Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Sáng 24-5, tại Trung tâm hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội đã diễn ra khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tới dự và phát biểu chỉ đạo diễn đàn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Diễn đàn do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Với chủ đề Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Diễn đàn được tổ chức trong 2 ngày 24 và 25-5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - ASIA DX Summit 2023)

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Chuyển đổi số không thể một người làm được, chuyển đổi số không thể một tổ chức làm được, chuyển đổi số không thể một nước làm được. Mà chuyển đổi số, tất cả mọi người đều làm thì chúng ta mới có được tài nguyên số và chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng cho rằng, chủ đề khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là hai trụ cột, hai lĩnh vực, có thể nói đóng góp quan trọng trong các trụ cột của kinh tế số. Điều này hết sức phù hợp, và hưởng ứng Năm quốc gia về dữ liệu số.

Cũng theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi số, tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, là một nguồn tài nguyên vô tận, sáng tạo từ tư duy và trí tuệ con người. Nó thay đổi tài nguyên thiên nhiên mà thế giới đã khai thác, đã sử dụng và đã dựa vào đó trong suốt chiều dài lịch sử của loài người. Đến bây giờ chúng ta đã chuyển sang “mỏ vàng” mới và lớn hơn đó là nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, nó sẽ thay thế tài nguyên tự nhiên và giúp chúng ta phục hồi nguồn tài nguyên tự nhiên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Theo một báo cáo nghiên cứu, nếu việc tăng dân số và giữ mô hình phát triển kinh tế trước đây thì chúng ta cần tìm ra 3 trái đất giàu tài nguyên như hiện nay mới nuôi đủ sống được cho dân số thế giới. Điều gì sẽ làm thay đổi thế giới này, đó chính là cuộc cách mạng, những tiến bộ khoa học, đặc biệt là kinh tế số, chuyển đổi số, tài nguyên số… Tất cả những điều này đều gắn với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nó như là những tư duy mới, nền tảng mới, một xu thế tất yếu của thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham quan Triển lãm nền tảng giải pháp số

Phó Thủ tướng khẳng định: Kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam. Việt Nam lựa chọn con đường phát triển đó là con đường phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, netzero và điều này là một thách thức rất lớn, nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể đổi mới, thay đổi một cách cơ bản mô hình phát triển của mình, để hướng tới  năng suất lao động, sức cạnh tranh, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhưng phải bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Các hoạt động kinh tế - xã hội của nước ta đang đẩy nhanh từ phương thức truyền thống sang phương thức thực tiễn và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, kinh tế tri thức và trong đó kinh tế số là trọng tâm.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cũng đã chuyển đổi mạnh mẽ từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, kết hợp với các thành tựu trong công nghệ viễn thông. Từ thông tin quản lý bằng giấy tờ sang cơ sở dữ liệu quốc gia và coi đó là nguồn tài nguyên vô tận cùng với sự phát triển và chuyển đổi của mình. Từ gia công, là một khâu của công đoạn chúng ta đã nói đến hệ sinh thái công nghiệp số, bao gồm thiết kế, xây dựng, chế tạo, và đã từng bước đưa tất cả các hoạt động kinh tế trong xã hội trên con đường chuyển đổi số để nâng cao năng suất, tận dụng các thành tựu của chuyển đổi số như là kết nối vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, block change, quản lý dữ liệu bằng đám mây điện tử, tất cả những điều đó ở đất nước chúng ta đang diễn ra và đang hiện diện ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực về chuyển đổi của Chính phủ, sang Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Điều này đặt cho Chính phủ một áp lực rất lớn đó là Chính phủ xác định vai trò của mình để có thể chuyển đổi nhanh Chính phủ điện tử thông qua các hoạt động dịch vụ công của mình, thông qua các nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình để tạo môi trường pháp lý, định hướng và dẫn dắt cho cuộc cách mạng này. Đồng thời cũng đặt ra hy vọng, từ Chính phủ điện tử dẫn dắt,  thì kinh tế số, xã hội số sẽ cùng được phát triển.

Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số:

Thứ nhất, chuyển đổi số là một xu thế lớn, đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, chuyển đổi số các ứng dụng phần mềm không chỉ trong thị trường hiện nay, không chỉ là trong thị trường của các lĩnh vực như y học, toán học, vật lý, hóa học, không gian vũ trụ, trong chuyển đổi về các xe không người lái, tự động hóa… mà những sản phẩm này nó phải phục vụ cho mục đích toàn cầu và  phải hướng đến toàn cầu, nên thị trường chuyển đổi số, kinh tế số không giới hạn một quốc gia. Từ chuyển đổi số, dữ liệu lớn để giúp cho việc hình thành và tiếp tục đưa vào xử lý dữ liệu phục vụ quá trình quản lý và ứng dụng.

Thứ hai, chuyển đổi số cần đảm bảo an ninh, đảm bảo các tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chuẩn phần mềm, vấn đề an toàn dữ liệu cá nhân, an toàn dữ liệu của nhà nước, tổ chức và an ninh quốc gia. Thực tế chúng ta cần một môi trường pháp lý trên phạm vi toàn cầu, giống như lĩnh vực môi trường, giống như lĩnh vực an toàn hạt nhân và các vấn đề khác. Đây là vấn đề khó khăn nhất trên phạm vi thế giới chứ không phải chỉ Việt Nam.

