Độc đáo lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong

Đến với Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm nay, các nghệ nhân của tỉnh Quảng Bình đã trình diễn và giới thiệu với du khách Lễ hội đập trống của người Ma Coong, đây là lễ hội lớn và quan trọng nhất của dân tộc ít người này. Qua phần trình diễn của các nghệ nhân, Lễ hội độc đáo này đã thu hút đông đảo du khách, người xem.

Theo truyền thuyết, trước đây với lối sống du canh, du cư, nay đây mai đó, và cả hiện nay dù sống ở khắp mọi nơi nhưng người Ma Coong luôn xem bản Cà Ròong là cuội nguồn của tộc người mình ở trên đất Việt. Hằng năm họ trở về vùng đất thiêng để được sống trong không khí lễ hội đập trống của người Ma Coong.

Trống được làm từ nguyên liệu gỗ và da trâu, tang trống của người Ma Coong được làm từ cây “chi cúp”, còn mặt trống được làm từ da một con trâu to

Cũng theo truyền thuyết, ngày xưa vùng đất người Ma Coong sinh sống luôn bị lũ khỉ hoành hành. Người Ma Coong rất lo lắng, ban đầu họ đã tìm hết mọi cách nhưng không sao ngăn chặn được và họ nghĩ ra cách dùng tiếng trống để dọa lũ khỉ, khi trống được đánh lên thì thật kỳ diệu, không còn thấy bóng dáng lũ khỉ nữa, nên từ đó năm nào cũng được mùa, đời sống bà con nhờ vậy mà ngày càng sung túc.

Để tưởng nhớ công lao của tổ tiên và để cầu cho trong năm mưa thuận, gió hòa, hằng năm vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, người Ma Coong đều tổ chức cúng tế, và sau này đã trở thành lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong. Khi tổ chức lễ hội là lúc trai gái các bản có dịp gặp nhau… Người Ma Coong quan niệm rằng, nếu năm nào đập được trống vỡ thì năm đó sẽ được mùa to (trống vỡ nhưng không được lấy cây nhọn đâm cho thủng mà phải lấy những thân cây mây làm dùi trống để đập).

Xưa kia, khi chưa có lịch như bây giờ, người Ma Coong dùng một đoạn dây mềm để thắt nút, một nút tượng trưng cho một ngày, một tháng có 30 nút, đồng thời nhìn trăng để điều chỉnh lịch cho khớp với các ngày trong tháng, cách tính lịch tổ chức lễ hội do người đứng đầu ban chủ lễ đảm trách.

Trước khi lễ hội được tổ chức, các già làng sẽ thông báo đến từng thành viên của cộng đồng về mức đóng góp vật chất. Từ tháng 4 âm lịch, sau vụ lúa xuân, đồng bào bắt đầu đóng góp gạo nếp, gà trống. Các bản làng đều phải chuẩn bị đầy đủ và dâng đồ lễ tế như gạo nếp, gà trống, đọt cây mây, cây đoác, rượu hiêng và phải chuẩn bị một thứ rất quan trọng, không thể thiếu đó là trống.

Già làng làm lễ cúng trước khi vào phần hội

Trống được làm từ nguyên liệu gỗ và da trâu, tang trống của người Ma Coong được làm từ cây “chi cúp”, còn mặt trống được làm từ da một con trâu to, chiều 15 tháng giêng bắt đầu xẻ thịt trâu để lấy da bịt trống. Người Ma Coong chọn tấm da đẹp nhất đem xông lên bếp và đến lễ hội thì đem ra bịt mặt trống.

Người Ma Coong bịt trống theo cách riêng, họ dùng sợi roi mây rừng xây chéo với nhau, rồi lấy những nêm tre nêm chặt lại, kéo cho mặt trống có hình thù kỳ quặc như một quả cầu gai. “Quả cầu gai” này là hiện thân của tâm linh, của tiếng nói thần kỳ, như tiếng của người Ma Coong giữa rừng xanh đại ngàn không bị khuất phục bởi gió, mưa, thú rừng hoang dã…

Trước khi diễn ra lễ hội đập trống, người Ma Coong có lễ “thả lưới” trên một khúc suối Cấm để bắt cá phục vụ cho việc tế lễ.

