Ngày 12-11, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tài năng trẻ: nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật”.
Thạc sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Đặng Xuân Mã chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ một số cơ quan, đơn vị của Bộ VHTTDL; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học; một số viện nghiên cứu, trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật; các đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các địa phương, các nghệ sĩ trẻ cùng các phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo nhằm đánh giá, phân tích vai trò, thực trạng của tài năng trẻ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cũng như chính quyền địa phương, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thạc sĩ, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh: Tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý với mỗi quốc gia, dân tộc. Tài năng văn hóa, nghệ thuật không đợi tuổi, nhiều tài năng đã bộc lộ, phát tiết ngay khi trước cả tuổi trưởng thành. Nhưng những tài năng trẻ ấy sẽ được thăng hoa, tỏa sáng, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội nếu được “ươm” trong một môi trường tốt, được Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển và xã hội ghi nhận.
Thạc sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà phát biểu đề dẫn Hội thảo
Trái lại, nếu không có chính sách thỏa đáng, những tài năng ấy sẽ khó có điều kiện phát triển, và trong không ít trường hợp sẽ bị thui chột, phai nhạt. Ở nước ta, chủ trương, chính sách đối với phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật nói riêng luôn được coi trọng. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nêu rõ: “Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ”; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12-11-2021 đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Trong thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, và xã hội nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Bên cạnh một số đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nghệ nhân và ưu đãi trong đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ trong hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật đã được đầu tư. Các liên hoan, hội diễn, cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật… diễn ra ở nhiều tỉnh, thành cũng như nhiều hoạt động sôi nổi ở các địa phương nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO: Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đã tạo nhiều không gian hữu ích cho các nghệ sĩ trẻ cống hiến, thể hiện. Các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, phục hồi, bảo tồn cũng là nguồn khích lệ cho những nghệ nhân, những người trẻ thêm gắn bó với di sản của ông cha để lại…
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, chưa thực sự khơi nguồn, tạo động lực cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật phát triển, như những điểm nghẽn trong đào tạo nghệ thuật; chế độ, chính sách cho nghệ sĩ, diễn viên (bồi dưỡng, ưu đãi…); chế độ nhuận bút, thù lao cho người viết, sáng tác; cơ chế để thu hút người trẻ tham gia các hoạt động thực hành văn hóa, nghệ thuật; vấn đề huy động các nguồn lực xã hội hóa…
Từ những vấn đề nêu trên, hội thảo nhằm giúp các các nhà quản lý, các nhà khoa học, chính quyền địa phương, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về thực trạng nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ.
Hội thảo đã nhận được 32 tham luận có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Các báo cáo được trình bày, ý kiến trao đổi tại Hội thảo được các đại biểu tập trung vào các nội dung chính sau: Đánh giá thực trạng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, những người trẻ đang thực hiện sáng tạo văn hóa, nghệ thuật (ưu điểm, hạn chế); Phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế, vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bài học kinh nghiệm rút ra trong phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng tài năng trẻ; Đề xuất giải pháp phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ tài năng trong văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
GS, TS Lê Thị Hoài Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, GS, TS Lê Thị Hoài Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Tài năng nghệ thuật trước hết phải có tư chất bẩm sinh, nhưng chỉ có năng khiếu bẩm sinh thôi thì chưa đủ. Để tài năng phát triển đúng hướng và đạt tới trình độ điêu luyện, các mầm non nghệ thuật rất cần được đào tạo bài bản, cùng với đó, bản thân cá nhân phải tự thân khổ luyện, không ngừng rèn dũa, mới có thể thành tài và đóng góp cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật có giá trị… Cùng với đó, nghệ sĩ trẻ, tài năng, lại được những người thày giỏi, dày dặn kinh nghiệm tận tâm dìu dắt, truyền nghề thì nhất định sẽ thành công.
Theo bà Lê Thị Hoài Phương các tài năng trẻ được đào tạo bài bản trong các nhà trường văn hóa nghệ thuật là điều kiện cần, nhưng chưa phải là điều kiện đủ để tài năng được phát huy và thăng hoa. Môi trường sống và làm việc, chính sách đãi ngộ của Nhà nước, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật, sự công nhận của công chúng... đó là những yếu tố vô cùng quan trọng, có tác động quyết định tới sự thành bại của người nghệ sĩ.
