Đàn kanhi trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Chăm

Nhạc cụ dân tộc là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm. Hầu hết các nhạc cụ được người Chăm coi trọng, là nhạc khí thiêng, vì thế không thể thiếu trong các lễ hội dân gian. Nằm trong số đó có đàn kanhi (Kanyi) - một nhạc cụ có vai trò quan trọng, gắn liền với trình tự nghi thức trong các buổi lễ của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.

Theo truyền thuyết Chăm, đàn kanhi là biểu tượng 4 đứa con của bà Mẹ Xứ sở (Pô Inư Nưgar): Jakăk, Jakăn, đảm nhận việc trên trời; còn Jalo, Jalai đảm nhận việc dưới trần gian (Dunya). Do vậy, đàn kanhi được người Chăm ở Ninh Thuận sử dụng trong các lễ cúng trên các đền tháp, lễ nhập Kut, và trong đám tang của người Chăm Bà la môn. Kanhi là loại đàn kéo một dây tương tự như đàn nhị của người Kinh.

Theo Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phú Bình Đồn làng Chăm Vụ Bổn, xã Ninh Phước, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, đàn kanhi được xem là vật tổ của thầy Kadhar - chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm thờ thần Yang Praong. Đàn kanhi được để trong bệ thờ. Trước khi sử dụng phải mang lễ vật đến cúng, sau đó làm lễ tẩy uế và đọc thần chú để phục hồn cây đàn. Khi sử dụng đàn, thầy Kadhar với tư thế ngồi xếp bằng và đàn kanhi được đặt trên đùi trái, tay trái bấm nốt nhạc, tay phải sử dụng cung kéo, hát những bài thánh ca để dâng lễ cho thần linh trong các lễ Puis, Payak, Thrua, nghi lễ trên đền tháp.

Để hát dâng lễ cho thần linh, đặc biệt trong lễ hội katê nghệ nhân sử dụng đàn kanhi phải thuộc các bài dâng thần linh. Mỗi vị thần là một bài hát lễ, trong đó lời ca vừa là những lời thỉnh mời, vừa là lời kể về sự tích các vị thần. Thầy kéo đàn kanhi vừa kéo đàn vừa hát liên tục cho đến khi các nghi lễ kết thúc. Lời hát trong buổi lễ là ca ngợi công lao của các bậc tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang lập ấp, dạy dân làng cày cấy, đắp đập dẫn thủy nhập điền, dệt vải, làm gốm, xây dựng đền tháp. Lời hát hòa quyện cùng tiếng đàn kanhi gợi cho người nghe cảm giác thiêng liêng, nhớ về công ơn tổ tiên đối với cuộc sống no ấm của con cháu ngày nay.

Đàn kanhi của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận

Ngoài ra, đàn kanhi còn được các thầy dân gian kéo để hát (adaoh) trong đám tang người Chăm Bàlamôn. Kanhi trong nghi lễ này do nghệ nhân biểu diễn phục vụ cho công việc trần gian là nhằm để phụ họa với bài hát lễ tiễn đưa hồn người quá cố về thế giới bên kia.

NNƯT Phú Bình Đồn cho biết, với người Chăm người kéo đàn kanhi là chức sắc tín ngưỡng dân gian được gọi là thày gathăr. Để trở thành thày gathăr thì theo luật cha truyền con nối, cũng được trao và truyền lại cho người có đủ năng lực, phẩm chất tốt đẹp trong dòng tộc. Bên cạnh có ngón đàn giỏi, thày gathăr cũng phải thuộc làu hàng trăm bài thánh ca phục vụ các buổi lễ dâng lên các vị thần. 

Đàn kanhi là một nhạc cụ có vai trò quan trọng trong các buổi lễ, nó được sử dụng một cách độc lập, gắn liền với trình tự các nghi thức trong mỗi buổi lễ của người Chăm. Nguyên liệu để làm ra cây đàn kanhi gồm có 1 con rùa vàng, lông đuôi ngựa, mủ cây xăng đá (hoặc mủ cây sao) và cây tre.

Để chế tác đàn kanhi, đầu tiên nghệ nhân làm sạch phần mai rùa là hộp cộng hưởng. Trên mai rùa, nghệ nhân sử dụng khoang khoét lỗ để lắp cần đàn, sau đó cắt lấy một mảnh gỗ có độ dày 3mm làm phần nắp bịt mai rùa. Ở giữa phần miếng gỗ gắn một bộ phận gọi là “ngựa đàn” dùng để mắc dây đàn.

Cần đàn được làm bằng thanh tre, đẽo nhỏ, gọt nhẵn, được cắm xuyên qua hộp cộng hưởng theo lỗ đã khoan… Dây của đàn kanhi được làm từ 100 sợi dây cước (mỗi bên 50 sợi), hai dây đàn được kéo sát vào cần đàn bởi cữ đàn có chức năng điều chỉnh cao độ âm thanh.

Tiếp theo là cung vĩ, là bộ phận tách rời với thân đàn, được làm bằng tre vót nhỏ, uốn cong như hình cánh cung. Phần dây vĩ làm bằng lông đuôi ngựa có tác dụng cọ xát với dây đàn tạo ra âm thanh. Dây vĩ được các nghệ nhân bôi bột của mủ cây xăng đá hoặc cây sao nhằm giảm độ nóng khi ma sát giữa các sợi dây cước và giúp âm sắc thanh hơn. Cung vĩ hoàn thành được cố định, luồn vào giữa hai dây đàn.

NNƯT Phú Bình Đồn chia sẻ, để làm đàn Kanhi, khâu làm dây đàn là khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất cẩn thận. Để làm được dây đàn từ dây cước, khâu sắp dây và cột dây phải làm trong một ngày. Nghệ nhân cũng cho biết, nguyên liệu làm hộp cổng hưởng đàn trước đây được làm từ mai rùa vàng, tuy nhiên hiện nay đây là động vật đã đưa vào danh mục được bảo vệ, nguyên liệu cũng khó tìm hơn.

Thông qua vật liệu chế tác và phong cách diễn tấu, người Chăm có bài vịnh: “Krum ôh hu mưta/ Tamuh ngok rong kra ôh hu akok/ Djang nhu mưng talay kabuăk/ Atheh khok ngok rong kra/ Athah khok kra kamrao/ Pô dôm rangao preo tho atheh” - Trích đoạn “Jadăn”. Tạm dịch: “Cây tre không có mắt/ Mọc trên lưng rùa bị chặt đầu/ Buộc chúng hai sợi tơ vào nhau/ Ngựa phi trên lưng rùa/ Ngựa phi rùa rên xiết/ Ngài mải miết giục dây cương…”.

THÁI ANH - Ảnh: TUẤN MINH

;