Rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc miền Trung

Trong khuôn khổ những hoạt động tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định năm 2023, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng của các dân tộc thiểu số ở 11 tỉnh thành đã giới thiệu tới các đại biểu cùng du khách, người dân tỉnh Bình Định những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, mang vẻ đẹp đặc trưng, độc đáo của mỗi dân tộc trong phần thi trình diễn trang phục dân tộc truyền thống. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền Trung Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào về các di sản văn hóa của mỗi dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDT) đánh giá: “Qua sự thể hiện của các nghệ nhân, diễn viên trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc: Chăm, Ba Na, Cơ Tu, Hrê, Raglai, Thái, Khơ mú…) như một bức tranh đa sắc màu đã tạo nên sự hấp dẫn, thu hút người dân và du khách. Các bộ trang phục được thể hiện từ kiểu dáng, họa tiết, sắc màu… đã minh chứng sự sáng tạo, sự tinh tế thông qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, từ các bà, các mẹ đã thêu dệt nên những chiếc áo, chiếc váy, chiếc quần, khăn quàng… gắn với đời sống thường ngày, gắn với các lễ hội, khi hát giao duyên, khi làm cô dâu, chú rể, khi tổ chức các nghi lễ”.

Trang phục lễ hội của người Hrê

Trang phục của người Hrê ở An Lão, mang hơi thở văn hóa cùng hòa quyện với thiên nhiên. Trang phục lễ hội truyền thống của người Hrê chính là sự kết tinh văn hóa trong môi trường tự nhiên, xã hội riêng biệt. Nó mang nét đẹp của sự hồn nhiên, thanh khiết như đất, nước, núi rừng. Thổ cẩm, trang phục truyền thống đã thành một phần tất yếu của đời sống cư dân, là một phần trong đời sống văn hóa của đồng bào Hrê nơi đây.

Trong lịch sử phát triển, trang phục người Hrê biến đổi theo thời gian. Bộ trang phục của người Hrê ngày nay đã trải qua nhiều thay đổi, tiếp thu, ảnh hưởng bên ngoài nên yếu tố cổ truyền, hiện đại đan xen nhau. Đặc biệt trong ngày cưới, yếu tố cổ truyền và hiện đại được đan xen vào nhau rõ hơn. Hình ảnh những cô dâu dịu dàng, đằm thắm trong bộ váy áo may cách tân với váy xẻ hai tầng cùng chàng rể khỏe khoắn, tự tin sánh bước bên người mình yêu trong trang phục cách tân, khoác bên ngoài là chiếc áo thổ cẩm truyền thống. Cùng với những vòng vàng, vòng bạc, kiềng, chuỗi hạt… tạo nên sự rạng rỡ đáng yêu cho mỗi cặp vợ chồng trẻ H’rê trong ngày cưới.

Trang phục của người Hrê mặc trong lễ cưới

Trang phục của mỗi dân tộc đều có những nét riêng, độc đáo, mang ý nghĩa gắn liền với dân tộc đó. Chẳng hạn như: với quần trắng, áo gôm, chàng trai Chăm hiện lên nét lịch lãm, mạnh mẽ. Chiếc quần trắng là chiếc quần dài, đi liền với áo gôm có hai màu chủ đạo đỏ và đen, tạo nên sự nổi bật riêng biệt của các chàng trai Chăm Hroi. Đi kèm với trang phục là những dụng cụ, nhạc cụ trong sinh hoạt đời thường cũng như trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Chăm H’roi. Chiếc áo gôm của các chàng trai Chăm được dệt với những hoa văn đẹp mắt, cách phối màu tinh tế, nổi bật hơn khi kết hợp với chiếc quần màu trắng, bước đi khoan thai trong tiếng cồng vui tai. Trang phục của các chàng trai còn thêm dây cột đầu màu đỏ, cũng là một trong những phụ kiện làm cho bộ trang phục đẹp và sinh động hơn.

