm khởi hành từ Việt Trì vào Xuân Sơn trời mưa như trút nước như thử thách nghị lực của chúng tôi, nhiều người lo lắng không biết nhiệm vụ khảo sát mở tuyến có thực hiện được không. Anh Nguyễn Đức Thịnh - Phó Trưởng ban quản lý dự án, người có nhiều kinh nghiệm đi Xuân Sơn khẳng định cứ mặc kệ, mưa ở đây vào Xuân Sơn, trời sẽ nắng, tôi vào đó nhều lần rồi nên biết khí hậu vùng này. Vượt qua chặng đường gần 100 km vào đến gần Xuân Sơn chúng tôi đã thấy mặt trời ló rạng, núi tiếp núi cùng mây trắng quấn ngang, cảnh vật thật hùng vĩ, không gian đẫm hơi nước làm cả đoàn thêm háo hức. Sau thời gian làm việc ngắn ngọn với Ban giám đốc Vườn quốc gia, lãnh đạo xã Xuân Sơn, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, lãnh đạo UBND huyện Tân Sơn tại trạm Kiểm lâm Xuân Sơn, chúng tôi hăm hở bắt đầu hành trình khảo sát tuyến du lịch mới. Kỹ sư Trần Đăng Lâu, người có 40 năm gắn bó với vườn quốc gia cho chúng tôi biết, nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của dân tộc Mường và Dao tại 4 bản. Bà con còn giữ được nhiều phong tục tập quán cổ xưa, đặc biệt là  rất đôn hậu, mến khách. Thời gian gần đây, một số gia đình đã làm du lịch tự phát khi thấy nhiều du khách đổ về thăm quan trong dịp lễ 30/4 - 1/5. Câu chuyện đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, khai thác các giá trị văn hoá bản địa trong hành trình du lịch trải nghiệm Xuân Sơn, các sản vật như gà 9 cựa, rau sắng, mật ong rừng đang đến hồi sôi nổi thì bản Dù, nơi có hơn 40 hộ đồng bào Dao sinh sống đã ở ngay trước mắt chúng tôi. Muốn sang bản Dù phải đi qua chiếc cầu được làm bằng các thân cây nối dài hoặc phải bước trên các tảng đá to ngang suối. Sau cơn mưa to ở đầu nguồn, nước chảy về cuồn cuộn tung bọt trắng xóa khi va vào đá làm cho khung cảnh nơi đây thêm hoang sơ. Rừng nguyên sinh trên núi đá đã ở rất gần, chúng tôi cảm thấy hơi lạnh của những làn mây trắng, không khí u tịch của những cây cổ thụ mọc chen chúc nhau. Nhìn sang bản một cảm xúc  ngỡ ngàng khó tả khi thấy 2 cây trò cổ thụ thẳng tắp,  cao hàng trăm mét mấy người ôm không xuể trông nó giống như tòa tháp đôi đón chào du khách đến với Xuân Sơn. Bản Dù còn hoang sơ với những nếp nhà lợp cọ, những đàn lợn lông đen, bụng ỏng đằm mình trong vũng nước mưa, rồi mùi rơm rạ trấu mục rất đặc trưng của bản miền núi. Qua bản Dù, chúng tôi đến với những cánh rừng cổ thụ, cái cảm giác mát lạnh của mùa hè xứ ôn đới  được nếm trải ở đây thật đặc biệt. Những tán cây  tầng  tầng,  lớp lớp xanh đến ngợp mắt. Bỗng chốc hiện ra trước mắt chúng tôi một cánh đồng giữa bốn bề  núi rừng vây quanh. Người dẫn đường nói sắp đến hang Lạng rồi. Mọi người đều có cảm giác hồi hộp nghe nói hang này chỉ có một lối đi xuống hang vừa một người chui nhưng bên trong rộng lắm, đến cửa hang thì có cảm giác giống như mình đang đứng trước một cái tủ lạnh khổng lồ đang phả hơi nước mát lạnh, mồ hôi bỗng chốc bay đâu hết chỉ còn cảm giác phấn chấn mong muốn được khám phá. Cả đoàn lần lượt chui vào cửa hang, bất ngờ  qua chỗ hẹp bên trong là  cả một khoảng rộng chừng vài trăm mét vuông khiến tôi có cảm giác giống như đây là vòm cửa của nhà hát khổng lồ. Có rất nhiều nhũ đá rủ xuống, đẹp mê hồn, có ai đó gõ nhẹ vào nghe thấy tiếng ngân như đàn đá. Ở độ cao 400m so với mực nước biển, hang Lạng có suối chảy ngầm suốt quanh năm. Hang Lạng ăn sâu vào lòng núi Ten, cửa hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng, đây là hang dài nhất trong số hơn chục hang động thạch nhũ ở Xuân Sơn. Người ta đã từng đánh dấu quả bưởi rồi thả vào suối ở trong hang buổi sáng thì buổi chiều đã thấy nó trôi ra ở suối Lấp cùng dãy núi nhưng cách đó 20 km. Đi vào hang có nhiều chỗ phình ra, nền hang có một lớp đá củ đậu, cát vàng và đất sét, trần hang có rất nhiều thạch nhũ buông xuống đủ mọi hình thù chỗ giống như bàn thờ Phật, chỗ giống như chiếc cột chống từ đáy hang lên vòm. Phải nói là nhũ đá ở đây cực đẹp, nó sáng lấp lánh, nếu đưa được hệ thống đèn chiếu vào đây thì chắc chắn sẽ có màu sắc kỳ ảo. Hang Lạng dài, rộng đủ cho cả ngàn người cùng xuống chiêm ngưỡng. Trong hang có nhiều đoạn suối sâu, có thể đốt đuốc ngồi trên mảng hoặc thuyền khám phá dọc hang. Nước suối ở đây trong, mát lạnh, có nhiều cá măng, cá ngạnh sinh sống có con nặng hàng chục kg. Hang Lạng còn gắn với truyền thuyết Rắn trắng khổng lồ và nàng Bạch từ xa xưa, Rắn trắng là vị thần hộ mệnh của dân bản,  hang Lạng là thuỷ cung của vị thần. Sau này, người dân đã dựng đình Lạng để thờ thành hoàng làng: chàng Rắn trắng và nàng Bạch. Ngày hôm sau lịch trình của chúng tôi từ bản Dù qua xóm Lấp vào hang Thổ thần, hang Na, kết thúc ở điểm thác Lưng trời. Có trải nghiệm nơi đây mới thấy hết sự thú vị của thời tiết bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng tinh mơ, tiết trời trong trẻo, tiếng chim hót líu lo, tiếng gà rừng le te gáy, thỉnh thoảng có tiếng mấy con chó dé ủng ẳng đùa nghịch nhìn lên núi Ten và rừng cây nhiều vệt mây trắng bao phủ rồi thoáng một cái  mây ở đâu ùa đến che phủ cả núi , cả rừng cây ở phía dưới song ở phía trên có những ngọn cây xanh vươn lên từ biển mây trắng. Tôi đi ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước sự biến đổi rất lạ của mây, núi, gió giữa núi rừng Xuân Sơn. Dân bản nói một ngày ở đây có đủ xuân, hạ, thu, đông. Đường vào hang Thổ Thần phải đi dọc con suối lớn quanh năm nước chảy, hai bên là núi cao vời vợi mây trắng giữa trưa hè vẫn bao phủ đỉnh núi. Đây là hang được đánh giá đẹp nhất vì nó rộng và sâu với 3 vòm chính đi từ dưới lên đỉnh núi. Rất bất ngờ vì phía trong tưởng là nhỏ nhưng chỉ qua một ngách là xuất hiện động vòm khá lớn vài chục người cùng vào thăm vẫn còn chỗ, qua vòm thứ hai có rất nhiều thạch nhũ rủ xuống, hệ thạch nhũ vẫn đang quá trình hoạt động, một ngách xiên lên  phía vòm hang trông lỗ thông hơi rất lớn khi đến gần nghe cả tiếng gió hú ta có cảm giác đó là đường lên trời. Đi tiếp khoảng 500 mét càng leo vào càng thấy bất ngờ động vòm mở ra nhiều  ngách cùng nhũ đá nhiều tầng, nhiều lớp mang những hình thù kỳ bí. Sau hang Thổ Thần, chúng tôi trở lại đường cũ 500m vượt qua một con suối chắn ngang rẽ trái chừng hơn 1000m đến hang Na. Hang có tên này vì trong hang có rất nhiều viên thạch nhũ tròn rất giống quả na, trong hang nhiều thạch nhũ buông có chỗ mảnh dẻ như sợi tơ, có chỗ như cây cột lại có chỗ giống mâm xôi. Qua hang Na chừng 20.000m là đến thác Lưng trời, nước từ lưng chừng núi đổ xuống trắng xoá, mềm mại như dải lụa của tiên nữ nhìn không chán mắt.

