Đôi nét về lễ Bươn Xao của người Thái (nhóm Tày Mường) ở tỉnh Nghệ An

Người Thái ở Nghệ An có 4 nhóm địa phương: Tày Mường (còn gọi là Tày Xiềng, Hàng Tổng, Tày Dọ); Tày Thanh (còn gọi là Man Thanh, Tày Nhái); Tày Mười và Tày Khăng. Trong đó, nhóm Tày Mường mang nét đặc trưng riêng trong văn hóa tinh thần nói chung, trong đời sống tâm linh của cộng đồng nói riêng lại khá rõ rệt, mà lễ Bươn Xao là một trong những ví dụ khá điển hình. Đây là lễ cúng liên quan đến tập quán pháp của dòng họ (Đẳm, Xính, Chao) vẫn tồn tại phổ biến từ trước tới nay và được duy trì thực hành trong đời sống tâm linh của cộng đồng nhóm Tày Mường ở miền Tây Nghệ An. Trên cơ sở các tài liệu ít ỏi đã công bố, kết hợp với nguồn tư liệu mà chúng tôi thu thập được tại 6 địa phương người Thái (nhóm Tày Mường) gồm: Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Qùy Hợp và Qùy Châu, bài viết xin làm rõ thêm đôi nét về nghi lễ Bươn Xao.

 1. Lễ Bươn Xao

Theo nghĩa tiếng Thái, Bươn có nghĩa là tháng (ngoài ra, cũng có nghĩa là trăng/mặt trăng); Xao có nghĩa là 20 (hai mươi), ý nói/xác định sự kiện/lễ cúng này diễn ra vào ngày 20 của tháng. Tùy theo thói quen của từng địa phương, mà họ gọi lễ cúng này bằng các tên khác nhau: Bươn Xao (ngày 20), Ki Bươn Xao (ăn ngày 20), Ki moọc (ăn moọc) hay Ki làu Bươn Xao (uống rượu ngày 20). Cũng có nơi, người ta thường gọi lễ này là: Căm phạ (Kiêng Trời/Then) vì liên quan đến câu chuyện người Thái đem lễ vật lên trời cúng bà Nàng Đoi (con gái của Trời/Then Phạ). Trong các tên gọi này, khu vực đường 48 (đại diện là Tân Kỳ, Quỳ Châu) phổ biến sử dụng tên gọi Bươn Xao. Trái lại, khu vực người Thái đường 7 (đại diện là Con Cuông và Tương Dương) lại phổ biến sử dụng tên gọi: Căm Phạ.

Qua lời kể của các nhân chứng trên cho thấy, truyện kể liên quan đến nguồn gốc của Lễ Bươn Xao có nhiều dị bản, thậm chí có nơi người dân cũng chỉ còn nhớ tên gọi của lễ cúng này, mà không biết nguồn gốc như thế nào. Tuy nhiên, từ các dị bản, các mảnh ghép từ truyện Nàng Đoi và nguồn gốc của tục: Căm Phạ -Thái Tương Dương và truyện Nàng Ve Vàng (Ời hộng Ve Căm) - Thái Qùy Châu, xâu chuỗi chúng lại, chúng ta có thể dựng lại khá nguyên vẹn nguồn gốc của nghi lễ tín ngưỡng này.

Nội dung của lễ Bươn Xao liên quan đến cúng dâng lễ vật để mừng đón các bậc tổ tiên dòng họ từ trời trở về hạ giới sau khi thực thi nghĩa vụ chịu tang Căm Phạ - tức chịu tang Nàng Đoi -con gái của trời. Thời gian tổ chức lễ này giữa các dòng họ, ở các nơi không thống nhất, nhưng thường lấy ngày của các mo một thực hành là ngày 20-8 âm lịch, nên người ta quen gọi chung là Bươn Xao. Ngoài cúng lễ vật đón tổ tiên, nội dung bài cúng còn khấn mời và tạ ơn các lực lượng siêu nhiên như ma bản, ma mường, thần sông suối, thần núi, nhằm cầu mong sự phù hộ, độ trì, người yên, vật thịnh.