Để có tài năng trẻ, đầu tiên là nói đến vấn đề đào tạo, trong đó có hai trường chuyên ngành Đại học Sân khấu – Điện ảnh ở Hà Nội và TP.HCM. Rất may là nhiều năm nay, Bộ GDĐT cho cơ chế và không hạn chế sử dụng lực lượng giảng viên thỉnh giảng nên hai trường vẫn đủ giảng viên để giảng dạy. Các thày cô thỉnh giảng là các NSND, NSƯT đang làm việc trong các nhà hát hoặc ở các cơ sở đào tạo khác tại Hà Nội… Tuy nhiên, có một thực tế rất bất hợp lý là chế độ thù lao giờ giảng cho giảng viên thỉnh giảng lâu nay rất thấp, không tương xứng.
Nhiều năm qua, theo sự chỉ đạo của Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL, các nhà trường đào tạo văn hóa nghệ thuật đã có mấy lần cải tiến chương trình, giáo trình giảng dạy, và đã có một số đổi mới cho phù hợp hơn với tính đặc thù của ngành, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội đang nhiều thay đổi. Tuy nhiên, một số vấn đề vốn là rào cản, là bất cập của các thời kỳ trước vẫn chưa được khắc phục.
Một trong những điểm đặc thù của việc dạy và học các chuyên ngành nghệ thuật, nhất là ngành diễn viên, là cần phải có thời lượng lớn dành cho giờ học thực hành, làm bài (tập vở), trả bài. Nhưng các em vẫn phải đảm bảo học đủ các môn cơ sở như các chuyên ngành khác, theo khung chương trình được Bộ GDĐT quy định chung cho các trường đại học. Dĩ nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ, các em phải cùng nhau làm việc thêm vào các buổi tối…
Nêu một số giải pháp, GS, TS Lê Thị Hoài Phương cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục có sự điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các chính sách phù hợp dành cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, cần tính tới tính đặc thù của lĩnh vực này để giảm bớt những điều bất hợp lý, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên cũng như học sinh, sinh viên phát huy khả năng và nhiệt huyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài năng cống hiến cho xã hội.
Trách nhiệm từ phía nhà trường, để thu hút được nhiều người học, không bỏ sót các mầm non tài năng, các trường cần trở lại cách thức tuyển sinh phù hợp với đặc thù của ngành là chủ động đi đến các địa phương để tổ chức tuyển sinh; tăng cường đội ngũ giáo viên cơ hữu của nhà trường là nhiệm vụ cần thiết, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, để không bị đứt gãy thế hệ…
Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long nêu những trường hợp đã làm hồi sinh các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền
Với tham luận “Vai trò của người trẻ trong bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống nhìn từ thực tiễn”, Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long nêu 3 trường hợp liên quan đến nghệ thuật truyền thống hàng trăm năm nhưng có nguy cơ thất truyền và với sự nỗ lực sáng tạo cùng sự kiên trì, những giá trị truyền thống đã dần hồi sinh và phát huy trong đời sống tinh thần, như trường hợp của anh Nguyễn Văn Thành sinh năm 1978, là một trong những thành viên có nhiều hoạt động tích cực của rối nước làng Yên thuộc xã Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) . Anh Thành kiếm sống bằng nghề thợ xây, đồng thời kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh, rạp và bàn ghế đám cưới tại địa phương. Trường hợp này vừa là nghệ nhân, vừa là người quen lâu năm nên người viết có điều kiện quan sát hoạt động gắn với rối nước của anh trong suốt gần 20 năm qua.
Hay anh Vũ Hữu Nhung sinh năm 1975, sinh ra và lớn lên từ làng nghề Phù Lãng. Đây là làng cổ nằm bên bờ sông Cầu thuộc xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ (Bắc Ninh). Thời anh Nhung học phổ thông, nghề gốm làng anh vẫn hoạt động mạnh nên việc anh thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và quyết định đi học là trường hợp hiếm thấy ở làng lúc bấy giờ… Năm 2000, anh Nhung về làng mở một cơ sở nhỏ. Anh nghiên cứu thay sản phẩm gốm gia dụng sang sản phẩm gốm mỹ nghệ, trang trí nội thất… Năm 2001, đoạt giải Đặc biệt tại Hội thi “Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng” do Hội đồng Anh tổ chức; danh hiệu “Ngôi sao Việt Nam”, giải thưởng cao nhất của hội thi các nghề truyền thống...
