Độc đáo văn hóa truyền thống dân tộc Kháng huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Huyện Tuần Giáo nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Điện Biên; phía Đông giáp huyện Tủa Chùa, Mường Chà, phía Tây giáp huyện Mường Ảng, phía Nam giáp huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), phía Bắc giáp huyện Mường Chà.

Tổng diện tích tự nhiên của huyện: 113.776,82ha gồm 18 xã và 1 thị trấn; dân số toàn huyện trên 93 ngàn người; trong đó có 6 dân tộc chủ yếu gồm: dân tộc Thái (chiếm 59,03%), dân tộc Mông (chiếm 25,79%), dân tộc Kinh (chiếm 8,56%), dân tộc Kháng (chiếm 3,49%), dân tộc Khơ Mú (chiếm 2,82%), dân tộc Phù Lá (chiếm 0,11%) và nhiều dân tộc khác cùng sinh sống.

Không gian văn hóa dân tộc Kháng với chủ đề “Tuần Giáo – Sắc màu văn hóa”

Huyện Tuần Giáo hội tụ nhiều đặc điểm để phát triển du lịch. Du lịch sinh thái gồm nhiều cảnh đẹp hùng vĩ như: đèo Pha Đin, hang Thẳm Púa, khu căn cứ cách mạng Pú Nhung, di tích khảo cổ Hang Thẳm Khương. Về du lịch cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc trong huyện được gìn giữ và phát huy như dân tộc Thái, dân tộc Mông… rất thuận lợi cho việc xây dựng các bản văn hóa phục vụ du lịch. Một lợi thế khác của huyện là tuyến giao thông Quốc lộ 6 và Quốc lộ 279 đi qua tạo thành ngã ba giao lưu giữa miền xuôi với tỉnh Điện Biên. Đó là những yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Dân tộc Kháng trên địa bàn huyện Tuần Giáo có trên 3.200 người, chiếm 3,49% dân số toàn huyện chủ yếu cư trú tại các xã Rạng Đông, Ta Ma. Ngôn ngữ Kháng được xếp vào nhóm Môn - Khơme thuộc ngữ hệ Nam Á. Hiện nay, việc sử dụng song ngữ Kháng - Thái đã diễn ra phổ biến. Trong gia đình, các thành viên (nhất là những người cao tuổi) chủ yếu giao tiếp với nhau bằng tiếng Kháng, nhưng dùng tiếng Thái, tiếng phổ thông khi tiếp xúc với các dân tộc cận cư (Thái, Mông, Khơ-mú…). Tiếng Thái còn được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng hay khi trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian. Lớp trẻ người Kháng hiện thông thạo tiếng phổ thông.

Về ẩm thực, người Kháng thích ăn xôi và các món có vị chua, cay như: cá ướp chua, món hỗn hợp gồm lá lốt, thịt, ớt, tỏi, rau thơm hòa trộn, đồ chín. Tục uống bằng mũi (tu mui) là nét văn hóa độc đáo của họ.

Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Kháng vẫn được lưu truyền và bảo tồn qua các thế hệ

Trang phục của dân tộc Kháng được người phụ nữ mua vải về may và trang trí các hoa văn truyền thống thành những bộ trang phục để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày và trong các lễ hội. Nghệ thuật trang trí trên trang phục của đồng bào Kháng được thể hiện ở kiểu dáng hay các họa tiết hoa văn. Các hoa văn trang trí trên trang phục thường được tạo ra bằng cách thêu chỉ hoặc ghép các loại vải nhiều màu. Các hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục truyền thống còn là thông điệp, ý niệm về cuộc sống mà dân tộc Kháng gửi gắm trong đó. Trang phục của người Kháng cơ bản giống trang phục của người Thái, chỉ khác là trên hai vai áo của người phụ nữ có thêm họa tiết hoa văn kéo dài đến ngực.

Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Kháng tương đối đặc sắc với các điệu múa Tăm đao, múa Tăng bu được sản sinh trong quá trình lao động, sản xuất. Múa Tăm đao dành cho nữ giới. Đạo cụ sử dụng khi múa là tăm đao. Đây là nhạc cụ thân vang. Tăm đao được làm từ thân cây nứa già, vừa đủ tạo âm thanh vang và hay. Còn múa Tăng bu là điệu múa bằng cách nghệ thuật hóa động tác chọc lỗ tra hạt trong lao động sản xuất, những động tác tưởng chừng như khô khan cứng nhắc nay trở nên uyển chuyển mềm mại và có nhịp điệu hơn. Đây còn là tiết mục vui chơi thu hút được rất nhiều người tham gia, nhất là các thanh niên nam, nữ. Trong những dịp lễ hội, họ rủ nhau từ các làng bản khác cùng về đây tham gia múa cùng dân bản. Nhiều người đứng nối nhau xếp thành vòng tròn lớn, một tay bám lên vai người đi trước, một tay cầm cây tăng bu.

Trình diễn trích đoạn lễ Pang Phoóng tại Lễ hội Hoa Ban năm 2025

Kiến trúc nhà ở của người Kháng cũng là nhà sàn, được thiết kế phù hợp với từng gia đình. Nhà ở có 2 dạng: nhà tạm bợ và nhà kiên cố. Nhà sàn gồm 1 mái và 2 mái, không phủ nóc, không có chái, có cửa chính thông suốt từ đầu này sang đầu kia, thông với cầu thang nên xuống.

Việc lấy vợ, lấy chồng của người Kháng cũng rất đặc biệt. Sau 4, 5 đêm tìm hiểu ngủ lại nhà người con gái, nếu đôi trai gái ưng ý nhau thì tiến hành ăn hỏi và rất nhiều nghi thức mà đôi trẻ và hai bên nhà trai, nhà gái phải thực hiện. Sau 3 năm ở rể, đôi vợ chồng trẻ phải làm lễ ra mắt hai họ, nhà trai mới tổ chức đón dâu.

Tín ngưỡng là một nét văn hóa đặc trưng của người Kháng. Người Kháng có tục chia của cho người chết gồm những gì khi còn sống người quá cố thường dùng, họ tin rằng con người có 5 hồn, một hồn chính ở trên đầu bốn hồn ở tứ chi. Việc thờ cúng tổ tiên được bố trí trang trọng, kín đáo tại một gian thờ trong nhà.

Người Kháng ở Tuần Giáo vẫn còn thực hành một số lễ hội truyền thống của dân tộc như: lễ cúng thần rừng, lễ Pang Phóong… Trong đó, lễ Pang Phoóng của người Kháng ở xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Kháng. 

Lễ Pang Phoóng, hay còn gọi là lễ Tạ ơn, là một nghi lễ truyền thống độc đáo của người Kháng. Đây là nghi lễ quan trọng, thể hiện lòng biết ơn của người Kháng đối với các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm. Lễ Pang Phoóng thường được tổ chức vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hằng năm, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Nghi lễ này không chỉ là dịp để tạ ơn mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Trong lễ Pang Phoóng, người Kháng chuẩn bị nhiều lễ vật như xôi, gà, lợn, cá, rượu cần... để cúng tế. Các nghi lễ được thực hiện bởi thầy cúng, người có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa con người và thế giới tâm linh. Ngoài phần lễ, phần hội cũng rất sôi động với các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như múa xòe, hát then, đánh cồng chiêng...

Chị Lò Thị Lợi bên không gian trưng bày của dân tộc Kháng, huyện Tuần Giáo tại Lễ hội Hoa Ban 2025

Đến với Lễ hội Hoa Ban năm 2025 và Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VIII, chị Lò Thị Lợi (Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Tuần Giáo) chia sẻ: “Dân tộc Kháng ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên hiện vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc từ thế hệ này tới thế hệ khác. Lễ hội Hoa ban năm nay, dân tộc Kháng mang trích đoạn lễ Pang Phoóng tới dự thi phần nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc bởi đây là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, là sợi dây tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Ngoài lễ Pang Phoóng, người Kháng ở Tuần Giáo còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống khác như lễ cúng thần rừng, các làn điệu dân ca, dân vũ…”.

Có thể thấy dân tộc Kháng ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, mặc dù có dân số không lớn, nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Những giá trị văn hóa này không chỉ thể hiện qua các nghi lễ, phong tục tập quán, mà còn thể hiện qua ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục, nghệ thuật trình diễn và tín ngưỡng. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa này không chỉ góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu cho thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;