Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh tên thật là Nguyễn Văn Xuân (còn gọi là Khánh Ký), sinh năm 1874, tại xóm Dộc, làng Lai Xá, tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là xóm 3 thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Ông không chỉ là người đặt nền móng cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở Việt Nam, mà còn là biểu tượng của tinh thần cầu tiến, học hỏi và sáng tạo không ngừng.
Tôi cầm máy và chụp ảnh từ những năm đầu 70 của thế kỷ trước. Nhờ chụp ảnh mà tôi nuôi được các con, làm nghề báo và tham gia vào lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật. Tôi biết ơn cụ Nguyễn Đình Khánh và các lớp nhiếp ảnh tiền bối, bởi họ là những người thầy, mà cụ Khánh là một trong những người thầy dạy đầu tiên ở Việt Nam.
Làng Lai Xá có một bảo tàng nhỏ, nhỏ và khiêm tốn cả về diện tích và các thiết bị trưng bày, còn quá đơn sơ nhưng tầm vóc, giá trị của nó lại rất khác. Đây không chỉ là nơi đang tôn vinh một danh nhân văn hóa ảnh, nơi lưu lại những đóng góp của con cháu, người làng Lai Xá làm nghề ảnh thành đạt và đáng trân trọng, mà thực ra, làng còn là một nơi để những ai nghiên cứu về quá trình phát triển nhiếp ảnh dân tộc Việt Nam, sự ra đời vất vả, khó khăn và sự gắn bó của nhiếp ảnh với lịch sử văn hóa Việt Nam, đóng góp của nhiếp ảnh như thế nào đối với đất nước Việt Nam. Tôi xin lưu ý khi nói đến nhiếp ảnh, cần phải nói cả ba lĩnh vực: nhiếp ảnh lưu niệm; dịch vụ phục vụ cuộc sống; nhiếp ảnh báo chí và nhiếp ảnh nghệ thuật.
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lai Xá tổ chức Hội thảo khoa học “Khánh Ký - Cuộc đời và sự nghiệp" nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam và 151 năm ngày sinh của Danh nhân Nhiếp ảnh Việt Nam, Cụ tổ Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá - Nguyễn Đình Khánh, tức Khánh Ký (1874-1946).
Tôi còn nhớ, hồi những năm 50, muốn chụp ảnh ở Hà Nội, phải ra hiệu ảnh ở cạnh rạp Tháng 8, bây giờ đối diện với nhà hát Hồ Gươm hoặc ra phố Hàng Khay, nhà Bô Đa (siêu thị Tràng Tiền bây giờ). Ở Hải Phòng, Nam Định, Hội An... sau này cũng có vài hiệu ảnh như thế. Ảnh chụp cỡ 3x4cm để làm căn cước, có phóng ảnh lớn cũng chỉ 13x18cm. Ai cần ảnh để treo bàn thờ, mà là nhà giàu thì có thể gửi sang Pháp để phóng, còn phổ biến là vẽ lại. Nghề vẽ truyền thần ở Việt Nam nhờ thế mà rất phát triển. Thiết bị cho đồ ảnh từ máy chụp, máy phóng... đều không có.
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước ở Hà Nội, ai đeo máy ảnh thì đấy phải là nhà báo của nhà nước, hoặc phải là người mới đi học ở nước ngoài về. Ở các làng vùng đồng bằng sông Hồng, ngay những nơi gần Hà Nội người có máy ảnh lúc về làng được đón rước như khách quý, chụp chân dung cho các cụ chỉ phóng đến cỡ 6x9cm đen trắng, chụp cụ ngồi ghế, không có ghế thì ngồi lên thùng gánh nước, vắt chéo chân... Hà Nội cuối những năm 80, đầu những năm 90 đã có hơn chục hiệu làm ảnh màu. Các tỉnh miền núi sau đó đều có tiệm làm ảnh màu, các hãng máy ảnh lớn trên thế giới đều có ở Việt Nam. Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI là quốc gia sử dụng các thiết bị nghề ảnh vào loại hàng đầu trên thế giới nếu nhìn về tốc độ phát triển.
