Di tích núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên (Thanh Hóa)

  Cổ Định là một ngôi làng cổ thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 20 km về phía Tây, phía Đông Nam dựa lưng vào núi Nưa hùng vĩ, với đỉnh Am Tiên ở độ cao 538m, giáp danh giữa 3 huyện Triệu Sơn, Như Thanh và Nông Cống. Cụm di tích núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248, không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị lớn về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh.

 

  Núi Nưa

  Núi Nưa là tên nôm mà dân gian thường gọi, còn tên chữ được các nguồn sử liệu nhắc đến là Núi Na, ngọn núi cao nhất ở miền đồng bằng xứ Thanh, có độ cao 538m so với mực nước biển. Sách Nguyễn Trãi toàn tập có ghi: “Na Tùng và Lương ở về Thanh Hóa, Na Tùng là tên núi, Lương là tên sông” (1). Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, nhắc đến Núi Nưa như một vùng đất cổ, cảnh sắc đẹp, là nơi gặp gỡ của những người tao nhân, họ đến với Núi Nưa để lấy cảm hứng làm thơ, để bộc bạch tâm trạng: “Núi Nưa, tức Na Sơn, ở huyện Nông Cống; mạch núi từ huyện Thọ Xuân kéo đến, chạy vài ba mươi dặm, đến địa phận xã Cổ Định thì nổi vọt lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa; bên ngoài có 4 dòng nước giao lưu; đỉnh có động; tương truyền đời Hồ có người tiều phu ở ẩn học đạo, Hồ Hán Thương cho triệu, người tiều phu ấy không chịu ra, Hán Thương liền sai đốt núi” (2). Còn theo sách Thanh Hóa tỉnh chí, núi Nưa từ lâu còn được xem như là ngọn núi chủ, lâu đời ở đồng bằng Xứ Thanh: “Mạch núi từ huyện Thọ Xuân thời cổ mà đến, sườn núi quanh co suốt mấy chục dặm, đến đây mọc lên núi đá, chỗ um tùm và cao nhất tức chỗ núi ấy. Phía ngoài có sông nhánh hợp lưu, giữa có động, thể núi trắc trở và sâu thẳm” (3).

  Núi Nưa còn gắn liền với nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, nơi đây từng là điểm tập trận, chiến trường chống quân Ngô của nghĩa quân Bà Triệu TK III. Hiện nay, quanh vùng vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết liên quan đến cuộc khởi của Bà Triệu như: Hang Cắc Cớ (nơi cất giấu kho vàng cướp được của giặc Ngô), Trang Thu (nơi tiếp nhận quân của các nơi kéo về), Ruộng Bà Chúa (nơi Bà Triệu cho vỡ đất làm ruộng), Đồng Kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân), Khe Đá Bàn (nơi Bà Triệu và các tướng lĩnh họp đánh giặc Ngô)… Đến TK XV, núi Nưa cùng với núi Hoàng Ngưu còn là cứ điểm, tiền đồn của nghĩa quân do Nguyễn Chích lãnh đạo chống giặc Minh.

  Làng Cổ Định nói chung, núi Nưa nói riêng còn nằm ở vị trí tiếp giáp 3 huyện Như Thanh, Nông Cống và Triệu Sơn, nơi có thắng cảnh đẹp, nên hằng năm lượng khách thập phương đến đây khá đông. Như vậy, có thể thấy, vùng đất núi Nưa làng Cổ Định ngày nay không chỉ là địa danh lịch sử, mà còn là vùng đất huyền sử gắn với nhiều truyền thuyết về những sự kiện quan trọng của đất nước.