Đây là ngày giỗ tổ họ, nên cũng là ngày họp họ đầy đủ nhất. Sau bữa liên hoan, trưởng họ chủ trì buổi họp họ nhằm bàn bạc, thảo luận và giải quyết mọi công việc còn tồn tại, vướng mắc của các gia đình trong dòng họ. Vì thế, lễ Bươn Xao còn là dịp củng cố ý thức và tính cố kết của cộng đồng dòng họ.

Lễ Bươn Xao chỉ phổ biến ở nhóm Tày Mường, còn 3 nhóm Thái khác là: Tày Thanh, Tày Mười và Tày Khăng không có. Lễ cúng chỉ diễn ra trong phạm vi dòng họ (vùng đường 7) hay cả cộng đồng bản (vùng đường 48, nhất là tại huyện Tân Kỳ). Mức độ tồn tại đậm nhạt, quy mô to nhỏ, thời gian tổ chức... của lễ này ở các địa phương không giống nhau.

 Tùy theo điều kiện và cách thức tổ chức của từng dòng họ, mà lễ vật cúng trong lễ Bươn Xao ở mỗi nơi một khác. Trước kia, vào khoảng tháng 7 âm lịch trở đi, người trưởng họ đã phải đôn đốc anh em chuẩn bị các khoản đóng góp: tiền, gạo, rượu... theo quy định chung đã thống nhất trong dòng họ. Nếu nhiều thì mua lợn to, ít thì lợn nhỏ. Trước ngày 20-8, thanh niên tu sửa, quét dọn, tổng vệ sinh xung quanh nhà thờ họ. Đến ngày 17-8 âm lịch, tất cả các thành viên trong dòng họ đều có mặt. Thanh niên mổ lợn, gà, phụ nữ đồ xôi, nấu nướng tại nhà trưởng họ.

Hiện nay, ở xã Tiên Kỳ, đến ngày 17-8 âm lịch, nhà nào tự làm nhà đấy, nhưng mỗi nhà trong họ phải có một mâm bưng ra đặt tại sân nhà thờ họ để cúng. Cúng xong, tự mang mâm lễ về ăn tại nhà mình. Trước khi ra về, người ta treo một chiếc sẹo trâu tại nhà thờ họ. Theo quan niệm, nếu sau ngày cúng đó, có con trâu nào vào khu vực nhà thờ họ, thì phải bắt con trâu đó đem mổ thịt cúng mời bà con cả bản đến ăn, vì họ cho rằng, con trâu đó đã được tổ tiên chọn.

Còn ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông, dòng họ Vi thống nhất ăn lễ Bươn Xao vào ngày 20-8 âm lịch. Tuy nhiên, người Tày Mường ở đây thường gọi là Căm Phạ (ít khi gọi Bươn Xao). Vì tục liên quan đến cả dòng họ, nên người ta cũng có thể gọi là Kin Dăm (ăn rằm). Riêng họ Lương, họ Lữ thì cúng họ/giỗ tổ họ vào tháng 7 âm lịch (14-7). Ở họ Vi, từ ngày 13/ đến ngày 8-16 đến ngày 8 người ta đã phải kiêng khem nhiều thứ, nhất là tuyệt đối không thắp đèn tại gian có bàn thờ ma nhà. Không giống như người Tày Mường ở xã Tiên Kỳ, lễ Căm Phạ của người Tày Mường ở xã Chi Khê luôn được tổ chức chung trong phạm vi dòng họ. Vì thế, số lượng, chủng loại lễ vật cúng luôn phải do tất cả các gia đình thành viên trong dòng họ đóng góp, quy ra tiền.