Bản thân nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, người góp phần phục hồi và phát huy nghệ thuật hát Xẩm Đối với hát Xẩm. Bản thân anh có may mắn được trực tiếp tham gia vào quá trình phục hồi, đưa hát Xẩm trở lại, xin chia sẻ hành trình người viết đã trải nghiệm...
Đề xuất giải pháp tại hội thảo, nhà nghiên cứu cho rằng, cần nhìn nhận những nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ là nhóm đối tượng quan trọng, đóng góp trực tiếp trong công tác thực hành di sản, từ khía cạnh bảo tồn, phục hồi đến phát huy và sáng tạo giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống. Cần tạo điều kiện tốt nhất cho những người trẻ có trình độ, có thực tiễn, đam mê sáng tạo cải tiến những phương thức cũ và sáng tạo những giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ về kinh phí, điều kiện tốt nhất để người trẻ có thể thực hành di sản.
Đối với những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống thuộc khu vực các tổ chức, đơn vị, đoàn nghệ thuật nhà nước, cần có sự quan tâm ưu đãi về chế độ chính sách, về nơi ở và môi trường biểu diễn để họ yên tâm gắn bó với nghề. Đối với những người trẻ hoạt động tự do tại các tổ chức phi chính phủ, tại các làng nghề, nhóm nghề truyền thống có năng lực và tâm huyết cần tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát huy năng lực và đam mê cống hiến cho xã hội…
NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Ths, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, công tác phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay có nhiều điểm tích cực, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật, trung tâm văn hóa thường xuyên tổ chức các cuộc thi, lễ hội để phát hiện tài năng trẻ, từ đó tìm kiếm những nhân tố xuất sắc. Sự chú trọng đến từ cộng đồng, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật và cá nhân cũng tích cực tổ chức các hoạt động nhằm phát hiện tài năng trong cộng đồng... Tuy nhiên, họ phải đối mặt với thách thức và cơ hội. Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng tài năng trẻ cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao trong ngành công nghiệp nghệ thuật. Tìm kiếm nguồn lực, việc tìm kiếm nguồn tài trợ và sự hỗ trợ từ các tổ chức có thể gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của sự nghiệp…
Kiến nghị và đề xuất giải pháp tạo nguồn nhân lực trẻ trong văn hóa nghệ thuật, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, cần thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ trong văn hóa nghệ thuật để cung cấp, tài trợ cho học bổng, dự án nghệ thuật và các hoạt động phát triển nghề nghiệp. Chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào những dự án văn hóa nghệ thuật liên quan đến tài năng trẻ. Thành lập quỹ tài chính để hỗ trợ các tài năng trẻ trong việc học tập, nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật. Tài trợ dự án nghệ thuật, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghệ thuật do nghệ sĩ trẻ khởi xướng, giúp họ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo.
Về phương pháp: đào tạo thực hành, chương trình thực tập tạo điều kiện cho sinh viên nghệ thuật tham gia các chương trình thực tập tại những tổ chức nghệ thuật, giúp họ có trải nghiệm thực tế. Khuyến khích các dự án hợp tác giữa sinh viên và nghệ sĩ có kinh nghiệm, giúp họ học hỏi và phát triển kỹ năng. Đổi mới giáo trình, nội dung đào tạo để phù hợp với xu hướng nghệ thuật hiện đại, từ đó giúp sinh viên tiếp cận với các kỹ thuật và công nghệ mới.
Hợp tác với các tổ chức nghệ thuật tạo cơ hội thực tập tại các nhà hát, hoặc các tổ chức nghệ thuật, giúp người trẻ có trải nghiệm thực tế. Tổ chức các khóa học ngắn hạn, để bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức cho tài năng trẻ, từ kỹ thuật nghệ thuật đến quản lý dự án...
