“Hương vị cuội nguồn” trong ẩm thực của đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam

Tọa lạc trên dải đất miền Trung đầy nắng và gió, lưng tựa núi, mặt hướng biển, vì vậy ẩm thực địa phương nơi đây gắn liền với sự dân dã, bình dân đậm chất thôn quê, phong phú và đa dạng. Trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định, với chủ đề “Hương vị cuội nguồn” tỉnh Quảng Nam đã mang đến những món ăn trong bữa cơm hằng ngày, gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa bao đời của dân tộc Cơ Tu.

Quảng Nam là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống, nên có nhiều văn hóa ẩm thực đặc sắc, lại được tiếp thu những yếu tố ngoài địa phương đã tạo nên một nền ẩm thực phong phú. Người đồng bào tích lũy nhiều tri thức bản địa quý báu về trồng trọt, chăn nuôi khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên, biết bảo quản, chế biến những món ăn, thức uống để sử dụng trong gia đình và cộng đồng của họ đã tạo nên bản sắc văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Các món ăn của đồng bào Cơ Tu được giới thiệu đến Ban Giám khảo và du khách

Đó là món cơm Lam và bánh Sừng trâu, đây là hai món truyền thống của người Cơ Tu huyện Nam Giang, được sử dụng trong các ngày lễ lớn ở địa phương. Hai món ăn dân giã này dễ làm, vì nguyên vật liệu có sẵn trên núi rừng là ống nứa và lá dong, gạo nếp của đồng bào tự trồng, có thể chế biến mọi nơi, mọi lúc, và đặc biệt có thể để lâu từ 2 đến 3 ngày mà không bị hư hỏng.

Tiếp theo là món Zà Rá, là món ăn thường dùng hằng ngày của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Nguồn gốc của món ăn này xuất phát từ sự khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn cho gia đình đông con. Khi đi rừng tìm được một ít thịt và rau rừng, gia vị, bố mẹ đã nghĩ ra cách muốn chia đều cho các con thì phải bỏ thịt với các loại rau và gia vị vào ống lồ ô, cho lên bếp nướng, sau đó thọc nhuyễn để làm thức ăn hằng ngày cho cả gia đình. Món Zà Rá được chế biến từ cà, thịt khô, sa nhân và ớt trắng.

Món cá niên, là loại cá thơm ngon nhất sống ở các khe suối, khu vực có nước chảy mạnh và có nhiều mỏm đá, được người dân đánh bắt thủ công bằng chài hoặc lưới. Đây là cá được nướng trên than hồng, là đặc sản thường dùng trong các ngày lễ hội của người Cơ Tu huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Kiến đỏ là món ăn đặc sản của người Cơ Tu bởi nó hiếm và khó tìm kiếm. Kiến đỏ là loài kiến không có độc, vị chua, nhiều dinh dưỡng như vitamin C, đạm… Kiến được bắt bằng cách đốt lửa tổ kiến để lấy toàn bộ kiến non ở bên trong. Sau đó, kiến non được rửa sạch, đùm vào lá chuối nướng trên than hồng. Món ăn có các gia vị là ớt trắng và hà điêu. Hà điêu được người dân trồng trên rẫy có cùng với họ kiệu (củ kiệu) của người Kinh, nhưng có hương vị đặc trưng riêng, rất thơm, phù hợp với thịt kiến.

Thịt bò khô sấy giàn bếp, đây là món ăn thông dụng và cũng là cách dự trữ thức ăn của dân tộc Cơ Tu. Khi trong nhà có thịt mà chưa ăn hết, họ nghĩ ra cách treo trên giàn bếp đến khô, phòng trường hợp vào mùa mưa khi không ra ngoài săn bắt được thì vẫn có thịt để ăn. Khi sử dụng, thịt khô được nướng lại bằng than hồng. Món ăn này chấm với muối tiêu rừng có hương vị rất ngon và hấp dẫn…

Đi kèm các món ăn, là rượu tà vạt, rượu cần được người Cơ Tu sử dụng thường xuyên trong đời sống. Để làm rượu tà vạt, người dân sẽ chọn cây tà vạt to khỏe (người Kinh gọi cây tà vạt là cây đoát hay dừa núi). Khi buồng trái đầu tiên cho trái to bằng đầu ngón tay, người làm rượu bắt đầu dùng thân cây ráy, quấn vải xung quanh, đập nhẹ lên cọng buồng của cây tà vạt. Đồ uống này không có các chất nhân tạo nào khác, cũng không qua qua trình chế biến, vừa bổ dưỡng, vừa rẻ tiền, ít độc hại cho sức khỏe nên được đồng bào ưa chuộng.

Rượu cần được làm từ nếp và được lên men bằng loại men truyền thống của người Cơ Tu, loại men này được làm từ các loại cỏ cây trong rừng theo một công thức đặc biệt. Sau khi ủ được 15 ngày thì rượu có thể mang ra dùng. Do được làm từ sản phẩm men truyền thống nên tính an toàn rất cao, và được người Cơ Tu sử dụng vào các dịp lễ hội lớn trong làng.

Những món ẩm thực trên đây tuy có món ăn dân dã gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày, có món là đặc sản phục vụ các ngày lễ lớn của đồng bào dân tộc, nhưng tựu chung đều mang bản sắc truyền thống ẩm thực đặc trưng riêng của đồng bào Cơ Tu huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;