Để chuẩn bị cho ngày giỗ tổ, trưởng họ triệu tập cuộc họp toàn dòng họ để bàn bạc việc đóng góp các khoản rượu, gạo, thịt; phân công, cắt cử nhân lực thực thi các phần công việc. Thông thường, các gia đình căn cứ vào số lượng thành viên trong gia đình mình để nộp các khoản tiền, gạo... theo mức quy định. Lợn có thể mua ngoài hoặc theo quy định mỗi năm một gia đình xuất ra một lần theo kiểu luân phiên. Người ta thảo luận và thống nhất rồi đưa vào quy định để áp dụng gọi là Hịt xính chao hay Hịt Đằm Chao (Luật tục của dòng họ). Theo đó, chủng loại và lễ vật cúng gồm: 1 đĩa lòng lợn luộc, 1 đĩa thịt lợn luộc, 1 đĩa tràu cau, 2 chai rượu, 1 con gà luộc, 1 nắm đũa, 2 bát xôi, 1 đĩa hoa quả, bánh kẹo. Toàn bộ số lễ vật này sắp vào mâm chính, đặt trên bệ trong nhà thờ họ. Bên cạnh mâm chính, người ta còn đặt một mâm gỗ, trên đó có: 1 đùi trước, 1 đùi sau, phần mông và thủ lợn luộc.

Vào chiều ngày 19-8, mỗi nhà cử một người ra nhà thờ họ quét dọn vệ sinh, rửa đĩa, chén, lau chùi... Sáng 20-8, khi đã chuẩn bị xong mâm cúng, trưởng họ là người mở cửa nhà thờ họ, mâm lễ được đặt vào vị trí, sau đó ông trưởng họ mặc y phục màu đen, trịnh trọng đọc bài cúng dâng lễ vật. Cúng xong, mọi người đều lạy 5 lạy, sau đó, người ta ăn qua loa tại nhà thờ họ, sau đó, bưng mâm về ăn tại nhà trưởng họ.

2. Giá trị của lễ Bươn Xao

Bất cứ một hiện tượng, một nghi lễ tín ngưỡng nào tồn tại và được người dân duy trì thực hành đều không phải là sự ngẫu nhiên, mà nó luôn hàm chứa ý nghĩa và giá trị đích thực. Thật vậy, lễ Bươn Xao của người Thái (cho dù chỉ tồn tại ở nhóm Tày Mường) thì cũng không phải là một nghi lễ ngoại lệ. Theo đó, lễ Bươn Xao có một số giá trị sau:

Phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan tộc người

Trong vũ trụ luận của người Thái, thế giới chia thành 3 tầng theo một trục dọc. Trên cùng là Mường Phạ (mường trời hay còn gọi là Mường Bôn - mường ở trên đỉnh đầu). Ở giữa là Mường Lụm (mường người hay còn gọi là Mường Đin - tức mường đất hoặc còn có tên gọi khác là Mường Piêng - tức mường bằng phẳng). Dưới cùng, trong lòng đất là Mường Boọc đai (mường của những người tí hon).

Trong tiếng Thái, Phạ có nghĩa là trời và Mường Phạ được hiểu là Mường của trời. Như vậy, khái niệm Mườngg Phạ là nhằm để chỉ một thế giới ở trên trời do nhiều Then cai quản, trong đó Then Luông là vị Then cao nhất. Vì thế, người ta còn gọi Mường Phạ là Mường Then.

Trong quan niệm hữu thức của người Thái, Mường Phạ là nơi cao nhất của vũ trụ được hình dung như một khoảng rộng màu xanh, hình tròn úp lên mặt đất. Còn đất là một mặt bằng rộng vô hạn mà trời chỉ úp lên được một phần nào đó mà thôi. Bằng chứng là, trong kho tàng chuyện kể dân gian của người Thái ở Nghệ An thường được mở đầu bằng những câu “xí chành phạ, hà chành đin”, nghĩa là mặt đất thì có 5 góc, còn vòm trời thì chỉ có 4 góc. Không gian Mường Phạ lại được phân ra thành nhiều tầng theo một trật tự cao thấp khác nhau. Nơi tận cùng cao nhất là thế giới hỗn mang - thế giới của những người ăn sương gió - sống lang thang. Theo cách giải thích của các thày mo, nơi tận cùng cao nhất của vũ trụ hầu như không có ánh sáng, dù chỉ là một chút. Vì thế, mới có câu “noọc phạ ca lông”, nghĩa là, vượt ra ngoài vòm trời, con quạ sẽ bay lạc hướng. Xuống phía dưới, thấp hơn, ngay sát nơi vòm trời (coòng loọng phạ) là thế giới của các dòng họ Thái. Tổ tiên các dòng họ Thái này ngụ ở một cõi riêng gọi là Đẳm chào, Đẳm pang, được chia ra thành các khu riêng của từng dòng họ theo địa vị xã hội cao thấp khác nhau.