Thứ ba, trên thực tế thì xã hội số đã hình thành, đạo đức số đang được tạo ra, vấn đề văn hóa số, vấn đề văn hóa trong xã hội của chúng ta hiện nay luôn được đề cao. Vấn đề văn hóa trong xã hội số, xã hội ảo chưa có. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi các doanh nhân, những người làm công tác nghiên cứu luôn luôn phải đi trước một bước đó là đánh giá được tác động của mình, mang lại được hiệu ứng tốt cho xã hội, cho thế giới, hoặc có những nghiên cứu có ý nghĩa khoa học nhưng sẽ có tác động ghê gớm đến vấn đề an ninh con người, an ninh quốc gia.

Phó Thủ tướng mong muốn diễn đàn cần hết sức thẳng thắn, cởi mở để đánh giá được những nỗ lực của Chính phủ và đề xuất được những việc mà Chính phủ phải làm nhanh hơn, kịp thời hơn, hoàn thiện hơn.

Cuối cùng Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trong đó lực lượng đi đầu, tiên phong chủ yếu là các doanh nghiệp chuyển đổi số; sự ủng hộ, cố gắng của các bộ, ngành, các cơ quan địa phương, doanh nghiệp, sự đồng hành ủng hộ của nhân dân và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ hiện thực hóa được nhiệm vụ đặt ra.

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các ban, bộ, ngành, các tổ chức để chung tay thực hiện: 1. Tư vấn, góp ý xây dựng một hành lang pháp lý thông thoáng; 2. Tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại và hiệu quả; 3. Hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành; 4. Xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch VINASA, cộng đồng doanh nghiệp số đã có một tốc độ tăng trưởng và phát triển trường kỳ, đây cũng là một lực lượng lao động trẻ tiên tiến và đại diện cho Việt Nam bước ra một sân chơi toàn cầu đầy rộng lớn. Doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ số đã phát triển mạnh mẽ bằng nội lực, làm chủ các thiết kế công nghệ lõi và đang hợp tác chặt chẽ, dần hình thành hệ sinh thái công nghệ số hoàn chỉnh cho các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam cam kết và sẵn sàng cùng hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin để giúp thúc đẩy, phát triển của khoa học công nghệ và kỹ thuật tại Việt Nam và lấy khoa học công nghệ kỹ thuật làm động cơ tăng trưởng để phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh, Diễn đàn mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị cho Năm dữ liệu quốc gia nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Cụ thể diễn đàn góp phần nâng cao nhận thức về dữ liệu và chuyển đổi số thông qua các trao đổi trực tiếp, các tổ chức, các doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, dữ liệu số. Diễn đàn là nơi để đối tượng chịu tác động của thể chế. tham mưu, góp ý trực tiếp đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về dữ liệu số và chuyển đổi số. Diễn đàn là nơi để các tổ chức và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, thiết lập phương thức, các cơ chế hợp tác...

Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) trình bày tham luận

Tại phiên khai mạc, phát biểu tham luận về Xây dựng, khai thác dữ liệu số quốc gia, ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới: Quản lý, quản trị dữ liệu số, cơ sở dữ liệu; Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia; Đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; Về triển khai nền tảng số thu thập và quản lý dữ liệu; Thúc đẩy, khai thác tiềm năng dữ liệu lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) trình bày tham luận

Với tham luận Kinh nghiệm xây dựng và kết nối, chia sẻ, khai thác Dữ liệu dân cư; chủ trương hợp tác khai Dữ liệu số, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) chia sẻ, đã tích hợp CCCD điện tử, sổ tay y tế, sổ hộ khẩu điện tử, bảo hiểm để sử dụng và các giấy tờ giấy phép lái xe, đăng ký xe đã được cơ quan chuyên ngành xác thực để chuẩn bị sử dụng, gần 1 triệu công dân sử dụng để tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID. Với hệ thống đã có, Bộ Công an sẵn sàng tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, quản trị, vận hành, kết nối, chia sẻ các bộ dữ liệu của tất cả các bộ, ngành, địa phương như: dữ liệu về sở hữu tài nguyên môi trường (đất đai); dữ liệu được cập nhật tối thiểu định kỳ hàng tháng/quý; viễn thông; thương mại điện tử; bảo hiểm xã hội; thuế thu nhập cá nhân; thông tin tín dụng cá nhân; đất đai; đăng ký xe; bảo hiểm y tế… gắn với dữ liệu dân cư để người dân, doanh nghiệp được cung cấp các công cụ như thẻ CCCD, ứng dụng VNeID, hệ thống cổng dịch vụ công…; đảm bảo quyền làm chủ, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của người dân.

Chương trình Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) diễn ra trong 2 ngày với 6 phiên, bao gồm phiên khai mạc và 5 phiên chuyên đề gồm: Hạ tầng dữ liệu số và bảo mật an toàn thông tin; Chuyển đổi số tại Việt Nam - châu Á và các cơ hội hợp tác; Kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển Chính phủ/Chính quyền số; Xây dựng nền tảng tài chính số - ngân hàng số, hạ tầng dữ liệu và liên thông các ngành kinh tế; Hợp tác Công nghệ thông tin Việt Nam - châu Á. Cùng với đó là các hoạt động bên lề như: Triển lãm nền tảng giải pháp số và Hoạt động kết nối cung cầu/ Tư vấn chuyển đổi số. 

Bài, ảnh: THANH DANH

;