Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế cộng đồng tại Đồng Nai

Bài viết phác thảo về vấn đề của việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch sinh thái tại tỉnh Đồng Nai, với mục tiêu kết hợp phát triển du lịch và tạo ra sinh kế cho cộng đồng địa phương. Phân tích tình hình hiện tại ngành Du lịch sinh thái tại tỉnh Đồng Nai, bao gồm những thành tựu, thách thức và tiềm năng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp cụ thể để cải thiện hoặc mở rộng các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo nguồn nhân lực trong du lịch sinh thái.

Học sinh lắng nghe hướng dẫn kỹ năng đi rừng từ lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - Ảnh: baodongnai.com.vn

1. Du lịch sinh thái và đào tạo nguồn nhân lực trong việc phát triển ngành Du lịch và sinh kế cộng đồng

Du lịch là ngành công nghiệp không khói, là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của nhiều vùng lãnh thổ, nhiều khu vực, nhiều quốc gia và nhiều địa phương. Du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, tạo thành một tổng thể rất phức tạp vừa mang đặc điểm của ngành kinh tế, vừa có đặc điểm của ngành văn hóa - xã hội. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan như các dịch vụ vận tải, nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch... Du lịch không chỉ là cơ hội kinh doanh, mà còn là cơ hội để giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết và tạo ra những kết nối giữa các cộng đồng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ngành Du lịch cũng đối mặt với những thách thức, đặc biệt là về bảo vệ môi trường và di sản văn hóa. Quản lý du lịch bền vững là một yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển du lịch không gây tổn hại đến môi trường và văn hóa địa phương. Với vai trò đa chiều của mình, ngành Du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của các khu vực và quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời tạo ra những trải nghiệm vô giá cho du khách có cơ hội hòa nhập với cộng đồng địa phương.

Theo Luật Du lịch (2017): “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”. Và “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của du khách. Sản phẩm du lịch là hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho du khách trên cơ sở khai thác các tiềm năng của nơi đến nhằm đáp ứng cho du khách khoảng thời gian thú vị, một trải nghiệm du lịch trọn vẹn và sự hài lòng. Dựa trên những lợi thế về vị trí địa lý, các tiềm năng phát triển của địa phương nhằm phát triển các hoạt động du lịch như: du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử, làng nghề, lễ hội - sự kiện, tìm hiểu nền văn hóa các dân tộc ít người; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; du lịch nghiên cứu khoa học; điều dưỡng chữa bệnh”…

Du lịch sinh thái có những tác động tích cực sâu rộng đối với cộng đồng địa phương, kinh tế, môi trường và văn hóa, biến nó trở thành một công cụ mạnh mẽ cho việc bảo tồn và phát triển khi được quản lý một cách bền vững. Những tác động này bao gồm lợi ích tài chính, các phương pháp bền vững, sự định quyền của cộng đồng và bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa. Hoạt động du lịch sinh thái không chỉ mang lại thu nhập cho người dân và tạo ra cơ hội việc làm, mà còn góp phần tăng thêm giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ địa phương thông qua việc phát triển các tour du lịch mang tính cộng đồng và bảo tồn môi trường. Đồng thời, việc thu hút du khách đến các điểm du lịch cũng giúp quảng bá hình ảnh và văn hóa trên bản đồ du lịch quốc tế.

Nguồn lực con người là tổng thể những tiềm năng, của mỗi cá nhân và cộng đồng đã, đang và sẽ tạo ra sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực phải phù hợp với nhu cầu phát triển, xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu của công việc, yêu cầu nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực, mang lại những kết quả mong muốn. Nguồn lực này bao gồm cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, việc đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực là nhu cầu quan trọng nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ, tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Việc đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực trong ngành Du lịch sinh thái và sinh kế cộng đồng mang lại nhiều lợi ích to lớn. Trước hết, việc cung cấp đào tạo chuyên môn và kỹ năng cho nhân viên giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó tạo ra trải nghiệm du lịch tốt hơn cho du khách và thu hút thêm khách du lịch. Đồng thời, những người được đào tạo cũng sẽ hiểu rõ về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Việc tạo ra cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và tăng cường nhận thức văn hóa cũng là những lợi ích rất quan trọng. Hơn nữa, đào tạo nguồn nhân lực cũng góp phần tăng cường an ninh và an toàn du lịch, thúc đẩy hòa bình và tương tác xã hội, từ đó tạo ra một môi trường du lịch an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường và cộng đồng địa phương. Như vậy, việc đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là một đầu tư kinh tế mà còn là một đầu tư vào sự phát triển toàn diện và bền vững của ngành Du lịch và cộng đồng địa phương.

2. Tiềm năng du lịch sinh thái và sinh kế cộng đồng tại Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai nằm ở vị trí chiến lược, là điểm giao thoa của hoạt động kinh tế, thương mại và an ninh ở vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị trí đắc địa này, tỉnh có điều kiện thuận lợi cho việc giao thương trong và ngoài nước qua các tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Sự gần kề với TP.HCM, trung tâm phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng việc giáp ranh với Bà Rịa - Vũng Tàu - trung tâm du lịch biển và khu vực khai thác dầu khí trên biển, tạo ra tiềm năng lớn cho sự phát triển đa chiều của Đồng Nai.

Vị trí địa lý không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế mà còn là cơ hội để khám phá và khai thác tiềm năng du lịch nhân văn và du lịch thiên nhiên. Tính đến cuối tháng 3-2022, Đồng Nai có 65 di tích được xếp hạng, trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh (1). Các di tích quốc gia tiêu biểu, bao gồm: Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Tri Phương, căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962), căn cứ khu ủy miền Đông Nam Bộ, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh... Những di tích này không chỉ là những bảo tàng lịch sử sống động mà còn là những minh chứng cho sự phát triển lịch sử và văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch nhân văn như du lịch lễ hội truyền thống, du lịch làng nghề, du lịch thăm làng dân tộc… Các làng nghề như làng gốm sứ, làng đá mỹ nghệ Bửu Long, làng dệt thổ cẩm dân tộc S’tiêng, Châu Mạ... đều là những điểm đến độc đáo, thu hút du khách.

Tại tỉnh Đồng Nai, du lịch sinh thái và sinh kế cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương và cung cấp cơ hội việc làm cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương. Với những nỗ lực bảo tồn môi trường và phát triển bền vững, Đồng Nai không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du lịch sinh thái mà còn là đơn vị điển hình cho các khu vực khác về việc kết hợp giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Sự hợp tác từ cộng đồng địa phương là chìa khóa quan trọng để thành công trong phát triển du lịch sinh thái. Sự hòa nhập và sự chia sẻ văn hóa từ cộng đồng địa phương tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và ý nghĩa. Tiềm năng du lịch sinh thái của Đồng Nai không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là cơ hội để khám phá và trải nghiệm những giá trị văn hóa và thiên nhiên độc đáo của vùng đất này. Hiện tại, khách tham quan du lịch tập trung ở một số điểm du lịch như: Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch Sơn Tiên, điểm du lịch Bò Cạp Vàng, điểm du lịch sinh thái tại xã Long Tân - huyện Nhơn Trạch, Vườn Quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan - chùa Gia Lào, suối Mơ, thác Giang Điền, Văn miếu Trấn Biên, Khu Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai...

Hoạt động du lịch sinh thái và sinh kế cộng đồng tại tỉnh Đồng Nai đang được mở rộng và phát triển, đặc biệt là qua việc kết hợp với các làng nghề truyền thống như làng nghề làm đèn lồng, các dự án bảo tồn và phục hồi môi trường, các chương trình giáo dục về bảo tồn môi trường và văn hóa dân tộc địa phương. Những hoạt động này không chỉ giúp du khách trải nghiệm, bảo tồn rừng, làm sạch nguồn nước, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn hướng đến mục tiêu tái tạo và duy trì cân bằng sinh thái và hiểu sâu hơn về nền văn hóa địa phương, tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng dân cư trong khu vực. Qua việc tạo ra sự nhận thức và hiểu biết sâu hơn về giá trị của môi trường và văn hóa, cộng đồng có thể tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ và phát triển bền vững cho khu vực của mình.

3. Nguồn nhân lực trong du lịch sinh thái và sinh kế cộng đồng tại Đồng Nai

Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa tại tỉnh Đồng Nai tạo ra nhu cầu du lịch ngày càng tăng, từ cả cộng đồng địa phương và du khách từ các khu vực lân cận. Trong du lịch sinh thái, tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách, cả trong và ngoài nước như Công viên Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên và sinh quyển Nam Cát Tiên, các khu rừng nguyên sinh và các khu du lịch sinh thái khác như thác, hồ... với các hoạt động như du lịch tham quan, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái rừng; du lịch thể thao (sân golf)… Đây là những địa điểm đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về môi trường tự nhiên, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và kỹ năng hướng dẫn du lịch, tinh thần trách nhiệm cao.

