Đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Đấu tranh với những biểu hiện đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Một trong những biện pháp hữu ích vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược cơ bản lâu dài là đấu tranh với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm giảm sút uy tín, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…”. Suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống là sự phai nhạt lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoài nghi, bi quan, dao động, đánh mất niềm tin vào cuộc sống; Sa sút, xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt đẹp của dân tộc… Đó là những biểu hiện của đức tính kiêu ngạo, không tôn trọng mọi người, giao tiếp, ứng xử không có văn hóa, ăn chơi, sống xa hoa đối lập với cuộc sống của những cán bộ, đảng viên công chức nhà nước. Từ suy thoái về mặt này dẫn đến sự suy thoái mặt khác, làm hư hỏng, biến chất cán bộ, đảng viên và làm hỏng mọi việc của cá nhân và tổ chức.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình thay đổi nhận thức bên trong của mỗi một con người từ đúng thành sai, tốt thành xấu, tích cực thành tiêu cực, từ đó, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, công khai đòi xét lại những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Giữa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” có mối liên hệ với nhau. Xét về cấp độ phạm vi, thì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên là những hạn chế yếu kém nảy sinh từ bên trong, còn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù lợi dụng là yếu tố từ bên ngoài. Xét về hệ quả, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là cơ sở nảy sinh quan điểm sai trái, dẫn đến hành động lệch lạc làm ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng. Các thế lực thù địch lợi dụng những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống làm lực lượng cốt cán bên trong để thực hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để đất nước ta tự suy yếu và tự sụp đổ… Đây là kịch bản mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã đẩy mạnh âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, chống phá cách mạng nước ta nói riêng hòng làm chuyển hóa chế độ chính trị của ta. Tính chất nguy hiểm nhất là chúng khai thác những mầm mống từ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng và tiêu cực từ bên trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Về phương thức, chúng sẵn sàng mua chuộc, lôi kéo, hậu thuẫn, giúp đỡ những cán bộ, đảng viên đã bị thoái hóa, biến chất để họ kích động quần chúng, hình thành “phe”, “nhóm” đối lập, tạo dựng “ngọn cờ”, gây sức ép từng bước buộc ta nhượng bộ, mà thúc đẩy “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.

 “Tự chuyển hóa” phản ánh sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến” nhưng ở cấp độ cao hơn, đó là sự chuyển hóa được bản chất chính trị của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, trở thành thù địch, đối lập với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. “Tự diễn biến” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là quá trình diễn ra sự biến đổi, suy thoái từ bên trong của một bộ phận cán bộ, đảng viên cả về ý thức và hành động trên các lĩnh vực đời sống xã hội trước những tác động “diễn biến hòa bình” từ các thế lực thù địch. Nó có căn nguyên sâu xa từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng coi nhẹ, xa rời, từ bỏ bản chất cách mạng, khoa học và các giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, mục tiêu lý tưởng chiến đấu của Đảng, những chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, chân chính. Hệ quả dẫn đến từng bước chuyển sang lập trường giai cấp tư sản và “tự chuyển hóa” - biến chất, đứng về phía thế lực thù địch chống lại sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Đảng ta khởi xướng.

Việc làm rõ hệ quả suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên với âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chỉ ra tính chất và mức độ nguy hiểm của tình trạng này. Nếu một cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống được phát hiện kịp thời, có biện pháp giáo dục đồng bộ và hiệu quả thì chúng ta vẫn còn cơ hội giúp họ sửa chữa sai lầm khuyết điểm. Nếu bộ phận này để kẻ thù lợi dụng thực hiện mưu đồ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chế độ ta từ bên trong thì họ sẽ không còn trong đội ngũ của Đảng nên cần phải khai trừ ra khỏi Đảng. Theo đó, để phòng, chống có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cán bộ, đảng viên cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau.