Giá trị cố kết cộng đồng

Như trên đã đề cập, lễ Bươn Xao diễn ra ở phạm vi dòng họ và phạm vi bản, do đó, tính cộng đồng của nghi lễ này thể hiện khá rõ. Ở phạm vi dòng họ, bên cạnh truyền thống uống nước, nhớ nguồn, trước hết là đối với các bậc tổ tiên, sau đó là những người có công lập bản, dựng mường, các đấng siêu nhiên như ma rừng, ma đất, ma sông suối... của cư dân nông nghiệp trồng trọt. Lễ Bươn Xao cũng là dịp nhắc nhở con cháu trong dòng họ đề cao tinh thần đoàn kết, cố kết và có trách nhiệm với cộng đồng. Ở phạm vi bản, lễ Bươn Xao còn là dịp sinh hoạt tâm linh mang tính cộng đồng, tập thể của người dân, sau thời gian lao động, sản xuất. Từ đó, tạo cho con người sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng đồng cam cộng khổ để vượt qua hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống.

Giá trị giáo dục

Cho dù ở phạm vi cấp bản hay phạm vi dòng họ, lễ Bươn Xao là dịp nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc. Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần thể hiện tình cảm con người với tổ tiên, thần thánh để cầu mong mọi lực lượng siêu nhiên che chở, phù hộ. Việc tổ chức lễ Bươn Xao nhằm thể hiện lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc… Do vậy, nghi lễ này có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống lịch sử của làng bản, quê hương, đất nước.

Giá trị văn hóa tâm linh

Trong quá trình tồn tại và phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống tự túc, tự cấp, người Thái nói chung, nhóm Tày Mường nói riêng không chỉ lao động sản xuất, tạo ra của cải để nuôi sống mình, mà họ còn sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa, hòa mình vào với thế giới tâm linh. Ngoài các lực lượng siêu nhiên, các vị thần linh như ma trời, ma đất, ma núi, ma sông suối, người ta còn phải cầu mong, nhờ tới sự che chở của các bậc tổ tiên, dòng tộc... để có sức khỏe, người yên, vật thịnh. Thông qua lễ Bươn Xao, người dân có dịp thỏa mãn đời sống tâm linh, được thụ hưởng những giây phút thiêng liêng, giao cảm, hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng.

Giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người

 Lễ Bươn Xao là một hình thức tái hiện quá khứ, thông qua các hoạt động thờ cúng, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ như đánh cồng chiêng, múa, hát và cả trò chơi dân gian của trẻ em… Các hoạt động ấy không những tái hiện cuộc sống mà còn góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc. Vì thế, hình thức, nội dung của lễ này phản ánh đầy đủ, sinh động đời sống vật chất và tinh thần của một nhóm Thái trước kia cũng như hiện nay, có sức lan tỏa và đã tác động mạnh mẽ tới toàn thể cộng đồng Thái ở miền tây Nghệ An.

3. Một số điểm thảo luận

Như đã đề cập, ở miền Tây Nghệ An có 4 nhóm Thái (Tày Mường, Tày Thanh, Tày Mười và Tày Khăng), nhưng chỉ có nhóm Tày Mường thực hành nghi lễ này?

