Khuyến học ở Phú Thọ: Ươm mầm và kết nối các giá trị văn hóa giữa gia đình, dòng họ và cộng đồng

Trong những năm qua, Phú Thọ luôn được hội Khuyến học Việt Nam đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Điều đó mang một ý nghĩa lớn lao trong việc thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài.

Bà Nguyễn Thị Kim Hải - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ trao học bổng "Ngôi sao hy vọng" cho các học sinh bị nhiễm  chất độc da cam

 

Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, 225 đơn vị hành chính cấp xã, dân số trên 1,4 triệu người trong đó có trên 40 dân tộc thiểu số cùng chung sống; người Mường chiếm 14,92%, người Dao 1,07%, người Cao Lan, Mông, Tày… chiếm 1,06%. Đến nay, tỉnh có 402.618 hộ gia đình, 30 dòng họ lớn trên 209 dòng họ cả nước với 2890 chi họ lớn nhỏ. Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ hiện có 6125 chi hội, ban Khuyến học có ở 100% khu dân cư và đơn vị có tổ chức hội với 507.957 hội viên. Đây là lực lượng giữ vai trò nòng cốt thúc đẩy phong trào học tập suốt đời đối với người lớn trên địa bàn toàn tỉnh và cũng là lợi thế của tỉnh sau hàng chục năm gây dựng phong trào. Các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường luôn được Hội Khuyến học tỉnh quan tâm, điều đó đã tạo động lực thúc đẩy việc học tập, phấn đấu vươn lên của trẻ em và người lớn trong gia đình. Đó là một thuận lợi rất cơ bản của tỉnh trong xây dựng xã hội học tập, dòng họ học tập, gia đình học tập. Điều này lý giải công tác khuyến học ở Phú Thọ có sự kết nối nhuần nhuyễn, hữu cơ các giá trị mầm ươm văn hóa được lan toả từ gia đình, dòng họ đến cộng đồng trong xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Vì thế, nó có sức mạnh nội sinh tạo nên sự chắc chắn, bền vững của phong trào.

Nhận rõ được tầm quan trọng của dòng họ trong công tác khuyến học, Phú Thọ đã bắt tay ngay vào xây dựng các mô hình Gia đình hiếu học, Cộng đồng khuyến học, Dòng họ hiếu học với các bộ tiêu chí cụ thể, thuận tiện cho việc bình xét đánh giá, đồng thời phát động phong trào thi đua hằng năm để tổng kết các mô hình, khen thưởng biểu dương những mô hình hiệu quả, cách làm hay ở các địa phương, các gia đình hiếu học tiêu biểu. Qua 5 năm triển khai đại trà xây dựng các mô hình học tập (2016-2020), Phú Thọ đã vượt các mục tiêu của Đề án 281, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện Đề án của Chính phủ.

Theo báo cáo của hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 365.110 gia đình học tập, đạt tỷ lệ trên 93%; hơn 2.310 dòng họ học tập, đạt tỷ lệ 83,82%. Trong đó, có nhiều dòng họ hiếu học tiêu biểu như dòng họ Nguyễn xã Hợp Hải; họ Vũ, họ Tạ xã Thuỵ Vân; họ Lê xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì; họ Lê, Nguyễn xã Xuân Lộc huyện Thanh Thuỷ; họ Đinh xã Thạch Khoán huyện Thanh Sơn… Hội Khuyến học Phú Thọ đã xuất bản 2 tập sách tuyên truyền gương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học tiêu biểu trong giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh đó, Hội đã tăng cường phối hợp với các sở ngành như VHTTDL, Giáo dục - Đào tạo, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh trong công tác tuyên tuyền, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm giáo dục cộng đồng, kết hợp bình xét Gia đình văn hóa với Gia đình hiếu học, khu dân cư văn hóa với cộng đồng học tập… Điều đó đã góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả phong trào học tập cộng đồng. Cũng từ cách làm, biện pháp phối hợp khá đồng bộ, thiết thực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, có sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn bó mật thiết với phong trào xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập, dòng họ học tập qua nhiều năm đã có sức lan toả sâu rộng trong các làng, bản, xóm, phố.

