Chúng tôi là cư dân miền duyên hải miền Trung ngày đêm nghe sóng biển vỗ rì rào nhưng khi có dịp đến Kon Tum vào những ngày cuối hè, ấn tượng đầu tiên với tôi là vào những buổi chiều về, những cụm mây trắng bồng bềnh bay lang thang về nơi vô định trên nền trời rất xanh thẳm, khiến tâm hồn lữ khách chúng tôi bâng khuâng, xao xuyến.
Phụ nữ BahNar biểu diễn đánh trống gần cầu treo Kon klor
Nơi đây cũng có những điểm du lịch cực hấp dẫn mê hoặc du khách như Măng Đen, Nhà thờ Gỗ, Đức mẹ Măng Đen, những ngôi làng của đồng bào cùng nền văn hóa, ẩm thực phong phú. Đặc biệt, du khách đến Kon Tum không thể bỏ qua qua cơ hội được đi bộ thư giãn trên chiếc cầu dây văng Kon Klor to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên nhưng vẫn giữ vẻ đẹp mộc mạc, giản đơn như chính tâm hồn của những người dân phố núi.
Nối đôi bờ và treo mình trên giữa dòng Đắk Bla cuồn cuộn, cầu Kon Klor thuộc địa phận của làng Kon Klor (thành phố Kon Tum). Cầu treo Kon Klor là một trong những cầu treo lớn nhất Tây Nguyên với tải trọng 10 tấn, bắc ngang dòng sông Đắk Bla chảy ngược từ Đông sang Tây. Cầu treo Kon Klor (Kon Klor: tiếng BahNar là cây Gòn Gai) nối thành phố Kon Tum và xã Đắk Rơ Wa ở cuối đường Bắc Cạn.
Theo thông tin ghi trên tấm bảng tên cầu dựng ở đầu cầu cho hay, cầu Kon Klor được khởi công ngày 3-2-1993 và hoàn thành vào ngày 19-5-1994, có chiều dài 292m, rộng 4,5m, được xây dựng kết cầu hoàn toàn bằng sắt, sơn màu vàng cam. Thiết kế cây cầu dựa trên dáng của chiếc đàn T’rưng, loại đàn truyền thống bằng ống tre nứa của dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đất Tây Nguyên.
Thiếu nữ BahNar địu con
Các bậc cao niên trú làng BahNar - Kon Klor cho hay, trước khi có cầu treo Kon Klor, cư dân muốn di chuyển qua lại sông Đắk Bla thường phải chèo thuyền, tuy nhiên câu cầu xuất hiện đã mang lại cho vùng đất này sự phát triển mới, việc giao thương và di chuyển trở nên thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn. Nằm giữa một vùng tươi xanh mơn mởn của những rẫy chuối, rặng tre hai bên bờ Đắk Bla, cầu treo Kon Klor Kon Tum lại càng trở nên nổi bật và ấn tượng, nhất là vào những ngày hè nắng gắt, cây cầu treo càng thêm phần đẹp nhất chính là lúc chiều tà hay khi hoàng hôn buông xuống.
Dạo bước trên cầu treo Kon Klor, bạn sẽ được tận hưởng những trải nghiệm và cảm xúc hiếm vùng đất này có thể mang lại được. Đầu tiên, chính là trải nghiệm ngắm nhìn khung cảnh đẹp mộc mạc của cây cầu treo vùng cao nguyên đất đỏ. Chiều về, cảnh sắc ven hai bờ sông với những rẫy ngô, đồi cao su bạt ngàn dưới ánh nắng chiều tà tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ khiến bạn lưu luyến mãi không rời. Thật là: “Non phơi khói biếc, cầu xây bóng vàng”.
Được dạo bước trên cây cầu, ngắm nhìn dòng xe, người qua lại hay đơn giản là tận hưởng từng khoảnh khắc, sự bình yên, mát mẽ theo mỗi bước chân “bồng bềnh” trên cầu cũng là một trải nghiệm đầy xúc cảm. Đặc biệt, nhìn những chiếc xe bò thô sơ do “đôi bò” kéo lăn bánh trên cầu treo Kon klor chở theo đôi bạn cưới và một số người hâm mộ đang vui cười hớn hở với tóc dài bay theo gió là một nét riêng độc đáo nơi đây thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, tìm hiểu, check in…
Ngoài thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cầu đẹp nhất Tây Nguyên, bạn có thể ghé thăm ngôi làng làng dân tộc BahNar - Kon Klor. Đó là ngôi làng này vẫn còn giữ được những nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo của người Bahnar. Bạn có thể khám phá cuộc sống của đồng bào, cùng trò chuyện và trải nghiệm rượu cần của “xứ núi mờ sương”.
Ngoài ra, sau khi tham quan cầu, bạn cũng có thể đến với làng Kon K’Tu (xã Đắk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) tham gia những buổi sinh hoạt văn nghệ độc đáo, ngồi nghe già làng kể Khan bên bếp lửa bập bùng và ngủ lại trong những ngôi nhà rông truyền thống của đồng bào là một trãi nghiệm khó quên.
Xe bò chở du khách
TIÊN SA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024