Đại chúng hóa các giá trị kinh điển của văn học Phương Tây (tiếp theo số 428 và hết)

Akira Kurosawa đã tái tạo trên phim hình ảnh Macbeth phu nhân trong bộ trang phục truyền thống của Nhật Bản với gương mặt cương nghị, tìm mọi cách hối thúc chồng. Cảnh Macbeth cầm con dao găm đi giết vua cũng là một cảnh phim đầy sáng tạo. “Măcbet nói một mình - Vật ta trông thấy trước mắt kia, cán quay lại phía tay ta, phải chăng là một lưỡi dao găm? Nào, hãy để ta nắm lấy mi. Ta không nắm được mi trong tay mà sao mắt ta vẫn rõ ràng trông thấy mi. Hỡi ảo ảnh oan nghiệt kia, phải chăng không thể nhìn thấy mi, sờ được mi, hay mi chỉ là một ảo ảnh của tưởng tượng, một sáng tạo hư ngụy của đầu óc nóng bừng của ta” (23).

Trong các phiên bản điện ảnh chuyển thể từ vở kịch này, chi tiết con dao găm được các đạo diễn đặc biệt chú ý. Có phiên bản con dao găm được thay thế bằng ánh chớp lóe lên trong màn đêm và bàn tay Macbeth như chạm vào ánh chớp. Có phiên bản lại dùng hình ảnh con dao găm như một đốm sáng kỳ ảo và Macbeth phải vật lộn để chế ngự nó thành vũ khí cho mình. Trong số các thể loại văn học kinh điển châu Âu được chuyển thể thành điện ảnh, tiểu thuyết chiếm một vị trí quan trọng. Bên cạnh đó, kịch cũng chiếm một khối lượng lớn. Có thể nói, từ những năm đầu của phim câm, các vở kịch của Shakespeare đã luôn luôn được chuyển thể bởi một loạt các nhà đạo diễn phim. “Ngoài những tác phẩm lớn phim câm lấy cảm hứng từ Shakespeare (được nói rõ trong Shakespeare on Silent Film của Robert Ball), những trào lưu chính của lịch sử đã hình thành, theo nghĩa nào đấy, một lịch sử về Shakespeare trong điện ảnh: nỗ lực đầu tiên về tiếng động Hollywood của Douglas Fairbank với Shakespeare trong The Taming of the Shrew (1929), tác phẩm của Max Reinhardt (1935), A Midsummer Night’s Dream, tác phẩm Henry V (1945) nổi tiếng của Laurence Olivier, tác phẩm ấn tượng Macbeth của Orson Welles (1948), bản chuyển thể liên văn hóa đáng nhớ của Akira Kurosawa năm (1957) với tiểu thuyết Macbeth có tên là Throne of Blood, thắng lợi vang lừng của Franco Zefferelli với thị trường nhỏ của ông qua phim Romeo and Juliet (1968), việc sản xuất phim Othello của Liz White (1980), vở tự trào King Lear của Jean - Luc Godard (1988), việc sử dụng mang tính hậu hiện đại của Gus Van Sant với những vở kịch Shakespeare trong My Own Private Idaho, rất nhiều phim của Kenneth Branagh, cùng tác phẩm gần đây nhất là William Shakespeare’Romeo and Juliet (trong đó có Leonardo DiCaprio thủ vai)” (24). Dựa vào một loạt những thành công gần đây, từ The Little Foxes tới Macbeth theo phong cách của HenryV, HamletLes Parents terrible, thì “điện ảnh mới chứng tỏ mình là một công cụ hữu hiệu để thử nghiệm một loạt các tác phẩm sân khấu” (25). Là tác giả của thập niên 50 và 60 của TK trước, nhà soạn kịch Samuel Beckett nổi lên như một hiện tượng: vừa là nhà soạn kịch, đạo diễn, vừa là dịch giả. Ông là người đã từng trải nghiệm nhiều nền văn hóa, thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Khi cùng một lúc đóng hai vai tác giả kiêm dịch giả, Beckett đồng thời được sống ở hai nền văn hóa khác nhau, mà rõ nhất là những dấu ấn về những địa danh nước Pháp trong bản tiếng Pháp En attendant Godot, khi chuyển sang bản tiếng Anh đã được tác giả thay bằng những địa danh nước Anh trong bản Waiting for Godot. Sau khi viết Trong khi chờ Godot một thời gian rất lâu, Beckett mới tham gia vào việc dàn dựng nó. Khi các đạo diễn hỏi ý kiến của Beckett về việc chuyển thể kịch của ông lên màn ảnh, Beckett rất chú ý tới trang phục cũng như nghệ thuật phối cảnh. Beckett chủ ý xây dựng các tác phẩm của mình với màu sắc chủ đạo là màu xám. Do vậy, đã xảy ra những tranh luận giữa Beckett với các nhà đạo diễn khi các đạo diễn muốn thay thế màu xám thành màu đỏ chói và đỏ đậm để giảm bớt cảm giác lo âu, sầu não của những năm 50. Điều này nhận phải sự phản ứng từ Beckett.

Cuối những năm 60 của TK XX là thời kỳ của phim tài liệu và phim thực nghiệm. Năm 1967, đạo diễn người Italia Luchino Visconti đã đưa tiểu thuyết Người xa lạ của Albert Camus lên màn ảnh. Luchino Visconti đã xây dựng bộ phim theo hướng trung thành với nội dung cuốn tiểu thuyết. Nhân vật Meursault thường được quay từ phía sau. Khi quay trực diện, khuôn mặt của nhân vật thường đờ đẫn và dường như thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Bộ phim của Luchino Viscon đã không đạt được thành công vào thời điểm đó. Năm 1968, “Bộ phim Romeo và Juliet của Franco Zeffirelli tượng trưng cho một ví dụ điển hình trong lịch sử chuyển thể kịch Shakespeare lên màn ảnh. Với dàn diễn viên trẻ trung, kỹ thuật dựng cảnh ấn tượng cùng bối cảnh tình yêu và nổi loạn, bộ phim đã biến vở kịch thành một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhắm tới tầng lớp khán giả trẻ những năm 1960” (26).

Từ thập niên 70 tới nay, diễn ra sự nảy sinh và lan tỏa của học thuyết tác giả. Bộ phim Lão hà tiện - L’Avare là một trong những bộ phim hài nổi tiếng nhất của danh hài Louis de Funès - diễn viên, biên kịch và đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Pháp. Ông là diễn viên ăn khách nhất của điện ảnh Pháp thập niên 1960 và 1970 khi các bộ phim có Funès tham gia, đã thu hút tới hơn 150 triệu lượt khán giả.

Năm 1971, bộ phim The Decameron đã đánh dấu một bước tiến rời khỏi cách làm phim ý thức hệ công khai, cùng sự nuôi dưỡng lớp khán giả tinh hoa, sự từ bỏ các quy tắc tượng trưng chính thống, sự gắn chặt vào khó khăn giao tiếp, để chuyển đến với một thứ điện ảnh dễ tiêu thụ hơn, có sức thu hút rộng rãi. Với việc loại bỏ cấu trúc phức tạp của The Decameron, Pasolini có lẽ đang khiển trách Boccaccio vì cứ bám riết lấy vết tích của trật tự giáo điều vốn đã lỗi thời - một sự hư cấu rỗng tuếch quá xa rời thực tiễn văn hóa Italia TK XIV” (27). Bên cạnh đó, thời kỳ này, tác phẩm My file to live chuyển thể tác phẩm tiểu thuyết Nana của Émila Zola thành một hình ảnh hiện đại, đậm chất công nghệ kỹ thuật về đời sống mại dâm ở Paris.