Trang phục truyền thống của người Chăm H’Roi

Các cô gái với áo bà ba màu trắng, tay dài, cổ kiềng, quấn khăn đen, điểm xuyến những hạt cườm long lanh hay những đồng tiền xu cổ xưa, tượng trưng cho sự trù phú giàu có theo quan niệm của người con Chăm Hroi. Người con gái Chăm đội tỉ mẫn trên đầu để sao cho phần giữa đầu có một hình chóp nhọn, tượng trưng cho sự hiển linh của đất trời, vũ trụ, sự biết ơn nguồn gốc của mình, biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ mình. Cô dâu Chăm Hroi đội thêm chiếc khăn voan màu đỏ, tượng trưng cho sự tươi mới, duyên dáng trước khi về ra mắt gia đình nhà chồng.

Trang phục truyền thống của người Bana Kriêm gồm hai bộ phận hợp thành là trang phục như: tấm khố, áo, váy và trang sức bao gồm những bộ phận về trang trí, trang điểm của mỗi dân tộc. Hoa văn trên trạng phục của người Bana Kriêm rất phong phú, đa dạng, nhờ bàn tay thêu dệt khéo léo của chị em phụ nữ, thể hiện rõ nét tính thẩm mỹ, tài năng sáng tạo của người phụ nữ Bana Kriêm.

Trang phục truyền thống của người Bana

Đàn ông người Bana thường mặc áo ló ngắn tay, chui đầu, cổ tim, bận tấm khố. Phần trang sức lại khá cầu kỳ. Ngoài những đồ như: cườm, kiêng, koong có ở người phụ nữ, đàn ông còn có thêm nhiều thứ khác gắn trên đầu như hai tấm khăn nhỏ màu đen, màu đỏ bịt chắc qua đầu, một cái túi gọi là ổ tơpu đặt ngay sau gáy. Trên ổ tơpu có dựng một tấm gương nhỏ, ba đuôi chim rừng có đuôi dài. Bổ sung thêm cho ổ tơpu và tấm gương sáng là những tua vải nhỏ, mỏng, đủ màu đen, đỏ, tím, vàng (gọi là glam), kéo dài từ gáy đến tận cổ chân. Tấm gương, ổ tơpu, đuôi chim, theo quan niệm người Bana cho rằng hiện vật, màu sắc, luôn phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của người Bana về vạn vật đất trời xung quanh ta đang sống.

Mỗi dân tộc lại lựa chọn những chất liệu riêng để tạo nên trang phục cho dân tộc mình. Như người Chăm Bình Thuận nói riêng và người Chăm cả nước nói chung chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình tôn giáo khác nhau. Tùy theo tín ngưỡng, giai cấp, lại có những nét riêng đặc trưng trong trang phục. Trang phục truyền thống của người Chăm rất phong phú, đa dạng từ chất liệu vải, màu sắc đến kiểu dáng và đường nét hoa văn đều tạo nên sắc thái riêng, khó lẫn với dân tộc khác. Chất liệu chính làm nên trang phục đều được lấy từ thiên nhiên như sợi bông hay sợi tơ tằm, mỏng, nhẹ, mát, phù hợp với khí hậu nắng nóng của vùng Nam Trung Bộ.

Nghệ nhân Ra Pát Thị Ngài, dân tộc Tà ôi luôn cố gắng gìn giữ nghề dệt Dèng truyền thống

Các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đồng bào dân tộc tham gia trình diễn giới thiệu trang phục của mình, với sự tự tin đã tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, hấp dẫn riêng, tạo nên lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tại lễ bế mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định, BTC đã trao giải A cho 4 đơn vị trong phần thi trang phục truyền thống dân tộc (đoàn Bình Định, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Phú Yên), 4 đơn vị đạt giải B (đoàn Bình Thuận, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình), 3 đơn vị đạt giải C (đoàn Thanh Hóa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi). Hy vọng rằng, trang phục truyền thống của các dân tộc sẽ tiếp tục được gìn giữ và trao truyền đến các thế hệ nối tiếp.

LIÊN HƯƠNG - Ảnh: TUẤN MINH

;