Một là, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên

Giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thông qua giáo dục chính trị, tư tưởng sẽ làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ những việc gì cần làm và việc gì không nên làm. Nội dung giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên cần tập trung giáo dục bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thuận lợi, khó khăn, thách thức của thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động... Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những nội dung trên được thực hiện qua nhiều con đường, hình thức khác nhau, nhưng chủ yếu thông qua: việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; giao nhiệm vụ đột xuất cho cán bộ, đảng viên; thông qua học tập chuyên đề hằng năm cũng như hoạt động thực tiễn giải quyết các mối quan hệ trong công tác, cuộc sống; và sự đánh giá của đồng chí, đồng đội xung quanh, của cấp trên và quần chúng nhân dân.

Hai là, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, chống chủ nghĩa cá nhân

Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa rất quan trọng, giúp họ tránh xa những cám dỗ về lợi ích vật chất của tiền tài, địa vị, danh vọng, luôn giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, tận tâm, tận lực với công việc, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, sống chan hòa, đoàn kết, được mọi người kính trọng, nể phục. Dù ở cương vị công tác nào, mỗi cán bộ, đảng viên cũng không đ­ ược bằng lòng với chính mình về trình độ năng lực, đạo đức và phong cách công tác, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (1). Nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần g­ ương mẫu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống ở mọi lúc, mọi nơi, tránh xa những cám dỗ vật chất; tự đấu tranh với chính mình, thực hiện đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, không sa ngã, tích cực đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; phát huy vai trò của các tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng trong giám sát hoạt động về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Ba là, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt

Tự phê bình và phê bình giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng kịp thời nhận ra những sai lầm, khuyết điểm của mình, từ đó kiên quyết khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm trong công việc, cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt” (2), “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình” (3). Theo đó, người chủ trì sinh hoạt nắm chắc nguyên tắc sinh hoạt đảng, công tâm, khách quan trong nhận xét, đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng viên, tuyệt nhiên không lồng ghép ý kiến cá nhân chủ quan, phe cánh, cục bộ địa phương để mạt sát, chì chiết đồng chí, đồng đội, cấp dưới thuộc quyền quản lý của mình. Trong quá trình sinh hoạt tự phê bình và phê bình, phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ hiện nay.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng

Thông qua kiểm tra, giám sát, nhằm quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi để phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm tư cách, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những người cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng. Thực hiện tốt ba khâu là quản lý, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng phải được tiến hành đồng bộ, đúng quy trình thì mới đạt hiệu quả. Tiến hành kiểm tra, giám sát toàn diện cả tư tưởng chính trị, phẩm chất năng lực công tác, đạo đức, lối sống, kết quả hoàn thành cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao... Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tổ chức chuyên trách trong tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là phải nâng cao vai trò, phát huy khả năng của cơ quan, Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy đảng các cấp, tổ chức đảng, quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, những tổ chức đảng yếu kém để làm cho Đảng thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Năm là, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, sử dụng cán bộ

Làm tốt công tác cán bộ sẽ trực tiếp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác cán bộ chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định thành công tới toàn bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; làm tốt công tác cán bộ, Đảng sẽ có đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thực tiễn cho thấy, chỗ nào, nơi nào làm tốt công tác cán bộ thì chỗ đó, nơi đó cách mạng có nhiều thuận lợi, giành được thắng lợi và ngược lại. Cần chú trọng khâu bồi dưỡng cán bộ, sử dụng và đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, sử dụng đúng người, đúng việc. Các cơ quan chức năng cần rà soát, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ sát với mỗi chức danh để làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ. Phân cấp, quy định rõ thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ. Những người không đủ phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, mất đoàn kết, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, tùy mức độ, tính chất vi phạm đưa ra hình thức xử lý cho phù hợp.

Thực hiện tốt những nội dung, biện pháp cơ bản nêu trên có ý nghĩa thiết thực, cụ thể để răn đe ngăn chặn và cảnh báo đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Uy tín, niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng, đó là nguồn gốc, động lực, sức mạnh to lớn để Đảng quy tụ khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy lùi những nguy cơ, thách thức, chướng ngại cản trở con đường phát triển đi lên của dân tộc, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

________________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.612.

2, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.279, 302.

Tác giả: Lưu Ngọc Công

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;