Ở giai đoạn hiện đại, một số trường hợp chuyển thể tác phẩm văn học Châu Âu sang điện ảnh gây được tiếng vang. Trong đó, có thể kể đến bộ phim L’Amant (1992) chuyển thể từ tiểu thuyết của Marguerite Duras. Duras không chỉ viết tiểu thuyết mà bà còn thử sức với rất nhiều thể loại khác như sân khấu, điện ảnh. Bộ phim truyền hình Người tình được sản xuất bởi Claude Berri và đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã giành được giải thưởng Golden Reel năm 1993 cho âm thanh xuất sắc nhất và Giải thưởng César năm 1993 cho nhạc hay nhất. Bộ phim thành công cả trong phòng vé và được đón nhận bởi cả khán giả và giới phê bình. Bộ phim tái hiện hình ảnh của Duras khi đã về già ngồi ở bàn làm việc, nhớ lại quãng đời tuổi trẻ. “Bộ phim đã chạm tới những ý nghĩa mở rộng về mặt cảm xúc, vốn chỉ tồn tại trong xã hội không tưởng, trong đầu của người xem hơn là ở trong chính bộ phim. Nếu không có sự liên quan này, hình ảnh và từ ngữ sẽ tan rã, giống như phần văn bản của Duras, với những thay đổi tâm trạng đột ngột (28).

Năm 2010, bộ phim Les faux-monnayeurs của đạo diễn Benoît Jacquot chuyển thể từ tác phẩm của André Gide. Ngoài ra, có thể kể đến bộ phim truyền hình lãng mạn Anh Jane Eyre của đạo diễn chuyển thể từ tiểu thuyết của Charlotte Brontë. Bộ phim được phát hành vào ngày 11-3-2011 tại Hoa Kỳ và ngày 9 - 9 ở Anh và Ireland.

Năm 2012, phim ca nhạc Les Misérables chuyển thể từ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo trở thành một hiện tượng. Bộ tiểu thuyết hơn 2000 trang được chuyển thể thành bộ phim kéo dài 157 phút. Đạo diễn Tom Hooper đã thu trực tiếp lời hát của diễn viên ngay trong quá trình diễn xuất. Luôn có một dàn nhạc đồng hành cùng tất cả các phân cảnh của bộ phim. Có rất nhiều thay đổi về kết cấu và chi tiết trong phiên bản điện ảnh so với tiểu thuyết. Hình ảnh mở đầu (khác với hình ảnh đức cha Myriel trong tiểu thuyết): Jean Valjean đứng một mình trên đỉnh núi, trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt của gió và tuyết. Máy quay đặc tả thân hình tiều tụy, khuôn mặt nhem nhuốc khắc khổ và môi khô nứt nẻ của Jean Valjean. Con người trở lại với cuộc sống tự do sau 19 năm sống trong tù ngục. Con người bơ vơ, nhỏ bé trước thiên nhiên rợn ngợp xung quanh. Cảnh Jean Valjean ăn trộm bộ đồ ăn bằng bạc của giám mục Myriel không tái hiện tỉ mỉ như trong tiểu thuyết, mà chỉ gồm 30 giây. Cả tuổi thơ dữ dội của Cosette được thể hiện thông qua hình ảnh Cosette quét nhà và hát kể về cuộc đời mình. Nỗi lòng quặn thắt bất lực vừa cô đơn, vừa thống khổ của người mẹ đã được thể hiện qua khuôn mặt hốc hác, mong manh như một sinh thể yếu đuối, cuộc đời xô dạt. Đạo diễn đã để Fantine bên cạnh Jean Valjean trong giai đoạn ngắn ngủi khi cô lâm bệnh nặng và qua đời, lựa chọn một số dấu mốc quyết định đến số phận của nhân vật, tạo nên những phân cảnh cô đúc. Bên cạnh đó, trong tiểu thuyết: Marius đã thuyết phục Cosette tránh xa Jean Valjean sau khi biết về cuộc đời của Valjean, còn trong phiên bản điện ảnh, Marius cùng Jean Valjean thống nhất giấu Cosette câu chuyện cuộc đời người cha của cô. Một thay đổi khác trong phiên bản điện ảnh: người đưa thư cho Marius và Cosette không phải là Gavroche như trong tiểu thuyết, mà đó là Éponine. Đạo diễn tạo nên sự khác biệt khi miêu tả mối tình đơn phương tuyệt vọng của Éponine. Những phân cảnh được kết hợp giữa tiểu thuyết, nhạc kịch, có những cảnh tự nhiên và nhân tạo. Cũng như được miêu tả trong tiểu thuyết, kỹ thuật sử dụng màu sắc đối lập: ánh sáng và bóng tối tạo ấn tượng về số phận con người. Nhà thiết kế Paco Delgado đã hoàn thành công việc của mình, mang tới cho bộ phim giải thưởng Phục trang và hóa trang xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar 2013. So sánh với phiên bản phim Les Misérables (1958), bộ phim ca nhạc năm 2012 của đạo diễn Tom Hooper có nhiều khác biệt. Năm 1958, phim Les Misérables của đạo diễn Jean-Paul Le Chanois được quay ở Đông Đức. Trong phim này, Jean-Paul Le Chanois đã thay đổi tuổi tác các nhân vật. Cặp nhân vật Javert và Jean Valjean được miêu tả khác xa nhau về tuổi tác chứ không gần tuổi nhau như trong tiểu thuyết. Vì thế, việc truy đuổi của Javert với Jean Valjean không diễn ra liên tục, mà có những trường đoạn Javert là một cậu bé và được nghe nói tới một người tù nhân là Jean Valjean. Đây được coi là một trong những bộ phim ăn khách nhất với khán giả ở nước Pháp thời hậu chiến.

