Vụn Art – câu chuyện về nghị lực và ước mơ

Ẩn mình một góc nhỏ giữa làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), hợp tác xã Vụn Art là nơi không chỉ biến những mảnh vải vụn thành những tác phẩm nghệ thuật, mà còn mang lại hy vọng trong cuộc sống cho những người khuyết tật. Với những sản phẩm thủ công độc đáo là minh chứng cho khả năng vượt qua khó khăn, không ngừng vươn lên của các thành viên nơi đây. Câu chuyện về Vụn Art không chỉ là câu chuyện của những mảnh vải vụn, mà còn là câu chuyện về nghị lực và ước mơ.

Bức tranh vải ghép được treo ngay tại cửa vào của Vụn Art 

Không có “mảnh vụn” vô ích

Gọi là “Vụn” bởi yếu tố chính làm nên những sản phẩm nghệ thuật nơi đây là các mảnh vải nhỏ thừa không còn sử dụng đến của các xưởng may, được mang về và cắt ghép để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh. Cũng giống như những người thợ khuyết tật có hoàn cảnh khác nhau, nhờ sự kết nối của cộng đồng mà đã về đây cùng nhau kết nối, cùng nhau vẽ lên bức tranh ước mơ to lớn. 

Đặc biệt, người sáng lập ra Vụn Art – anh Lê Việt Cường cũng là một người khuyết tật vận động. Anh bị bại liệt từ khi mới 9 tháng tuổi, nên anh rất hiểu và đồng cảm với những người khuyết tật khác. Chính vì thế, anh mong muốn giúp đỡ người khuyết tật có công ăn việc làm nên đã thành lập hợp tác xã Vụn Art.

“Thông qua bộ phận quản lý tại các phường tại quận Hà Đông, tôi tiếp cận và vận động những người khuyết tật đến với hợp tác xã để được học nghề miễn phí. Bên cạnh đó, nhờ các phương tiện truyền thông, nhiều người cũng đã chủ động tìm đến Vụn Art. Đến nay, hợp tác xã cũng có khá đông thành viên người khuyết tật tham gia học và làm nghề” – anh Cường chia sẻ.

Anh Nguyễn Thành Long - quản lý, phụ trách khách hàng tại Vụn Art

Anh Nguyễn Thành Long - quản lý, phụ trách khách hàng tại Vụn Art cho biết: “Ở Vụn, nhân công là người khuyết tật chiếm 90%, số người còn lại phụ trách các công việc liên quan đến quản lý, vận hành... Những ngày đầu thành lập, hợp tác xã chỉ có 2, 3 người, đến nay nhân lực của Vụn cũng đã lên tới 40 người”.  

Hợp tác xã là một mô hình đặc biệt, bởi những người khuyết tật có nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau, việc dạy nghề không hề đơn giản, chính vì thế Vụn Art cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

“Do những hạn chế về thể chất, nên có người phải mất 3 đến 4 năm mới chỉ có thể cắt được hình tròn, hình vuông. Tuy nhiên, những người thầy tại Vụn Art vẫn kiên trì, không từ bỏ ai, bởi mỗi tiến bộ nhỏ đều là một dấu ấn đáng quý” – Anh Long cho biết.

Nghệ thuật sáng tạo từ những mảnh vụn

Quá trình tạo ra mỗi tác phẩm tại Vụn Art là một hành trình tỉ mỉ và khéo léo, kết hợp giữa sáng tạo và kỹ thuật. Ban đầu, những tấm vải vụn được là phẳng cẩn thận rồi được ép lên tấm decal để tạo nên lớp nền chắc chắn cho bước vẽ hình ảnh. Những nét vẽ được thổi hồn lên mặt vải, từ những hình dáng đơn giản đến phức tạp, thể hiện ý tưởng và tâm hồn của những người thợ “đặc biệt”. Mỗi chi tiết sau đó được cắt và dán lên sản phẩm. Cuối cùng, sản phẩm được đưa vào máy ép nhiệt để cố định hình ảnh, đảm bảo độ bền và thẩm mỹ lâu dài. Các sản phẩm của Vụn Art khá phong phú và đa dạng, bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật đậm nét văn hóa dân tộc, hợp tác xã còn có sản xuất: túi, áo, ví, khăn, bộ kit ghép tranh... nhằm phục vụ đông đảo khách hàng.

Người thợ tỉ mỉ trong các khâu cắt, dán sản phẩm

Điểm đặc biệt trong các sản phẩm của hợp tác xã là bên cạnh sự kết hợp hài hòa trong từng họa tiết, màu sắc và hình khối, còn có sự chắt lọc tinh hoa từ văn hóa truyền thống và cuộc sống đương đại. Mỗi sản phẩm đều mang trong mình một câu chuyện, một lát cắt của ký ức đầy chất nghệ thuật, được lấy cảm hứng từ những bức tranh Đông Hồ cổ kính, tranh dân gian, hay những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội… Trong đó phải kể đến những bức tranh chân dung sống động được tạo nên từ vải vụn, đó chính là tâm hồn, tình cảm, sự sáng tạo mới mẻ của những người thợ Vụn Art. Sự kết hợp độc đáo này đã làm cho các tác phẩm của Vụn Art trở thành những sản phẩm nghệ thuật tinh tế, gần gũi và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Công đoạn là nhiệt để kết nối các mảnh ghép với nhau

Chia sẻ về các sản phẩm của Vụn Art, anh Thành Long cho biết, phần lớn vật liệu chính làm ra sản phẩm là từ sự ủng hộ của các nhà may trong làng lụa Vạn Phúc và các xưởng may trên địa bàn Hà Nội. Chỉ khi làm các đơn hàng lớn, đòi hỏi sự đồng đều về màu sắc, Vụn mới phải mua thêm vải tồn kho, vải ít sử dụng về để làm. “Vì sản phẩm là do người khuyết tật sản xuất, nên giá bán một bức tranh 40cm x 60cm khoảng 2 đến 3 triệu đồng; tranh chân dung khoảng 5 triệu đồng, tùy theo chi tiết và độ khó của tác phẩm. Các sản phẩm áo, túi... được bán với giá 300-400 nghìn đồng”- Anh Long cho hay. 

Trên cương vị người phụ trách khách hàng, anh Thành Long cho biết, Vụn Art chủ yếu tiếp cận với khách hàng là các doanh nghiệp đặt sản phẩm với số lượng lớn. Ngoài ra, nhờ các trang truyền thông và trang web của Vụn, cũng có khách lẻ tìm đến mua. Tuy nhiên, dù Vụn Art đã có tiếng tại Hà Nội, nhưng khả năng tiếp cận với khách hàng ở miền Nam và những khu vực khác vẫn còn hạn chế, gây khó khăn trong việc mở rộng thị trường.

Một số mẫu túi tại Vụn Art

Là nạn nhân của chất độc màu da cam, cũng là một người thợ đã gắn bó với Vụn Art gần 3 năm, chị Lan Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy vui khi được làm việc tại đây ngôi nhà Vụn Art. Mọi người ở đây đều rất hòa đồng, vui vẻ, điều đó là cho cuộc sống của tôi vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, với công việc đều đặn tại hợp tác xã, tôi có thêm thu nhập để chăm lo cho cuộc sống của mình. Tôi hy vọng, những người khuyết tật như chúng tôi ở khắp nơi trên đất nước đều có việc làm, từ đó có niềm vui cho bản thân và có ích cho xã hội”. 

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

;