Hội Khuyến học tỉnh tặng Nhà mái ấm khuyến học cho gia đình học sinh Nguyễn Thị Hà, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì

 

Nhiều năm qua, Sở VHTTDL Phú Thọ đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức trưng bày quảng bá sách, tư liệu tuyên truyền trong khuôn khổ chương trình “Hái hoa đọc sách”, toạ đàm tôn vinh văn hóa đọc trong dịp kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4 nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường và xã hội; phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội thi “Thiếu nhi đất Tổ kể chuyện, tuyên truyền, giới thiệu sách - hè”, “Đại sứ Văn hóa đọc”; cấp thẻ thư viện ưu đãi cho bạn đọc nhân dịp ngày sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4, tháng “ Hành động vì trẻ em Phú Thọ”, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tuần lễ học tập suốt đời. Đoàn nghệ thuật tỉnh mỗi tháng 1 lần biểu diễn các tiết mục đặc sắc trong “Đêm di sản văn hóa” ở tại sân trung tâm Bảo tàng Hùng Vương phục vụ nhân dân, tạo sự thư giãn và niềm sảng khoái thưởng thức các chương trình nghệ thuật như: hát Xoan, Ghẹo, Chèo, Ca trù, hát Xẩm, hát Chầu văn, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể đã được tổ chức UNESCO ghi danh… Điều này tạo môi trường, điều kiện cho việc học tập và nghiên cứu của người dân. Bảo tàng Hùng Vương, Thư viện tỉnh mở cửa tất cả các ngày trong tuần phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của mọi đối tượng nhất là  thiếu niên nhi đồng đến tìm hiểu lịch sử, văn hoá vùng đất Tổ. Sở còn phối hợp chặt chẽ với sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh tổ chức luân chuyển sách, báo đến các điểm bưu điện văn hóa xã, phối hợp với ban Quản lý dự án “Nâng cao khả năng kiểm soát và truy cập Internet cộng đồng tại Việt Nam” tổ chức “Ngày hội Internet” để tăng cường vận động thanh niên, phụ nữ, nhân dân tích cực tham gia; phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh ký kết chương trình phối hợp số 796/CTrPH “Hoạt động KHKT, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, Nhà văn hóa, câu lạc bộ”; xây dựng phòng đọc sách, tài liệu tham khảo tại 2 xã Tân Sơn và Kim Thượng ở huyện miền núi khó khăn Tân Sơn; phối hợp tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ - vinh danh khuyến học, khuyến tài đất Tổ” hằng năm. Ở cơ sở, nhất là khu dân cư nông thôn, hệ thống thiết chế văn hoá thể thao đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi để họ được tham gia sáng tạo, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa cũng như việc tự học để nâng cao vốn kiến thức. Có thể nói, bằng việc phối hợp đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả trong nhiều năm với nhiều hình thức sáng tạo, đổi mới, công tác khuyến học ở Phú Thọ đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Từ năm 2021 đến nay, Hội Khuyến học tỉnh tập trung vào việc xây dựng mô hình dòng họ học tập ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vốn là địa bàn rất khó khăn trong việc triển khai mà khá nhiều tỉnh bạn có nhiêu kinh nghiệm trong công tác khuyến học cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Ai cũng biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, không ít người có tâm lý ỷ lại, ngại tiếp thu cái mới; cơ sở vật chất, các thiết chế ngành giáo dục dành cho học tập suốt đời của người lớn còn rất thiếu, hầu hết các trung tâm học tập cộng đồng chưa đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức các lớp học theo nhu cầu người dân, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, một số địa phương vùng núi cao rất khó khăn khi tổ chức hội và phong trào khuyến học còn khó khăn. Chưa kể đến, trong dòng họ, nhiều gia đình không cùng sinh sống trong một địa bàn khu dân cư, nhất là những họ lớn ở miền núi. Và còn một khó khăn nữa là quan niệm như thế nào cho đúng khi lấy đơn vị họ lớn hay lấy nhánh, chi họ để chỉ đạo xây dựng mô hình “Dòng họ học tập”.