  Đền Nưa

  Đền thờ Bà Triệu (tức Lệ Hải Bà Vương mà dân gian vẫn thường gọi là đền Đức Vua bà hay Chúa Ngàn Nưa), nằm ngay dưới chân núi Nưa, một vị trí cao đẹp, phía trước có hệ thống ao, hồ tự nhiên. Tương truyền, ban đầu chỉ là một bệ đá thờ, trên có bát hương đơn sơ bằng ống bương, thờ người mẹ Ngàn Nưa: “Sơn trang thượng ngàn - Thiên tiên thánh mẫu”, theo lời sấm truyền về phong thủy có câu: “Na Sơn thất phiến, nhất hô vạn biến”, ứng vào người con gái họ Triệu tên là Trinh Nương dấy cờ khởi nghĩa năm 248 và sau mất ở núi Tùng (huyện Hậu Lộc) năm mới 23 tuổi. Sau này được vua Lý Nam Đế khen là: “Bật chính oanh liệt, hùng tài trinh thất phu nhân”, còn người dân Kẻ Nưa thì gọi bà là Lệ Hải Bà Vương (bà vua đẹp xứ đồng bể). Để tỏ lòng kính trọng đối với bà, nhân dân trong làng đã lập đền thờ, cầu may mắn mỗi lần lên rừng hay cầu cho mùa màng tươi tốt.

  Đến thời vua Tự Đức thì đền được tu sửa lại, chuyện kể rằng, vào thời kỳ này có viên tri huyện Nông Cống tên là Cao Bát Đạt vì cúng lễ chu đáo, nên được bà phù hộ đã săn được hươu trong rừng để tiến vua, nhân đó mới tâu lên triều đình về sự tình ngôi đền Nưa bị tàn phá, hoang phế nhưng vẫn được nhân dân cầu cúng rất đông. Vì vậy, triều đình đã cho lấy công quỹ 1.200 quan tiền dựng đền, vị nữ thần nơi đây được phong là Thượng đẳng thần với duệ hiệu là: Đệ nhất Thiên tiên thánh mẫu, sơn trang thượng ngàn bạch y công chúa, Lệ Hải Đại Vương Ngọc bệ hạ. Theo các cụ cao niên trong làng, đến năm 1926, sau khi vua Bảo Đại đến đây vãn cảnh đã cho các nghệ nhân ở Huế ra tu bổ lại toàn bộ phần mái và tàu đao nên mới có kiến trúc Nghinh môn ở Huế. Theo dấu tích cũ, nền chùa gồm có 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung hợp lại thành chữ đinh. Tiếc là trong những năm kháng chiến, vùng đất Cổ Định là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ, các kiến trúc thời Nguyễn ở ngôi đền đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại Nghinh môn với bốn tầng mái bề thế vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây là một kiến trúc cổ kính, có giá trị thẩm mỹ được xây dựng dưới thời Nguyễn có quy mô lớn, với nhiều mảng phù điêu đẹp, là di tích điển hình trên đất Thanh Hóa.

  Đến năm 1993, chính quyền và nhân dân xã Tân Ninh đã góp công, góp của để khôi phục lại di tích này. Các hiện vật cổ trong chùa cũ do chiến tranh tàn phá đã hầu như không còn giữ được. Hiện, chùa chỉ còn ngôi tượng cổ được đắp, nặn bằng bột giấy, mật mía, sau đó quét màu; ba pho tượng Tam tòa thánh mẫu và một số hiện vật do nhân dân thu lượm được.

Đền Nưa - Ảnh: Văn Bảo

  Chùa Am Tiên

  Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh Núi Nưa, được lấy tên là Bích Vân Cung Tự, tục gọi là chùa Am Tiên. Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Huyện Nông Cống (nay thuộc về huyện Triệu Sơn) ở miền thượng du, đất liền với huyện Đông Sơn, phía Tây Nam có nhiều ngọn núi chồng chập vòng quanh, một chi nhánh núi Na Sơn chót vót đứng thẳng, trong dãy núi có nhiều ngọn kỳ lạ, động đẹp. Về cổ tích thì có đường đi tắt của ông lão kiếm củi, ẩn cư trong động sâu…” (4). Nơi đây còn lưu truyền nhiều truyền thuyết ly kỳ kể về người tiều phu đốn củi gặp tiên, người ẩn sĩ thời Hồ... Ngoài ra, còn có những câu chuyện gắn liền với những nhân vật, sự kiện lịch sử như truyền thuyết về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa do bà lãnh đạo với các địa danh như: Giếng Tiên, Áo Hóp, Động Cắm cờ… Dưới góc độ quân sự, Am Tiên nằm ở vị trí tiền đồn, có tầm quan sát rộng, là một cao điểm để khống chế cả một khu vực rộng lớn (gồm cả Như Thanh, Triệu Sơn, Nông Cống ngày nay), chính vì vậy, nơi đây đã được Bà Triệu chọn làm căn cứ chống quân Ngô vào TK III.

