Đội gạo lên chùa là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2011. Trong tiểu thuyết này có nhiều chủ đề, song chủ đề xuyên suốt là đạo Phật. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn tiểu thuyết mang tựa đề như vậy.
1. Sự thể hiện đạo Phật trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa
Qua một số nhân vật, với những cách ứng xử, với những câu nói của họ, người đọc có thể hiểu được những điều đơn giản, thông thường như đạo Phật là gì, và cả những điều cao xa như hai chữ tùy duyên, như mối quan hệ giữa từ bi và sát sinh trong những người theo Phật.
Thiền sư Vô Úy là hiện thân của một bậc chân tu. Nhiều người tưởng rằng cứ ở chùa là cuộc đời sẽ tĩnh lặng, sẽ chẳng gặp sóng gió. Thế mà cụ đã gặp rất nhiều trắc trở: bị giặc Pháp bắt giam, cùm kẹp, thậm chí tra tấn dã man; trong cải cách ruộng đất, bị chính quyền ta đưa đi cải tạo, bị ốm đau, có lúc thập tử nhất sinh… Trong bất cứ cảnh huống nào, cụ cũng không oán hận. Thiền sư luôn nhớ phương châm của nhà Phật là bất tác, bất thực (không làm thì không ăn). Cụ từ trần khi hơn chín mươi tuổi. Trước khi ra đi, cụ rất tỉnh táo, dặn dò tỉ mỉ từng người, từng việc, luôn luôn nghĩ đến người khác và vì người khác. Cụ đã đón nhận những thử thách, sóng gió của cuộc đời với một tâm thế an nhiên, bĩnh tĩnh. Đệ tử của cụ cho rằng, chắc ngày xưa, sư tổ đã nhìn thấy những điều đó nên đã đặt pháp danh cho cụ là Vô Úy.
Thiền sư thường dạy các đệ tử rằng, Phật giáo là một lối sống, người ta có thể tu ở mọi nơi, mọi lúc. Đệ tử của cụ đã mục kích việc cụ tu trong lúc biến, tức là tu cả trong các nhà tù. Bậc Bồ tát có thể hành đạo ở mọi công việc trên khắp thế gian. Nhưng như thế không có nghĩa là các bậc chân tu không màng thế sự, không có chính kiến trước thời cuộc. Trong thời gian Pháp tạm chiếm, cụ đồng ý để bên ta đào hầm bí mật trong khuôn viên nhà chùa. Cụ không trách móc nhà sư Vô Trần, người đã bỏ áo cà sa, nghe theo sự rung động của con tim, lấy vợ, rồi đi hoạt động cách mạng. Cụ nói: “Mỗi thời mỗi khác. Phải biết tùy duyên. Đạo Phật đang sống ở thời mới, nên người tu hành cũng phải hiểu cái thời mới nó như thế nào”. Khi thu nhận chú tiểu An, cụ dạy chú học chữ Hán. Thiền sư bảo: “Sách nhà Phật chứa tòa ngang dãy dọc không hết. Thế mà dịch sang chữ quốc ngữ mới chỉ lèo tèo vài cuốn. Vì vậy phải học chữ nho. Nghĩa lý kinh Phật không biết đến đâu mà lường. Tu là hành theo Phật nhưng tu cũng là đọc. Phật bảo vô ngôn nhưng trước khi đến chỗ vô ngôn, ta phải đọc trước đã” (1). Người tu hành không chỉ cần biết chữ Hán, mà cũng còn phải biết chữ quốc ngữ. Về thời gian, thiền sư chia làm hai, buổi chiều cho tiểu An học kinh kệ và chữ Hán ở chùa, còn buổi sáng thì chú tiểu đi học ở trường làng cùng với trẻ em ngoài chùa.
Nói đến Phật là nói đến lòng từ bi, bác ái. Chú tiểu An vào chùa từ năm mười tuổi. Khi trở thành thanh niên, chú được gọi nhập ngũ. Người chiến sĩ Nguyễn Văn An khi bắn thử thì là một xạ thủ nổi tiếng. Nhưng khi ra chiến trường, anh chỉ bắn lên trời bởi anh đã hứa trước đức Thế Tôn là không sát sinh. Trong cuộc kiểm điểm tại đơn vị, anh thành thực nói hết sự thật. Do anh xuất thân là thành phần bần nông, cha mẹ đều bị Tây sát hại, khi đi bộ đội, bản thân chấp hành kỷ luật tốt, học tập tốt, lại có tinh thần thương yêu đồng đội, không ngại hy sinh, cứu đồng đội trong chiến đấu, việc anh không bắn vào đối phương mới không bị thi hành kỷ luật và tổ chức bố trí cho anh làm cấp dưỡng.
Còn trường hợp dưới đây, sư bác Khoan Độ lại hành xử khác. Vốn xuất thân là một tướng cướp, sau khi giác ngộ đạo Phật, ông đã tự thiêu một ngón tay, nguyện tận tâm theo Phật. Nhưng khi thấy chú tiểu An đi học bị bắt nạt, ông đã dạy võ cho chú. Khi biết tên cai Thi đã phát hiện cuộc chạy trốn của cô Nguyệt với sự giúp đỡ của thày giáo Hải, sư Khoan Độ rất băn khoăn. Đã lâu ông không dùng đến bạo lực. Nhưng nếu ông làm ngơ thì chỉ dăm tiếng sau sự hiểm nguy sẽ ập đến với nhiều người. Vậy là lợi dụng bóng tối, nhà sư đã nhảy chồm vào địch thủ, bẻ gãy cổ hắn. Việc nhà sư diệt Bernard, kẻ mang nặng nợ máu với Việt Minh và những người dân vô tội, được ông chuẩn bị công phu, kỹ càng. Hai người thân tín của ông diệt vài tên lính còn chính ông đã quật ngã được tên Tây lùn này. Song đến lúc hạ sát hắn thì ông không ra tay. Những người thân tín của ông, vốn xuất thân giang hồ, đã cưa đứt đầu kẻ thủ ác. Sở dĩ họ dùng cách trừng trị như vậy bởi vì Bernard đã tra tấn dã man rất nhiều người theo kháng chiến, đã chặt đầu thày giáo Hải, cắm cọc bêu giữa sông nhiều ngày rồi liên tục phục kích nhằm tiêu diệt quân ta nếu họ đến lấy lại phần thi thể của đồng đội. Sau khi hòa bình lập lại, sư bác Khoan Độ không nói nửa lời về việc này, chỉ mong thiền sư Vô Úy dạy cho cách tụng kinh sám hối. Thiền sư nhẹ nhàng bảo rằng: “Bồ tát cực chẳng đã phải làm những điều ngược ngạo, tuy nhiên lòng Bồ tát phải luôn không mảy may thù hận. Bất ly thế gian nhưng phải siêu vượt thế gian” (2).
Nhà sư Vô Trần sau khi hoàn tục, đã tham gia cách mạng. Với cương vị chính ủy trung đoàn, sau khi biết chuyện chiến sĩ An bắn lên trời, ông đã có buổi nói chuyện rất thú vị với người chiến sĩ trẻ mà ông luôn yêu quý như con cháu. Trước sự băn khoăn của An rằng bạo lực có hiệu quả trong việc phá hủy, nhưng nó không biết xây dựng, sư thúc Vô Trần giải thích đúng là lịch sử được viết nên nhiều khi bằng những con sông đỏ máu và những cánh đồng mênh mông phơi xác người chết nhưng ngoài chuyện giết chóc ra, con người vẫn trồng bông dệt vải, trồng lúa tỉa ngô, yêu nhau, ca hát, làm thơ...
Sau cuộc nói chuyện này, khi đến thăm cô y sĩ Huệ, con gái chính ủy, gặp lúc cô ốm đau kiệt sức, với tài thiện xạ, chiến sĩ An đã hạ một con nai. Lúc này, anh sát sinh để có nguồn thực phẩm giá trị giúp cô bình phục sức khỏe.
Một điều rất thú vị nữa mà cuốn tiểu thuyết đề cập là giữa sức cuốn hút của đạo Phật và người phụ nữ, bên nào mạnh hơn?
Nhiều người dân Việt biết bài ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư… Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết: “Chùa làng vẫn còn. Và câu ca dao cổ vẫn còn. Câu ca dao vừa duyên dáng vừa hóm hỉnh ấy nửa như giễu cợt, nửa như tôn vinh cái đời sống trần tục, vậy nên nó còn được sống lâu” (3). Không ít người phụ nữ có nhan sắc muốn quy y như cô Thu (sau trở thành bà Thu), như cô Nguyệt đã bị nhà chùa từ chối bởi nhà chùa cho rằng những người phụ nữ trẻ này còn nặng căn.
