Công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân (CAND) là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng, luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an quan tâm. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an đều nâng cao nhận thức về vai trò công tác dân vận, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tham gia bảo đảm an ninh, trật tự. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần quan tâm nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng CAND nhằm phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”; xây dựng, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân.

Công tác dân vận của lực lượng CAND là một trong những nội dung quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị, nghiệp vụ của lực lượng CAND; là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương và của cán bộ, chiến sĩ CAND nhằm góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trải qua 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, CAND dưới sự lãnh đạo của Đảng đã biết dựa vào dân, được nhân dân thương yêu đùm bọc, giúp đỡ để vượt qua bao khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần giữ vững sự ổn định, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời dựa vào dân để củng cố xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Thông qua hoạt động tuyên truyền, kết hợp các hình thức vận động quần chúng để phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác của quần chúng trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về “lấy dân làm gốc”, “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang” (1), Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, biện pháp lớn về công tác dân vận, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước; thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về vai trò, vị trí công tác dân vận, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân trong lực lượng CAND. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được công an các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, công dân được chỉ đạo sâu sát. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, thực hiện các quy định về quy chế dân chủ ở cơ sở và hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ trong CAND đạt hiệu quả tích cực. Trong những năm qua, Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo tăng cường lực lượng chiến đấu hướng về cơ sở, bám sát các địa bàn chiến lược, trọng điểm, phức tạp, củng cố lực lượng làm công tác dân vận; thành lập các tổ, đội công tác nắm chắc tình hình và vận động nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được cử xuống các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, vùng tôn giáo, dân tộc thiểu số như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền Trung... để phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, kỹ năng “Dân vận khéo” cho lực lượng chuyên trách, nòng cốt làm công tác dân vận, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân vận. “Công tác tuyên truyền và kết quả hoạt động xã hội, từ thiện, cứu nạn, cứu hộ góp phần xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa công an với nhân dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân” (2).

Mặc dù vậy, công tác dân vận của lực lượng CAND vẫn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể là: một số cấp ủy, thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận; lực lượng chuyên trách làm công tác dân vận ở các đơn vị, địa phương còn mỏng, thường xuyên thay đổi, chủ yếu là kiêm nhiệm nên các kỹ năng “Dân vận khéo” và giao tiếp ngôn ngữ dân tộc còn hạn chế. Một số ít cán bộ, chiến sĩ nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận nói chung, công tác dân vận của lực lượng CAND nói riêng. Một số cán bộ còn có tư tưởng nghiệp vụ hành chính đơn thuần; ngại khó, ngại khổ khi phải công tác ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, còn xa dân nên có lúc không nắm bắt được tình hình, không phát hiện những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, khi phát hiện có dấu hiệu phức tạp thì chủ quan hoặc né tránh, không báo cáo kịp thời và đề xuất những giải pháp tiến hành. Một số ít cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế về năng lực, trình độ, thiếu hiểu biết về đặc điểm văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào, còn có những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, sai phạm, làm mất lòng tin ở nhân dân, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Công an... Điều đó cản trở đến hiệu quả công tác vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.

Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cách mạng nước ta đòi hỏi Đảng phải khơi dậy và phát huy “sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân” (3). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1-2021) chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt dân chủ ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là một điểm mới, thể hiện bước phát triển trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng về công tác dân vận, mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng chủ trương “Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân”.

Để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận; tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng chỉ rõ: “tiếp tục hoàn thiện và thực thi đạo đức công vụ trong công tác dân vận, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang”. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”; rà soát bổ sung và thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận.

Những chủ trương, quan điểm về công tác dân vận của Đảng trên đây là cơ sở chính trị quan trọng để các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó có CAND phải tích cực tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhằm phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân, công tác dân vận của lực lượng CAND cần quan tâm một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là Kết luận số 43-KL/TW ngày 7-1-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22-1-2019 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 của Bộ Công an ngày 1-11-2016 về tăng cường công tác dân vận của lực lượng CAND trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác dân vận của lực lượng CAND; xây dựng các Thông tư quy định về dân chủ trong hoạt động của lực lượng CAND phù hợp với tình hình mới.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, phối hợp của lực lượng CAND với hệ thống chính trị các cấp về thực hiện công tác dân vận. Trên cơ sở các văn bản phối hợp đã được ký kết giữa Bộ Công an với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các ban, bộ, ngành, các cấp, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đẩy mạnh công tác vận động nhân dân xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tập trung xây dựng phong trào tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, địa bàn vùng giáo, vùng dân tộc, biên giới, khu công nghiệp, đô thị lớn. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, biện pháp giải quyết tình huống phức tạp, điểm nóng về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; biểu dương “người tốt, việc tốt” trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội; phát huy hiệu quả các hoạt động xã hội, từ thiện của lực lượng CAND.

Ba là, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong CAND. Đồng thời, thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND, bản lĩnh, nhân văn vì nhân dân phục vụ” và phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” gắn với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chú trọng gắn các phong trào thi đua với quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng và thực hiện phong cách CAND theo Sáu điều Bác Hồ dạy; trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, vô cảm với nhân dân.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến quy trình công tác, lề lối làm việc, đảm bảo mục tiêu 3 giảm (giảm thời gian, giảm thủ tục, giảm chi phí), nhất là trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt các quy định về dân chủ trong CAND và quy chế dân chủ ở cơ sở. Cùng với việc tổ chức hiệu quả diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là những đơn vị thường xuyên giải quyết các công việc cho tổ chức và công dân cần nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tiếp công dân, bố trí hòm thư góp ý, thông báo công khai số điện thoại trực ban, “đường dây nóng”, hộp thư điện tử, trang thư điện tử để lấy ý kiến của nhân dân về tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lối sống, tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an và những vấn đề khác liên quan đến công tác xây dựng lực lượng CAND.

Năm là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong CAND. Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15-3-2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận đảm bảo chức năng quản lý nhà nước, tham mưu và tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp về công tác dân vận; bảo đảm đủ về số lượng, có trình độ, năng lực, am hiểu địa bàn, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nhân dân. Ở những bộ phận nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, cần bố trí những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có kiến thức, khả năng làm công tác dân vận, chuyên môn giỏi, nắm vững pháp luật và tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách làm công tác dân vận ở công an các cấp và cán bộ làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan tâm đến chế độ, chính sách, phụ cấp, trang thiết bị làm việc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ bảy ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2013, tr.41.

2. Đảng ủy Công anTrung ương, Số 397-BC/ĐUCA, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong lực lượng CAND (2010-2020), Hà Nội, 26-6-2020, tr.10.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110.

TS NGÔ THỊ KHÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;