Nghệ sĩ chèo Đinh Thị Thảo, Câu lạc bộ Chèo 48h chia sẻ những bất cập đối với tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, nghệ thuật dân gian
Chia sẻ về hoạt động thực tiễn, nghệ sĩ chèo Đinh Thị Thảo, Câu lạc bộ Chèo 48h cho biết, cô cũng là một tài năng trẻ học tập tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2010. Nhằm tìm hiểu và phát huy văn hóa truyền thống, năm 2014, cô đã thành lập câu lạc bộ cộng đồng, hoạt động đến nay đã được 10 năm. Đó là nơi tổ chức lớp học cho những người không chuyên, nhưng quan tâm đến văn hóa nghệ thuật truyền thống. Để hoạt động, câu lạc bộ đã mời các thầy cô hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp đến giảng dạy như Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam… “Quá trình hoạt động tại câu lạc bộ tôi nhận thấy, các tài năng trẻ ở cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống có rất nhiều, nhưng chưa được phát hiện và phát triển” – nghệ sĩ Đinh Thị Thảo chia sẻ.
Theo nghệ sĩ Đinh Thị Thảo, một trong những bất cập hiện nay là chưa có cơ chế, chính sách đầu tư hay truyền thông cho các tài năng trẻ, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa truyền thống, nghệ thuật dân gian… Trong khi các bộ môn về văn hóa truyền thống là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản đang được chú trọng quan tâm, thì cần có cách truyền thông sáng tạo hơn, cũng như cần có sự can thiệp, phối hợp của các cấp, các ngành trong việc truyền thông cho những tài năng trẻ lĩnh vực văn hóa truyền thống.
Vũ Đức Hiếu, diễn viên múa ba lê Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam mong muốn có những chính sách để các tài năng trẻ được phát huy tài năng nghệ thuật
Tài năng trẻ Vũ Đức Hiếu, diễn viên múa ba lê Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chia sẻ, hiện có một hiện trạng đang diễn ra, đó là rất nhiều đơn vị nghệ thuật múa, hợp đồng của nghệ sĩ trẻ bị cắt, vì cơ chế đang thay đổi, trong khi mặt bằng của nhà hát không được kinh doanh, nên không có nguồn tiền để giữ chân các tài năng trẻ. “Hiện tại có một thế hệ vàng lứa tuổi chúng tôi về lĩnh vực múa ba lê có 6 bạn, các bạn đã bỏ nghề gần hết, tôi không biết lý giải vì sao… Đặc biệt, đối với múa ba lê, để đào tạo ra một lứa nghệ sĩ tốn rất nhiều thời gian, mất 6 đến 7 năm. Nhưng chỉ trong vòng 1 năm, các bạn đã cảm thấy không có chỗ làm nghề, không có chỗ duy trì việc tập luyện. Chính vì thế, các bạn phải đi tìm các cơ quan khác để làm việc phục vụ cuộc sống…”.
Tôi may mắn hơn các bạn của tôi khi còn được làm việc tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Những nghệ sĩ tài năng trẻ chúng tôi rất mong muốn, nhà nước có một cơ chế nào đó để chúng tôi sau khi ra trường, đến với các nhà hát, có cơ hội phát huy tài năng, góp công sức vào sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.
PGS, TS Vũ Ngọc Thanh trình bày tham luận "Một số đặc điểm sáng tạo và gợi mở với các nhà làm phim trẻ"
Nhà văn Bùi Việt Thắng trình bày tham luận "Văn trẻ- tiềm năng, phát triển nhìn từ văn hóa"
Nhà văn Thiên Sơn (Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật) trình bày tham luận "Áp lực đối với người trẻ"
TS Hồ Trọng Minh (Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) phát biểu ý kiến
TS Trần Đoàn Lâm trình bày tham luận "Đào tạo và truyền dạy đối với nghệ thuật truyền thống"
Nhà báo Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trình bày tham luận "Tình yêu di sản của cộng đồng trẻ qua câu chuyện phục hưng áo dài ngũ thân truyền thống"
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà cho biết, 16 ý kiến trình bày, trao đổi sôi nổi tại hội thảo đã đánh giá một cách toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hiện nay. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của các tài năng trẻ, nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là gắn với phát triển công nghiệp văn hóa.
Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà phát biểu tổng kết Hội thảo
Các ý kiến nhấn mạnh đến việc xây dựng môi trường văn hóa, nguồn nuôi dưỡng tài năng trẻ với việc tháo gỡ những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc trong chế độ chính sách, đồng thời, cũng mong muốn các tài năng trẻ, nghệ sĩ trẻ cần phải có ý thức, tự bồi dưỡng, trau dồi, hoàn thiện bản thân, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh: Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp ý kiến, tham luận của các đại biểu để báo cáo Bộ VHTTDL, qua đó góp phần đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, phát triển hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH