Đặc sắc lễ cầu mưa đầu năm của người Chăm Bình Thuận

Dân gian Chăm có câu ngụ ngôn: “Tacah yawa grâm bilan sa” (Khi nghe tiếng sấm Đông Tây, người Chăm hẳn biết là ngày đầu năm). Vào mỗi dịp đầu năm, tháng 1 Chăm lịch, nhằm vào khoảng tháng 3 dương lịch, làng palei hoặc gia đình tộc họ người Chăm khắp Bình Thuận lại rộn ràng tổ chức lễ hội cầu mưa (Rija nâgar) - một trong những loại hình lễ múa trong hệ thống lễ Rija còn lưu giữ từ truyền thống ngàn xưa của người Chăm đến nay. Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, các nghệ nhân tỉnh Bình Thuận đã trình diễn, giới thiệu tới du khách và người dân Bình Định lễ hội cầu mưa đầu năm của người Chăm với những nghi lễ, điệu múa đặc sắc và độc đáo.

Sư cả vỗ là người điều hành lễ hội cầu mưa

Đi vào hành lễ, Sư cả vỗ là người điều hành lễ hội cầu mưa, bắt đầu vỗ trống Baranâng và cất giọng hát bài tụng ca huyền diệu, mời nữ thần xứ sở Po Inâgar đến chứng giám và hưởng mâm cỗ lễ vật. Cùng với thày múa lễ Kaing xòe chiếc quạt đỏ trước ngực, ngồi chính diện bàn tổ đọc lời khấn nguyện thần linh. Tất cả dân làng đều chắp tay trên đầu hướng về bàn tổ cùng nhau khấn nguyện, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người mạnh khỏe, làng palei yên vui. Tiếp nối là lễ khấn nguyện gồm 7 điệu múa truyền thống:

Điệu múa chậm Po Inâ: Sau khi đọc xong lời khấn, thày múa lễ Kaing đứng dậy trước bàn tổ, chỉnh sửa trang phục trong điệu múa chậm Po Inâ nhịp nhàng, khoan thai, theo điệu trống Ginăng do ban nhạc hòa âm, để hiến dâng lên tổ mẫu Po Inâ nâgar.

Điệu múa uyển chuyển Po Dara: Thày Kaing quay về bàn tổ xòe quạt khấn vái 3 lần rồi tiếp tục múa giai điệu Po Dara thướt tha uyển chuyển để mời nữ thần Po Dara con của Po Inâ đến cùng chung vui bên mâm cỗ và ban phước lành cho thần dân.

Đôi thanh niên nam nữ múa phồn thực là người được dân làng chọn để bưng 2 chiếc bè lập đàn khấn nguyện trước bàn tổ

Điệu múa chắc nhịp Katung: Kết thúc điệu múa Po Dara, thày Kaing ngồi xuống bàn tổ tiếp tục đọc lời khấn nguyện trên nền trống Baranâng của Sư cả vỗ, hòa với bài hát thánh ca mời vị thần Po Bal Mâh, với điệu trống Katung trong bước chân chắc nhịp qua điệu múa của thày Kaing, thể hiện sự quyết tâm của dân làng sẽ vượt qua những điều xấu xa, rủi ro của năm cũ.

Điệu múa hùng hồn Kapơ-jawa: Thày Kaing trở về bàn tổ, tiếp tục xòe chiếc quạt hồng khấn nguyện và nhập thần khi nghe điệu trống Kapơ thôi thúc sôi động bằng điệu múa nhanh dần để tạo ra dũng khí. Lúc này tất cả làng đều khấn nguyện, thày phụ việc vội lấy 3 cây nến lửa đưa cho Kaing nhập thần, rồi đưa vào miệng 3 lần và ngậm tắt lửa nến. Tiếp đó, thày phụ việc lấy đôi kiếm lễ hun khói trầm 3 vòng rồi đưa cho Kaing. Nhận được đôi kiếm lễ, Kaing nhập đồng múa xung trận trong điệu trống jawa. Kaing nhập thần nhảy vào đạp tắt ngọn lửa hồng đang cháy bùng, tất cả dân làng đều vỗ tay hò reo mừng vui, với ý niệm đã xua tan đi cái nắng nóng của mùa khô hạn, cũng như những tai ương rủi ro của năm cũ, đón nhận những may mắn trong đầu năm mới.