Qua 2 năm thực hiện chỉ đạo Quyết định 387 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phú Thọ đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận với 746.230 gia đình học tập, 5.012 dòng họ học tập theo tiêu chí mới được công nhận. Đó là cố gắng vượt bậc của tỉnh Phú Thọ đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao. Ngoài những dòng họ lớn ở Việt Trì, Lâm Thao, Thanh Ba, Cẩm Khê như dòng họ Vũ, Trương, Kiều, Hoàng, Tạ, Nguyễn Đình, Phạm, Nguyễn, Cao... vốn đã được vận động xây dựng “Dòng họ học tập” từ nhiều năm trước, thời gian qua, còn có những dòng họ ở vùng dân tộc thiểu số như Hà ở xã Đồng Thịnh huyện Yên Lập, họ Trần ở xã Xuân Đài, họ Tân Khải ở xã Văn Luông, họ Dương, Phạm ở xã Minh Đài (huyện Tân Sơn) đã vươn lên làm tốt công tác khuyến học, xây dựng dòng họ học tập.  Đặc biệt phải kể đến dòng họ học tập tiêu biểu của đồng bào Mường là dòng họ Đinh Công ở xã Thạch Khóa, huyện Thanh Sơn. Đây là dòng họ có truyền thống yêu nước và hiếu học. Từ thời kỳ chống quân Minh xâm lược, cụ Đinh Công Mộc đã có công lớn trong tập hợp dân binh cùng triều đình đánh giặc, được triều đình phong tước Vũ Quận Công. Khi cụ mất, dân bản tôn cụ làm Thành hoàng làng, thờ tại đình Thạch Khoán, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, năm 2012, ban Khuyến học dòng họ Đinh Công được thành lập; đến nay, có 76/76 gia đình là hội viên. Các gia đình tích cực vận động con cháu chăm lo việc học hành, 51 người có trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có 5 thạc sĩ. Quỹ Khuyến học của dòng họ trị giá trên 61 triệu đồng. Với nhiều hoạt động nổi bật, có sức lan tỏa trong cộng đồng, dòng họ Đinh Công đã được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập” tiêu biểu của huyện Thanh Sơn. Còn nhiều dòng họ nữa như họ Sa, họ Hà, họ Phạm ở các huyện miền núi Tân Sơn, Yên Lập của tỉnh Phú Thọ đã vươn lên đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”.

Vượt qua nhiều khó khăn, công tác khuyến học ở vùng dân tộc thiểu số, có những bước đi, cách vận động phù hợp. Bên cạnh đó là ý chí quyết tâm của cả hệ thống cán bộ khuyến học, sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, huyện, xã; sự đồng hành giúp đỡ của các doanh nghiệp nên trong những năm qua, công tác khuyến học của tỉnh Phú Thọ đã gặt hái nhiều thành tích đáng kể. Những gia đình khuyến học tiêu biểu, những dòng họ học tập, cộng đồng học tập ở các huyện, thị, thành phố thực sự là mạch nguồn mát lành kết nối và tạo đà phát triển mới cho sự nghiệp xây dựng xã hội học tập suốt đời của tỉnh Phú Thọ. Như họ Nguyễn Đình ở Dữu Lâu, Việt Trì có 91 người tốt nghiệp đại học, trong đó có 72 cử nhân, 16 thạc sĩ, 3 tiến sĩ; họ Phạm Nhữ ở phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ có 183 người có trình độ đại học, 15 thạc sĩ, 9 tiến sĩ, 1 giáo sư nhà giáo nhân dân. Gia đình bà Trần Thị Thu Hương ở Hòa Phong, Việt Trì có 6 thành viên thì 2 người là tiến sĩ, 3 người thạc sĩ, 1 người cử nhân; gia đình bà Bùi Thị Sinh ở phường Gia Cẩm là Gia đình hiếu học tiêu biểu của thành phố Việt Trì  có 6 thành viên thì có tới 3 thạc sĩ, 1 tiến sĩ, 1 người có 2 bằng đại học… Đây là một số minh chứng cho công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời của tỉnh Phú Thọ đang phát triển ở cả chiều sâu và diện rộng.

Mong muốn của người dân trong thời gian tới là Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương cần quan tâm hơn nữa đến công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa. Cụ thể là vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường, chống sạt lở đất, phòng chống thiên tai bão lũ, hỗ trợ và tạo việc làm, người dân được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; quan tâm tạo điều kiện nhằm nâng cao hơn nữa trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học, các trang thiết bị giáo dục. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương quan tâm chỉ đạo, phối hợp đồng bộ trong thực hiện các quyết định, các chương trình từ Trung ương với công tác khuyến học, đặc biệt là mới đây, ngày 10/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức lễ phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023- 2030. Những mong muốn trên thiết nghĩ là điều kiện tối quan trọng để sự nghiệp xây dựng xã hội học tập của Việt Nam có những bước chuyển mình quan trọng đáp ứng nhiệm vụ của cuộc cách mạng 4.0, xây dựng xã hội số mà chúng ta đang theo đuổi.

Phú Thọ có được những thành tích ấn tượng trong xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập nhiều năm qua là do phong trào có được đội ngũ làm khuyến học các cấp hết sức tâm huyết, đã biết khơi dậy và lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ gia đình, dòng họ, cộng đồng với lòng tự hào từ truyền thống quê hương đất Tổ, sự ủng hộ tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài. Mong sao những cố gắng ấy liên tục được phát huy để sự nghiệp khuyến học ở Phú Thọ không ngừng phát triển.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;