Có thể nói, tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo và những phiên bản phim chuyển thể là một trường hợp tiêu biểu để xem xét về vấn đề hiện diện của văn học kinh điển châu Âu trong điện ảnh. Những thay đổi về cấu trúc, nhân vật; những thay đổi về ngôn ngữ, nghệ thuật đã thể hiện sự đa dạng trong tiếp nhận một tác phẩm văn học từ góc nhìn điện ảnh. Vậy là một tiểu thuyết kinh điển của văn học lãng mạn Pháp TK XIX đã không ngừng được tái sinh và sáng tạo qua thời gian và không gian, luôn được cấp thêm những lớp nghĩa mới, luôn mang đến những cảm xúc mới.

Khối lượng tác phẩm kinh điển đồ sộ văn học Châu Âu đã trở thành nguồn tư liệu dồi dào để các nhà đạo diễn lựa chọn chuyển thể lên màn ảnh. Trong quá trình chuyển thể từ tác phẩm văn học sang phiên bản điện ảnh đã diễn ra những biến đổi về cấu trúc và nội dung tác phẩm, về nghệ thuật phản ánh. Trong kho tàng văn học Châu Âu, đã có những tác phẩm kinh điển được chuyển thể nhiều lần ở các thời điểm khác nhau, thậm chí ở các nền điện ảnh khác nhau. Từ đó, các giá trị kinh điển được đại chúng hóa. Thông qua tiến trình phát triển của điện ảnh, có thể thấy mảng tác phẩm văn học châu Âu có tính hấp dẫn lớn đối với điện ảnh, thu hút sự quan tâm của các đạo diễn, mà trong giới hạn của mình, chúng tôi cố gắng đưa ra những hình dung ban đầu.

______________

23. Tuyển tập kịch Sêchxpia, Nxb Sân khấu, 1995, tr.489, 493.

24, 25, 26, 27. Timothy Corrigan, Điện ảnh và văn học, Nxb Thế giới, 2013, tr.95, 223, 80, 399, 333.

28. Victor Hugo, Những người khốn khổ, tập 1, Nxb Văn học, 2015, tr.206.

Tác giả: Nguyễn Thùy Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;