  Tương truyền, khi cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu năm 248 bị đàn áp thì chùa bị tàn phá, người dân phải đi ly tán, đến khi trở về mới cho khôi phục lại chùa cũ. Đến năm 1405, dưới triều nhà Hồ, có người ẩn sĩ ở đó, Hồ Hán Thương mời ra giúp việc, nhưng ông không chịu ra, nên mới sai đốt núi, phá chùa. Đến năm 1935, ông Lê Quy Sinh lên khai phá vùng Am Tiên mới phát hiện ra nền móng chùa cũ với nhiều hiện vật nên đã cho dựng lại ngôi chùa. Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng xã xây dựng đời sống văn hóa mới, chống mê tín dị đoan, do vậy ngôi chùa lại bị bỏ hoang. Sau khi đất nước thống nhất, một số tín đồ cùng với chính quyền địa phương đã cho tôn tạo lại chùa cũ. Từ đó đến nay, ngôi chùa nhiều lần được tu bổ, trở nên bề thế khang trang, nhân dân đến vãn cảnh và lễ phật ngày càng đông.

  Với những giá trị về lịch sử - văn hóa đó, ngày 27-3-2009, Bộ trưởng VHTTDL đã ký quyết định xếp hạng cụm di tích núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là một trong những di tích lịch sử, danh thắng có giá trị về nhiều mặt, gắn liền với nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc, khu danh thắng đẹp có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh. Từ năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên, tuy nhiên, đến nay công tác bảo tồn vẫn còn nhiều khó khăn.

  Để bảo tồn và phát huy giá trị của cụm di tích lịch sử này, quá trình quy hoạch tổng thể cần có sự tư vấn của các cơ quan chức năng ngành văn hóa để đảm bảo giữ được tính nguyên bản, không làm mất giá trị của di tích. Đặc biệt, cần xây dựng Ban Quản lý di tích có đủ năng lực, trình độ chuyên môn về quản lý, chống sự quản lý chồng chéo giữ các cấp ban ngành, giữa cá nhân và nhà nước, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của những người tham gia quản lý di tích. Hiện nay, khu di tích vẫn chưa có đội ngũ hướng dẫn viên, trong khi lượng du khách tham quan hằng năm khá đông, nên cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có hiểu biết về di tích và lịch sử vùng đất Cổ Định, đại diện cho khu di tích giới thiệu cho du khách về lịch sử, văn hóa của khu di tích.

  Đồng thời, cần gắn du lịch với dịch vụ, xây dựng khu trưng bày các hiện vật liên quan trực tiếp đến di tích núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên, để khách tham quan có điều kiện hiểu biết về di tích. Đầu tư xây dựng các khu ăn uống, nghỉ dưỡng để đảm bảo phục vụ các nhu cầu thiết yếu của du khách. Ngoài các di tích núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên được xem là điểm nhấn ở làng Cổ Định, phục vụ tham quan, chiêm bái thì các cấp chính quyền cũng cần thiết phải có sự đầu tư, tôn tạo trùng tu đến các di tích như: đền thờ Lê Bật Tứ, đền thờ Trần Khát Chân (Nghè Giáp), đền thờ Luật Quốc công Lê Thân, đền thờ khai Quốc công thần Lê Lôi, đền thờ quan Tào Sơn (miếu Tào Sơn hầu). Bên cạnh đó, trong hoạt động tham quan, du lịch cũng cần kết nối các di tích lại với nhau để trở thành một quần thể các di tích phục vụ nhu cầu của khách thập phương.

_____________

  1. Viện Sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1976, tr.300.               

  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, tỉnh Thanh Hóa, Nxb Giáo dục, năm 2007, tr.62.

  3. Thanh Hóa tỉnh chí (bản dịch), đánh máy lưu tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa, tr.3-4.

  4. Phan Huy Chú, Lịch hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, tập 2, sđd, tr.62.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Bảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 - 2019

;