Vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn lễ hội

Qua nghiên cứu lễ hội Kuroshima Tenryo, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, chúng tôi mong muốn tìm hiểu và khẳng định vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức và bảo tồn lễ hội truyền thống. Trước nhiều khó khăn và thách thức trong đời sống hiện nay, chính quyền cùng với cộng đồng địa phương đã có những giải pháp để giải quyết những khó khăn này, từ việc thiếu hụt nguồn nhân lực để tổ chức lễ hội cho đến nguồn kinh phí tổ chức lễ hội; bên cạnh đó là việc nâng cao ý thức của cộng đồng. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản và trao quyền cho cộng đồng để họ trở thành những người chủ quản lý di sản của chính mình là một trong những cách thức để bảo tồn di sản văn hóa trong xã hội hiện nay.

 

Trên thế giới, việc nghiên cứu về vai trò của cộng đồng đối với di sản văn hóa đang trở thành xu hướng nghiên cứu trong những năm gần đây. Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO năm 2003 ghi nhận rằng, quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu xã hội tạo điều kiện và cơ hội đối thoại mới giữa các cộng đồng, mặt khác cũng làm nảy sinh những đe dọa về sự suy thoái, biến mất và hủy hoại các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là việc thiếu nguồn lực dành cho việc bảo vệ loại hình di sản này. Ở Việt Nam hiện nay, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã được giới nghiên cứu quan tâm và tiếp cận dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Xu hướng nghiên cứu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn liền với vai trò của cộng đồng đối với di sản đã góp phần giúp cho các cơ quan quản lý có được cái nhìn sâu sắc, đa dạng hơn trước những vấn đề mà các nghiên cứu nêu ra đối với di sản văn hóa hiện nay, từ đó có những chính sách, giải pháp để điều chỉnh công tác quản lý cho phù hợp.

Đôi nét về lễ hội Kuroshima Tenryo

Lễ hội Kuroshima Tenryo là lễ hội tiêu biểu của thị trấn Monzen, quận Kuroshima. Trong lịch sử, nơi đây phát triển với ngành vận tải đường biển; Kitamaebune (1) là tuyến vận chuyển hàng hóa chủ yếu qua Nhật Bản từ cuối thời Edo (1603 - 1868) cho đến thời Meiji (1868 - 1912). Đến thời Meiji, ngành vận tải biển không còn duy trì được sự thịnh vượng, do rủi ro từ nạn cướp biển và những trận bão biển đã làm đắm nhiều tàu chở hàng. Người dân nơi đây tìm đến những công việc mới trên thành phố, đa số mang theo cả gia đình. Thị trấn Monzen hiện nay chỉ còn lại toàn người cao tuổi, sống trong những căn nhà truyền thống được xây dựng từ thời Edo. Nơi đây từng hứng chịu một trận động đất mạnh 6,9 độ richter năm 2007, một phần ba trong số 286 ngôi nhà truyền thống đã bị phá hủy. Phần lớn những ngôi nhà hiện nay tại thị trấn được xây dựng dưới thời Meiji. Để bảo tồn những ngôi nhà truyền thống, người dân địa phương cùng chính quyền và các chính trị gia đã cùng nhau thực hiện dự án bảo tồn. Năm 2009, quận Kuroshima được chọn là Khu bảo tồn quan trọng nằm trong nhóm các công trình lịch sử ở Nhật Bản (2).