Qua chuyến khảo sát tìm chọn điểm du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho các tour ban đầu, tổ đã thống nhất chọn điểm xóm Lấp - hang Thổ Thần - hang Na - Thác Lưng trời. Đường đến các hang động du khách đi qua các cánh rừng nguyên sinh cực đẹp, có núi  non hùng vĩ, có thác nước thơ mộng, có những dòng suối lớn và đặc biệt có rừng gỗ nghiến cổ thụ hàng ngàn năm tuổi đẹp nguyên sơ. Điểm trung tâm có vị trí thuận lợi để du khách tiếp cận rồi toả đi các địa điểm du lịch tuỳ sự lựa chọn của mình. 

Vườn quốc gia Xuân Sơn

 

Đến các tour du lịch trải nghiệm hôm nay

Trong vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện có gần 80 hộ gia đình đồng bào Mường và Dao sinh sống , họ vẫn giữ được những nét truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán từ ngôn ngữ, trang phục, lễ hội trong các sinh hoạt đời sống thường ngày. Có thể kể ra đây những sinh hoạt đâm đuống, chàm thau, cồng chiêng, múa xòe, múa Mỡi, hát Ví, hát Rang luôn làm cho đời sống văn hóa tinh thần của họ phong phú. Đồng bào Dao có các kỳ lễ, Tết như: Tết nhảy, Lễ lập tĩnh, Bắc đại cầu có những hình thức tổ chức mang đậm bản sắc dân tộc. Trên cơ sở những tiềm năng phong phú , đa dạng về cề cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hoá đặc trưng của Vườn quốc gia Xuân Sơn, năm 2023, du lịch Phú Thọ đã xây dựng mô hình trải nghiệm tìm hiểu văn hóa đặc thù gắn với việc bảo vệ các giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào Mường, Dao. Hệ thống giao thông dẫn vào khu du lịch sinh thái vườn quốc gia hôm nay có thể dùng một từ không quá là sự lột xác so với hơn chục năm về trước. Hệ thống đường đã trải bê tông toàn bộ các trục chính, những con đường nhánh đã được nâng cấp rất thuận lợi cho du khách đi bộ thăm quan,  trải nghiệm. Khu trung tâm xã Xuân Sơn nhiều nhà sàn du lịch đã được dựng, phía trong các bản nhiều Homestay được xây dựng theo phong cách nhà của đồng bào dân tộc, khu vệ sinh rất hiện đại  phục vụ nhu cầu nghỉ lại của du khách tại các bản Cỏi, bản Dù, bản Lấp. Xung quanh đoạn rộng nhất của suối Lấp cách hang Lạng hơn 300m người dân đã cải tạo thành hồ tắm tự nhiên,  vẫn bảo đảm cho dòng suối lưu thông, mùa hè nóng nực du khách được tắm ở đây thì không gì sảng khoái bằng.  Những năm gần đây, tại bản  Dù, một điểm biểu diễn văn nghệ dân gian được đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu du khách: Hệ thống sân khấu biểu diễn tại Nhà văn hóa xóm Dù cùng với trang thiết bị âm thanh, hệ thống ánh sáng khá hiện đại. Hệ thống chỉ dẫn bằng bảng, biển hiệu hướng dẫn du khách vào khu du lịch Xuân Sơn được đặt ở vị trí trung tâm rất thuận tiện cho những người lần đầu đến đây. Ngành VHTTDL Phú Thọ đã làm  mới sơ đồ tham quan khu du lịch Vườn quốc gia, thay thế các tấm lớn đã hư hỏng, bổ sung bảng nội quy tham quan khu du lịch đồng thời tổ chức một số lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, văn hóa ứng xử du lịch cho người dân địa phương tại  bản Dù, xã Xuân Sơn. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch. Hiện nay, du khách khi đến Xuân Sơn họ không chỉ được tham quan các hang động, rừng nguyên sinh, thác nước mà còn được trải nghiệm trực tiếp nấu xôi ngũ sắc, làm các món ăn đặc thù của người Mường, người Dao, được giao lưu văn nghệ múa sạp, dân vũ với đồng bào nơi đây. Ban đêm họ được nghỉ trong Homestay của đồng bào hoặc cắm trại ngoài trời sau khi thưởng thức các món ăn độc đáo hấp dẫn như cơm lam, gà nhiều cựa, rêu đá, cá suối nướng, xôi 7 màu, bánh kiến, bánh gai… Những ngày hè nóng nực, du khách được tắm suối mát lạnh.  Những sinh hoạt tinh thần cũng được đồng bào tận tình phục vụ khách du lịch: uống rượu cần, hát Ví, hát Rang, múa khèn, múa trống đu. Chứng kiến tận mắt sự đổi thay ở  khu du lịch, tôi thấy ngỡ ngàng, trong lòng xốn xang một niềm vui khó tả. Nếu như hơn 10 năm trước đây dù lạc quan thì  tôi cũng chưa thể hình dung hết những gì đang hiện hữu nơi đây. Huyện Tân Sơn đã trình UBND tỉnh Phú Thọ công nhận 4 điểm du lịch trong khu du lịch Xuân Sơn: du lịch cộng đồng tại xóm Dù, điểm du lịch Thác Ngọc, điểm du lịch cộng đồng Bản Cỏi, mô hình trải nghiệm tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số tại Bản Dù. Năm 2023, trong dịp lễ 30/4 - 1/5 hay 2/9 hàng ngàn du khách khắp mọi miền Tổ quốc đổ về đây vui chơi,  tham quan trải nghiệm, rộn rã cả một vùng núi rừng. Nhiều du khách đã phát biểu cảm tưởng rất bất ngờ trước những biến đổi về du lịch nơi đây từ thái độ phục vụ đến phương thức tổ chức và loại hình trải nghiệm vừa chân tình vừa gần gũi, giá cả rất phải chăng.

Trong thời gian tới , Sở VHTTDL Phú Thọ sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo cho người dân địa phương xã Xuân Sơn, huyện miền núi Tân Sơn làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn, nguồn thu từ du lịch tiếp tục tăng lên làm cho bà con phấn khởi xây dụng nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn cả khách nội địa và khách quốc tế. Mong sao mô hình trải nghiệm du lịch Xuân Sơn sẽ có nhiều hoạt động phong phú, những nét văn hóa bản địa sâu sắc, độc đáo của người dân địa phương, những người sống trong vùng lõi giữa đại ngàn ngày càng được phát huy và  giới thiệu rộng rãi  với đông đảo du khách bốn phương. Mô hình này được kết nối với các tour, các mô hình du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024

;