Theo các nguồn tài liệu thông sử, sự có mặt của các nhóm Thái ở vùng núi Nghệ An rõ rệt nhất vào thời Trần và thời Minh thuộc (TK XIII - XV). Trong các nhóm Thái ở miền Tây Nghệ An, nhóm Tày Mường là nhóm có mặt sớm nhất so với 3 nhóm Thái còn lại. Tuy nhiên, nhóm Tày Mường cũng không phải là nhóm thuần nhất, mà do nhiều bộ phận tụ hợp lại. Trong nội bộ nhóm này có nhiều dòng họ vốn không phải gốc Thái như: Đinh, Lê, Nguyễn, Bùi, Nán, Phạm... Sở dĩ có tình trạng trên là do một số người Kinh, vì lý do nào đó phải chạy lên miền núi rồi bị Thái hóa. Một số giữ nguyên tên họ cũ (họ Lê ở Tân Kỳ, họ Nguyễn, họ Lưu ở xã Chi Khê - Con Cuông gốc là người Hán làm nghề chài lưới dọc sông Lam); số khác đổi thành họ Thái như trường hợp họ Vi ở xã Lục Dạ (Con Cuông) gốc là họ Bùi ở Anh Sơn lên... Vì thế, các họ Thái gốc Kinh đều có nhà thờ họ (Từ đường), tổ chức dòng họ còn khá chặt chẽ, thể hiện ở: trưởng họ, cách xưng hô, họp họ, khai trừ họ, kiêng vật tô tem, lễ giỗ tổ họ (tức lễ Bươn Xao) và nhất là luật tục của dòng họ. Nhóm Tày Mường cũng là nhóm duy nhất trong 4 nhóm Thái có tục mồng 5-5, ăn rằm tháng 6, 7; bàn thờ ma nhà khá bài vị. Trái lại, các họ Tày Mường gốc Thái và 3 nhóm Thái còn lại thì không có nhà thờ họ, nơi thờ ma nhà chỉ là một góc xó nhà, được quây bằng liếp nứa đơn giản, ngoài Tết Nguyên đán ra không có thêm tết nào, không có tục ăn rằm. Tổ chức dòng họ của 3 nhóm này khá lỏng lẻo, mỗi họ vẫn có chức trưởng họ, nhưng vai trò của người trưởng họ chỉ thể hiện đôi chút trong tang ma, việc kiêng vật tô tem chỉ còn trong tiềm thức.

Trong lễ Bươn Xao có sự giao thoa của các yếu tố văn hóa Kinh - Thái. Theo đó, nhân vật Nàng Đoi - con gái của Trời (Then Phạ) (trong truyện Nang Đôi và nguồn gốc của tục: Căm Phạ - Thái Tương Dương) cũng như các chỉ báo: Mo Một, Làu bươn xao (rượu ngày 20) (trong truyện Nàng Ve Vàng (Ời hộng Ve Căm) - Thái Quỳ Châu) là yếu tố văn hóa Thái; còn các chỉ báo: nhà thờ họ, giỗ tổ họ, tục ăn rằm và nhất là các họ gốc Kinh trong nhóm Tày Mường... thể hiện rõ yếu tố văn hóa Kinh. Đây cũng là một trong những minh chứng rằng: nhóm Tày Mường có mặt đầu tiên, làm chủ ở hầu hết các mường của người Thái ở miền Tây Nghệ An trước kia. Để duy trì và củng cố vai trò, vị thế và quyền lực, khi đã nắm được vương quyền, tầng lớp quý tộc Thái (gốc Kinh) hoặc giữ nguyên họ gốc hoặc đổi luôn cả họ gốc sang họ Thái và tiếp thu cả yếu tố văn hóa tâm linh bản địa.

Nhiều năm gần đây, do điều kiện kinh tế phát triển, nên việc thực hành lễ cúng này ở các dòng họ có xu hướng tổ chức lớn, quy mô và phạm vi mở rộng hơn. Bên cạnh những nghi thức cúng tế của từng dòng họ, người dân có nhu cầu hướng tới những sinh hoạt tâm linh mang tính cộng đồng. Vì thế, chính quyền các cấp nên ủng hộ về chủ trương, tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho người dân thực hành nghi lễ này ở phạm vi bản và phạm vi xã, gắn với việc tri ân các vị anh hùng dân tộc và nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân địa phương, như mong muốn của bà con người Thái ở xã Tiên Kỳ của huyện Tân Kỳ.

 Các cơ quan nghiên cứu tỉnh Nghệ An nên tiến hành khảo sát, điều tra, lập đề án, tổ chức Hội thảo và xin ý kiến người dân địa phương để có cơ sở khoa học, trình lên Sở Văn hóa - Thể thao và các bản ngành liên quan của UBND tỉnh Nghệ An xem xét, phê duyệt: Công nhận và xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh và tổ chức thành lễ hội theo định kỳ.

Tác giả: Vi Văn An

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;