Sau khi khấn nguyện xong, đôi nam nữ bưng 2 chiếc bè được đặt trên mâm cao tiến về phía trước rạp lễ đặt xuống 2 bên

Điệu múa phồn thực: Bày tỏ niềm vui Kaing nhập thần đã đạp tắt ngọn lửa hồng đang cháy bùng, đôi nam nữ thanh niên được dân làng tiến cử cùng nhau bước lên bàn tổ khấn nguyện để xin hiến dâng điệu múa phồn thực theo lễ tục. Hòa cùng niềm vui chung của các đôi nam nữ, dân làng rủ nhau tiến ra trước rạp lễ và múa động tác âm dương giao hòa trong tiếng vui đùa rộn ràng của dân làng “hay à hay”, cầu mong cho sự giao hòa của âm dương đất trời, vạn vật sinh sôi này nở.

Điệu múa múa Po Tang Ahaok: Sau điệu múa phồn thực, Kaing trở lại bàn tổ khấn nguyện trong điệu hát lễ ca ngợi Po Tang Ahaok của Sư cả vỗ, kể về sự tích hào hùng của Po Tang Ahaok đã chèo thuyền vượt qua sóng biển trùng dương lúc gặp thiên tai bão táp. Thày múa lễ Kaing tái hiện hình ảnh của Po Tang Ahaok cùng với đoàn thuyền tay cầm cây mía thay cho mái chèo trong điệu múa Po Riyak nhịp nhàng nhưng vững chắc tay chèo, cùng nhau vượt qua sóng biển muôn trùng, thoát khỏi tai ương hoạn nạn. Trở về trong sự bình yên, Po Tang Ahaok mừng yến tiệc thiết đãi các chàng trai trong đoàn thuyền bằng bầu rượu nhiệm màu. Chính hình ảnh quyết tâm vượt qua tai ương sóng gió của đoàn thuyền ngày xưa, đã trở thành lễ tục trong nghi thức lễ hội đầu năm của người Chăm đến bây giờ.

Lễ vật trên 2 chiếc bè là hình nhân được nắn từ bột gạo, tiêu biểu cho 12 con giáp cùng một số lễ vật

Nghi thức múa thả bè: Sau cùng là nghi thức múa thả bè hay còn gọi là múa Tống ôn. Đôi thanh niên nam nữ múa phồn thực, là người được dân làng chọn để bưng 2 chiếc bè lập đàn khấn nguyện trước bàn tổ. Lễ vật trên 2 chiếc bè là hình nhân được nắn từ bột gạo, tiêu biểu cho 12 con giáp cùng một số lễ vật. Khấn nguyện xong, đôi nam nữ bưng 2 chiếc bè được đặt trên mâm cao tiến về phía trước rạp lễ đặt xuống 2 bên. Kaing tay phải cầm nắm gạo nổ vãi đều trong điệu múa Jalitai uyển chuyển, tiến lên rải gạo trên 2 chiếc bè (người Chăm gọi là salih). Sau điệu múa Jalitai lả lướt như sóng nước êm đềm, Kaing lại cầm đôi kiếm nhập thần khua tay múa võ, đi xoay quanh 2 chiếc bè một vòng trong điệu trống jawa thôi thúc, cùng với nhịp múa mừng vui rộn ràng của dân làng. Cuối cùng, thày múa lễ Kaing nhập lại đôi kiếm chỉ lên trời khấn nguyện, rồi dẫn đường cho đôi nam nữ bưng 2 mâm cao salih cùng tất cả dân làng tống đưa 2 chiếc bè xuống sông thả trôi đi những điều xấu xa, xui xẻo còn rơi rớt lại của năm cũ, cầu mong thượng đế ban phước lành cho dân làng được bình yên, sung túc trong niềm vui hạnh phúc của từng gia đình và cả làng palei trong năm mới.

Với quan niệm mọi biến chuyển của vũ trụ đều do Phật trời, thần linh hoặc ma quỷ điều khiển, con người muốn đạt được sở nguyện thì phải cầu nguyện, cúng khấn để được thần linh trợ giúp, lễ hội cầu mưa đầu năm của người Chăm Bình Thuận mang bản sắc riêng, khơi dậy tiềm thức tín ngưỡng tâm linh của mỗi người vào dịp đầu năm mới. Đến nay, lễ hội này vẫn được người Chăm, các làng palei duy trì. Lễ hội diễn ra vào thời khắc giao mùa của đất trời, đây không chỉ là lễ cầu mưa đơn thuần mà còn là dịp cộng đồng người Chăm cùng nhau cúng lễ, mang ý nghĩa xua tan thời tiết nắng nóng của mùa khô hạn và tống khứ những điều xấu xa, ô uế còn sót lại của năm cũ, bước sang năm mới cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng palei yên vui, âm dương giao hòa, nhân sinh vật thịnh.

LIÊN HƯƠNG - Ảnh: TUẤN MINH

;