Có những người tu hành tấn tới nhưng đã không vượt nổi sự cám dỗ của phái đẹp. Nhà sư Vô Trần xuất thân ở thành thị, khôi ngô thông minh, nắm vững giáo lý nhà Phật, được sư cụ tin cậy giao cho trông nom chùa Sọ khi thiền sư đi vắng. Trong một đêm, nghe tiếng than khóc ngoài bãi tha ma, vị sư trẻ rời chùa đi đến và bắt gặp người phụ nữ nằm ngất xỉu, chân tay lạnh ngắt. Ở chùa, sư cụ đã dạy cho Vô Trần y thuật. Nhà sư vội vã lấy ngón tay bấm huyệt. Được một lát thì cô ta tỉnh lại. Nhà sư dìu cô ta về nhà “phải dìu vì cô ta hầu như kiệt sức. Lần đầu tiên Vô Trần được ôm một thân hình mềm mại và ấm áp. Trong bóng trăng, chẳng nhìn rõ được từng nét mặt của chị ta. Anh chỉ cảm nhận được một khuôn mặt trẻ trung, tròn vành vạnh và trắng ngát. Ở người chị ta toát ra một hương thơm, thứ hương đặc biệt của người con gái. Nó gần giống như hương của những bông lúa ngậm sữa. Hay là hương trên da thịt một đứa bé bụ bẫm” (4). Và hai đêm sau, cái gì đến sẽ phải đến: “Nấm (tên cô gái - NXK) nâng những ngón tay dài thư sinh của nhà sư trẻ lên mặt để nhìn thấy chúng run rẩy, nàng nở một nụ cười. Cô yêu thích những ngón tay dài thanh dịu dàng này. Những ngón tay mà những người nghèo khổ quanh nàng không bao giờ có. Những ngón tay quý hóa ấy nay thuộc về cô” (5). Cô thôn nữ hiểu rằng quyền năng của cô là tuyệt đối. Hai người đã bỏ chùa, bỏ làng trốn lên Hà Nội. Và như ta đã biết, sau này, nhà sư Vô Trần trở thành đại đội trưởng, rồi cán bộ tỉnh đội trong thời gian chống Pháp, trung tá, chính ủy trung đoàn trong thời gian kháng chiến chống Mỹ. Cô Nấm trở thành vợ ông, họ sinh được một trai một gái. Cả nhà đều là những công dân tích cực. Thiền sư Vô Úy đã không trách nhà sư Vô Trần bởi hai chữ tùy duyên mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dạy.
Còn về trường hợp An (nhà sư trẻ khoác quân phục) thì sao? Anh đến thăm y sĩ Huệ, gặp lúc cô lên cơn sốt, người như hòn than rừng rực, An cho cô uống thuốc ký ninh, nhưng cơn sốt vẫn không lui. Hết cơn nóng, đến cơn rét, mặc dù đã được đắp rất nhiều chăn nhưng Huệ vẫn run cầm cập. Cô nhờ An dìu cô, xốc nách cô đến bên đống lửa và cần anh ôm thật chặt. Chỉ riêng trong ngày hôm ấy, An đã phạm hai giới luật của người tu hành. Thứ nhất là tội sát sinh: đã giết một con nai - một sinh linh đẹp đẽ của núi rừng. Thứ nhì là tội ôm một người khác giới trong đêm lạnh Trường Sơn. An hiểu rằng: Phật giáo có sức hút tinh thần ghê gớm. Song đến lúc này, anh ta mới biết rằng người đàn bà cũng có sức hút gớm ghê chẳng kém. An chợt hiểu rằng tại sao thời xưa đức Phật lại dạy ông Ananđà rằng phải tránh xa người phụ nữ. Sau khi giải ngũ An quyết định trở về làng Sọ, tiếp tục cuộc đời tu hành. Dù anh đã có một ngày phạm giới luật khi gặp Huệ, nhưng sức cuốn hút của đạo Phật vẫn mạnh hơn hạnh phúc trần thế. Sau đó anh mới biết hoàn cảnh khắc nghiệt của Huệ: cha (chính ủy Trần) đã qua đời vì bệnh ung thư, anh trai đã hy sinh khi quân ta tiến sát Sài Gòn, bản thân cô bị thương (cụt một chân) đang sống cùng cha mẹ nuôi ở ngoại thành Hà Nội (mẹ đẻ cô đã mất trong khi chạy trốn vì bị đội cải cách ruộng đất xử lý oan). Như thế, chỉ còn An là người gần gũi nhất với Huệ, do đó anh đã quyết định hoàn tục, lập gia đình với Huệ. Hai người lên vùng đồi núi Tam Đảo khai phá, chuyên làm những điều thiện, giúp đỡ người nghèo. An đã rời chùa Sọ, không mặc áo nâu sồng nhưng tại nhà riêng vẫn có am thờ Phật, vợ chồng anh sống theo thuyết hướng thiện, từ bi của nhà Phật. Trong tiểu thuyết, còn có sư bác Khoan Độ. Sau khi giác ngộ đạo Phật, trong bất kỳ tình huống nào, ông cũng gắn bó với nhà chùa, với lý tưởng của Phật, không bị nhan sắc và tuổi trẻ của phụ nữ cám dỗ. Như thế, đạo Phật qua sự thể hiện của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh dồi dào tính dân chủ, nó mở ra rất nhiều khả năng cho chúng sinh lựa chọn.
