Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên

     

Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày - Ảnh: Nguyễn Nội

     Thái Nguyên là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; với 8 dân tộc anh em sinh sống, trong đó tộc người Tày đứng vị trí thứ 2, sau người Kinh (các tộc người ở Thái Nguyên bao gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán dìu, Sán chay, Dao, Mông, Hoa). Mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau, song, những nét độc đáo đó nằm cùng trong tổng thể của nền văn hóa chung của cả nước.

     Trong bối cảnh hiện nay, sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình hội nhập, mở cửa và sự tác động của nền kinh tế thị trường đã đem đến những tác động theo hướng tích cực đan xen những tác động theo hướng tiêu cực trong quá trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương. Trong những tác động đó, các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày ở Thái Nguyên đều có sự thay đổi, chỉ khác nhau ở tốc độc thay đổi nhanh hay chậm, mức độ nhiều hay ít, thể hiện trên cả lĩnh vực văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần. Thay đổi mạnh mẽ nhất là nhà cửa (nhà sàn truyền thống), trang phục, ngôn ngữ và các loại hình văn học nghệ thuật. Thay đổi chậm nhất, ít rõ nét là phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo.

     Những thay đổi của các giá trị văn hóa truyền thống đó đều được thể hiện ở cả hai hướng, vừa tích cực, vừa tiêu cực. Thay đổi theo hướng tích cực đó là họ có thay đổi để phù hợp hơn với hiện tại, tiếp thu những yếu tố tích cực để làm giàu thêm giá trị văn hóa truyền thống của tộc người mình. Đồng thời, họ loại bỏ những yếu tố bảo thủ, lạc hậu trong quá trình sinh tồn của dân tộc mình. Tiếp thu đó là lĩnh hội những yếu tố khoa học, tiến bộ của nhân loại làm phong phú đời sống tinh thần và nâng cao đời sống vật chất của tộc người. Tuy nhiên, thay đổi theo hướng tiêu cực ở một bộ phận giới trẻ đã, đang từng bước làm đánh mất đi giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày trong bối cảnh hiện đại. Đây chính là mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình hội nhập, mở cửa và mặt trái của cơ chế thị trường. Nó là chiều hướng xấu, rất dễ dẫn đến hiện tượng bị hòa tan trong quá trình hội nhập và đang đi ngược lại chủ trương của Đảng ta: “hòa nhập không hòa tan”. Vì vậy, việc nhận thức những yếu tố tích cực, những yếu tố tiêu cực tác động đến thực trạng của quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày ở Thái Nguyên là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nó chính là yếu tố nền tảng, là điểm mấu chốt trong bối cảnh hiện nay.

     Qua khảo sát thực trạng, chúng tôi thấy có sự đan xen thành tựu và hạn chế trong quá trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của họ trong cả hai loại hình, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Chúng đều xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó, nhiều vấn đề đặt ra đang tồn tại đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tộc người Tày nơi đây, đòi hỏi cần phải có những quan điểm và giải pháp phù hợp trong quá trình phát triển đất nước hiện nay.

     Thứ nhất, hiện tượng ít thực hành các giá trị văn hóa truyền thống đang trở thành xu hướng phổ biến.

     Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, kinh tế thị trường đã và đang tác động đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Chẳng hạn, với trang phục, qua tiếp xúc các buổi chợ, họ thấy được các chất liệu vải có xuất xứ từ Trung Quốc, nhanh hơn, tiện hơn trong quá trình tự dệt vải, nên chắc chắn họ sẽ mua loại vải đó thay thế. Quá trình tự cắt, khâu quần áo cho bản thân hiện nay không còn, mà thay vào đó là có một bộ phận chuyên môn hóa việc cắt, may thành các bộ trang phục. Trang sức của người phụ nữ cũng được mua sẵn ở ngoài chợ với nhiều họa tiết khác nhau. Bên cạnh đó, theo nhu cầu, các bộ quần áo truyền thống của đồng bào Tày cũng được may sẵn và bán ở chợ với những hoa văn họa tiết đính kèm rất đẹp, giá cả hợp lý. Nguồn điện lưới đã về các thôn bản, nên việc tiếp cận với công nghệ thông tin và những thành tựu của thời kỳ công nghệ số đã cơ bản được đồng bào đón chờ và hiện nay, trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của người dân nơi đây.

     Song, trong quá trình tiếp biến với các nền văn hóa, với sự tác động của các yếu tố trên, đã làm cho nhiều yếu tố trong nền văn hóa có sự biến đổi hoàn toàn, nó đã bị biến thành cái không phải của chính mình trong quá trình xuất phát, của yếu tố ban đầu. Chẳng hạn, hiện nay, số lượng đồng bào Tày ở thành phố Thái Nguyên giao tiếp bằng tiếng Tày không có nhiều, chỉ xuất hiện ở một số gia đình có cả cha mẹ là người Tày và chỉ xuất hiện ở một số gia đình có ý thức giữ gìn truyền thống của tộc người mình.