Theo thống kê từ Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai, trong những năm qua, tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh tăng khá cao, từ 552.000 lượt năm 2005; 2.110.000 lượt năm 2010; 2.830.000 lượt năm 2014; năm 2015, trên 2,9 triệu lượt khách đến tham quan và lưu trú, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2014; năm 2018, ngành Du lịch tỉnh đã đạt 3.937.000 lượt khách; năm 2020 ước đạt khoảng 1.901.000 lượt đến tham quan, vui chơi giải trí và lưu trú (trong đó khách nội địa đạt hơn 3,8 triệu lượt, khách quốc tế 97.417 lượt) và chủ yếu là khách du lịch nội địa hoặc các chuyên gia hoặc các đoàn khảo sát nhỏ lẻ đến từ Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch… Năm 2023, tỉnh đón hơn 2,6 triệu lượt khách nội địa và hơn 100.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch bao gồm các khoản thu từ lưu trú, ăn uống, vận chuyển du lịch, lệ phí tham quan, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm…; Năm 2024, tỉnh phấn đấu đón 3,4 triệu lượt khách, tăng hơn 23% và doanh thu dịch vụ du lịch đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2023. Phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư và khởi công giai đoạn 1 Dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le; Dự án thác Mai - Bàu Nước Sôi (2). Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 4,5 nghìn lao động trực tiếp và 8,7 nghìn lao động gián tiếp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Để khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực du lịch, nhằm nâng cao chất lượng cho các điểm đến, Đồng Nai đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về cách ứng xử, giao tiếp, quản trị cũng như các món ăn đặc trưng địa phương để phục vụ du khách (3).

Trong lĩnh vực sinh kế cộng đồng, việc phát triển các dự án du lịch như homestay, làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng... cũng tạo ra nhu cầu về nguồn nhân lực để quản lý, vận hành và phát triển các hoạt động này nhằm đảm bảo sự bền vững và phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Du lịch sinh thái phát triển góp phần vào sự bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng cũng tạo ra nguy cơ gây thiệt hại tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là các khu rừng, thác, hồ. Cần có những chính sách quản lý nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, thúc đẩy du lịch sinh thái có trách nhiệm góp phần tích cực vào các mục tiêu bảo tồn và phát triển cộng đồng, đồng thời giải quyết những hậu quả liên quan.

Để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ và trải nghiệm du lịch đa dạng, chất lượng, thì nguồn nhân lực phải đáp ứng các yêu cầu như: quản lý và vận hành; kiến thức về các chính sách và chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả; khả năng nắm bắt xu hướng, sáng tạo và phát triển các sản phẩm du lịch; kiến thức về công nghệ để áp dụng vào quản lý du lịch, tiếp thị và cung cấp trải nghiệm du lịch; sử dụng nhiều ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa đa dạng đến khả năng tư vấn và phục vụ đa chiều. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực phải có sự đa tài, đa chiều, sáng tạo, linh hoạt và cam kết từ tất cả các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng.

4. Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch sinh thái tại Đồng Nai

Theo Sở VHTTDL tỉnh, hằng năm, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đào tạo khoảng 160 sinh viên chuyên ngành Du lịch. Sở VHTTDL phối hợp với các trường đào tạo về du lịch và UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng giao tiếp du lịch, nghiệp vụ lễ tân, kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn viên. Mỗi năm có hàng trăm học viên từ các doanh nghiệp du lịch tham gia các lớp tập huấn. Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, đến nay Đồng Nai có khoảng 54 % nhân lực phục vụ du lịch qua đào tạo đang làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Sở VHTTDL đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho doanh nghiệp, người dân làm du lịch. Bên cạnh đó, công tác tự đào tạo của các doanh nghiệp du lịch cũng được quan tâm thực hiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn như: Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Nai, khách sạn The Mira Central Park, Công ty Cổ phần Thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên… (4).

Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch phối hợp với các trường đại học, trung học về nghiệp vụ du lịch - khách sạn tại TP.HCM, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh và tại TP.HCM tổ chức chương trình bồi dưỡng chuyên sâu và ngắn hạn nhằm nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng giao tiếp, cách chế biến món ăn, phục vụ khách du lịch… Đây là những chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch mà Đồng Nai đã thực hiện trong những năm qua, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cho ngành Du lịch địa phương. Tuy nhiên, với hoạt động du lịch sinh thái cần trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu gắn liền với môi trường tự nhiên, sinh thái rừng, thác, hồ, sông… với làng nghề cụ thể, thì nguồn nhân lực tham gia phục vụ du lịch tại địa phương cần được trang bị các kiến thức chuyên sâu như:

Tham dự các chương trình đào tạo chuyên ngành, các khóa học và chương trình đào tạo chuyên sâu về du lịch sinh thái, bao gồm kiến thức về bảo tồn môi trường, quản lý tự nhiên, kiến thức địa lý, cách tạo ra trải nghiệm du lịch tốt nhất cho cho chuyến tham quan, kiến thức giải quyết các tình huống khẩn cấp do môi trường tự nhiên xảy ra.

Hợp tác với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho học viên và người dân tham các chương trình đào tạo, hỗ trợ việc chia sẻ kiến thức và kỹ năng trong cộng đồng địa phương học hỏi, cung cấp trải nghiệm thực tế trong môi trường cụ thể như Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai, thác Mai - hồ nước nóng là khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học, có hệ sinh thái rất nhạy cảm.

Đào tạo nghiệp vụ quản lý du lịch về các nguyên tắc và phương pháp quản lý du lịch bền vững, nhằm đảm bảo ngành Du lịch không gây ra tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa địa phương như: kiến thức về thủy triều của các lưu vực sông Đạ Huoai, lưu vực sông Sà Mách, vùng lòng hồ Trị An, lưu vực sông Mã Đà - sông Bé, lưu vực sông La Ngà, lưu vực sông Thao, lưu vực sông Buông, lưu vực sông Thị Vải, lưu vực các sông Đồng Nai; kiến thức về văn hóa lễ hội của các dân tộc ít người như lễ cúng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cầu an...

Phát triển kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề hỗ trợ khách hàng như việc chăm sóc người già, trẻ em, người bệnh đột xuất… giúp người lao động trở thành những nhân viên du lịch chất lượng.

Xây dựng các chương trình đào tạo kết hợp với cộng đồng địa phương, giúp người lao động hiểu rõ về văn hóa, truyền thống và tài nguyên tự nhiên của địa phương, từ đó cung cấp dịch vụ du lịch phù hợp và tôn trọng địa phương, xây dựng hình ảnh văn hóa địa phương - những hình ảnh đặc trưng riêng biệt, bản sắc vùng miền kết hợp hình thành tuyến du lịch văn hóa sinh thái.

5. Kết luận

Du lịch là một lĩnh vực đa dạng, liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau. Sử dụng tài nguyên tự nhiên cho các hoạt động du lịch mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế và xã hội, nhưng đồng thời cũng cần tập trung vào việc bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và các khu vực sinh thái tự nhiên của tỉnh Đồng Nai. Phát triển du lịch sinh thái và sinh kế cộng đồng cũng ảnh hưởng đến lối sống của cộng đồng, phong tục tập quán truyền thống, tài nguyên bản địa và xuất hiện các vấn đề xã hội. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch nói chung và đặc biệt là cho du lịch sinh thái và sinh kế cộng đồng ở địa phương, cần được quan tâm và đầu tư phù hợp để tránh tác động lên truyền thống và mất mát các giá trị văn hóa địa phương. Đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch sinh thái và sinh kế cộng đồng tại Đồng Nai cần các chương trình đào tạo linh hoạt, phản ánh nhu cầu thực tế của thị trường lao động, đưa ra các chương trình hỗ trợ tài chính hoặc học bổng để khuyến khích người dân tham gia vào các khóa học đào tạo, cũng như thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ để cung cấp nguồn lực và hỗ trợ cho các chương trình đào tạo.

_______________

1. Quang Nhật, Đồng Nai có 65 di tích được xếp hạng, baodongnai.com.vn, 1-4-2022.

2. Hoàng Lộc, Đồng Nai cần phát triển các sản phẩm du lịch để cạnh tranh và thu hút khách quốc tế, baodongnai.com.vn, 20-3-3024.

3, 4. Ngọc Liên, Tăng chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, baodongnai.com.vn, 24-5-2023.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội, 2016.

2. Huỳnh Văn Tới, Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai, Nxb Đồng Nai, 1998.

3. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, Đồng Nai - Góc nhìn văn hóa, Nxb Đồng Nai, 2010.

4. Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”.

5. Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.

6. Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

VÕ THỊ MỸ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024

;