2. Vai trò của đạo Phật trong cuộc sống hiện nay
Trong Đội gạo lên chùa, có một cuộc hội ngộ đặc biệt giữa Đức và An. Đức là một cư sĩ, theo học ngành triết tại Đại học Vạn Hạnh, là sĩ quan phiên dịch của quân đội Sài Gòn. An là một nhà sư mặc quân phục giải phóng. Sau trận bom B52 hủy diệt, hai người may mắn sống sót. Đức đã bắn An nhưng không trúng. Còn An, với tài thiện xạ thì việc tiêu diệt Đức không khó, nhưng do lòng hiếu sinh của Phật đã thấm vào người, anh chỉ bắn Đức bị thương nhẹ ở chân. Đức trở thành tù nhân của An trong rừng thẳm. Lúc đầu trò chuyện, họ nhận ra nhau đều là phật tử và cảm thấy gần gũi, dễ cảm thông. Song đến khi nói về chính trị và âm nhạc thì bởi họ có quan niệm đối lập nhau như nước với lửa nên cả hai đã vô cùng giận dữ và dẫn đến xô xát. Sau đó họ lui cơn giận. Đêm ấy, chờ cho An ngủ say, Đức đã lặng lẽ bỏ đi. Trở về Sài Gòn, ít lâu sau, Đức sang Mỹ học và trở thành giáo sư dạy Đông phương học ở một trường đại học của nước này. Khoảng chục năm sau ngày đất nước thống nhất, Đức về thăm đất nước, nhiều lần đi tìm An và cuối cùng đã gặp được An để xin lỗi, bởi trước khi bỏ trốn, Đức đã có ý định sát hại An.
Qua lời nhân vật Đức sau chiến tranh, nhà văn bày tỏ quan niệm của mình về đạo Phật và lối sống Phật giáo. Theo Đức, có thể chia các lối sống làm hai: một lối sống âm tính và một lối sống dương tính. Lối sống âm tính suy ngẫm khoan hòa, âm thầm nhưng cũng tàng chứa một năng lượng không phải nhỏ. Lối sống dương tính thì hoạt bát, năng động tức thì, đáp ứng ngay cho con người, vô cùng hấp dẫn. Chẳng cái nào kém, cái nào hơn, chúng bổ sung cho nhau. Vào thời Lý, Phật giáo là âm, Nho giáo là dương. Nhà Lý sinh ra từ đạo Phật, nhưng nếu cực đoan Phật giáo thì đất nước sẽ yếu ớt, không chống được kẻ thù hùng mạnh. Vì thế, nhà Lý mới lập Văn Miếu, mở khoa thi Nho giáo, đem cái trật tự mạnh mẽ, cái cương cường của Nho giáo làm cân bằng cái uyển chuyển, mềm mại đạo lý của Phật giáo. Đó là một sự điều chỉnh. Đến thời nhà Trần, dân tộc ta ba lần chống quân Nguyên Mông, trong đánh nhau thì con người phải bạo tàn, sự đói khát, sự hung bạo chắc khó tránh khỏi. Vì dương tính quá dâng cao nên vua Trần Nhân Tông mới đi tu, chấn hưng Phật giáo. Đó cũng là một sự điều chỉnh quan trọng và cần thiết.
Cũng theo lời nhân vật Đức (tức là quan niệm của nhà văn), thời hiện đại là thời dương khí bốc lên ngùn ngụt, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của tiền nhân.
Chúng tôi nghĩ, văn hóa là đa dạng, mỗi con người, mỗi cộng đồng nên có những hành xử phù hợp với cái tạng và hoàn cảnh, điều kiện của mình. Ai thích thế giới phẳng, thế giới nhanh, xin người đó cứ tận tâm, tận lực, hối hả hành động, miễn là không vi phạm luật pháp. Ai thích an hòa, xin hãy tĩnh tâm sống và làm việc một cách cân bằng, thư thái, “đừng ham hố quá, đừng cay cú nhiều” (Mã Giang Lân). Ngay trong một con người sống dương tính cũng cần có những lúc phải sống âm tính và ngược lại, ở những con người sống âm tính cũng cần có thời điểm mà ở đó dương tính phát huy mạnh. Trong dương có âm, trong âm có dương là thế. Dù chúng ta sống âm tính hay dương tính thì cũng không nên quên lời Phật dạy: mỗi người hãy tự nương tựa vào mình, hãy tự đi bằng đôi chân của mình.
Tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh có sức ám ảnh lạ thường. Tôi nhớ mãi mấy dòng cuối cuốn sách: “Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. Vầng trăng kia là ánh sáng của Phật, tỏa chiếu khắp nhân gian. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao vẫn là ánh sáng”.
Tháng 6 - 2015
_______________
1, 2, 3, 4, 5. Nguyễn Xuân Khánh, Đội gạo lên chùa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2013, tr. 76, 438, 111, 98, 104.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015
Tác giả : NGUYỄN XUÂN KÍNH