     Từ đó, vấn đề cần đặt ra hiện nay là: bản thân những người trong tộc người phải tự nhận thức ra những giá trị văn hóa truyền thống của bản thân tộc người mình để bổ sung những yếu tố tích cực trên cơ sở của sự phù hợp, hoặc loại bỏ những yếu tố nào là hạn chế, mang tính chất hủ tục, lạc hậu, không phù hợp với lối sống hiện đại. Cần nhận thức một cách nghiêm túc những yếu tố đó trong quá trình giữ gìn và phát triển. Mặc dầu họ ở lứa tuổi nào, sống ở địa phương nào (thành thị hay nông thôn) thì họ vẫn luôn có vai trò quan trọng trong quá trình giữ gìn và phát huy cái làm nên chất của chính họ.

     Thứ hai, hiện tượng Kinh hóa Tày về mặt hình thức đang xảy ra từ nhiều năm nay, đặc biệt những năm gần đây. Do muốn được hưởng lợi từ những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (đặc biệt trong các chính sách giáo dục), một số cha mẹ là người Kinh đã cho con em mình xin làm con nuôi trong các gia đình người Tày. Với sự cởi mở trong giao tiếp ứng xử, với tâm lý “thêm con là thêm vui”, đồng bào người Tày sẵn lòng tiếp nhận thành viên. Vấn đề đặt ra ở chỗ, về mặt pháp lý là hoàn toàn phù hợp, nhưng những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tày thì bản thân người được nhận con nuôi thường không tìm hiểu và gia đình người Tày đó cũng chưa có trách nhiệm trong việc giáo dục, truyền đạt lại những giá trị văn hóa truyền thống.

     Thứ ba, số lượng người lớn tuổi lưu giữ các truyền thống của dân tộc Tày đặc biệt những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ đang bị thu hẹp vì quy luật vô thường của vòng đời, họ chưa truyền đạt hết cho các thế hệ sau. Vấn đề đặt ra là: cần có những chính sách hợp lý với các đối tượng đó.

     Thứ tư, mặt trái của kinh tế thị trường tác động đến giá trị văn hóa truyền thống đã làm cho một bộ phận đồng bào chạy theo lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền, thậm chí một số thanh niên còn coi đó là yếu tố vạn năng, do đó, đã làm suy giảm đạo đức, mất đi những yếu tố nề nếp, gia phong của đạo lý tộc người, của gia đình. Như vậy, cần có những cách thức tuyên truyền, vận động, giáo dục các thế hệ người khác nhau của đồng bào, để bộ phận người bị chi phối bởi mặt trái của kinh tế thị trường, nhận thức ra những yếu tố truyền thống của tộc người và phải có trách nhiệm với cộng đồng tộc người mình nói riêng, nền văn hóa Việt Nam nói chung.

     Thứ năm, chính sách trong xây dựng và phát triển nền văn hóa ở Việt Nam hiện nay của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là các chương trình xây dựng mang tính tập thể, như “toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “thôn bản văn hóa”, “làng văn hóa”… có tính khuôn mẫu quá mức để duy trì và phát triển nền văn hóa của đồng bào Tày ở Thái Nguyên.

     Thứ sáu, chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay đang từng bước mang lại lợi ích cho đồng bào tộc người Tày nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung, song sự tác động của nó cũng có tính hai mặt trong quá trình triển khai các tiêu chí tại địa phương. Cụ thể: những yếu tố quy hoạch của cơ sở vật chất đã có phần nào đó ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở, truyền thống làng bản…

     Thứ bảy, thực trạng của quá trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên hiện nay vẫn chứa đựng dáng dấp của sự bao cấp, dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước là chính mà chưa có sự khơi dậy, phát huy tính chủ động tích cực, tự giác của các chủ thể văn hóa dân tộc. Trên thực tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đó luôn có sự gắn bó với vai trò của các chủ thể sinh ra và lưu giữ nó.

     Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên trong bối cảnh hiện nay cần xuất phát từ các quan điểm: Một là, nhận thức tính tất yếu của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện nay; Hai là, đảm bảo sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Ba là, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy Thái Nguyên và sự tự ý thức của đồng bào Tày ở Thái Nguyên.

     Để mang lại hiệu quả tốt các vấn đề đặt ra, dựa trên các quan điểm đã nêu, quá trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên cần có một hệ thống các giải pháp phù hợp và có sự khác biệt với quá trình giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở các địa phương khác. Những giải pháp đó vừa có tính chiến lược, vừa có tính cụ thể, vừa phù hợp với đặc thù địa phương trong quá trình phát triển: Thứ nhất, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày Thái Nguyên; Thứ hai, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày Thái Nguyên là công việc tự thân của chính họ trong bối cảnh hiện nay; Thứ ba, trong quá trình thực hiện chính sách văn hóa của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy Thái Nguyên cần có sự cá biệt hóa đối với đồng bào Tày ở mỗi địa phương khác nhau; Thứ tư, ngăn chặn sự biến đổi sạch trơn các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển hiện nay; Thứ năm, đảm bảo sự gắn kết giữa sự phát triển kinh tế với chú trọng phát triển văn hóa trên cơ sở giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày. Nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là các chủ thể của quá trình - đó là các cá nhân, các nhóm, các cộng đồng người Tày ở Thái Nguyên.

     Như vậy, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên hiện nay đặt ra nhiều vấn đề, vừa mang tính vĩ mô, vừa mang tính vi mô. Việc nhận thức tốt các vấn đề đó sẽ giúp định hướng tốt trong quá trình đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Nội

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

 

 

 

;