Đầu xuân, chiêm bái một số điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu ở Hà Nam

 

Chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng)

Chùa Tam Chúc nằm trong quần thể Khu du lịch quốc gia Tam Chúc được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” bởi nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh hấp dẫn mà còn có sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa cùng vẻ hùng vĩ của non nước bao la… Chùa Tam Chúc hợp với chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Hương (Hà Nội) tạo nên tam giác “trục du lịch tâm linh” lớn nhất nước, thuận lợi về mặt địa lý giao thông đi lại.

Chùa khai hội ngày 12 tháng Giêng, với các nghi lễ chính như: Niệm Phật cầu gia hộ, lễ thỉnh chuông, đánh trống khai hội, lễ dâng hương cầu quốc thái dân an, lễ rước nước, rước chuông bình an... Chùa Tam Chúc đã và đang là điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những ngày đầu xuân năm mới.

 

Chùa Địa Tạng Phi Lai (xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm)

Chùa Địa Tạng trước có tên là chùa Đùng, bị bỏ hoang xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, tu tạo, xây dựng và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai Tự, nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này.

Du khách lần đầu đến thăm chùa sẽ không khỏi bất ngờ vì phần sân dẫn vào chùa đều được trải sỏi màu trắng, thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác. Ngay trước khu Tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người.

Tượng Đức Địa Tạng hiện lên sự hiền nhưng toát lên vẻ uy nghiêm, đặt trong tổng thể kiến trúc hài hòa lấy màu nâu, vàng, trắng làm chủ đạo. Bên phải tòa Tam bảo là nhà thờ Tổ, nơi tôn nghiêm thờ 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng những cổ vật và linh vật phát lộ tự nhiên và tìm thấy trong quá trình xây dựng chùa như: tượng hình chim Garuda, ngói mũi hài, chân tảng hoa sen, gạch hình rồng, bia khắc đá viền công phượng và nhiều đồ gốm sứ khác…

 

Đền Trần Thương (thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân)

Đền Trần Thương là Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đây là nơi thờ vị Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Tương truyền, nơi đây trước là vùng nước trũng, lau sậy um tùm, dân cư thưa thớt, lại có 6 gò đất cao nổi lên, khó với địch nhưng dễ với ta nên Trần Hưng Đạo quyết định lập 6 kho lương tại đây phục vụ kháng chiến chống Nguyên Mông và Trần Thương là kho lương chính. Ngày Rằm tháng Giêng hằng năm, nhân dân trong vùng và khách thập phương lại nô nức kéo về đây nhận phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần.

Nếu có dịp đến thăm Hà Nam, du khách đừng quên qua đền Trần Thương thắp một nén nhang tưởng nhớ vị Anh hùng đã được tôn làm Đức Thánh Trần cũng như chiêm ngưỡng kiến trúc của một địa danh gắn với trang sử hào hùng của dân tộc.

 

Đền Lảnh Giang (thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên)

Đền Lảnh Giang thờ ba vị tướng thời Hùng Vương thứ 18 đã giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước, chống lại Thục Phán; thờ Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngày nay quy mô của đền đã lên đến 3000m2.

Đến đây, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tâm linh đồ sộ, bề thế với lịch sử lâu đời gồm 3 tòa 14 gian, hai bên có nhà khách, lầu thờ, xây theo kiểu nội công ngoại quốc cùng nhiều đồ thờ giá trị chạm khắc công phu. Những ngày đầu xuân, tại đền Lảnh Giang có nhiều hoạt động tâm linh đặc sắc mà tiêu biểu nhất là diễn xướng hát Văn hầu đồng thu hút đông đảo du khách về dự.

 

Chùa Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên)

Chùa Long Đọi Sơn là di tích quốc gia đặc biệt, nằm trên núi Đọi Sơn thuộc xã Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, cách Phủ Lý khoảng 8km về phía Bắc. Chùa Đọi được xây dựng vào năm 1054 và được trùng tu năm 1118 - 1121. Đây là ngôi chùa cổ có nhiều nét văn hóa nghệ thuật kiến trúc tinh xảo, mang đậm dấu ấn qua các thời kỳ lịch sử. Hằng năm, vào ngày 21/3 âm lịch, chùa Đọi Sơn mở hội. Với vị trí địa lý thuận lợi, phong cảnh thiên nhiên đẹp, nơi đây sẽ là một điểm du lịch khá hấp dẫn.