Lễ hội Kuroshima Tenryo là dịp để cộng đồng địa phương thể hiện niềm tin tôn giáo của mình. Họ tôn thờ các vị thần đạo Shinto, một trong những tín ngưỡng lâu đời và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân Nhật Bản nói chung và người dân quận Kuroshima nói riêng. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 17 và 18 - 8 hằng năm. Ở Nhật Bản, trong lễ hội cộng đồng địa phương, thường tổ chức rước Mikoshi (là kiệu rước để cho các vị thần ngồi) và Daishi (mô phỏng theo ngọn núi thiêng, nơi trú ngụ các vị thần). Việc tổ chức cho sinh viên các trường đại học trong thành phố và cả sinh viên người nước ngoài tham gia vào lễ hội được xem là một trong những điểm mới, đóng góp vào thành công của lễ hội Kuroshima Tenryo. Thông qua lễ hội, những người trẻ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và văn hóa truyền thống của vùng đất cũng như con người nơi đây. Khi những chiếc Mikoshi Tsukurimono được rước ngang qua nhà của người dân địa phương, chủ nhà và thành viên trong gia đình chuẩn bị lễ vật để dâng lên các vị thần. Đại diện Ban tổ chức gửi đến chủ nhà những lời chúc tốt đẹp, sau đó nhận từ chủ nhà lễ vật, thường là rượu, hoa, hoặc tiền, để dâng lên các vị thần và ủng hộ đoàn rước. Những lễ vật này như một lời cảm ơn gửi đến các vị thần đã giúp đỡ cho cuộc sống của họ trong năm vừa qua và hy vọng, các vị thần sẽ vẫn luôn ở bên, giúp đỡ họ trong thời gian tới.

 

Lễ hội Kuroshima thu hút sự tham gia của đông đảo người dân

 

Thời gian đoàn rước qua những con đường nhỏ quanh thị trấn kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ. Đến khoảng 17 giờ, sau khi cả đoàn diễu hành đã đi qua từng nhà trong thị trấn, chiếc Mikoshi sẽ được di chuyển đến một ngôi đền thờ cạnh bờ biển. Ở bãi biển, cộng đồng địa phương cho dựng tạm thời một ngôi đền và một chiếc cổng Torri rồi dỡ bỏ sau khi kết thúc lễ hội. Trong thời gian lễ hội, ở đây diễn ra những hoạt động và một số nghi thức tế lễ ở đền thờ. Sau khi kết thúc lễ hội, cộng đồng địa phương sẽ trở về nhà để tổ chức bữa tiệc cùng với người thân và gia đình. Lễ hội được tiếp tục diễn ra vào sáng hôm sau vẫn bằng việc rước chiếc MikoshiTsukurimono đi qua các nhà trong thị trấn, lễ rước lần này mang ý nghĩa để những người chủ nhà nói cảm ơn và chào tạm biệt các vị thần. Cuộc diễu hành được kéo dài đến khoảng 15 giờ, sau khi thần chủ và những người trong ban tế lễ hoàn thành các nghi thức tại ngôi đền thờ dựng tạm cạnh bờ biển.

Vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn lễ hội Kuroshima Tenryo

Những khó khăn trong việc tổ chức lễ hội Kuroshima Tenryo từ nhiều năm qua là sự thiếu hụt về con người, đặc biệt là tầng lớp trẻ, cho các hoạt động của lễ hội. Do hiện nay, đa số thành viên các gia đình sinh sống trong thị trấn là người cao tuổi. Người trẻ đi làm việc ở các nơi khác hoặc các thành phố lớn, vì bận rộn với công việc nên họ chỉ có thể trở về vào những ngày diễn ra lễ hội. Hầu hết mọi công việc cần chuẩn bị trước khi diễn ra lễ hội, như đi vận động ủng hộ kinh phí từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, liên hệ với chính quyền thành phố để đến các trường đại học vận động sinh viên tình nguyện, cùng các công việc liên quan khác... đều do người cao tuổi trong thị trấn đảm nhiệm. Trước khi diễn ra lễ hội, các gia đình trong thị trấn sẽ dành thời gian để dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua sắm lễ vật dâng lên các vị thần. Lễ hội nơi đây chính là một dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, những người đi làm ăn xa sẽ trở về trước hoặc trong ngày diễn ra lễ hội. Đối với cộng đồng người dân địa phương, việc tổ chức lễ hội không chỉ với mục đích tôn vinh các vị thần tự nhiên, đề cao tín ngưỡng bản địa, mà còn là dịp thắt chặt thêm tình cảm và mối quan hệ gia đình.