Về nhiếp ảnh báo chí thì khi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ Nhất có 70 người tham gia, họ là phóng viên ảnh các báo và các nhà xuất bản. Họ là những nhà sáng lập ra Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hôm nay Việt Nam, có hơn 500 tờ báo và tạp chí dùng ảnh. Các cơ quan lớn như Thông tấn xã Việt Nam cung cấp nguồn tin chính thức về ảnh còn có nhiều nơi khác phản ánh cuộc sống nhanh bằng chính thiết bị ghi hình. Việt Nam là số ít nước có đào tạo Nhiếp ảnh ở hệ đại học chính quy mà Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là đơn vị tham gia sáng lập. Việt Nam cũng là nước tham gia vào tổ chức Nhiếp ảnh ASEAN và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây.
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức chương trình về nguồn nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống
Với nhiếp ảnh nghệ thuật, Việt Nam hiện có bao nhiêu người chơi ảnh, chụp ảnh nghệ thuật? Câu hỏi này khó trả lời được vì ở bất cứ đâu, khi nào, ở nhà nào cũng đều có việc chụp ảnh, chơi ảnh. Câu hỏi này cũng khó hoặc khó trả lời đúng là Việt Nam hiện có nhiều cuộc thi ảnh, triển lãm ảnh mỗi năm? Quá sôi động. Năm 2001 tại cuộc thi ảnh ACCU tại Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia có số lượng ảnh tham dự cuộc thi nhiều nhất. Ban Tổ chức phải dùng cả một phòng rộng 80m2 để xếp ảnh của Việt Nam ra chấm. Các nhà nhiếp ảnh đã từng đạt bao nhiêu giải thưởng qua 50 năm? Đấy cũng là con số không đếm được.
Cụ Nguyễn Đình Khánh học nghề ảnh từ người Pháp, truyền dạy cho dân làng có nghề để sống tốt hơn, chí ít thì cũng hơn cái nghề trồng lúa, đi làm thuê cho chủ. Một số người được học nghề từ cụ có cuộc sống khấm khá hơn, rồi tìm nơi có nhiều người hơn, cần được chụp ảnh hơn để ra đi. Các chuyến di dân năm 1954 vào phía Nam, hay sự đô thị hóa dần tập trung ở các tỉnh gần với phủ Hà Đông xưa là nhu cầu, gợi cho việc các thợ ảnh từ Lai Xá đi kiếm sống ở các địa phương khác. Nghề ảnh ban đầu chỉ đơn thuần, chủ yếu để lưu niệm ảnh gia đình, tri ân các bậc cha mẹ.
Kể từ năm 1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau kháng chiến chống Pháp ra lời kêu gọi nhiếp ảnh phục vụ cho tuyên truyền. Nhiệm vụ ấy nêu thật rõ trong Sắc lệnh số 147 năm 1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Từ việc tưởng nhớ người đã mất, ảnh chỉ để thờ, những người chụp khi đó dùng máy ảnh để tri ân các anh hùng liệt sĩ, những ai có công cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Các thợ ảnh chụp Lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp đã trở thành các chiến sĩ văn hóa, là những người sáng lập Hội. Nhiếp ảnh Cách mạng mở đầu bằng sự chuyển đổi từ nhận thức đến cách hành động chính là nghề ảnh dịch vụ. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay phát triển cũng một phần nhờ họ, trong đó có các nhà nhiếp ảnh Lai Xá. Và hơn cả bắt đầu từ người thầy đầu tiên Nguyễn Đình Khánh.
Nhà báo, Nhà NCLLPB Vũ Huyến và các nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Hà Tĩnh trong dịp Gặp mặt kỷ niệm 72 ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam
Dùng máy ảnh để tri ân, nhớ đến công lao những người đã khuất, để lưu lại thành tựu của nhân dân Việt Nam tạo được trong rất nhiều năm kể từ sau năm 1945 dưới sự dạy dỗ, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của nhà nước. Chụp để ngợi ca Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp, những con người Việt Nam bình dị và thân thiện, hồn mở rộng óc, mở rộng tim tiếp nhận văn minh thế giới... là nhiệm vụ, cũng là thành tựu lớn của nền nhiếp ảnh hôm nay.
Và chúng ta, có lẽ không bao giờ quên những lớp người đi trước, những người anh lớn, người thầy, người dẫn dắt, mà người thầy dạy không giáo án, không giảng đường đầu tiên chính là cụ Nguyễn Đình Khánh làng Lai Xá, Hà Nội.
Nhà báo, Nhà NCLLPB VŨ HUYẾN
Ủy viên Ban Lý luận - phê bình, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNA Việt Nam