 

Chùa Bà Đanh (thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng)

Chùa Bà Đanh hay còn gọi là Bảo Sơn tự, thờ Bà Chúa Đanh (thần Pháp Vũ). Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này nằm cạnh hòn núi Ngọc nên thơ, cách thành phố Phủ Lý 10km, hướng chính Nam nhìn thẳng ra dòng sông Đáy, được thiên nhiên ưu ái bao quanh bởi khung cảnh trời mây sông nước hữu tình cùng vẻ tịch mịch vô cùng thanh tịnh. Sau khi vãn cảnh chùa, du khách hãy xuống bến nước uy nghiêm lát đá xám trắng của chùa bên bờ sông Đáy nên thơ, ngắm nhìn khung cảnh sơn thủy hữu tình, thả mình vào thiên nhiên trong lành tránh xa những khói bụi ồn ào bon chen nơi phố thị.

 

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn (thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng)

Quần thể đền Trúc - Ngũ Động Sơn thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, tọa lạc giữa không gian xanh mát sơn thủy hữu tình, có núi có sông, có hang động kỳ thú, nằm giữa rừng trúc nên thơ.

Hằng năm, lễ hội đền Trúc diễn ra từ ngày mồng 1 tháng Giêng đến ngày mồng 10 tháng Hai âm lịch với nhiều nghi lễ cổ truyền, trò chơi dân gian hấp dẫn, múa hát Dậm và đua thuyền, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, chiêm bái.

 

Từ đường Nhà thơ Nguyễn Khuyến (xã Trung Lương, huyện Bình Lục)

Từ đường là một phần trong khu nhà cũ mà nhà thơ Nguyễn Khuyến đã sống, nay trở thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đây là một điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn. Khách tham quan được xem Cờ biểu của Vua ban cho Đệ Nhất Giáp tiến sĩ, vừa thưởng ngoạn những áng thơ bất hủ của bậc tài danh, vừa dạo mát ở bờ ao “ngư điếu” hoặc thả bộ trong bóng cây tĩnh mịch đặc trưng quen thuộc của làng quê cổ kính và bình dị Việt Nam.

 

Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sĩ Nam Cao (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân)

Đây là nơi tri ân, tôn vinh những cống hiến của ông cho sự nghiệp cách mạng, cho sự nghiệp văn học nước nhà cũng như lưu giữ những kỷ niệm, hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của cố nhà văn. Các đề tài trưng bày với nội dung tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn thể hiện qua hình ảnh, hiện vật gốc, đồng thời trưng bày những bản thảo, tác phẩm, cùng với những bài viết, ấn phẩm của nhiều tác giả, độc giả trong cả nước ca ngợi tài năng của nhà văn hiện thực lớn Nam Cao. Ngoài ra, nhà tưởng niệm còn trưng bày các tư liệu về gia đình, quê hương hiện tại của nhà văn cùng với các hoạt động tri ân, tôn vinh, tưởng niệm…

 

Chùa Cây Thị (xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm)

Chùa nằm trên lưng chừng núi, hai bên là dãy núi có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Theo sườn núi hướng lên đỉnh về phía Đông Nam cách chùa cổ khoảng 100m là lăng mộ Thượng thư Trương Công Giai, bên dưới chân núi hướng Tây Nam cách chùa cổ khoảng 50m là đền thờ liệt sĩ Núi Chùa. Chùa nằm cách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xa xưa, nơi đây đã từng có vua đi qua và dừng nghỉ tại chùa nên được gọi là “chùa Khoa núi Ngụ”.

Sở dĩ có tên chùa Cây Thị vì cạnh ngôi chùa cổ là cây thị với niên đại hàng trăm năm, theo các cụ cao niên thì từ nhỏ, các cụ đã thấy gốc thị to như hiện nay. Theo dòng lịch sử, ngôi chùa có thể bị thay đổi, nhưng cây thị vẫn trụ vững với tàn lá xum xuê như che mát, xoa dịu những lo toan, buồn phiền nơi thế giới trần tục của con người mỗi khi về chùa.

 

LÊ ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

;