Do những người trẻ phần lớn đều đi làm việc ở xa nên dẫn đến tình trạng nguồn lao động làm việc tại địa phương bị thiếu hụt nghiêm trọng, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động khi diễn ra lễ hội. Cộng đồng địa phương cùng với chính quyền thành phố đã huy động những nguồn nhân lực từ bên ngoài. Việc sinh viên, đặc biệt là sinh viên nước ngoài, tìm hiểu và tham gia vào lễ hội Kuroshima Tenryo không chỉ giúp giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của địa phương, mà đó còn là cách để quảng bá và lưu truyền lại những giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.

Kinh phí tổ chức lễ hội cũng là một trong những vấn đề được chính quyền và cộng đồng địa phương quan tâm. Chính quyền thành phố đã có những chủ trương và chính sách nhằm hỗ trợ cho công tác tổ chức lễ hội bằng nguồn ngân sách của địa phương. Cùng với đó là tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ chính quyền quận Kuroshima trong việc đáp ứng nguồn nhân lực cho tổ chức, thông qua việc kêu gọi sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học trong thành phố tham gia vào lễ hội của địa phương. Các trường đại học, ngoài việc khuyến khích sinh viên tham gia lễ hội, còn hỗ trợ bằng cách cung cấp phương tiện để đưa đón sinh viên từ trường đến địa phương trong thời gian họ tham gia các hoạt động trước và sau khi kết thúc lễ hội. Chính quyền địa phương sẽ dựa trên số lượng người đăng ký tham gia để chuẩn bị trang phục, thực phẩm và nước uống trong suốt 2 ngày diễn ra lễ hội.

Một phần nguồn kinh phí để tổ chức lễ hội do chính quyền thành phố hỗ trợ, bên cạnh nguồn tài trợ đến từ các công ty đang hoạt động trong và ngoài địa phương thông qua nhiều hình thức khác nhau. Phần chủ yếu đến từ sự đóng góp và ủng hộ của cộng đồng người dân địa phương. Có thể nói, sự thành công trong việc bảo tồn lễ hội Kuroshima Tenryo trước nhiều khó khăn phần lớn là nhờ ý thức trách nhiệm của cộng đồng địa phương với di sản văn hóa. Điều này không chỉ giải quyết bài toán về kinh phí cho hoạt động tổ chức lễ hội, mà nó còn giúp cho việc bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của cộng đồng nơi đây đến các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và du khách nước ngoài.

Bảo tồn lễ hội truyền thống ở Việt Nam - nhìn từ lễ hội Kuroshima Tenryo

Về nguồn kinh phí cho tổ chức lễ hội

Việt Nam là một nước có bề dày truyền thống lịch sử và đa dạng về văn hóa, hằng năm có nhiều lễ hội được tổ chức. Bên cạnh thành công mà một số lễ hội đã và đang bảo tồn được cho đến nay, còn rất nhiều lễ hội địa phương đang gặp phải khó khăn lớn nhất là không có kinh phí để tổ chức. Vì vậy, việc vận động cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho tổ chức lễ hội là rất cần thiết. Ở một số địa phương, cộng đồng cư dân đã tự nguyện ủng hộ kinh phí và cùng tham gia vào lễ hội để làm nên thành công của lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí từ các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn hay từ các nhà hảo tâm cũng đóng góp một phần không nhỏ để giải quyết bài toán về kinh phí tổ chức hiện nay.

Về nguồn nhân lực

Thành phần tham gia lễ hội hiện nay cũng không còn bó hẹp trong cộng đồng địa phương, mà có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, khách du lịch, những người yêu quý di sản. Đây sẽ là nguồn nhân lực mới, cùng với cộng đồng địa phương, có thể tham gia vào các hoạt động khác nhau của lễ hội, dưới sự phân công, hướng dẫn của Ban tổ chức. Tuy nhiên, việc đa dạng và mở rộng thành phần tham gia lễ hội cần phải được tổ chức và quản lý tốt, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự trong lễ hội.