Khi chiều về, những bước chân của nam, nữ thanh niên, của đàn ông, đàn bà trong xã đổ về bản Cà Ròong, nơi diễn ra lễ hội. Vào những ngày này, ai cũng đều náo nức đi hội, đây là dịp làm quen, hò hẹn, tìm người bạn tình, rồi sau đó kết duyên thành vợ chồng. Không chỉ có người Ma Coong mà các tộc người khác như Trì, A-rem cũng náo nức đến chung vui. Đồng bào ở các bản xa xôi như Aky, Cồn Roày, Cờ Đỏ và cả đồng bào Ma Coong nước bạn Lào cũng đến tham gia lễ hội. Đồng bào phải đi từ rất sớm, cũng có người đi từ ngày hôm trước để kịp tham gia lễ hội.

Nghi thức của Lễ hội đập trống diễn ra theo quy định của dân bản rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bản trao quyền cho người Già bản già nhất, tức là người tìm ra miền đất đang ở (trước đây người dân tộc này di trú 3 năm 1 lần do vị Già bản đi tìm đất đẹp và yên ổn, thuận lợi). Theo nghi thức, Lễ hội đập trống được tiến hành theo phần Lễ và phần Hội.

Già làng đến trước chiếc trống, cầm đoạn gốc của cây mây đập mạnh vào mặt trống một hồi dài

Phần lễ, vào khoảng vào lúc 17 giờ ngày 16 tháng Giêng, dưới ánh trăng rằm của tháng đầu năm, trong sự thiêng liêng sâu thẳm của núi rừng, Già làng thắp sáng những cây nến làm bằng sáp ong, bên mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo… và lầm rầm khấn: “Mời Giàng và con ma mót về ăn xôi, uống rượu hiêng chứng kiến lễ hội, phù hộ cho người Ma Coong có cuộc sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu…

Sau khi kết thúc phần lễ, chủ đất tuyên bố chuyển sang phần hội và cũng là phần rất quan trọng trong lễ hội. Già làng đến trước chiếc trống đặt trang nghiêm trước đài thờ, cầm đoạn gốc của cây mây đập mạnh vào mặt trống một hồi dài, sau đó lần lượt từ già làng, trưởng bản đến mọi người dân thay nhau vào đập trống. Tiếng trống vang lên, từng nhịp trống dồn dập vang xa, vọng vào từng vách núi, phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng. Tiếng trống và rượu cần như tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia đêm lễ hội. Dưới ánh trăng, dân bản xa, bản gần ai ai cũng tham gia lễ đập trống, từng tốp người cầm tay nhau nhảy múa, thay nhau trổ tài đập trống. Vừa đập trống, họ vừa hô lớn “Roa lữ giàng ơi” (sướng quá, vui quá trời ơi). Tiếng trống càng về đêm càng thôi thúc, hòa lẫn trong tiếng reo hò của mọi người quanh ánh lửa bập bùng được đốt lên giữa bản Cà Ròong.

Khung cảnh náo nhiệt này chỉ kết thúc khi nào mặt trống vỡ, vì theo quan niệm của người Ma Coong, mặt trống được đập vỡ là thể hiện được sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ làng bản.

Lần lượt từ già làng, trưởng bản đến mọi người dân thay nhau vào đập trống

Khi trống thủng, lúc này, những ánh lửa đang bập bùng cũng bắt đầu tàn, trả lại màn đêm nguyên thủy cho núi rừng. Những đôi trai gái lâu nay đã có ý, có tình nhưng chưa một lần được đến với nhau, nay không hò hẹn đã tự tìm đến với nhau, cùng nắm tay nhau, dắt nhau đi vào rừng, ra bờ suối, để rồi tự là của nhau trong một đêm. Trước khi gà gáy sáng, họ rời nhau và chia tay, ai về nhà nấy, không bận bịu, không vướng mắc gì nhau, mỗi người lại theo cuộc sống riêng của mình, lại đi làm rẫy, phát nương, làm mùa và hẹn gặp lại vào lễ hội năm sau.

Trải qua nhiều biến đổi, lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn còn giữ nguyên những giá trị văn hóa, không phai mờ, mà ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu mong sự hài hòa âm dương trong cuộc sống.

NGỌC BÍCH, LIÊN HƯƠNG - Ảnh: TUẤN MINH

 

;