Về giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng

Hiện nay, bên cạnh việc giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản văn hóa, việc giáo dục tuyên truyền cho thế hệ trẻ về giá trị của di sản văn hóa cũng cần được chú trọng hơn. Việc tổ chức lễ hội không chỉ nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống, phong tục tập quán của địa phương mà còn giúp thế hệ trẻ có những trải nghiệm và hiểu biết hơn về di sản văn hóa. Trong không ít lễ hội hiện nay, một số nghi lễ và trò chơi dân gian đang bị mai một, biến tướng do nhận thức về các giá trị văn hóa của người tham gia không đầy đủ. Thực trạng này cần phải được quan tâm và giải quyết rốt ráo từ cơ quan quản lý, chính quyền các cấp cùng với sự tư vấn của các nhà khoa học. Lễ hội cần được diễn theo cách thực sự tôn trọng truyền thống, không chỉ đáp ứng nhu cầu về tâm linh, phục vụ đời sống văn hóa của cộng đồng hiện tại mà còn để gắn kết cộng đồng và nhân lên tình yêu của cộng đồng đối với di sản văn hóa.

_______________

1. Kitamaebune Ship Museum (Bảo tàng tàu thuyền Kitamaebune), nguồn: www.hotishikawa.jp/english/kanko (truy cập ngày 2-7- 2019).

2. List of Important Preservation Districts for Groups of Traditional Buildings (Danh sách các quận quan trọng có nhóm tòa nhà truyền thống cần được bảo tồn), nguồn: www.bunka.go.jp/english (truy cập ngày 2-7-2019).

Tài liệu tham khảo

1. Cục Di sản Văn hóa, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Nxb Thế giới, 2007, tr.82-100.

2. Lâm Thị Mỹ Dung, Tài nguyên văn hóa - nguồn tài nguyên không vô tận, không tái tạo (Một vài suy nghĩ về quản lý/phát huy giá trị tài nguyên Chămpa ở Khánh Hòa), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển du lịch, Nxb Chính trị quốc gia, 2015, tr.148-162.

3. Guido Cimadomo, Community participation for heritage conservation (Sự tham gia của cộng đồng để bảo tồn di sản), Sustainability in heritage protected areas, p 88-95, 2015.

4. Nguyễn Quốc Hùng, Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, Nxb Thế giới, 2005, tr.79-97.

5. Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia, 2009.

6. Lê Hồng Lý, Truyền dạy các tri thức văn hóa dân gian qua lễ hội, Nxb Thế giới, 2005, tr.126-136.

7. Quang Minh, Nguyễn Thu Trang, Vai trò của cộng đồng nhìn từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 4, 2012, tr.18-23.

8. Trần Đức Nguyên, Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích lịch sử văn hóa qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 6 -2013, tr.55-61.

9. Phạm Hồng Tung, Cộng đồng: Khái niệm, cách tiếp cận và phân loại trong nghiên cứu, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số 12-2009, tr.21-29.

10. Nguyễn Hữu Toàn, Cư dân làng xã với vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, Nxb Thế giới, 2005, tr.63-70.

11. Petronela Spiridon và Ion Sandu, Conservation of cultural heritage from participation to collaboration (Bảo tồn di sản văn hóa từ tham gia đến hợp tác), ENCATC journal of cultural management and policy, Volume 5, Issue 1, 2012, pp.43-52.

12. Sara S.Fouad, Omneya Messallam, Investigating the Role of Community in Heritage Conservation through the Ladder of Citizen Participation Approach: Case study: Port Said, Egypt, (Nghiên cứu điều tra về vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản thông qua phương pháp tiếp cận tham gia của công dân, nghiên cứu trường hợp ở Port Said, Ai Cập), International Journal of Architectural and Environmental Engineering, Vol. 12, No.11, 2018.

 

Tác giả: Đoàn Văn Luân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019

 

;